THÔNG TIN VỀ BÁNH TRÁNG TỪ RONG SỤN

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ NGUYÊN LIỆU RONG SỤN (Trang 29 - 31)

Với thành công trong việc thu nhận carrageenan từ nguồn rong sụn trồng ở bờ biển VN, thực phẩm chế biến từ loại rong này sẽ sớm góp mặt trên thị trường trong nước.

Rong sụn được trồng nhiều ở tỉnh Ninh Thuận và vài tỉnh lân cận, là một loại thực phẩm có nhiều khoáng chất vi lượng, axit amin, vitamin... Tuy nhiên, người dân hiện mới chỉ sử dụng một lượng nhỏ để chế biến thành các món ăn như gỏi, xà lách, nấu thạch đông ăn liền ở quy mô gia đình. Số lượng lớn còn lại được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg rong khô nhưng sau được chế biến thành bột carrageenan, lại nhập khẩu về với giá rất cao, khoảng 300.000 đồng/kg. Nhận thấy việc xuất khẩu rong sụn thô lãng phí lớn, PGS-TS Đống Thị Anh Đào, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm Khoa Kỹ thuật hóa học - Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đã tìm cách chế biến loại rong này thành thực phẩm có giá trị ở ngay trong nước.

Sau một thời gian nghiên cứu, PGS - TS Đống Thị Anh Đào đã thành công trong việc thu nhận carrageenan từ nguồn rong sụn trồng ở bờ biển VN. Với chi phí nghiên cứu trong nước, giá thành cho 1 kg carrageenan chỉ bằng 1/3 so với giá nhập ngoại. Không dừng lại ở đó, nhà khoa học này tiếp tục nghiên cứu cách chế biến rong sụn thành các loại thực phẩm phục vụ đời sống. Bánh tráng từ rong sụn đầu tiên đã ra đời.

Để tạo ra sản phẩm, PGS-TS Anh Đào đã khảo sát và xác định được các thông số thích hợp của công đoạn tẩy màu, tẩy mùi rong nguyên liệu bởi dung dịch H2O2 có nồng độ 1%, tỉ lệ rong: dung dịch H2O2 là 1:5. Rong sau khi đạt tiêu chuẩn về màu sắc và mùi vị yêu cầu, được đưa vào công đoạn trích ly carrageenan ở nhiệt độ 80ºC. Sau đó được định hình thành màng bánh tráng ở nhiệt độ 55ºC trong 22 giờ. Sản phẩm thu được là những miếng bánh tráng giàu polysaccharide, khoáng và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được dùng tương tự như bánh tráng thông thường trong các món cuốn như cuốn gỏi, cuốn bò bía... Bánh tráng có thể dưới dạng trơn như bánh tráng thông thường hoặc có thể được rắc thêm hành lá, hạt mè, tẩm gia vị lên bề mặt để tăng thêm hương vị.

Với những tính chất đặc biệt nói trên, nếu được đầu tư tạo thương hiệu, loại bánh tráng này rất có thể sẽ trở thành bánh tráng đặc sản của tỉnh Ninh Thuận.

Một phần của tài liệu TÌM HIỂU VỀ NGUYÊN LIỆU RONG SỤN (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(41 trang)
w