Trong một số trường hợp nhất định, Đô la hoá cũng có những tác động tích cực. Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải nhập khẩu rất nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ, hàng hóa tiêu dùng từ các nước khác, nhất là các nước phát triển ( các nước đang nắm giữ các loại ngoại tệ mạnh ) để phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước. Nhu cầu nhập khẩu của chúng ta rất lớn: năm 2004 Việt nam nhập khẩu 31.953,9 triệu USD; Cán cân thương mại luôn thâm hụt nặng (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu), kể từ khi đổi mới nền kinh tế đến nay chỉ có mỗi năm 1992 cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư được khoảng 90 triệu USD còn lại thì luôn luôn thâm hụt. Qua số liệu thống kê cho thấy từ năm 1999 đến năm 2002, cán cân thương mại Việt Nam ở trạng thái cân bằng hoặc thặng dư, nhưng từ năm 2003 đến nay cán cân thương mại liên tục ở trạng thái thâm hụt và giá trị thâm hụt ngày càng lớn. Nếu trong năm 2003 thâm hụt thương mại vào khoảng 2,581 tỷ USD thì đến năm 2008 mức thâm hụt lên đến 12,782 tỷ USD, gấp 5 lần so với năm 2003. Năm 2009 mức thâm hụt là 15,412 tỷ USD, gấp 5,9 lần so với năm 2003.
Theo IMF, mức độ thâm hụt tài khoản vãng lai so với GDP nếu vượt quá 5% thì được xem là nghiêm trọng, vì vậy vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam cần phải
được xem xét thấu đáo.Thực tế cho thấy, ở các quốc gia càng phát triển thì kim ngạch buôn bán hai chiều càng lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức….Do đó trong hiện tại và tương lai Việt Nam cần rất nhiều ngoại tệ, đặc biệt là các ngoại tệ mạnh như: USD, GBP, DMD, JPY…để phục vụ cho các giao dịch với phần còn lại của thế giới.
Mặt khác, Đô la hóa còn gián tiếp mang lại những tác động tích cực khác cho nền kinh tế: Tình trạng Đô la hóa đã góp phần tạo ra một cái van giảm áp lực đối với nền kinh tế trong những thời kì lạm phát cao hay khi nền kinh tế bị mất cân đối nghiêm trọng, những giai đoạn mà điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định. Lịch sử Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới như: Đức, Nga, các quốc gia Châu Phi… đã từng chứng kiến sự phá hoại khốc liệt của lạm phát cao, đặc biệt là lạm phát phi mã. Đó là tình trạng Đô la bị mất giá nhanh chóng, tiền dường như mất đi các chức năng lưu thông vốn có. Người ta không muốn bán hàng hóa để nhận về những tờ giấy “vô giá trị”. Vì thế đời sống xã hội trong thời kỳ lạm phát cao rất hỗn loạn, người dân muốn đẩy tiền vào các ngân hàng hoặc chuyển thành hàng hóa. Do USD có giá trị khá ổn định nên nhiều người đã lựa chọn phương thức đối phó với lạm phát là chuyển nội tệ sang USD để cất trữ. Nếu hệ thống ngân hàng có một lượng lớn ngoại tệ dự trữ, đáp ứng được phần lớn nhu cầu đổi ngoại tệ của người dân thì sẽ góp phần làm dịu sự hỗn loạn trong dân cư. Hơn nữa, chính hành vi đổi ngoại tệ của người dân đã làm cho nội tệ được hút vào hệ thống ngân hàng, giảm cung nội tệ trên thị trường, góp phần kiềm chế sự gia tăng của lạm phát. Còn Nhà nước sẽ sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa bán rộng rãi trên thị trường trong nước, làm giảm sự khan hiếm hàng hóa, từ đó làm ổn định tâm lý của người dân xoa dịu sự hỗn loạn trong xã hội do thiếu hàng hóa để tiêu dùng.
Đồng USD đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong khối tiền tệ quốc gia, hơn nữa, đó là một thành phần tích cực. Chính sách tiền tệ thắt chặt của chúng ta trong thời gian dài nhằm đối phó với nguy cơ lạm phát vốn luôn là nỗi ám ảnh thường trực của các nhà lãnh đạo tiền tệ đã không tác động quá tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chính là nhờ sự hiện diện của đồng Đô la. Nhờ nó, các hoạt động kinh tế trong khu vực tư vẫn tiếp tục tăng trưởng, ngay cả trong những thời kỳ mà khu vực này không tiếp cận được các khoản tín dụng cần thiết từ hệ thống ngân hàng.
Ổn định tỷ giá VNĐ : Nguồn cung USD đầy đủ trong nền kinh tế cũng đã góp phần ổn định tỷ giá đồng bạc Việt Nam và trong một số trường hợp nó còn đi quá đà trong việc nâng cao tỷ giá của đồng bạc, khiến các chuyên gia kinh tế quy cho nó trách nhiệm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Những năm 2006, 2007 khi đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài tăng vọt cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn kiều hối, tỷ giá đồng bạc Việt Nam đã ổn định ở mức cao, dự trữ ngoại tệ quốc gia tăng nhanh mặc dù nhập siêu lớn chưa từng có. Thậm chí, đã có lúc
tiền đồng khan hiếm nghiêm trọng khiến các ngân hàng thương mại, và cả Ngân hàng Nhà nước, từ chối mua vào USD của các doanh nghiệp, gây nên tình trạng tắc nghẽn trong việc triển khai dự án đầu tư nước ngoài.
Thu hút đầu tư nước ngoài, tăng nguồn cung ngoại tệ - nguồn lực quan trọng giúp VN giải quyết được phần lớn các nhu cầu về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng “Đô la hoá” có thể là yếu tố giúp Việt Nam thu hút khách du lịch, kiều hối, tạo thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi bằng ngoại tệ...
Mức độ Đô la hóa càng cao thì càng tăng cường khả năng cho vay và khả năng hội nhập của ngân hàng. Nhờ có một lượng lớn ngoại tệ gửi vào ngân hàng, các ngân hàng sẽ có điều kiện cho nền kinh tế vay bằng ngoại tệ, qua đó hạn chế vay nợ nước ngoài, tăng cường khả năng kiểm soát của Ngân hàng Trung ương đối với luông ngoại tệ. Đặc biệt ngày nay khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp đã tham gia các giao dịch vượt qua biên giới quốc gia, nhu cầu vay ngoại tệ rất lớn. Họ vay để thanh toán quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, thậm chí để phục vụ các hoạt động kinh doanh trong nước vì lãi suất USD thấp, ổn định mệnh giá USD lớn .Bên cạnh đó, với lượng lớn ngoại tệ tiền gửi tại ngân hàng sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy quá trình hội nhập của thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Ngày nay, việc các ngân hàng làm trung gian trong các giao dịch quốc tế ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các nước phát triển - nơi có hệ thống ngân hàng phát triển, dự trữ ngoại tệ lớn.Ngân hàng thay mặt người mua thanh toán cho người bán ở các quốc gia khác nhau, vừa đảm bảo thời gian,vừa an toàn, tăng độ tin cậy của giao dịch, giúp thương mại quốc tế phát triển hơn. Ngoài ra ngân hàng còn có điều kiện cho vay quốc tế và thu hút đầu tư quốc tế.
Như vậy, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực mà Đô la hóa mang lại cho nền kinh tế thì nó cũng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đáng phải cân nhắc, đặc biệt là Đô la hóa chính thức trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Các chính sách kinh tế vĩ mô mất đi tính độc lập, hiệu lực hiệu quả trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô không cao, nhất là chính sách tài chính tiền tệ, uy tín quốc gia và giá trị của đồng nội tệ suy giảm ...Vì vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay đặt ra cho các nhà quản lý, nhà khoa học phải nghiên cứu, đánh giá thực trạng Đô la hóa ở Việt Nam trong thời gian quan; kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đề ra hệ thống giải pháp toàn diện nhằm kiểm soát Đô la hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng tại Việt Nam.