NGÔN NGỮ VÀ THỦ PHÁP TẠO DỰNG TRUYỆN

Một phần của tài liệu Thạch Lam đời và phong cách (Trang 32 - 34)

Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, do vậy tạo lập ngôn ngữ truyện để định hình cho mình một phong cách, đó là cửa ải gian nan của các nhà văn. Thạch Lam trong quá trình sáng tác cũng không tự loại mình ra khỏi quy luật ấy. Người đọc không thấy trong sáng tác Thạch Lam “ cái mỉa mai cay độc đến dằn dữ của Vũ Trọng Phụng, cái khinh bạc lạnh lùng của Nguyễn Tuân, cái chất triết lý và cái cay đắng đến uất nghẹn của Nam Cao”(13), truyện của ông có cái nhẹ nhàng như nước, êm ái như lụa, song sức cuốn hút lại mạnh như triều dâng. Đó là nghệ thuật sắp đặt ngôn từ. Ngôn ngữ, giọng điệu trong truyện ngắn Thạch Lam không có cái cầu kỳ, gọt đẽo. Nó là ngôn ngữ của bình dân, nó tự nhiên như người ta đang chuyện trò với nhau, đang hát và đang kể cho nhau nghe khúc đoạn trữ tình của bài ca Những số phận nghèo. Người đọc hình dung được từ trong bài ca ấy là những con người đang quay quắt vì Đói, đang ủ rũ mệt nhoài vì gánh hàng xén, Và rồi cùng hòa điệu trong cảm xúc miên man ấy là những tiếng khóc ngậm ngùi cho Những đứa trẻ đang lạnh lẽo trước cơn Gió đầu mùa. Ngôn ngữ Thạch Lam êm ái như tiếng ru lặng lẽ của nhà văn trước cuộc đời- một cuộc đời đầy cơ cực và khốn khó. Hầu hết truyện ngắn Thạch Lam đều nghiêng về lối truyện tâm tình, ông đi sâu vào phân tích những biến thái nhỏ nhất trong tâm hồn con người : Đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi của lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn.

Ngôn ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam là thứ ngôn ngữ ít tạo hình tượng mà chủ yếu là gợi cảm giác. Thạch Lam ít sử dụng ngôn ngữ đối thoại mà chủ yếu là độc thoại nội tâm, kết hợp với những từ chỉ cảm giác: Cảm thấy, ngậm ngùi, rùng mình nghĩ, hình như…đã đem đến một giọng điệu riêng cho nhà văn. Một chút bảng lảng buồn lặng lẽ của cái không gian: “ Chiều. Chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào …”, một chút êm ái, nhẹ nhàng của “cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người” đã đem đến người đọc mỹ cảm sâu sắc. Nó sâu sắc nhờ ngôn ngữ tả của ông, một thứ ngôn ngữ “ vừa giản dị, vừa giàu cảm xúc, lại “bảng lảng” một chút gì đó rất khó nắm bắt, tạo một không gian riêng- một đặc điểm riêng: Chất thơ”(14) . Chính bởi giọng văn đặc biệt ấy, Thạch lam đã đánh thức trong lòng độc giả những xúc cảm thầm kín, sâu xa nhất, những kỷ niệm đẹp nhất. Dù cho những cảnh sống, những con người hiện lên trong tác phẩm của ông, độc giả chưa từng trải qua.

Như đã nhận định từ trước, truyện ngắn Thạch Lam thuộc loại truyện trữ tình, cho nên “ độc thoại nội tâm” có thể coi là thủ pháp nghệ thuật tạo dựng truyện tiêu biểu của ông. Với thủ pháp này, nhân vật của ông được bày ra trên trang giấy như những hình tượng thực ngoài đời.

Người đọc có cảm giác nhân vật của Thạch Lam rất quen, dường như họ đã gặp ở đâu rồi. Đây chính là điểm độc đáo của ngòi bút Thạch Lam. Nhân vật tồn tại như đang tự nó đối thoại với nó. Nói rõ ra nhân vật hành động, suy nghĩ, nói năng như con người thực ngoài đời. Tất nhiên thủ pháp độc thoại nội tâm của Thạch Lam chưa nâng đến tầm Biện chứng pháp tâm hồn như trong sáng tác của Đoxtoievxki hay L.Tolstoi. Song ở truyện ngắn Thạch Lam, người đọc vẫn cảm nhận được nét suy tư, trải nghiệm của tác giả trong thủ pháp này. Nó Người hơn và thân thiện hơn, khẳng định chỗ đứng cho Thạch Lam trong lòng độc giả, đó là dòng riêng giữa nguồn chung.

Tương phản cũng là một trong những thủ pháp nghệ thuật làm nên thành công cho truyện ngắn Thạch lam, đó là sự đối lập giữa thế giới hiện thực và thế giới lý tưởng. Thủ pháp tương phản trong truyện ngắn Thạch Lam thể hiện ở chỗ, tác giả đã tạo ra những gam màu sáng tối khác nhau và đặt chúng cạnh nhau để làm bật lên những mảng đời sống khác nhau: Có hạnh phúc quyện cùng nỗi khổ, có ánh sáng bên cạnh bóng tối, có náo nhiệt- ồn ào bên cạnh sự im ắng- yên ả. Con tàu đêm từ Hà Nội về trong Hai đứa trẻ mang đến cho phố huyện nghèo một sinh khí, những con người nơi đây chờ tầu không chỉ để mưu sinh mà còn là khao khát được hòa vào ánh sáng đèn điện mà con tàu mang về. Để rồi khi con tàu đi qua, để lại nơi phố huyện nghèo này một nỗi buồn trống vắng bên cạnh ánh đèn mờ mờ như hình thù những con đom đóm, ru họ trong những vũ điệu buồn bã của tiếng ếch nhái. Sự tương phản này còn được thể hiện ở trong bản thân con người với hai mảng đen trắng rất rõ rệt. Sự chiến thắng của mảng sáng ở nhân vật Thành trong Sợi tóc đã là một sự phủ định cái bóng tối nơi con người. Trên cơ sở ấy, Thạch Lam muốn cảnh tỉnh con người cần phải sáng suốt hơn trước sự cám dỗ của vật chất. Bản lĩnh của con người trước cám dỗ ấy là phải vượt qua nó, không thể để nó che khuất và chiến thắng bản thân. Đó chính là tính nhân loại trong sáng tác Thạch Lam, thể hiện tấm lòng của một nhà văn lịch sự, yêu người như yêu mình (Vũ Bằng).

THAY LỜI KẾT LUẬN

Văn học là một dòng sông, nhà văn là con thuyền trên dòng sông ấy. Nước chảy thuyền trôi. Con thuyền đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và ở một nơi xa nào đó trên một bờ vắng đầy cỏ dại, nó đã cập bến mang theo những khuông hàng chất nặng suy tư. Để rồi mỗi khuông hàng ấy được trao đến tay độc giả những bài học, những cảm thức và những suy nghiệm mà nhà văn lưu giữ nó suốt chặng đường lênh đênh sóng nước. Thạch Lam đã đem sản phẩm tinh thần của mình vượt quá khứ xa xăm, băng qua mọi rào cản xã hội để đến với con người mới thế kỷ XXI, hòa điệu trong những khoảnh khắc đồng hiện của cảm xúc .Và rồi bước ra khỏi thế giới ấy, con người không khỏi ngỡ ngàng ngoái nhìn lại bản thân và hô to lên một tiếng như để tán thưởng cho giây phút thăng hoa .

---

(1) Nguyễn Hoàng Đức, Ý hướng tính văn học, 1999, NXB văn hóa dân tộc. (2) văn giá( 2005), Đời sống và đời viết, NXB Hội nhà văn, H, tr.181. (3), Trần Đình Sử (chủ biên) Từ điển văn học, NXB Giáo dục, H, Tr. 100. (4) Từ điển thuật ngữ văn học, NXB giáo dục, H, 1992.

(5) Phan Cự Đệ (2007), Truyện ngắn Việt Nam- Lịch sử, thi pháp, chân dung ,NXB Giáo dục, H, tr. 515. 6) dẫn theo Lê Huy Bắc trong Ernest Heming Way- núi băng và hiệp sĩ , tr.59

(7) Lê Huy Bắc, Sđd, tr. 60.

(8) Vũ Bằng (2004 ), Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, NXB hội nhà văn, H. (9) Trần Đình Sử (chủ biên) Từ điển văn học, NXB Giáo dục, H, Tr.160.

(10) Phan Cự Đệ, sđd , tr., 518. (11) Phan Cự Đệ, sđd, tr. 520. (12) Phan Cự Đệ, sđd, tr. 517. (13) Phan Cự Đệ,sđd, tr. 520. (14) Phan Cự Đệ,sđd, tr. 523. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tuyển tập truyện ngắn Thạch Lam(2004), NXB Văn học, H.2. Trần Đình Sử (2002), Văn học và thời gian, NXB ĐH Quốc gia, H. 2. Trần Đình Sử (2002), Văn học và thời gian, NXB ĐH Quốc gia, H. 3. Chu Quang Tiềm (2005), Tâm lý văn nghệ, NXB Thanh niên, H.

4. Phương Lựu (2005), Lý luận văn học hiện đại phương Tây, NXB Giáo dục, H.5. Hoàng Trinh (1997), Từ ký hiệu học đến thi pháp học, NXB Đà Nẵng. 5. Hoàng Trinh (1997), Từ ký hiệu học đến thi pháp học, NXB Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu Thạch Lam đời và phong cách (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(34 trang)
w