CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU 1 Cốt truyện:

Một phần của tài liệu Thạch Lam đời và phong cách (Trang 25 - 28)

1. Cốt truyện:

Cốt truyện là phần lõi, là hạt nhân cơ bản của truyện. Cốt truyện là vỏ bọc chứa đựng chuỗi tình tiết truyện. Trong truyện ngắn Thạch Lam, cốt truyện trở nên mờ nhạt, đó là loại truyện không có cốt truyện. Bởi, Truyện ngắn của Thạch Lam thuộc loại trữ tình, vì vậy: “ Cốt truyện ( Với ý nghĩa chặt chẽ của khái niệm này) không tồn tại vì ở đây tác giả biểu hiện sự diễn biến của tình cảm, tâm trạng)(3). Cũng theo Trần Đình Sử thì: “ Có thể tìm thấy qua một cốt truyện hai phương diện gắn bó hữu cơ: Một mặt, cốt truyện là phương diện bộc lộ nhân vật, nhờ cốt truyện, nhà văn thể hiện sự tác động qua lại giữa các tính cách nhân vật; mặt khác, cốt truyện còn là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội” ( Sđd, tr.100), chúng tôi có thêm cơ sở để làm sáng tỏ nhận định trên. Thạch Lam không chú trọng đi sâu vào các tình tiết truyện gây xung đột như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phung…và tất yếu cũng không có đỉnh cao mâu thuẫn. Diễn tiến câu chuyện trong truyện ngắn Thạch Lam trùng khít với diễn biến tâm lý nhân vật. Tình tiết truyện không tuân theo những quy tắc thông thường để tạo lập cốt truyện truyền thống như: Trình bày- Khai đoạn (thắt nút)- Phát triển- Đỉnh điểm (cao trào) – Kết thúc (mở nút), mà nó phụ thuộc vào suy nghĩ của nhân vật: Khi thì dịu êm, lúc thì căng thẳng, dằng xé, trất vấn…nó không tạo ra độ căng cho truyện ( Phan Cự Đệ). Do vậy, tính cách

nhân vật cũng không bộc lộ rõ. Người đọc chỉ biết Tâm trong Cô hàng xén là người phụ nữ mang đặc điểm chung của tính cách con người truyền thống: Đảm đang, nhẫn nại, chịu đựng… hay cái cảm động trước tha nhân rơi vào hoàn cảnh khốn cùng mà động lòng trắc ẩn như Sơn trong Gió lạnh đầu mùa. Vì vậy nhân vật của Thạch Lam không phải là nhân vật tính cách, cũng không phải là nhân vật loại hình, nhân vật chức năng hay nhân vật điển hình, mà đó là nhân vật tâm trạng- nhân vật hướng nội nhiều hơn là hướng ngoại. Nhân vật của Thạch Lam có thể coi là nô lệ của suy nghĩ, của dằn vặt và trất vấn. Trong sợi tóc, điểm gánh toàn bộ câu truyện là khoảnh khắc (moment) Thành tự vấn giữa hai con người: Con người vô thức và con người hữu thức. Sự tồn tại của câu chuyện kéo dài qua những đấu tranh nội tâm giữa việc lấy và không lấy chiếc ví, kết thúc của truyện cũng là kết thúc của cái vô thức trong sự thất bại của nó trước con người lương thiện ở Thành. khẳng định sự thắng thế của lý tính, Thạch Lam buông ra lời kết cho toàn bộ câu truyện: “Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên… Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu? Tôi cũng không tìm biết rõ hơn. Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ…”. Trong Hai đứa trẻ, toàn bộ mạch truyện được dẫn dắt bởi suy nghĩ và tâm trạng của Liên, An; tình huống đợi con tàu trong đêm thực ra chỉ làm nổi bật những tâm trạng của Liên, hình ảnh đoàn tàu chạy qua là một biến động vụt đến và vụt đi, để rồi tất cả chìm vào đêm tối và mạch suy nghĩ của Liên vẫn tiếp tục.

Trong các truyện ngắn của Thạch Lam, ông hướng ngòi bút của mình vào cái nghèo, cảnh cùng cực. Nhưng Thạch lam không hề có dụng ý châm biếm hay lên án xã hội đẩy con người vào cảnh ấy. Nói rõ ra, Thạch lam tư duy về hình tượng của mình bằng trái tim hơn là bằng sự phán xét, soi mói của lý tính, cách tạo dựng truyện của ống giống kiểu “nghĩ gì ghi nấy”. Do vậy, truyện của Thạch Lam viết nên không nhằm mục đích lột tả các xung đột xã hội mà chủ yếu là tái hiện tình yêu thương, sự đồng cảm và lòng trăn trở về một lớp người trong xã hội. Dù cho mẹ con chị tí ( Hai đứa trẻ) đầu tắt mặt tối nối dài công việc từ ngày vào đêm, dù cho bà cụ Thi cất lên tiếng cười khanh khách phản ứng lại cái nghèo thì điều đó xét đến cùng cũng chỉ là phản ánh hiện thực, để rồi yêu thương nhiều hơn là vạch trần và tố cáo xã hội. Từ hai luận điểm trên, chúng tôi đi đến kết luận: Truyện ngắn Thạch Lam là lọai truyện không có cốt truyện.

2. Kết cấu:

Nói đến kết cấu truyện là nói đến hình thức tạo dựng truyện, là “ toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm”, là “ Phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật, đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng: bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm; triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện, cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả; tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiên tượng thẩm mỹ(4). Truyện ngắn Thạch Lam được tạo dựng trên nhiều cơ sở ( song phần nhiều là dựa trên các tình huống tâm lí ), do vậy xác định kết cấu chủ yếu cho truyện ngắn của ông là một điều khó. Gs. Phan Cự Đệ trong công trình “Truyện ngắn Việt Nam- lịch sử, thi pháp, chân dung” cho rằng: “ truyện ngắn Thạch Lam là lối kết cấu tâm lí”(5) , theo chúng tôi là chưa toàn diện. Nói rõ ra, kiểu kết câu tâm lí chỉ là kết cấu chiếm phần nhiều trong tác phẩm của Thạch Lam, nhưng khẳng định như trên có phần chưa hợp lý. Bởi vì, có những truyện không tuân theo kiểu kết cấu trên, chẳng hạn như Dưới bóng hoàng lan, tác phẩm được gánh bởi chi tiết “mỗi mùa cô ( Nga ) lại giắt hoàng lan

trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương” mà chúng coi “ hoa hoàng lan” là một mã tượng hình nâng đỡ toàn bộ truyện và đem đến một sự kết thúc ẩn (kết thúc mở). Tác phẩm không đi theo diễn tiến tâm lý nhân vật mà hội tụ trong các mã tượng hình, thì không thể coi là kết cấu kiểu tâm lí được. Trên cơ sở lập luận trên, chúng tôi đưa ra một kết cấu chung như sau: Truyện ngắn Thạch Lam được kết cấu theo kiểu nguyên lý Tảng băng trôi. Cha đẻ của lý thuyết kết cấu này dĩ nhiên thuộc về Ernest Heming Way, chúng tôi vận dụng lý thuyết này của ông vào việc chứng minh và làm rõ quan điểm đưa ra ở trên khi xem xét kết cấu truyện ngắn Thạch Lam. Ernest Heming Way nhiều lần nhắc đến hình tượng “ tảng băng trôi”, ông quan niệm rằng: “ Tôi cố gắng viết theo nguyên tắc “tảng băng trôi”. Cứ bảy phần tám của nó chìm cho một phần nổi. Bất cứ điều gì bạn biết mà bạn có thể loại bỏ thì nó chỉ làm tăng thêm sức mạnh cho tảng băng của bạn. Đó là những phần không được viết. Nhưng nếu nhà văn bỏ qua điều gì đó bởi vì anh ta không biết, vậy thì sẽ có một lỗ hổng trong truyện”(6), nhận định ấy của Ernest bắt nguồn từ lời phát biểu: “Tôi có những cơn ác mộng và biết những cơn ác mộng mà người khác có. Nhưng bạn không phải viết lại tất cả. Bất kỳ vấn đề nào bạn có thể bỏ mà bạn biết rõ về nó thì nó vẫn hiện diện trong tác phẩm với hết thảy những phẩm chất đặc điểm…”. Ở đây Ernest đã làm rõ hai vấn đề: Một là, nhà văn phải nắm rõ những gì liên quan đến việc viết và nội dung của điều cần viết. Hai là, Có thể bỏ được chừng nào thì bỏ càng nhiều càng tốt. Mục đích của thao tác này là nhằm phát huy khả năng đồng sáng tạo từ phía bạn đọc. Như vậy những chi tiết, hình tượng được đưa lên trang giấy đã được thẩm thấu qua bộ lọc của nhà văn. Nhà văn lấy bản thân sự hiểu biết, mổ xẻ nội tâm…để “nhào nặn” lên nhân vật. Trong quá trình nhào nặn ấy, nhà văn sử dụng khả năng của mình hư cấu nên nhân vật, rồi khoác cho nhân vật ấy lời phát ngôn cho mục đích tạo tập truyện của mình và mạch ngầm văn bản cũng từ đó mà ra, “do vậy, muốn chạm vào núi băng ấy, ta phải bám vào văn bản, đúng hơn là bám vào các thao tác tự sự. Thông qua ngôn từ và thế giới hình tượng…chúng ta mới lần lượt đưa ra được các lớp nghĩa ẩn ở đằng sau. Đến đây, loại bỏ ( trong trường hợp này có thể xem là lược bỏ) lại trở thành yếu tố đầu tiên để nhận ra đầu mối “tảng băng trôi”. Tuy nhiên việc lược bỏ, bản thân nó chưa thể tạo ra mạch ngầm, phải tùy vào từng đề tài, để có từng thao tác cho mỗi vấn đề …Điều cốt yếu là phải xem nhà văn chọn hình thức biểu đạt ( thể hiện qua các phương tiện tổ chức tác phẩm)”(7) như một số bình diện sau: Đối thoại, độc thoại, nhân vật… Đem lý thuyết trên vào xem xét truyện ngắn Thạch Lam, ta thấy truyện ngắn của ông đều có điểm chung về kết cấu theo dạng này. Truyện của Thạch Lam có độ nén về ngôn từ chặt đến mức có người nói vui rằng “ ông là người tiết kiệm lời”, số ký hiệu bằng ngôn từ ( Cái được biểu đạt) trong tác phẩm của ông không nhiều nhưng nội dung ẩn chứa bên trong ( cái biểu đạt) thì rất lớn. Ẩn ức ấy của nhà văn khiến người đọc suy tư qua nhiều thập kỷ mà vẫn chưa thôi trăn trở. Người đọc tìm thấy trong các nhân vật của Thạch Lam, thông qua độc thoại nội tâm ( là chủ yếu) và đối thoại mà nhìn nhận về nhân cách, về lòng thương người của ông thật cao cả. Độc giả cảm nhận đằng sau chi tiết “Huệ không trả lời. Hai chị em nép vào nhau, yên lặng” trong Tối ba mươi là những giọt nước mắt nghẹn ngào nuốt vào mắt trong của cô (Huệ), truyền đến người đọc một thông điệp của nhà văn: Đằng sau những nhớp nhúa nơi phòng the công việc của hai chị em, còn là khát vọng được sum họp trong cảnh đầm ấm gia đình, được cùng cười, cùng nói và cùng chờ đợi giờ phút năm mới đang tới gần. Đằng sau cảnh đợi tàu của hai chị em Liên, An ( Hai đưa trẻ) là khát vọng thoát khỏi cái nghèo, cái tối tăm; đằng sau hành động của Sơn trong Gió lạnh đầu mùa là ước mong, trước hết là những đứa trẻ cùng trang lứa, sau đó rộng lớn hơn là tất cả

những người nghèo khổ cùng cảnh ngộ như cậu đều có áo ấm để mặc, đều được che chở bằng tình thương đồng loại; và đằng sau những giằng xé vật vã để khước từ cái dục tính của Thành trong Sợi tóc là một thông điệp: ranh giới giữa phần con và phần người là rất mỏng manh, nó giống như ánh hào quang bừng sáng lên nhưng rồi lại vụt tắt ngay sau đó, nếu như không biết cách giữ nó( phần người) lại bên mình. Những thông điệp ấy cuộn chảy ra theo mao mạch nơi con tim Thạch Lam. Về điều này, Vũ Bằng có một nhận xét rất xác đáng: “ Trong nhóm Phong Hóa, Ngày Nay, Hoàng Đạo là người lý thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng là người đả phá nếp sống cũ để tiến tới một đời sống mới, tựu chung đều là thương người, yêu người cả nhưng muốn nói đến một người tôn thờ nhân bản thực sự , một người thương yêu xót xa đồng bào từ tâm can tì phế thương ra thì người ấy chính là Thạch Lam” (8) . Mặc dù truyện ngắn của Thạch Lam không bỏ lửng đến mức sững sờ như truyện Ranh Giới của người Thái Lan, khiến độc giả phải căng não để tìm mã giải. Song muốn hiểu hết truyện của Thạch Lam, người đọc phải vận dụng mọi hình thức để thích nghi, đôi khi không chỉ sử dụng trực giác mà còn là sự đồng cảm nơi con tim ( linh giác) .

Ngoài kết cấu trên, truyện ngắn Thạch Lam còn tạo dựng theo kiểu kết cấu tâm lí. Lối kết cấu này đem đến cho truyện ngắn Thạch Lam một chiều sâu, một ấn tượng sâu sắc cho độc giả, nó khiến người ta phải suy ngẫm chứ không thể lướt qua. Bên cạnh kiểu kết cấu này, truyện ngắn Thạch lam còn có kiểu kết cấu đi thẳng vào hành động ở thời hiện tại và từ đó quay trở lại kết cấu, tạo ra kiểu kết cấu: Hiện tại- quá khứ- hiện tại như trong Người bạn cũ, Một cơn giận. Kết cấu vòng tròn cũng được Thạch Lam sử dụng, trong Cô hàng xén mở đầu câu truyện là người phụ nữ tần tảo, nhặt nhòng với những cuộc mưu sinh và kết thúc câu truyện lại vẫn là cái nhặt nhòng ấy, nỗi khổ của Tâm được Thạch Lam gói lại trong một lời bình: “cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ”. Kết cấu xâu chuỗi cũng xuất hiện trong truyện ngắn của ông như Nhà mẹ lê, Hai đứa trẻ, Đói… tạo thành mạch thẳng thời gian, nối dài những số phận cùng chung cảnh ngộ với nhau.

Một phần của tài liệu Thạch Lam đời và phong cách (Trang 25 - 28)