Không gian cùng với thời gian làm nên hình thức tồn tại của thế giới, của vật chất; không gian và thời gian cũng là hình thức tồn tại của con người . Con người cũng như vật chất không thể tồn tại ngoài không gian và thời gian. Chúng ta quen thuộc với không gian và thời gian đến nỗi nhiều khi không cảm thấy nó nữa. Con người, ngay từ khi sinh ra đã tự đúc cho bản thân mình một tòa thiên nhiên, chiếm lĩnh một khối không gian, một khoảng thời gian tồn tại nơi trần thế. Bản thân con người gồm có trong nó cả không gian và thời gian, có nghĩa nó là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ.
1. Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam
Hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ điểm nhìn, diễn ra trong trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: Cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài tạo thành viễn cảnh nghệ thuật”(9). Không gian nghệ thuật thường gắn với cảm thụ về không gian, nên mang tính chủ quan. Xem xét không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam, tất yếu cũng không tách rời điểm nhìn chủ quan của nhà văn, ở đây cần phải làm rõ sự khác nhau giữa điểm nhìn
trong lời nói giao tiếp và điểm nhìn nghệ thuật. Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp là một cấu trúc hàm ẩn mà tọa độ được xác định bởi hai trục: Lời nói hiển ngôn và hành động phát ngôn của chủ thể giao tiếp, được người nghe tiếp nhận bằng thao tác suy ý. Điểm nhìn nghệ thuật là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn. Truyện ngắn Thạch Lam được tạo dựng chủ yếu xuất phát từ điểm nhìn về mình của nhà văn, do vậy không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của ông cũng tuân theo điểm nhìn chủ quan, với những ẩn ức trong bản thân.Vì vậy, không gian nghệ thuật xuất hiện trong các truyện ngắn Thạch Lam phần nhiều là không gian tâm tưởng, với chiều sâu dồn nén tâm lí. Để tạo lập không gian tâm tưởng, Thạch Lam chú trọng vào các tình thế trọng yếu gợi khoảng lặng nội tâm nhân vật, tạo nên những co giãn không gian giữa hai chiều: Không gian thực ( Cái gợi ký ức) vào không gian chiều sâu tâm lý ( những giấc mơ: Giấc mơ thức và giấc mơ ngủ) tạo nên sự day dứt giữa hiện thực và tâm trạng con người. Không gian về một Hà Nội tráng lệ trong Hai đứa trẻ vẫn gợi lại những ẩn ức đứt quãng, chỉ còn là những hình ảnh mơ hồ chồng lớp hiện về trong tưởng tượng ( giấc mơ thức): Một “ Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo” được gửi về phố huyện trên con tàu đêm, để rồi khi con tàu đi qua không gian hiện thực trở lại với những cảm nhận mơ hồ nửa tỉnh nửa mê ( sự dai dẳng của Hà nội- nhấn mạnh HG) trong hiện tại: “ An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ đầy bí mật, xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi về mặt đất, về quãng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng chị Tý”. Những ký ức về một không gian tươi sáng nơi Hà Thành đã ám ảnh, lùi sâu vào vô thức bọn trẻ, khiến đôi mắt buồn trũng muốn yên giấc nhưng vẫn không sao dập tắt cái khao khát được chứng kiến con tàu đêm của An. Bởi lẽ chỉ có chứng kiến con tàu đêm, với ánh sáng điện mới khỏa lấp những mong muốn đang trỗi dậy trong sâu thẳm tâm trí An và nó đòi hỏi phải được giải tỏa. Vì vậy mặc dù rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ nhưng An vẫn cố mở to đôi mắt trước khi chìm sâu vào vô thức của giấc mộng mà với dặn Liên: “ Tàu đến chị đánh thức em dạy nhé”. Một chút không khí “vắng lạnh như mênh mông ra tận đâu đâu ở khắp cả các phố Hà Nội” cũng gợi cảm giác trống trải của lòng mình, “Huệ tưởng đến những căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật của gia đình” vào Tối ba mươi. Không gian tâm tưởng trong truyện ngắn thường được Thạch Lam đặt cạnh không gian thực tại, gợi cảm giác hoài cổ về một nơi trong dĩ vãng . Trên cơ sở đó tạo cho nhân vật chiều sâu cảm xúc, với những vui- buồn, hạnh phúc- khổ đau đan xen trộn lẫn, tạo một thế liên hoàn đôi chiều Không gian. Người đọc không thể tách biệt rõ ràng theo lý tính về không gian, chỉ có thể cảm nhận bằng sự xúc động về nhân vật. Do vậy độ nén không gian truyện trùng khít với độ nén tâm lý nhân vật, chỉ chi tiết “Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dầy đặc” đã nhanh chóng ùa vào tâm hồn Tâm trong Cô hàng xén, khiến cô mường tượng ra một không gian đằng đẵng, triền miên của cảnh khổ hiện ra trước mắt mà “buồn rầu nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ” của cái nghiệp mà con tạo dựng lên là để dành cho cô. Không gian tâm tưởng trong truyện ngắn Thạch Lam được tạo lập như chúng tôi có đề cập ở trên, đó là do xuất phát từ điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn. Điểm nhìn của Thạch Lam là điểm nhìn từ chính con người ông,
với những quãng ngày sống với chị là bà Nguyễn Thị Thế. Hai chị em bươn trải, long đong cả đời vật lộn mưu sinh từ tuổi thơ tới khi trưởng thành. Do vậy không gian tâm tưởng trong truyện của ông cũng kéo dài, dịch chuyển theo những hồi ức của mình khi sống cùng chị; cái không gian buồn rầu- ủ dột của “Hai đứa trẻ”, lạnh lẽo- đơn côi vào “Tối ba mươi”, mệt nhoài- vật lộn theo “Cô hàng xén” và chơi vơi- thức tỉnh cùng “Những ngày mới”.
Đồng hành cùng với không gian tâm tưởng trong truyện ngắn Thạch Lam là không gian sinh hoạt. Trước hết là không gian thành thị với sự xuất hiện 10/ 23 truyện (10) . Một không gian vắng lặng tĩnh mịch, nhưng chất chứa ngột ngạt. Không phải là không gian mở theo chiều hành động của nhân vật như trong sáng tác Vũ Trọng Phụng, cũng chẳng phải là không gian đóng cữu trong những ngôi nhà đồ sộ như ở sáng tác Nguyễn Công Hoan. Không gian thành thị trong truyện ngắn Thạch Lam vừa có chiều hướng co lại như sự o ép của cuộc sống giành cho những số phận nghèo, đồng thời lại vừa có sự thắt chặt, dồn nén trong những cảnh nhớp nhúa đời thường; một căn phòng bức bối với ánh mắt lặng lẽ buồn nhìn nhau của hai chị em Liên, Huệ trong Tối ba mươi, Một ga tàu nhỏ bé nằm trơ trụi giữa phố huyện nghèo ẩm thấp nhưng lại là hy vọng kiếm sống của mọi người trong Hai đứa trẻ. Tất cả những cảnh ấy tạo nên một không khí ngột thở của kiếp mưu sinh, dường như mọi thứ ở không gian thành thị trong sáng tác Thạch Lam đều nhỏ bé, nó nhỏ bé như chính nhân vật của ông. Không gian đô thị luôn tồn tại hai mảng đối lập: Cái nghèo- sự giàu, bóng tối- ánh sáng, lặng lẽ- náo nhiệt. Sự đối lập ấy càng làm cho cảnh nghèo, cảnh tăm tối của những số phận như Liên, Huệ, An…bị dồn đẩy tới mức cùng cực, có nguy cơ bị lu mờ, nhạt đi trước một đô thị giàu có và tràn ngập ánh sáng. Đó thực sự là một chảo lửa đang tìm cách nung đốt họ trong cảnh cùng cực, có nguy cơ đưa đẩy họ đến con đường tha hóa và biến họ trở thành kẻ sống thừa (Thành trong Sợi Tóc ).
Bên cạnh không gian thành thị, không gian nông thôn cũng được Thạch Lam đưa vào truyện ngắn của mình khá nhiều. Điểm nổi bật của loại không gian này là dễ gợi cho lòng người cảm giác trống vắng. Cái vắng lặng nơi làng quê có thể giết chết con người trong những suy tư, buồn tủi của cái nghèo. Hòa vào cái tĩnh mịch của đêm quê là những tiếng côn trùng hay những âm thanh kẽo kẹt nơi bờ tre, dễ gợi cảm giác rùng mình. Và con người như lạc lõng, rơi vào hố đen đêm tối của chính mình. Nếu như không gian thành thị bó thít con người, dồn nén họ trong cái ngột ngạt, trong những bi kịch đau đớn thì không gian nông thôn lại nhấn chìm con người trong sự đơn điệu, lãng quên ( Cô hàng xén, gió đầu mùa, nhà mẹ Lê). Con người trong không gian ấy hòa nhịp đan quyện với những thanh âm buồn bã của đời sống, tạo thành một khúc nhạc đồng quê tấu lên như một tiếng khóc hờ để tự ru lấy đời mình.
Một loại không gian đặc biệt nữa xuất hiện trong truyện ngắn Thạch Lam là không gian bóng tối, với sự xuất hiện của 12/ 23 truyện, trong đó 9/ 12 truyện kết thúc trong bóng tối(11). Không gian bóng tối có một giá trị rất lớn trong việc tạo ấn tượng cho người đọc qua nhiều truyện ngắn Thạch Lam. Hình ảnh cuộc sống và con người cứ chìm dần, khuất hẳn trong bóng tối. Nó gợi sự xót xa và thương cảm của người đọc dành cho những con người, những cuộc đời, những không gian như thế. Bóng tối càng dày đặc, cảnh sống của con người càng thê lương theo cấp số cộng của cảnh đó thì lòng nhân đạo của nhà văn nhìn từ cảnh và người ấy cũng theo cấp số nhân mà phát triển lên.
Khái niệm thời gian là phạm trù triết học. Thời gian cùng với không gian là hình thức tồn tại của vật chất, không có gì tồn tại ngoài không gian và thời gian; thời gian với không gian có mối quan hệ biện chứng với nhau. Quan niệm khoa học hiện đại coi thời gian là chiều thứ tư của không gian cũng trong ý nghĩ ấy. Thời gian là đại lượng để xác định quá trình tồn tại, vận động, phát triển của mọi vật, mọi sự trong thế giới. Hình tượng nghệ thuật cũng chỉ được xác định trong không- thời gian. Thời gian khách quan luôn tuân theo quy luật một chiều trong mối tương quan của vũ trụ: Quá khứ- Hiện tại- Tương lai, đó là chiều của “ mũi tên thời gian” ( S. W. Hawking). Tuy nhiên thời gian trong tác phẩm văn học được tái tạo lại mang tính chủ quan của tác giả, cả về chiều dài, quy mô, hướng vận động của nó đều tùy thuộc vào cảm quan cá nhân nhà văn. Mũi thời gian quay ngược hay xuôi là do diễn biến tâm lý nhà văn đơn giản hay phức tạp, đơn tuyến hay đa tuyến quy định. Văn học là quá trình thanh lọc (cathasit) tâm hồn nhà văn, do vậy nó được đặc chế với độ tinh khiết nhất về chất trong ý tưởng của tác giả. Thời gian trong nghệ thuật có sức mạnh riêng, đủ khả năng đi ngược lại quy luật một chiều của thời gian vũ trụ ( theo quy luật tự nhiên) mà không hề tỏ ra sợ sệt trước sự trừng phạt của vị thần tối cao: Zues (Dớt). Do mang đặc điểm tâm lý của nhà văn, cho nên thời gian trong tác phẩm văn chương cũng bắt đầu từ điểm nhìn ( tiêu cự) của tác giả về hiện thực khách quan. Như trên chúng tôi đã đề cập đến điểm nhìn của Thạch Lam chủ yếu là nhìn từ bản thân, với những liên tưởng quá khứ khi sống cùng chị ở Cẩm Giàng. Cho nên thời gian trong tác phẩm của ông chiếm phần nhiều vẫn là thời gian tâm lý. Để miêu tả kiểu thời gian này, Thạch Lam chú trọng đi vào những khắc ( moment) quan trọng có khả năng gánh toàn bộ câu truyện. Trong Hai đứa trẻ khoảnh khắc chờ tầu là điểm nhấn cho mạch chuyện, với những hồi ức của chị em Liên về quá khứ dĩ vãng khi sống ở Hà Nội, ở Người bạn trẻ, điểm gánh tác phẩm, đồng thời cũng gánh cảm xúc cho câu truyện là đoạn Sinh hồi tưởng về quãng thời gian đi học vui vẻ. Tập trung vào những khoảnh khắc quan trọng, Thạch Lam đưa truyện của mình vào quỹ đạo của độ nén tâm lí nhân vật. Trên cơ sở ấy nhân vật trong truyện ngắn của ông đưa đẩy những suy nghĩ đi theo hai chiều: vừa hồi tưởng – vừa liên tưởng; do vậy thời gian trong truyện ngắn Thạch Lam cũng hướng mũi tên dọc theo hai chiều: Dĩ vãng- hiện tại. Nếu như thời gian dĩ vãng gợi lại những ký ức đẹp của một Hà Nội tràn ngập âm thanh và ánh sáng của chị em Liên ( Hai đứa trẻ), niềm sung sướng được đặt chân lên Paris hoa lệ, cùng người vợ đầm đi khắp nơi của anh lính trong Người lính cũ thì thời gian hiện tại với nỗi khổ đang bao trùm cuộc sống, đã là một sự tương phản. Con người sống giữa hai chiều tâm tưởng ấy dẫn đến cách nghĩ cũng thay đổi, thường có tâm trạng hoài cổ trở về với những ký ức đẹp của khu vườn cổ tích. Ở điểm này chúng tôi đồng ý với Gs Phan Cự Đệ khi cho rằng đây là kiểu thời gian cổ tích(12)
Truyện ngắn Thạch Lam có sự ngưng đọng, dồn nén về thời gian theo mạch suy nghĩ nhân vật. Một cảm giác đầm ấm khi trở lại mảnh vườn xưa, được núp Dưới bóng hoàng lan của Thanh mang đến sự ngạc nhiên, anh ngạc nhiên vì: “vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như đã ở nhà từ bao giờ , phong cảnh vẫn y nguyên, thời gian vẫn tịch mịch …Thanh trông thấy cảnh ấy đã nhiều lần, lần nào chở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế”. Thạch Lam thường sử dụng phương thức tỉnh lược thời gian để tập trung vào những điểm nổi bật, chủ yếu là những đoạn giằng xé trong tâm lý của nhân vật. Nhân vật đẩy sự siêu tưởng của mình vào những đám cháy lương tâm, vào những cuộc chiến phân thân giữa hai chiều ý tượng cá biệt (B. Croce) mà giá trị và phản giá trị của nó là: nên hay không nên hành động, hành động ấylà thẩm mỹ hay phi thẩm mỹ. Tất cả tạo nên những cú hích
trừu tượng của những hình ảnh đứt quãng trong suy nghĩ nhân vật. Trước cái ví, Thành không còn biết mình là ai, anh chỉ thấy mình “đã là kẻ ăn cắp… không có một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói” và sau đó khi trở về với con người của mình nhìn lại khoảnh khắc lúc ấy “tôi không biết… Có lẽ chỉ một lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp” anh đã nhận ra sự mỏng manh chia rẽ giữa phần con và phần người: “Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên… Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu? Tôi cũng không tìm biết rõ hơn. Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ…”.