Chương 7 Sáng tạo và Bất lương

Một phần của tài liệu bản đồ tư duy trong công việc (Trang 82 - 110)

Sáng tạo và Bất lương Chúng ta đều là kẻ đặt điều

Sự thật chỉ dành cho những ai thiếu trí tưởng tượng để sáng tạo sự thật của riêng họ.

– KHUYẾT DANH

Nhiều năm trước đây, hai nhà nghiên cứu Richard Nisbett (giáo sư Đại học Michigan) và Tim Wilson (giáo sư Đại học Virginia) đã cắm trại tại khu mua sắm địa phương và trải lên mặt bàn bốn đôi tất ni-lông. Sau đó, họ bắt đầu hỏi những người phụ nữ đi ngang qua xem họ thích đôi nào nhất. Nhiều phụ nữ bắt đầu bình chọn, và hầu hết đều tỏ ra thích đôi tất nằm bên phải. Nhưng tại sao? Có người nói đó là vì họ thích chất liệu của chúng hơn. Một số lại quy cho hoa văn hay màu sắc. Những người khác cho rằng chất lượng mới là ưu tiên hàng đầu. Câu chuyện về sở thích này thật thú vị, nếu ta biết rằng cả bốn đôi tất đều giống hệt nhau. (Nisbett và Wilson sau đó đã lặp lại thí nghiệm với áo ngủ phụ nữ, và cũng thu được kết quả tương tự.)

Khi Nisbett và Wilson đặt câu hỏi với từng người về lý do đứng sau lựa chọn của họ, đã không ai nhắc đến vị trí của đôi tất trên mặt bàn. Ngay cả khi hai nhà nghiên cứu bảo rằng các đôi tất đều giống nhau và họ chỉ đơn giản thích chiếc bên phải hơn, thì những phụ nữ này “vẫn một mực phủ nhận, và thường kèm theo cái liếc mắt đầy lo lắng về phía người phỏng vấn; như thể họ cảm giác rằng đã hiểu sai câu hỏi hay đang mua bán với một gã điên.”

Vậy tính luân lý trong câu chuyện này là gì? Rất có thể không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu rõ lý do đứng sau những việc chúng ta làm, thứ chúng ta chọn, hay điều chúng ta cảm nhận. Thế nhưng, sự mơ hồ về động cơ thật sự vẫn không hề ngăn cản chúng ta sáng tạo ra những lý do logic đến hoàn hảo nhằm biện minh cho hành động, quyết định và cảm giác của mình.

BẠN CÓ THỂ DÀNH LỜI cám ơn (hoặc đổ lỗi) cho nửa não trái của mình vì khả năng đặt chuyện phi thường này. Nhà khoa học thần kinh nhận thức Michael Gazzaniga (đồng thời là giáo sư Đại học California, Santa Barbara) đã từng khẳng định: não trái của chúng ta là “người diễn giải,” và cũng là bán cầu não có khả năng rút ra câu chuyện từ kinh nghiệm.

Gazzaniga đã đi đến kết luận này sau nhiều năm nghiên cứu các bệnh nhân có hai bán cầu não tách biệt, một nhóm dân số hiếm hoi sở hữu thể chai – búi dây thần kinh lớn nhất liên kết hai bán cầu não của chúng ta – bị cắt rời (thường với mục đích ngăn ngừa chứng co giật do động kinh). Thú vị thay, chính bộ não bất thường đã giúp những cá nhân này có thể tiếp nhận kích thích đến một trong hai bán cầu não, trong khi nửa còn lại không ý thức được gì.

Trong quá trình làm việc với một nữ bệnh nhân có thể chai bị cắt rời, Gazzaniga đã rất muốn tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn yêu cầu nửa não phải thực hiện một hành động, rồi yêu cầu nửa não trái (vốn không nhận biết được điều gì đang diễn ra ở nửa kia) cho biết lý do của hành động đó. Thông qua một thiết bị hiển thị các chỉ dẫn dành cho bán cầu não phải, Gazzaniga đã chỉ thị cho nửa não phải của bệnh nhân này khiến cô bật cười khi từ “cười” hiện lên. Ngay khi người phụ nữ làm theo, ông liền hỏi lý do vì sao cô cười. Tất nhiên, người phụ nữ không thể biết nguyên nhân, nhưng thay vì thú nhận “Tôi không biết,” cô lại bịa ra một câu chuyện. “Tháng nào các ông cũng đến đây kiểm tra này nọ. Tôi cũng phải cố sống vui vẻ chứ!” cô đáp. Chắc hẳn cô đã nghĩ rằng các bác sĩ tâm thần nhận thức trông thật buồn cười.

Mẩu chuyện trên đã minh họa một cách khá cực đoan cho khuynh hướng trong mỗi chúng ta. Chúng ta luôn muốn giải thích lý do dẫn đến hành vi của chính mình cũng như cách thế giới quanh ta vận hành, ngay cả khi những lời biện bạch yếu ớt của chúng ta tỏ ra bất lực trước hiện thực. Chúng ta là những tạo vật thích đặt chuyện từ trong máu, và chúng ta luôn tự bịa ra hết chuyện này đến chuyện khác cho đến khi vừa ý với một lời giải thích nghe có vẻ đáng tin. Và khi câu chuyện vẽ nên một hình ảnh rực rỡ và tươi sáng hơn về chính chúng ta, mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Lừa dối chính mình

Trong bài phát biểu khai mạc tại Cal Tech năm 1974, nhà vật lý học Richard Feynman đã nhắn nhủ đến các sinh viên vừa tốt nghiệp, “Nguyên tắc đầu tiên chính là không được lừa dối bản thân – vì các bạn là những người dễ bị lừa phỉnh nhất.” Như chúng ta đã thấy, bản thân con người luôn bị giằng xé trong một xung đột cơ bản – đó chính là khuynh hướng gian dối đã khắc sâu trong tâm trí đối với bản thân và những người xung quanh, cùng mong muốn tự xem mình là kẻ trung thực và lương thiện như bao người khác. Do đó, chúng ta sẽ tự biện minh cho thói bất lương bằng cách bịa ra

những câu chuyện lý giải vì sao hành động của mình có thể chấp nhận được, và đôi lúc còn đáng ngưỡng mộ. Quả thực, chúng ta rất có tài tự che mắt mình.

Trước khi xem xét cụ thể hơn động cơ khiến chúng ta tôn vinh bản thân một cách tài tình, hãy để tôi kể với bạn câu chuyện về một lần tôi tự lừa dối bản thân (và khiến tôi rất vui sướng). Khoảng vài năm trước (khi tôi 30 tuổi), tôi quyết định đã đến lúc bán chiếc xe gắn máy lấy chiếc xe hơi. Tôi đã cố gắng tìm hiểu xem chiếc xe nào sẽ phù hợp nhất với mình. Khi ấy, mạng Internet đang bùng nổ những ứng dụng được gọi là “công cụ trợ giúp quyết định,” và tôi đã rất thích thú khi tìm thấy một trang web chuyên cung cấp lời khuyên cho người muốn mua xe hơi. Trang web được mô phỏng như một bài phỏng vấn, và đặt ra cho tôi rất nhiều câu hỏi bao quát từ sở thích, giá thành, độ an toàn cho đến loại đèn trước và thắng xe tôi muốn sử dụng.

Tôi mất chừng 20 phút để trả lời hết các câu hỏi. Mỗi khi hoàn thành một trang trả lời, tôi lại nhận thấy thanh tiến độ vừa cho biết tôi đang tiến gần hơn đến chiếc xe hơi trong mơ của riêng mình. Tôi hoàn thành trang câu hỏi cuối cùng và háo hức nhấp vào phím “Nộp”. Chỉ sau vài giây, tôi đã nhận được kết quả. Vậy chiếc xe phù hợp nhất với tôi là gì? Theo tính toán của trang web uy tín trên, đó chính là một chiếc Ford Taurus!

Tôi phải thừa nhận rằng tôi chẳng am hiểu mấy về xe cộ. Đúng ra, tôi hầu như chẳng biết chút gì về xe hơi. Nhưng tôi dám chắc mình không muốn một chiếc Ford Taurus. Tôi không rõ bạn sẽ làm gì trong tình huống trên, nhưng tôi đã làm điều mà bất kỳ ai nhanh trí cũng sẽ làm: quay lại đầu chương trình và “chỉnh sửa” các câu trả lời trước đó. Tôi sửa hết lần này đến lần khác để kiểm tra xem các câu trả lời được thay đổi có dẫn đến những đề xuất khác hay không. Tôi tiếp tục thử đến khi chương trình vui lòng đề nghị với tôi một chiếc mui trần nhỏ – và đó tất nhiên là chiếc xe tôi muốn. Tôi đã nghe theo lời khuyên đúng đắn trên, và nhờ thế, tôi đã trở thành chủ nhân đầy tự hào của chiếc mui trần mới (sẵn đây xin nói, nó đã phục vụ tôi rất trung thành trong suốt nhiều năm).

Kinh nghiệm trên đã giúp tôi hiểu rằng: đôi lúc (hay thậm chí thường xuyên), chúng ta sẽ không lựa chọn dựa trên sở thích rõ ràng của mình. Thay vì thế, chúng ta sẽ cảm thấy rạo rực về thứ mình muốn, sẽ trải qua một tiến trình thử thách về tinh thần, và vận dụng hết những lời biện minh nhằm thao túng các tiêu chí. Nhờ thế, chúng ta sẽ có được điều mình thật sự mong muốn, nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng mình đã hành động dựa trên sở thích sáng suốt và hợp lý (khi phải đối chất với chính bản thân và những người xung quanh).

Logic đồng xu

Nếu chấp nhận rằng bản thân thường ra quyết định theo phương thức trên, chúng ta sẽ có thể đưa ra lời biện minh hợp lý và nhanh chóng hơn. Sau đây là bí quyết: Hãy hình dung bạn đang lựa chọn giữa hai chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Máy ảnh A có độ phóng đẹp và dung lượng pin khá cao, trong khi máy ảnh B lại nhẹ hơn và hợp mốt hơn. Bạn không chắc mình nên chọn chiếc nào. Bạn nghĩ máy ảnh A có chất lượng tốt hơn, nhưng máy ảnh B sẽ khiến bạn vui sướng hơn vì bạn thích vẻ ngoài của nó. Như vậy,

bạn nên làm gì? Lời khuyên của tôi chính là: hãy rút ra trong túi một đồng 25 xu và tự nhủ: “Mặt hình là A, mặt số là B.” Sau đó, hãy tung đồng xu. Nếu đồng xu ra mặt hình và máy ảnh A là thứ bạn muốn: rất tốt, hãy mua nó. Nhưng nếu bạn không hài lòng với kết quả, hãy bắt đầu lại và nhủ thầm: “Lần thử sau mới là thật.” Hãy cứ lặp lại như thế đến khi ra mặt số. Bạn không những mua được máy ảnh B – thứ bạn thật sự muốn ngay từ đầu – mà còn có thể biện minh cho quyết định của mình rằng: bạn chỉ nghe theo “gợi ý” của đồng xu mà thôi. (Bạn có thể hỏi ý bạn bè thay vì tung đồng xu, và tiếp tục tham vấn họ cho đến khi một người đưa ra lời khuyên bạn mong muốn.)

Có lẽ chính tính năng thực tiễn của phần mềm gợi ý mua xe đã giúp tôi lựa chọn chiếc mui trần. Có thể phần mềm này được thiết kế không chỉ nhằm giúp tôi ra quyết định chính xác hơn, mà còn cho phép tôi bênh vực cho lựa chọn mình thật sự mong muốn. Nếu đúng như vậy, thì tôi cho rằng sẽ rất hữu ích nếu chúng ta chú trọng phát triển ngày càng nhiều các ứng dụng tiện ích tương tự trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.

Não bộ của kẻ nói dối

Đa số chúng ta đều tin rằng có những người đặc biệt tài ba (hoặc kém cỏi) trong việc lừa dối. Nếu đó là sự thật, thì những đặc điểm nào sẽ khiến họ khác với người

thường? Một nhóm nghiên cứu do Yaling Yang (học viên trên tiến sĩ tại Đại học

California, Los Angeles) đã nỗ lực tìm kiếm đáp án cho câu hỏi này, thông qua nghiên cứu những người mắc bệnh hay nói dối – đó là những bệnh nhân luôn nói dối một cách tùy tiện như thể họ bị ép buộc.

Nhằm tìm kiếm người tham gia nghiên cứu này, Yang và các đồng nghiệp của cô đã ghé thăm trung tâm cung ứng lao động thời vụ tại Los Angeles. Trong số các ứng viên không được tuyển dụng chính thức, họ đã phát hiện một số ít người gặp khó khăn trong việc duy trì công việc vì mắc bệnh hay nói dối. (Tất nhiên, điều này không xảy ra với tất cả những nhân viên thời vụ.)

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã giao cho 108 ứng viên tìm việc một xấp bài kiểm tra tâm lý, và tiến hành phỏng vấn riêng với từng người, cũng như đồng nghiệp và người thân của họ nhằm xác định những điểm khác biệt then chốt giúp tiết lộ bí mật của người mắc bệnh hay nói dối. Trong nhóm này, họ đã tìm ra 12 người chuyên thuật lại những câu chuyện về công việc, trường học, tiền án và gia thế của họ với đầy tình tiết mâu thuẫn. Họ cũng chính là những đối tượng thường xuyên giả vờ ốm để trốn việc hay để nhận trợ cấp ốm đau.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã cho tiến hành chụp não của 12 người mắc bệnh nói dối – cộng với 21 người bình thường khác cùng trong nhóm ứng viên tìm việc (hay nhóm có kiểm soát) – nhằm tìm hiểu cấu trúc não bộ của từng người. Nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào thùy não trước trán – phần não bộ nằm ngay sau xương trán và được xem là bộ phận phụ trách tư duy bậc cao, như lập thời khóa biểu hàng ngày hay quyết định cách đối phó với cám dỗ xung quanh. Đồng thời, chúng ta cũng phụ thuộc vào phần não bộ này khi cần ra quyết định hay phán xét về đạo đức. Nói tóm lại, nó hệt như một tòa tháp chỉ huy kiểm soát mọi hoạt động tư duy, lý luận và đạo đức.

Nhìn chung, có hai loại thành phần làm nên não bộ của chúng ta: bao gồm chất xám và chất trắng. Chất xám chỉ là cách gọi khác của tập hợp các nơ-ron thần kinh làm nên thành phần chính trong não bộ, và cũng là nguồn năng lượng cung cấp cho hoạt động tư duy. Còn chất trắng là hệ thống dây thần kinh liên kết các tế bào đó. Mỗi người luôn có đủ chất trắng lẫn chất xám, nhưng Yang và các cộng tác viên của cô lại quan tâm đến khối lượng tương quan giữa hai thành phần này trong vỏ não trước của người tham gia. Họ phát hiện những người mắc bệnh hay nói dối sở hữu ít hơn 14% chất xám so với nhóm có kiểm soát; đây cũng là kết quả chung rút ra từ các đối tượng khiếm khuyết về tâm lý. Kết quả này có ý nghĩa ra sao? Khả năng đầu tiên chính là: do những người mắc bệnh hay nói dối có ít tế bào não (chất xám) hơn để cung cấp năng lượng cho vỏ não trước (phần não bộ then chốt giúp phân biệt đúng sai), nên họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp thu các vấn đề đạo đức, và do đó sẽ dễ nói dối hơn.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bạn có thể sẽ thắc mắc về phần không gian trống còn lại trong hộp sọ những người mắc bệnh hay nói dối, do họ có ít chất xám hơn. Tuy nhiên, Yang cùng các đồng nghiệp cũng phát hiện những đối tượng này có nhiều hơn từ 22% đến 26% chất trắng ở thùy não trước so với những người không mắc bệnh nói dối. Do có nhiều chất trắng hơn (hãy nhớ, đây là mạng lưới dây thần kinh liên kết chất xám), những người mắc bệnh lý này sẽ tạo dựng được mối liên hệ tốt hơn giữa trí nhớ với ý tưởng; có lẽ, khả năng kết nối được nâng cấp này – cùng với khả năng truy cập mạng lưới liên tưởng có trong chất xám – cũng chính là thành tố bí mật làm nên những kẻ nói dối bẩm sinh.

Nếu xem xét những kết quả trên trong phạm vi rộng hơn, chúng ta có thể kết luận rằng: khả năng kết nối cao hơn của não bộ có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta nói dối dễ dàng hơn, song vẫn tự cho mình là những tạo vật thánh thiện. Xét cho cùng, những bộ não mang tính liên kết tốt hơn cũng sở hữu nhiều phương thức suy luận hơn khi chủ thể của chúng tiến hành diễn đạt hay lý giải các hiện tượng mơ hồ – và có lẽ đây chính là yếu tố then chốt giúp chúng ta biện minh cho những hành vi bất chính. Thêm sáng tạo, thêm tiền thưởng

Những khám phá trên đã khiến tôi tự hỏi: liệu chất trắng gia tăng có đồng thời nâng cao khả năng nói dối lẫn tính sáng tạo hay không? Xét cho cùng, những người có sự liên kết tốt hơn giữa các phần não bộ, hay có khả năng liên tưởng tốt hơn cũng được cho là sáng tạo hơn. Nhằm kiểm chứng mối liên hệ khả dĩ giữa tính sáng tạo và thói gian dối, tôi đã cùng Francesca Gino tiến hành một loạt nghiên cứu. Đúng với bản chất của sự sáng tạo, chúng tôi đã tiếp cận câu hỏi trên từ nhiều góc độ khác nhau, và khởi đầu với một phương pháp tương đối đơn giản.

Khi người tham gia đến trình diện ở phòng thí nghiệm, chúng tôi đã yêu cầu họ trả lời một tập câu hỏi trên máy tính. Tập hợp này bao gồm nhiều câu hỏi không liên quan đến nhau, nhưng tựu trung đều đề cập đến kinh nghiệm và thói quen chung của người

Một phần của tài liệu bản đồ tư duy trong công việc (Trang 82 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(130 trang)
w