Chương 6 Lừa dối bản thân

Một phần của tài liệu bản đồ tư duy trong công việc (Trang 71 - 82)

Lừa dối bản thân

Hãy hình dung bạn là một chú cua trên một bãi biển cát trắng mịn màng. Thủy triều đang rút ra xa bờ, để lại một trảng cát rộng còn đẫm nước. Bỗng nhiên, bạn trông thấy ngay trước mắt mình một nàng cua xinh xắn. Cùng lúc đó, bạn cũng nhận thấy cuộc giao tranh với những chú cua khác để lọt vào mắt xanh của nàng cua đang đến rất gần. Bạn biết cách xử lý tốt nhất trong tình huống này chính là xua đuổi những chàng cua khác. Nhờ thế, bạn sẽ không phải giao chiến và chẳng may làm bản thân bị thương. Vì vậy, bạn buộc phải chứng tỏ với các chú cua khác rằng bạn to lớn và mạnh mẽ hơn họ. Càng tiến gần đến cuộc giao tranh, bạn biết mình phải gây ấn tượng mạnh mẽ hơn về kích thước của mình. Song, nếu chỉ giả vờ tỏ ra to lớn hơn bằng cách nhón trên các khớp chân và khua càng một cách miễn cưỡng, bạn có thể tự loại mình khỏi vòng chiến? Vậy, bạn phải làm thế nào?

Điều bạn cần làm là tự động viên bản thân và bắt đầu tin rằng bạn là một chú cua to lớn và ghê gớm hơn thực tế. Do “biết rằng” mình là chú cua to lớn nhất trên bãi biển, bạn sẽ vươn mình cao nhất có thể trên những cặp chân sau và vung đôi càng càng xa rộng càng tốt. Nếu tin tưởng vào lời bịa đặt này của bản thân, bạn sẽ không chùn bước. Và lòng tự tin (thái quá) của bạn sẽ áp đảo đối phương.

GIỜ HÃY TRỞ LẠI với câu chuyện. Là con người, chúng ta luôn có những phương thức tâng bốc bản thân tinh vi hơn so với các bản sao trong giới tự nhiên. Chúng ta có khả năng nói dối – không chỉ với người khác, mà ngay với bản thân mình. “Tự lừa dối” là một phương sách hữu hiệu giúp chúng ta tin vào câu chuyện do chính mình bịa ra; và nếu thành công, chúng ta sẽ bớt cảm thấy nao núng hoặc bất chợt thể hiện một con người khác với nhân vật mình đang “sắm vai.” Ở đây, tôi không đề cao việc nói dối như một phương thức giúp chúng ta chinh phục một người bạn đời, một công việc hay điều gì khác. Tuy nhiên, trọng tâm của chương này sẽ mở ra những phương pháp giúp chúng ta thành công trong việc lừa dối bản thân, như cách ta vẫn làm với những người xung quanh.

Tất nhiên, chúng ta không thể lập tức tin vào mọi lời dối trá của chính mình. Đơn cử, hãy tưởng tượng bạn là một chàng trai đang tham gia sự kiện hẹn hò chớp nhoáng, và đang cố gắng gây ấn tượng với một cô gái quyến rũ. Bỗng nhiên, bạn chợt nghĩ ra một ý tưởng táo bạo: bạn kể với cô nàng rằng mình có bằng phi công. Nhưng thậm chí nếu bạn có khiến cô ta tin sái cổ, thì bạn cũng khó lòng tự thuyết phục bản thân rằng: thực tế, bạn có bằng phi công; và trong chuyến bay sắp tới, bạn sẽ cho cơ trưởng lời

khuyên để giúp ông hạ cánh tốt hơn. Mặt khác, hãy giả sử bạn đang chạy bộ với một người bạn và bàn luận về những lần chạy tốt nhất của mình. Bạn kể rằng mình đã từng chạy hết một dặm trong chưa đầy 7 phút, nhưng trên thực tế, thành tích tốt nhất của bạn lại nhỉnh hơn 7 phút vài giây. Vài ngày sau, bạn lại khoe điều tương tự với một người khác. Sau khi lặp lại những lời phóng đại từ ngày này sang ngày khác, cuối cùng, bạn có thể sẽ quên rằng mình thật sự vẫn chưa phá kỷ lục 7 phút. Thậm chí, bạn có thể tin tưởng đến mức sẵn sàng đặt cược vào điều đó.

HÃY ĐỂ TÔI kể với bạn câu chuyện về một lần tôi phải tự lừa dối bản thân. Mùa hè năm 1989 – khoảng hai năm sau khi tôi xuất viện – Ken, bạn tôi và tôi đã bay từ New York đến London để ghé thăm một người bạn khác. Chúng tôi đã bay chuyến rẻ nhất đến London – thuộc hãng hàng không Air India. Khi ta-xi thả chúng tôi ở cửa sân bay, cả hai đã choáng váng khi chứng kiến cảnh đoàn người xếp hàng vào nhà chờ. Ken nhanh chóng nảy ra một ý tưởng: “Sao cậu không thử dùng xe lăn xem sao?” Tôi suy nghĩ về sáng kiến này: nếu nghe theo Ken, không những tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn, mà cả hai còn có thể vào trong mau chóng hơn. (Thú thật, tôi rất khó đứng lâu vì máu lưu thông trong hai chân vẫn chưa ổn lắm. Nhưng tôi thật sự không cần đến xe lăn.)

Chúng tôi đều đồng ý đây là kế hoạch tốt, nên Ken đã nhảy ra khỏi ta-xi và quay lại với một chiếc xe lăn. Chúng tôi lướt nhanh qua quầy đăng ký, và do vẫn còn hai tiếng rảnh rỗi, tôi và Ken có thể cùng thưởng thức cà phê và bánh mì kẹp. Khi lên máy bay,

ghế chúng tôi ở hàng thứ 30; và khi đến gần cửa ra vào, tôi mới nhận ra chiếc xe lăn quá lớn so với hành lang. Do đó, chúng tôi phải cố làm đúng như vai diễn yêu cầu: Tôi rời xe lăn ngay cửa máy bay, bá vai Ken, và để anh cõng tôi đến ghế ngồi.

Trong khi chờ máy bay cất cánh, tôi cảm thấy rất khó chịu vì buồng vệ sinh trong sân bay không hỗ trợ cho người khuyết tật, và hãng hàng không cũng không cung cấp cho tôi chiếc xe lăn vừa với ghế ngồi. Lửa giận trong tôi còn bốc cao hơn khi phát hiện tôi không thể uống giọt nước nào trong suốt 6 giờ bay, vì không cách gì sử dụng được buồng vệ sinh trên không. Khó khăn lại tiếp tục phát sinh khi chúng tôi hạ cánh xuống London. Một lần nữa, Ken phải tháp tùng tôi đến cửa ra, và do máy bay không có sẵn xe lăn, chúng tôi đành phải ngồi đợi.

Chỉ một chuyến phiêu lưu ngắn cũng đủ khiến tôi cảm thông với những bức xúc mà người khuyết tật trên khắp thế giới phải chịu đựng hàng ngày. Quả thực, tôi đã phẫn nộ đến mức quyết định phản ánh với trụ sở Air India lại London. Khi xe lăn vừa đến, Ken đã đẩy tôi đến văn phòng Air India; và với lòng căm phẫn cao độ, tôi đã diễn tả lại từng nỗi khó khăn và tủi nhục mình phải chịu đựng, đồng thời quở trách trụ sở Air India tại địa phương vì đã thiếu quan tâm đến những người khiếm khuyết từ khắp mọi nơi. Tất nhiên, người đại diện phải rối rít xin lỗi tôi, và sau đó chúng tôi rời khỏi văn phòng.

Điều kỳ lạ chính là: trong suốt chuyến đi, tôi vẫn biết rõ mình có thể đi lại bình

thường, nhưng tôi đã nhập vai nhanh chóng và nhuần nhuyễn đến mức trong thâm tâm tôi cũng có cảm giác rằng: mình có lý do chính đáng để bực tức.

NHẰM XEM XÉT một cách nghiêm túc về sự tự lừa dối, Zoë Chance (học viên trên tiến sĩ tại Yale), Mike Norton, Francesca Gino và tôi đã quyết định tìm hiểu chi tiết hơn về cách thức và thời điểm chúng ta “dụ dỗ” bản thân tin vào lời nói dối do chính mình bịa ra, cũng như khám phá những phương pháp giúp ngăn chặn điều đó. Trong giai đoạn đầu của công cuộc nghiên cứu, người tham gia sẽ tiến hành một bài kiểm tra dạng IQ gồm 8 câu hỏi (chẳng hạn, một trong các câu hỏi sẽ là: “Số nào là ½ của ¼ của 1/10 của 400?”). Sau khi hoàn thành bài trắc nghiệm, người tham gia thuộc nhóm được giám sát sẽ nộp lại câu trả lời cho người phụ trách – người trực tiếp kiểm tra đáp án của họ. Nhờ thế, chúng tôi có thể tính toán thành tích trung bình của bài kiểm tra.

Trong tình huống cho phép gian lận, người tham gia sẽ được cho sẵn đáp án ở cuối trang. Họ cũng được thông báo rằng đáp án đã có sẵn nhằm giúp họ tự đánh giá xem mình trả lời tốt đến đâu. Tuy nhiên, họ phải trả lời câu hỏi trước và chỉ được xem đáp án để kiểm tra lại. Sau khi trả lời toàn bộ câu hỏi, người tham gia sẽ kiểm tra đáp án một lần nữa và báo cáo với giám sát viên.

Sau giai đoạn đầu của nghiên cứu, chúng tôi đã nhận được gì? Đúng như dự kiến, nhóm người chơi có cơ hội “kiểm tra đáp án” đã ghi được nhiều điểm số hơn mức bình quân, và cho thấy rằng họ đã sử dụng đáp án không chỉ để tự đánh giá, mà còn nhằm cải thiện thành tích của bản thân. Cũng như các thí nghiệm trước, chúng tôi nhận thấy người chơi đã gian lận khi có cơ hội, nhưng với mức độ không quá cao.

Tự giúp mình đạt điểm MENSA cao hơn

Bố cục của thí nghiệm trên đã được lấy cảm hứng từ một trong các tạp chí giới thiệu bạn có thể tìm thấy ở sau ghế máy bay. Trên một chuyến bay nọ, tôi đã lướt qua một cuốn tạp chí và khám phá ra bài trắc nghiệm MENSA (gồm một nhóm câu hỏi thử trí thông minh). Do sẵn máu hiếu thắng trong người, tôi quyết định thử sức. Chỉ dẫn trong bài viết cho biết các đáp án đã có sẵn ở mặt sau tạp chí. Sau khi trả lời câu hỏi đầu tiên, tôi liền giở ra sau để xem đáp án; và lạ chưa kìa! Tôi đã đáp đúng. Nhưng khi tiếp tục bài trắc nghiệm, tôi chợt nhận ra rằng mỗi khi kiểm tra các câu đã làm, mắt tôi cũng vô tình liếc sang đáp án tiếp theo. Do đã nhìn thoáng qua đáp án của câu hỏi kế, tôi có thể giải quyết chúng nhanh gọn hơn rất nhiều. Đến cuối bài trắc nghiệm, tôi đã trả lời đúng gần hết các câu hỏi, và điều đó khiến tôi chắc mẩm mình là một kiểu thiên tài nào đấy. Nhưng rồi, tôi buộc phải tự hỏi rằng phải chăng mình đạt điểm cao vì sở hữu một trí tuệ siêu phàm, hay chỉ vì đã nhìn trước đáp án qua khóe mắt (lẽ tất nhiên, trong thâm tâm tôi vẫn quy chúng cho đầu óc sáng suốt của mình).

Tình huống cơ bản tương tự cũng có thể xảy đến với bất kỳ bài kiểm tra nào nếu đáp án được in sẵn ở mặt sau hay in ngược ở cuối trang, như ta vẫn thường gặp trong các tạp chí hay tài liệu hướng dẫn ôn tập SAT. Chúng ta thường lợi dụng các đáp án này khi ôn tập kiểm tra nhằm tự thuyết phục bản thân rằng ta là kẻ thông minh; và nếu chẳng may trả lời sai, ta cũng chỉ xem đó là sai lầm ngớ ngẩn và nhất quyết sẽ không mắc lại trong kỳ thi thật. Dù sao chăng nữa, ta cũng cảm thấy đắc ý do đã tự thổi phồng trí thông minh của mình – và đó là điều chúng ta sẽ vui vẻ đón nhận.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU từ thí nghiệm đã cho thấy rằng: người tham gia có khuynh hướng tìm kiếm câu trả lời như một cách cải thiện điểm số của họ. Nhưng kết quả này vẫn chưa cho biết liệu họ có thật sự dính líu đến một tình huống gian lận kệch cỡm hay không, hoặc họ chỉ đang tự lừa dối bản thân. Nói cách khác, chúng ta vẫn chưa biết liệu người tham gia có hiểu rõ rằng họ đang gian lận, hay chỉ tự thuyết phục rằng họ đã biết trước câu trả lời đúng ngay từ đầu. Để tìm hiểu điều này, chúng tôi đã bổ sung một yếu tố mới trong thí nghiệm tiếp theo.

Hãy hình dung bạn đang tham gia một thí nghiệm tương tự như tình huống đầu tiên. Bạn nhận một bảng trắc nghiệm gồm 8 câu hỏi và trả lời đúng 4 câu (tương đương 50%); nhưng nhờ xem đáp án cuối trang, bạn cam đoan rằng mình đã giải đúng 6 câu hỏi (hay 75%). Đến đây, bạn sẽ cho rằng khả năng thật sự của mình chỉ nằm trong khoảng 50%, hay lên đến 75%? Một mặt, bạn có thể ý thức rằng mình đã lợi dụng đáp án nhằm thổi phồng điểm số. Mặt khác, do biết rõ bạn sẽ được trả thưởng tương ứng với 6 câu trả lời đúng, bạn có thể sẽ tự thuyết phục bản thân rằng mình đủ khả năng giải đúng 75% câu hỏi.

Đây chính là thời điểm bắt đầu giai đoạn hai của thí nghiệm. Sau khi hoàn thành bài trắc nghiệm toán học, giám sát viên sẽ yêu cầu bạn dự đoán thành tích của mình trong phần kiểm tra tiếp theo; cụ thể, bạn sẽ phải trả lời 100 câu hỏi trong điều kiện tương tự. Nhưng tất nhiên, lần này sẽ không có đáp án nào in sẵn ở cuối trang (do đó bạn cũng chẳng còn cơ hội tham khảo). Bạn dự đoán mình sẽ đạt thành tích ra sao trong

bài trắc nghiệm kế tiếp? Liệu nó sẽ ứng với thực lực của bạn trong giai đoạn đầu (50%), hay ứng với khả năng được thổi phồng (75%)? Ta có thể lý luận như sau: nếu bạn thừa nhận đã lợi dụng đáp án để thổi phồng điểm số một cách giả tạo trong bài kiểm tra trước, bạn sẽ dự đoán mình chỉ giải đúng được số phần trăm câu hỏi ứng với tình huống không được trợ giúp (tương đương 4 trên 8 câu, hay 50%). Nhưng hãy giả sử rằng bạn bắt đầu tin tưởng mình thật sự đã giải đúng được 6 câu hỏi bằng thực lực bản thân, chứ không vì đã xem trước câu trả lời. Lúc này, bạn sẽ dự đoán rằng mình có thể giải đúng được số phần trăm câu hỏi cao hơn (tương đương 75%). Hiển nhiên, bạn thực chất chỉ có thể giải đúng khoảng một nửa số câu hỏi, nhưng chính sự tự lừa dối đã tâng bốc bạn – như một chú cua hung hăng – và giúp bạn tự tin hơn vào khả năng của mình.

Kết quả cho thấy rằng những người tham gia đã lựa chọn phương án sau: tự tâng bốc bản thân. Các con số dự đoán về thành tích của họ trong giai đoạn hai của thí nghiệm không chỉ chứng minh họ đã lợi dụng đáp án hòng phóng đại điểm số trong giai đoạn đầu, mà còn nhanh chóng thuyết phục bản thân rằng họ đã tự mình đạt đến điểm số đó. Về cơ bản, những ai có cơ hội kiểm tra lại đáp án trong giai đoạn đầu (và gian lận) đã dần tin tưởng rằng thành tích được phóng đại nói trên chính là minh chứng cho thực lực của họ.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quyết định trả thưởng để người chơi dự đoán chính xác điểm số của họ trong giai đoạn hai? Với sự góp mặt của đồng tiền, rất có thể người tham gia sẽ không dễ dàng bỏ qua sự thật rằng họ đã lợi dụng đáp án hòng cải thiện điểm số trong bài trắc nghiệm trước. Lần này, chúng tôi đã lặp lại thí nghiệm trên với một nhóm người chơi mới, và treo thưởng số tiền lên đến 20 đô-la cho những ai dự đoán chính xác thành tích của họ trong giai đoạn hai. Tuy nhiên, ngay cả khi được khích lệ bằng tiền bạc, họ vẫn quyết định đặt trọn niềm tin vào điểm số và tiếp tục đánh giá quá cao khả năng của mình. Như vậy, bất chấp một động cơ mạnh mẽ hòng giúp ta xác định đúng thực lực, bản tính tự lừa dối vẫn tỏ ra thắng thế.

TÔI ĐÃ BIẾT CẢ RỒI

Tôi đã có không ít bài phát biểu về nghiên cứu của mình trước nhiều đối tượng khán giả khác nhau, từ các trường viện cho đến doanh nghiệp. Khi bắt đầu diễn thuyết, tôi luôn mô tả rõ về thí nghiệm chúng tôi đã tiến hành, các kết quả thu được, và cuối cùng là bài học rút ra từ chúng. Song, tôi cũng thường xuyên nhận thấy một số khán giả có vẻ không mấy ngạc nhiên về các số liệu tôi trình bày, và sẵn sàng thừa nhận với tôi điều đó. Tôi rất lấy làm khó hiểu; bởi trên tư cách người đích thân tiến hành nghiên cứu, bản thân tôi cũng không ít lần sửng sốt trước kết quả mình thu được. Tôi tự hỏi, liệu những khán giả này có thật sự uyên bác đến thế không? Làm thế nào họ lại biết được kết quả sớm hơn tôi? Hoặc có khi nào đó chỉ là cảm giác gợi nhớ do trực giác hay không?

Cuối cùng, tôi đã tìm ra cách ứng phó với cảm giác “Tôi đã biết cả rồi” này. Tôi bắt đầu đề nghị khán giả dự đoán kết quả từ các thí nghiệm. Sau khi trình bày phương

Một phần của tài liệu bản đồ tư duy trong công việc (Trang 71 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(130 trang)
w