Phương hướng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng lối Sống mới cho sinh viên Việt nam hiện nay ppt (Trang 65 - 70)

* Đảm bảo sự thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên

Khi chúng ta khẳng định các giá trị đạo đức truyền thống là cơ sở, là một trong những yếu tố làm nền tảng cho quá trình xây dựng lối sống mới ở sinh viên thì việc coi trọng việc phát huy các giá trị đạo đức mới trên cơ sở kế thừa có chọn lọc là một yêu cầu cơ bản. Chủ nghĩa duy vật biện chứng đã chỉ rõ không có sự phát triển nào là hư vô,

tự phát, ngẫu nhiên, mà bao giờ cũng phải là sự kế thừa, tiếp nối. Vì kế thừa là quy luật phát triển của ý thức xã hội nói chung, ý thức đạo đức nói riêng, nó là nhân tố, là vòng khâu của sự phát triển, là cầu nối giữa cái cũ với cái mới.

Tính kế thừa của các giá trị đạo đức phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế xã hội, vào lợi ích giai cấp, vào đặc điểm dân tộc và cả yếu tố thời đại. Do vậy, khi kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống cần phải có sự bổ sung, đổi mới cho phù hợp với những đòi hỏi của xã hội hiện đại. Thực tế đã chứng minh, khi xã hội phát triển ngày càng cao sẽ có nhiều giá trị đạo đức truyền thống không còn phù hợp với thực tiễn sinh động, do đó, cần có sự đổi mới trên sơ cở kế thừa để các giá trị đạo đức ấy để đảm bảo sự tác động tích cực của nó trong đời sống.Trong quá trình phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên cũng cần phải đảm bảo sự thống nhất giữa kế thừa và đổi mới nhằm nâng các giá trị ấy lên một tầm cao mới. Chẳng hạn:

Truyền thống yêu nước là bậc thang cao nhất trong hệ giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Nó đã được thực tiễn lịch sử thử thách, chứng minh. Với tư cách là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng, truyền thống yêu nước cũng biến đổi cho phù hợp với những biến cố của lịch sử, nếu không truyền thống ấy sẽ trở thành rào cản trong quá trình phát triển đất nước. Trong chiến tranh, tinh thần yêu nước là ra trận, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, tự do, hoà bình cho nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, yêu nước là phải nâng cao ý chí tự lực tự cường, thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, khơi dậy trong mỗi con người, mỗi tập thể tính tích cực chủ động, sáng tạo, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, quyết đoán, giám nghĩ dám làm. Tinh thần yêu nước được hiện thực hoá trong công việc mà mỗi cá nhân đảm nhận. Yêu nước hiện nay là biết khắc phục những yếu kém, đẩy lùi các nguy cơ, vượt qua những thử thách, khó khăn, từ đó làm xuất hiện những tấm gương người tốt, việc tốt. Điều này đã và đang đưa lại những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước, cũng như góp phần hình thành lối sống mới cho con người Việt Nam nói chung, trong đó có lối sống cho sinh viên.

Lòng nhân ái yêu thương con người là yếu tố thuận lợi cho việc tiếp thu các giá trị đạo đức của các dân tộc khác, xây dựng nhân cách đạo đức phù hợp với sự phát triển

của nhân loại. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế về mặt giai cấp và lịch sử: lòng thương người đôi khi chỉ chú ý tới những khía cạnh thiếu hụt của cá nhân so với cộng đồng (thường là về kinh tế hay những bất công), chứ chưa chú ý tới con người với tư cách là nhân cách độc lập cần được phát triển một cách hài hoà, phong phú cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, lòng thương yêu con người không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc mà cần được mở rộng, kết hợp với các quốc gia, dân tộc khác để giải quyết những vấn đề chung (môi trường, bệnh tật, tệ nạn xã hội,...).

Với tinh thần đoàn kết, dân tộc Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi trước các kẻ thù, vượt qua được nhiều khó khăn để giữ và phát triển chính quyền xã hội mới. Trong giai đoạn hiện nay, nếu chúng ta tuyệt đối hoá truyền thống đoàn kết sẽ dễ dẫn tới tư tưởng bình quân chủ nghĩa, cào bằng. Chính điều này sẽ gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước, bởi trong nhiều trường hợp, người ta không dám chịu trách nhiệm cá nhân, con người cũng kém năng động, trông chờ, ỷ lại...Trong cuộc sống, sinh hoạt và học tập của sinh viên không thể thiếu đi tinh thần đoàn kết, nhưng cần phải lưu tâm để nó không bị lạm dụng, để ở sinh viên không có hiện tượng bao che khuyết điểm cho nhau, bao che những hành vi thiếu đúng đắn, những hành vi không văn hoá của nhau...

Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy, những giá trị đạo đức truyền thống, nếu không được củng cố, bổ sung trong sự đổi mới, không được phát triển và nâng lên ở một tầm cao mới để đáp ứng những đòi hỏi của lịch sử, sẽ gây cản trở, tạo nên sự xung đột giữa sức nặng, uy lực của truyền thống với yêu cầu đổi mới của xã hội hiện tại; giữa khuôn thức, mẫu mực mà quá khứ trao lại với khả năng sáng tạo, thích nghi, hướng tới tương lai.

Trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường, sự tác động của toàn cầu hoá đã làm nảy sinh nguy cơ tự đánh mất mình, tự huỷ hoại nền tảng bên trong của sự phát triển bền vững và lâu dài, đó là đạo đức truyền thống dân tộc. Do đó, việc định hướng để sinh viên tiếp thu được cái hay, cái đẹp, cái trong sáng, lành mạnh của nền đạo đức cũng như lối sống mới của các dân tộc khác trên thế giới cũng như việc giúp họ biết

cảnh giác loại trừ và chống lại cái dở, cái xấu, cái bất lương trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết. Để có thể đạt được mục tiêu vừa kế thừa vừa đổi mới trong đạo đức, lối sống thì sinh viên Việt Nam ngày nay cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ mọi mặt cho sinh viên, đặc biệt là trình độ học vấn, giúp họ hiểu và nắm vững các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, từ đó hình thành niềm tin khoa học và lòng tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, tự tin bước vào hội nhập mà không bị “hoà tan” trước văn hoá và đạo đức của các nước khác.

Thứ hai, nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” trong lĩnh vực đời sống tinh thần của sinh viên. Vì thanh niên, sinh viên là đối tượng “ưu tiên” của chiến lược này.

Thứ ba, trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, định hướng các giá trị, trong đó có giá trị đạo đức cho sinh viên giữ một vai trò hết sức quan trọng. Điều này giúp cho sinh viên kế thừa, phát huy và đổi mới những giá trị đạo đức của dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử mới, đồng thời biết tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu thêm các giá trị đạo đức của dân tộc mình.

Như vậy, trong giai đoạn mới, để có thể tồn tại và phát triển, tất yếu chúng ta phải thống nhất giữa kế thừa và đổi mới trong quá trình phát huy các giá trị đạo đức dân tộc trong xây dựng lối sống mới cho sinh viên. Trong xây dựng lối sống cho sinh viên, chúng ta, một mặt phải kế thừa được các giá trị truyền thống dân tộc; mặt khác, lại phải tiếp thu được cái hiện đại, nhân văn, phản ánh được sức sống, bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây cũng đồng thời là phương hướng để nâng cao hiệu quả của việc phát huy các giá trị đạo đức trong đời sống của sinh viên Việt Nam.

* Gắn xây dựng lối sống mới với xây dựng nền văn hóa mới và con người mới Việt Nam

Tại Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định:

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân

tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cho sự phát triển của xã hội [16, tr.110-111]. Nền văn hóa tiên tiến, theo quan điểm của Đảng ta, đó là yêu nước và tiến bộ. Nội dung cốt lõi của nó là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, tất cả vì mục tiêu con người, vì hạnh phúc, tự do và sự phát triển toàn diện con người.

Nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hoá được kết hợp hài hoà giữa cái truyền thống với cái hiện đại, dân tộc và quốc tế, cá nhân và cộng đồng. Những giá trị truyền thống chỉ có ý nghĩa tích cực khi nó tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát triển các giá trị mới, giá trị hiện đại. Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nền văn hoá tiên tiến chứa đựng tính chất hiện đaị, không dung nạp yếu tố lỗi thời, lạc hậu. Cũng cần phải chú ý rằng, tính hiện đại trong văn hoá không đồng nghĩa với cái mới một cách hoàn toàn. Bởi lẽ, không phải cái mới nào cũng lành mạnh, cũng tiến bộ. Việc đón nhận cái mới, cái lạ từ bên ngoài một cách xô bồ, mù quáng không chỉ làm suy thoái lối sống và đạo đức xã hội mà còn gây rối loạn trật tự an toàn xã hội. Do vậy, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một mặt phải tiếp tục truyền thống, mặt khác, phải chấp nhận vượt cái truyền thống.

Cùng với mục tiêu xây dựng nền văn hoá mới, Đảng ta trong thời gian qua cũng đã dành nhiều sự quan tâm và đầu tư cho các mục tiêu về con người. Mà mục tiêu cao nhất là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Theo Đảng ta, đó là thế hệ những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”, những con người phát triển một cách toàn diện về đức, trí, thể và mĩ. Cho nên, xây dựng lối sống mới cũng để tiến tới xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Có thể nói giữa văn hoá với việc hình thành lối sống con người có tính biện chứng, tác động, quy định lẫn nhau. Văn hoá làm nên nhân cách, lối sống con người. Cho nên, với nhu cầu tiếp thu và đổi mới các giá trị truyền thống, trong đó có văn hoá thì cần thiết phải gắn việc xây dựng nền văn hoá tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người mới với xây dựng lối sống mới. Như vậy, gắn việc xây dựng lối sống mới với việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới là định hướng cơ bản để tìm ra

những giải pháp phù hợp nhằm phát huy giá trị đạo đức, giá trị văn hoá trong xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng lối Sống mới cho sinh viên Việt nam hiện nay ppt (Trang 65 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)