dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay
Kế thừa là một trong những đặc trưng cơ bản, phổ biến của sự phát triển, là cái cầu nối giữa cái cũ và cái mới, giữa quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, sự phát triển không chỉ diễn ra bởi sự kế thừa mà còn có sự đổi mới, tái tạo. Đây là hai mặt thống nhất biện chứng trong sự phát triển, chúng luôn tồn tại song hành, thâm nhập và bổ sung lẫn nhau. Theo quan niệm mácxít, kế thừa không chỉ tồn tại sự theo thời gian, mà còn tồn tại theo
không gian. Với tư cách là sản phẩm của lịch sử, của toàn bộ nền kinh tế, xã hội, khái quát toàn bộ hoạt động sống, phương thức sinh hoạt của các dân tộc, các giai cấp, nhóm xã hội cũng như các cá nhân...., lối sống xã hội chủ nghĩa không thể không kế thừa những giá trị phổ quát của toàn nhân loại cũng như các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên không nằm ngoài quy luật tác động đó. Những ảnh hưởng của cá giá trị đạo đức truyền thống đối với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên được thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, các giá trị đạo đức truyền thống làm cơ sở cho việc xây dựng lối sống mới nói chung và xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam nói riêng. Lối sống chính là sự thể hiện của nền tảng đạo đức, nói cách khác, nó là hình thức thể hiện các giá trị đạo đức truyền thống ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhìn vào lối sống, người ta có thể thấy được sự tiếp nối, sợi dây liên kết giữa quá khứ với hiện tại, giữa cái cũ và cái mới. Lịch sử đã chứng minh rằng, không có và không thể xây dựng một lối sống tiến bộ nếu phủ nhận hoàn toàn các giá trị truyền thống mà cha ông để lại. Trái lại, các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống là cội nguồn, gốc rễ để trên đó, chúng ta xây dựng lối sống mới trên cơ sở kết tinh những tinh hoa mới của nhân loại. Các giá trị đạo đức truyền thống còn tạo điều kiện và là yếu tố đảm bảo cho lối sống mới được khẳng định và phát triển một cách vững chắc.
Các giá trị đạo đức truyền thống làm nên bản sắc văn hoá, tâm hồn, lối sống con người Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại. Sự hình thành và phát triển của sinh viên cũng không nằm ngoài quy luật đó, lối sống của họ không chỉ là sự kế thừa có chọn lọc các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là việc phát huy truyền thống đáng tự hào của thế hệ sinh viên đi trước.
Hiện nay, chúng ta đã và đang chọn lọc để phát huy những giá trị đạo đức truyền thống phù hợp với công cuộc đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta. Có những chuẩn mực đạo đức đã lỗi thời, không còn phù hợp sẽ bị gạt bỏ, nhưng cũng có những giá trị mới được khẳng định và đề cao. Chẳng hạn, chúng ta coi trọng các giá trị cá nhân, tính năng động, quyết đoán, khả năng thích nghi với điều kiện mới....Dẫu vậy, chúng ta không phủ nhận vai trò nền tảng của các giá trị đạo đức truyền thống trong đời sống tinh thần.
Lối sống mới sẽ không thể hình thành nếu gạt bỏ các giá trị đạo đức truyền thống và không thể phát triển nếu không hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện con người. Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù có tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường nhưng các giá trị đạo đức truyền thống đích thực vẫn được nhân dân ta gìn giữ, phát huy. Việc xây dựng nền văn hoá mới, lối sống mới, con người mới mà lãng quên các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là sẽ tự đánh mất mình, “trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác” như nhà thơ Nga Gamđatốp từng nói.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc kế thừa, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Với Người, kế thừa các giá trị truyền thống nói chung, các giá trị đạo đức truyền thống nói riêng cần phải quán triệt các tư tưởng sau:
Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ...
Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm
Cái gì mới mà hay thì phải làm.
Những tư tưởng này không chỉ là nội dung của nền đạo đức mới mà còn là nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng đạo đức của Người.
Thứ hai, các giá trị đạo đức truyền thống là cơ sở góp phần định hướng cho việc xác định lý tưởng sống, hành vi, thái độ ứng xử của cá nhân mỗi người.
Cùng với thanh niên nước nhà, sinh viên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Họ là lực lượng mang trong mình những phẩm chất quý báu như trẻ, khoẻ, có tri thức, năng động, vượt khó. Họ thực sự là đại biểu cho sức sống, sức mạnh của dân tộc. Tuy nhiên, để những thế mạnh đó phát huy được trong cuộc sống, để họ thực sự là động lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, họ cần phải được định hướng một cách toàn diện, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống trong sáng. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng lối sống mới cho sinh viên hiện nay thì các giá trị đạo đức truyền thống luôn là cơ sở góp phần định hướng cho các phẩm chất cao đẹp đó.
Thật vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, các giá trị đạo đức truyền thống đang có sự biến đổi sâu sắc. Sự biến đổi ấy nhìn chung đi theo hai hướng: tích
cực và tiêu cực. Nhưng trong sự biến động ấy, các giá trị đạo đức truyền thống vẫn là các tiêu điểm để từ đó các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên, sinh viên hướng theo để không đi lạc, để phân biệt được phải trái, đúng sai, chính tà, tốt xấu...trên cơ sở đó, mọi người xác định được thái độ của mình mà hành động cho phù hợp.
Đến đây, ta có thể khẳng định rằng; trong quá trình xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay, các giá trị đạo đức truyền thống có vai trò rất quan trọng, nó là cơ sở góp phần định hướng trong quá trình hình thành phong cách sống, lối sống mới. Về vấn đề này, GS.TS Huỳnh Khái Vinh nhận xét rằng:
Cách thức tối ưu là dựa vào đạo đức, cụ thể là các giá trị và chuẩn mực đạo đức. Trong khi luật pháp ở nước ta vẫn còn đang trong quá trình xây dựng và phát triển (chứ chưa thể ở nấc thang hoàn thiện như ở những nước có truyền thống pháp quyền từ hàng trăm năm nay) thì các giá trị đạo đức vẫn còn đóng vai trò hệ chuẩn phổ quát nhất đối với sự phát triển văn hoá, xây dựng con người. Thông qua các giá trị đạo đức có thể phát huy đạo lý của dân tộc và bản sắc dân tộc để phát triển văn hoá, xây dựng con người. Bởi lẽ các chuẩn đạo đức tương đối mềm dẻo, được xác định bằng các tính chất nên hay không nên. Chúng được kiểm tra bằng lương tâm, danh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ, ý nghĩa cuộc sống và dư luận xã hội, tức là được kiểm tra bằng tính tự nguyện, tự giác [98, tr.47].
ở đây khi bàn đến vai trò nền tảng của các giá trị đạo đức truyền thống trong quá trình xây dựng lối sống mới cho sinh viên không có nghĩa là chúng ta giữ nguyên những giá trị đó một cách cứng nhắc, giáo điều mà nhất thiết phải có sự đổi mới, phải làm cho các giá trị đó được sống lại và phát huy tốt trong điều kiện mới.Đi đôi với nó, chúng ta phải không ngừng bổ sung những giá trị mới của nhân loại, của dân tộc như coi trọng các giá trị cá nhân, tính năng động dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Như vậy, để xây dựng lối sống mới, chúng ta phải lấy các giá trị đạo đức truyền thống làm cơ sở, nền tảng trên cơ sở kế thừa và đổi mới. Theo V.I.Lênin: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của giai cấp vô sản khi giành được thắng lợi là phải nắm được các di sản văn hoá trước kia, chuyển hoá chúng thành tài sản của toàn
dân, để sử dụng được những di sản quý giá đó vào việc xây dựng cho xã hội xã hội chủ nghĩa một nền văn hoá cao hơn nữa” [52, tr.34].
Như vậy, việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống mới là cấp thiết và tất yếu khách quan. Trong quá trình kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống, chúng ta cần tránh hai khuynh hướng cực đoan sau đây:
Một là, xu hướng tuyệt đối hoá cái hiện đại, quay lưng với cái truyền thống mà biểu hiện của nó thường là chạy theo đồng tiền, đua đòi, thích hưởng thụ, lười lao động..., đây là khuynh hướng hư vô.
Hai là, xu hướng tuyệt đối hoá truyền thống, coi nhẹ cái hiện đại, sống với lối sống cũ, đã qua, khôi phục cả những truyền thống lạc hậu, những hủ tục..., đây là khuynh hướng bảo thủ.
Để khắc phục hai khuynh hướng sai lầm trên đây đòi hỏi sự kế thừa phải trên cơ sở có chọn lọc, có phê phán với tinh thần đổi mới.
Như vậy, mặc dù có sự xuất hiện của những quan niệm mới về giá trị đạo đức nhưng không ai có thể phủ nhận được vai trò nền tảng của các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và phát triển của lối sống mới, của nền văn hoá tinh thần mới.
Thứ ba, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc là động lực và là ngọn nguồn phát triển của dân tộc, tạo nên sức mạnh tinh thần và bản lĩnh dân tộc, đặc biệt là kích thích tầng lớp sinh viên tự tin vươn lên trong điều kiện mới đầy biến động như hiện nay. Trong xu thế quốc tế hoá dù muốn hay không các quốc gia cũng phải mở cửa hoà nhập chung với thế giới hiện đại. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang làm cho các lĩnh vực của đời sống trở nên hết sức năng động, kéo theo các điều kiện và yêu cầu cuộc sống luôn thay đổi. Đặc biệt các thành tựu của cuộc cách mạng tin học đang làm cho các luồng tư tưởng, các sản phẩm văn hoá được truyền bá nhanh chóng và rộng khắp. Chính những nhân tố mới của thời đại đã tạo nên những mối quan hệ mới có ảnh hưởng đến các quan hệ truyền thống và các chuẩn mực tương đối ổn định. Tất cả những yếu tố mới ấy đã làm thay đổi tư duy, tác phong, lối sống của con người nói chung, đặc biệt là tầng lớp thanh niên, trong đó có sinh viên, làm cho họ năng động hơn, nhạy cảm
hơn, tăng khả namg nhận thức và cải tạo thế giới, thay đổi nhiều quan niệm sống của họ. Trước nhiều tác động mạnh mẽ của thời đại, nền kinh tế thị trường bên cạnh những yếu tố góp phần tích cực vào việc hình thành lối sống mới của con người Việt Nam hiện đại thì cũng có những mặt tiêu cực theo chiều hướng ngược lại. Vậy dựa vào đâu để con người có cơ sở sàng lọc những gì phù hợp, cần thiết cho sự phát triển riêng của dân tộc Việt Nam và loại bỏ những gì không phù hợp với quá trình xây dựng con người mới XHCN? Đó chính là những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục. Không có cái mới chân chính nào được tạo ra ở bên ngoài nền móng đạo đức truyền thống của dân tộc. Giá trị đạo đức truyền thống giúp cho thanh niên, sinh viên có lòng tự hào dân tộc, có niềm tin, sức mạnh vượt qua khó khăn mới do thực tiễn cách mạng đặt ra. Sẽ không bao giờ có con người Việt Nam hiện đại, phát triển toàn diện nếu như mỗi chúng ta không biết, không thấm nhuần lịch sử hào hùng mà cha ông để lại, trong đó có các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Theo đó, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên sẽ tạo khả năng to lớn cho sự hoàn thiện từng bước con người mới, từ đó sẽ nung nấu trong lòng họ những hoài bão, khát vọng đấu tranh và xây dưng tổ quốc ngày càng giàu mạnh vì một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ngoài ra các giá trị đạo đức truyền thống cũng đóng vai trò là cơ sở để tổng kết, tìm ra những phẩm chất mới trong việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay. Chúng ta biết rằng, trong thời đại ngày nay, khi điều kiện kinh tế- xã hội thay đổi đã làm cho nhiều giá trị truyền thống cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Thế nhưng trong tiến trình thay đổi đó, các giá trị đạo đức truyền thống đóng một vai trò vô cùng to lớn, bởi nó là cơ sở để từ đó con người tổng kết, tìm ra những phẩm chất mới.
Chương 2
Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên ở Nghệ An hiện nay -
Thực trạng và giải pháp