Cà chua thích khí hậu ấm áp, cà chua sợ rét và cũng sợ nóng. Các tỉnh đồng bằng vào tháng 7, 8 cà chua có rất ít, còn miền núi vào tháng 11, 12 không có cà chua vì nhiệt độ rất thấp. Cà chua phát triển yêu cầu có ánh sáng đầy đủ. Có đủ ánh sáng cây mới phát triển tốt, quả to, màu sắc tốt… cà chua sinh trường và phát triển tốt ở nhiệt độ 22 – 26 0C, quá trình đồng hóa các chất dinh dưỡng mạnh là ở 20 – 22 0
C. Nhiệt độ quá thấp hay quá cao điều trở ngại cho quá trình nảy mầm của phấn hoa.
Thời vụ: Nhờ có giống mới nên hiện nay cà chua hầu như trồng được quanh năm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên cũng phân ra làm 3 vụ chính như sau:
- Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10-11 dương lịch và thu hoạch vào tháng 1-2 dương lịch, đây là mùa vụ thích hợp nhất. Chú ý cây con trong thời điểm còn mưa cần chăm sóc cẩn thận.
- Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 12-1 dương lịch và thu hoạch tháng 3-4 dương lịch, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa khô, nóng khả năng đậu trái kém, cần chọn giống chịu nóng
- Vụ Hè Thu: Gieo tháng 6-7 dương lịch và thu hoạch tháng 9-10 dương lịch, cây tăng trưởng hoàn toàn trong mùa mưa, do đó đất trồng phải thoát nước tốt, chọn giống chịu mưa, ít rụng hoa, ít nứt trái, chín có màu đỏ đẹp. Mùa mưa rất bất lợi cho cây cà nên về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc đòi hỏi người trồng cà phải tuân thủ nghiêm ngặt qui trình kỹ thuật, kỹ lưỡng và tay nghề cao, thường lợi tức cao gấp 2-3 lần so với chính vụ.
Chuẩn bị cây con
Lượng hạt gieo cho 1.000m2 là 7-10 gram (330-350 hạt/gram). Hạt gieo trong bầu đất hay gieo trên liếp ương 15-20 ngày đem trồng, cây con già hơn dễ ngã trong mùa mưa. Làm mái che cho cây con khi mưa. Đơn giản có thể dùng nilon trong suốt dễ dàng dở ra khi trời nắng hoặc lưới nilon mịn giữ suốt giai đoạn vườn ương giúp cản bớt giọt mưa to.
Xử lý cây con trong vườn ương bằng phun thuốc ngừa bệnh héo cây con trên liếp trước khi gieo hột bằng Oxyt đồng hoặc Copper B, sau đó cách 4-5 ngày phun một lần và phun 1 ngày trước khi đem trồng bằng một trong các loại thuốc Ridomil,
Alliette, Rovral, Monceren, Benlate, Copper Zinc, Topsin-M, Kasuran..., rãi Basudin sau khi gieo để ngừa kiến tha hột.
Chuẩn bị đất
Nếu trồng trên đất ruộng thì phải lên luống. Nếu trồng trên rẩy thì phải dọn sạch cỏ. Đất cao thoát nước tốt không cần lên luống. Không nên trồng trên đất cũ mà 1 - 2 vụ trước có trồng cà hoặc cây thuộc nhóm cà vì sẽ dễ nhiễm bệnh. Các bệnh này đã tồn tại sẳn trong đất rồi. Sau khi chọn đất xong thì lên liếp, có hai loại liếp là liếp đôi và liếp đơn:
- Liếp đôi: Mặt liếp rộng 1,0 -1,3 m, cao 20 cm, trồng 2 hàng, lối đi 0,5 m, khoảng cách cây 0,5 m, mật độ 2.500 cây/1.000m2, phù hợp trồng trong mùa nắng và loại hình sinh trưởng thấp cây cà chua F1 giống 607.
- Liếp đơn: Mặt liếp rộng 0,6 m, cao 0,3-0,4 cm, trồng 1 hàng, lối đi 0,6 m, khoảng cách cây 0,5 m, mật độ 1.600 cây/1.000m2. Thích hợp trồng mùa hoặc loại cây sinh cao cây như cà RedCrown 250.
Cách bón phân
Tùy theo loại đất, mức phân bón trung bình toàn vụ cho 1.000m2 như sau: 20 kg urea + 50 kg super lân + 20 kg Clorua kali + 12 kg Calcium nitrat + 50 kg 16-16-8 (đối với giống thấp cây) hoặc 70 kg 16-16-8 (đối với giống cao cây) + 1 tấn chuồng hoai + 100 kg vôi bột, tương đương với lượng phân nguyên chất (185-210N)- (150-180P2O5)-(160-180K2O) kg/ha.
a. Bón lót
50 kg super lân, 3 kg Clorua kali, 2 kg Calcium nitrat, 10 -15 kg 16-16-8, 1 tấn phân chuồng và 100 kg vôi. Vôi rãi đều trên mặt đất trước khi cuốc đất lên liếp, phân chuồng hoai, lân rãi trên toàn bộ mặt liếp xới trộn đều. Nên bón lót lượng phân nhiều hơn trồng phủ rơm vì phân nằm trong màng phủ ít bị bốc hơi do ánh nắng, hay rửa trôi do mưa.
b. Bón thúc
Lần 1: 15 ngày sau khi cấy (giống thấp cây) và 20 ngày sau khi cấy (giống cao cây). Số lượng 4 kg Urê, 3 kg Clorua kali, 10 kg 16-16-8 + 2 kg Calcium nitrat. Bón phân bằng cách vén màng phủ lên rãi phân một bên hàng cà hoặc đục lổ màng phủ giữa 2 gốc cà.
Lần 2: 35-40 ngày sau khi cấy, khi đã đậu trái đều.
Lượng bón: 6 kg Urê, 5 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 2 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại cà hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Lần 3: Khi cây 60-65 ngày sau khi cấy, bắt đầu thu trái rộ.
Lượng bón: 6 kg Urê, 5 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 3 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân phía còn lại hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Lần 4: Khi cây 70-80 ngày sau khi cấy đối với giống cao cây, còn giống thấp cây đã kết thúc thu hoạch.
Lượng bón: 4 kg Urê, 4 kg Clorua kali, 10-15 kg 16-16-8 + 3 kg Calcium nitrat. Vén màng phủ lên rãi phân hoặc bỏ phân vào lổ giữa 2 gốc cà.
Cây họ cà (cà chua, ớt) rất nhạy cảm với triệu chứng thiếu Calcium, biểu hiện là thối đít trái. Ngoài việc bón lót vôi bột (tức là đã cung cấp thêm Calcium), nếu không bón thúc Calcium Nitrat vào đất như hướng dẫn trên bà con có thể bổ sung bằng Clorua canxi (CaCl2), nồng độ 2-4 ‰ phun trên lá định kỳ 7-10 ngày/lần từ lúc trái non phát triển.
Nếu không dùng màng phủ, nên chia nhỏ lượng phân hơn và bón nhiều lần để hạn chế mất phân. Có thể dùng thêm phân bón lá vi lượng như Master Grow, Risopla II và IV, Miracle,... phun định kỳ 10 ngày/lần từ khi cấy đến 10 ngày trước khi thu hoạch đợt đầu tiên, nồng độ theo khuyến cáo trên nhãn chai phân. Không nên lạm dụng chất kích thích tăng trưởng nhất là giai đoạn phát triển trái vì dễ bị bệnh và giảm phẩm chất trái.
Chăm sóc
- Tưới tiêu nước: Cà chua cần nhiều nước nhất lúc ra hoa rộ và phát triển trái mạnh. Giai đoạn này thiếu nước hoặc quá ẩm đều dẫn đến đậu trái ít. Nếu khô hạn kéo dài thì tưới rảnh (tưới thấm) là phương pháp tốt nhất, khoảng 3-5 ngày tưới/lần. Tưới thấm vào rãnh tiết kiệm nước, không văng đất lên lá, giữ ẩm lâu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.
- Tỉa chồi, lá, nụ hoa
+ Tỉa chồi: Nhiều nghiên cứu cho thấy trồng cà chua không tỉa chồi cho năng suất thấp hơn có tỉa chồi. Tập quán nông dân trồng cà chua ở đồng bằng sông Cửu Long không tỉa cành, thân lá xum xuê thường không đạt năng suất cao. Cần tỉa kịp
thời khi nhánh mới lú ra 3-5 cm để dinh dưỡng tập trung nuôi trái, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gảy chứ không dùng móng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.
+ Tỉa lá: Nên tỉa bớt các lá chân đã chuyển sang màu vàng để ruộng được thoáng, nhất là những chân ruộng rậm rạp, dễ nhiễm bệnh trồng cầy trong mùa mưa.
+ Tỉa trái: Mỗi chùm hoa chỉ nên để 4-6 trái, ngắt cuối cành mang trái để dinh dưỡng tập trung nuôi trái, trái lớn đều cỡ, giá trị thương phẩm cao.
+ Bấm ngọn: Đối với giống thời gian sinh trưởng dài, giai đoạn gần cuối thu hoạch nên bấm ngọn để trái lớn đều, thu tập trung giúp kết thúc mùa vụ gọn.
Phòng trừ sâu bệnh
a. Sâu xanh đục trái (Heliothis armigera)
Kiểm tra ruộng thường xuyên, ngắt bỏ ổ trứng sẽ diệt được phần lớn sâu non sắp nở, phun thuốc khi sâu non mới nở sẽ cho hiệu quả cao. Dùng các loại thuốc như trừ sâu ăn tạp. Nên thay đổi chủng loại thuốc hoặc dùng thuốc đặc trị như Mimic 20F với liều 5cc/8lít, phun vào chiều tối và có thể phối hợp với một loại thuốc khác để gia tăng hiệu quả.
b. Dòi đục lòn lá, vẽ bùa (Liriomyza spp.)
Ruồi rất nhanh quen thuốc, cần thay đổi chủng loại thuốc thường xuyên, trong mùa nắng dòi phá hại nặng để hạn chế nên phun ngừa định kỳ 7-10 ngày/lần với dầu khoáng DC-Tron plus (Caltex) nồng độ 1,5-2‰ (tức 1,5-2cc/1 lít nước) trong giai đoạn vườn ương và 1 tháng sau khi trồng, khi nhiều lá đã bị dòi đục nên phun dầu khoáng kết hợp với các lọai thuốc gốc cúc Peran, Sumialpha 1‰ hoặc Baythroit 50 SL với nồng độ 2‰ rất có hiệu quả.
c. Bọ phấn trắng, rệp phấn trắng (Bemisia tabaci)
Bọ phấn trắng phát triển nhanh trong điều kiện nóng và khô, rất nhanh quen thuốc khi phun ở nồng độ cao, hoặc phun thường xuyên định kỳ. Loài này cũng truyền bệnh siêu trùng như các loài rầy mềm. Phun Admire 50EC, Vertimec, Confidor 100SL, với nồng độ 1-2‰ ở mặt dưới lá.