7. Kết cấu của luận án
2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người
2.2.1. Quan niệm về con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trên cơ sở tiếp thu những giá trị tích cực của các nhà tư tưởng phương Đông, tư tưởng dân tộc về con người trong lịch sử, kết hợp với tư tưởng đúng đắn và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã xây dựng và đưa ra quan điểm của mình về con người.
Mặc dù không viết một chuyên luận nào bàn riêng đến vấn đề con người, nhưng Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng rất sâu sắc về vấn đề này. Quan niệm về con người được Người sử dụng trong nhiều hoàn cảnh, điều kiện, với những khía cạnh khác nhau.
Hồ Chí Minh cho rằng, “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người” [92, tr. 644]. Người còn sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về con người như: quần chúng, nhân dân, đồng bào… Do đó, phải theo tinh thần biện chứng, trên cơ sở những đặc điểm và phương pháp tư duy Hồ Chí Minh thì mới hiểu đúng đắn quan điểm của Hồ Chí Minh về con người. Đó là:
Thứ nhất, Hồ Chí Minh thường dùng các từ người, con người… khi nói tới
con người cụ thể, con người cá nhân có sự thống nhất về thể lực, trí lực, đạo đức, thẩm mỹ, có nhu cầu tự nhiên, được hưởng các quyền mà tạo hóa ban cho.
Thứ hai, khi nói tới con người để qua đó vừa thể hiện bản chất, vai trò của
con người, vừa hướng con người vào những giá trị chung bình đẳng, tự do, dân chủ, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ đạt đến lý tưởng nhân bản, nhân văn là giải phóng con người, Hồ Chí Minh thường dùng các khái niệm như đồng bào, đồng chí, quần chúng nhân dân, nhân loại… Nhưng đó không phải là những con người chung chung, trừu tượng mà là con người cụ thể, hiện thực, cảm tính. Vì thế, Hồ Chí Minh nói về con người thường được hiểu qua nhân dân, đồng bào, đồng chí… và ngược lại, khi nói tới nhân dân, đồng bào, đồng chí... là nói đến con người. Đây chính là sự sáng tạo, thể hiện trí tuệ uyên bác của Hồ Chí Minh. Quan niệm về con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm các khía cạnh sau:
2.2.1.1. Con người với tư cách một cá nhân
Trong tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, nói tới con người với tư cách một cá nhân là nói tới con người cụ thể, cảm tính, tồn tại khách quan. Kế thừa
quan điểm đó của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, với tư cách cá nhân, con người có các nhu cầu ăn, ở, mặc. Người từng nói: “Tục ngữ có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Lại có câu “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả” [94, tr. 572]. Cho nên, khi giành được độc lập, tự do, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng, cần phải làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở. Việc chỉ ra những nhu cầu cần thiết, tối thiểu cho sự tồn tại của con người có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, vì nó liên quan đến quan niệm con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển trong triết lý nhân sinh của Hồ Chí Minh.
Trong chỉnh thể thống nhất của con người, Hồ Chí Minh coi thể lực – yếu tố sinh học – là yếu tố cơ bản không thể thiếu của sự tồn tại Người. Người chỉ ra
quy luật sinh học của con người - đó là sinh ra, tồn tại và mất đi. Người nói: “Con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi rồi chết” [97, tr. 469]; cho nên, “…ai cũng ham muốn sung sướng mạnh khỏe” [92, tr. 106]. Theo Hồ Chí Minh, một người khỏe mạnh thì sẽ có một cuộc sống tinh thần khỏe mạnh. Sức khỏe là điều kiện quan trọng để con người làm việc có hiệu quả và năng suất cao. Người từng nói: “Giữ gìn nước nhà, xây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công” [91, tr. 212]. Vì thế, trong tư tưởng của Người, chăm lo đến đời sống của nhân dân cũng chính là chăm lo cho sức khỏe của con người.
Nói đến con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ nói đến thể lực mà còn phải nói đến yếu tố tinh thần trong chỉnh thể thống nhất ấy. Yếu tố tinh thần trong chỉnh thể người là sự biểu hiện đời sống tinh thần hay đời sống bên trong của con người trong hoạt động. Nó là yếu tố để phân biệt sự khác nhau giữa con người với con vật. Nhờ có nó mà con người có khả năng nhận thức. Sức mạnh của ý thức ở mỗi con người cuối cùng phải được biểu hiện qua hoạt động thực tiễn của họ. Trong cuộc đời và hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn nhận thấy vị trí và vai trò hết sức quan trọng của yếu tố tinh thần trong đời sống của mỗi con người. Bởi đó là nhân tính dẫn con người tới văn hóa: yêu cái tốt, cái thiện, ghét cái xấu, cái ác. Suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh là sự phản ánh một triết lý sống của một con người có nhân cách văn hóa tiêu biểu không chỉ cho xã hội đương thời mà còn ở xã hội tương lai.
Với tư cách cá nhân, mỗi con người cụ thể có những phẩm chất, năng lực và nhân cách riêng. Những phẩm chất, năng lực và nhân cách riêng ấy vừa mang
tính đặc thù, vừa thể hiện nét chung nhất về văn hóa của một dân tộc, một giai cấp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, khi xem xét những phẩm chất của mỗi cá nhân chúng ta phải đặt trong những mối quan hệ cụ thể. Hồ Chí Minh cho rằng, công nhân là người có tinh thần dũng cảm, gan góc cách mạng; đảng viên, cán bộ cách mạng thì luôn trung thành, tận tụy, hăng hái; trẻ em thì như búp trên cành. Nếu đặt con người trong mối quan hệ giữa dân tộc này với dân tộc khác thì ở mỗi cá nhân cụ thể lại mang những phẩm chất của văn hóa dân tộc mình, tạo nên những nét riêng biệt độc đáo. Mỗi con người Việt Nam đều có những phẩm chất của con người Việt Nam, nó thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, đó là yêu lao động, yêu nước, biết gắn quyền lợi cá nhân với quyền lợi dân tộc, đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân… Người từng nói: “Đồng bào ta, gái cũng như trai, trẻ cũng như già, cho đến các cháu nhi đồng cỏn con ai cũng nồng nàn yêu nước, ai cũng hăng hái kháng chiến, ai cũng cố gắng giết giặc” [92, tr. 679]. Chính vì nhận thấy phẩm chất riêng đặc thù của mỗi con người, cho nên Người luôn khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người cụ thể trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Với tư cách cá nhân, con người vốn có bản chất tự do, có ý thức về bản thân, đồng loại, có nhu cầu vươn lên không ngừng, muốn có tự do và hạnh phúc. Điều đó có nghĩa con người được hưởng những quyền mà tạo hóa ban cho, không ai có thể xâm phạm được. Và đó cũng là đòi hỏi chính đáng của bất kỳ người nào mà không ai có quyền phê phán hoặc ngăn cản. Chính vì lẽ đó, khi viết bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã nhắc đến những quyền tối thượng của con người được đề cập trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 rằng, Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi. Từ đó, Người khẳng định nguyên tắc cơ bản của quyền con người là:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền
không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Đó là những lẽ phải không ai có thể
chối cãi được” [91, tr.1].
Qua trên chúng ta thấy rằng, khi đề cập đến con người, Hồ Chí Minh không theo quan điểm cực đoan, nghĩa là không quá nhấn mạnh mặt sinh học của con người hay quá đề cao mặt tinh thần của con người, mà Người xét hai mặt đó
trong sự thống nhất biện chứng.
2.2.1.2. Con người với tư cách con người xã hội
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, con người là con người cụ thể, một thực thể thống nhất giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố xã hội. Mặc dù là cá thể cụ thể nhưng con người không sống tách biệt với đồng loại, mà con người tồn tại trong những mối quan hệ cộng đồng nhất định.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người cá nhân phải được đặt trong các quan hệ xã hội. Các quan hệ xã hội là môi trường xã hội để con người sống, hình thành bản chất Người, xác định vị trí của con người trong xã hội và vai trò của
con người đối với xã hội.
Khi nói đến con người xã hội, trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và
Ph.Ăngghen viết: Cá nhân đó không thể tách khỏi xã hội, khỏi cộng đồng, cá nhân đó là thành viên của xã hội, chỉ có trong xã hội, trong cộng đồng cá nhân mới biểu lộ phẩm chất của mình… Chỉ có trong cộng đồng thì mỗi cá nhân mới có phương tiện phát triển toàn diện những năng khiếu của mình. Cộng đồng xã hội, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, được hiểu tồn tại ở ba cấp độ, đó là nhà, làng và nước. Đến Hồ Chí Minh, cộng đồng xã hội được Người hiểu bao gồm gia đình, họ hàng, làng xóm, dân tộc, giai cấp và nhân loại. Chỉ trong các mối quan hệ ấy con người được thỏa mãn nhu cầu, được làm chủ nhu cầu tồn tại của mình, được hình thành và phát triển những phẩm chất của cá nhân trong xã hội, được đảm bảo về mặt lợi ích chính đáng của mình. Chính vì lẽ đó, Hồ Chí Minh quan tâm trước hết đến những quan hệ đã gắn bó với nhau, tạo thành những cộng đồng xã hội bền chặt từ nhỏ đến lớn mà Người gọi đó là quan hệ đồng bào. Hồ Chí Minh cho rằng, các quan hệ ấy đã tạo nên tính cộng đồng bền vững của con người Việt Nam và chính trong các quan hệ đó tạo nên bản chất con người để trở thành động lực vĩ đại thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Theo Người, trong các quan hệ ấy thì quan hệ giữa cá nhân và dân tộc là quan hệ cơ bản nhất, chi phối các quan hệ khác. Điều đó cho phép chúng ta hiều rõ vì sao Hồ Chí Minh rất coi trọng sức mạnh cộng đồng và luôn kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới.
Khi nói tới con người trong các quan hệ xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng cần xuất phát từ hệ thống những quan hệ xã hội nhất định để hiểu con người, vai trò của con người ở một thời đại, một giai cấp. Nhưng để thấy được vai trò,
động cơ hoạt động của con người phải thấy được mỗi cá nhân, mỗi nhóm người đều đụng chạm đến hàng loạt những vấn đề về lực lượng sản xuất, về cải tạo xã hội và về hoàn cảnh kinh tế. Với tư duy biện chứng, Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách linh hoạt tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề này vào việc nhìn nhận con người trong điều kiện nhất định để trên cơ sở đó thấy được vị trí, vai trò của con người trong các quan hệ xã hội ấy. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh nhận thấy rằng, trong xã hội có giai cấp, con người bao giờ cũng nằm trong một giai cấp nhất định. Những người chiếm đoạt mọi tư liệu sản xuất của xã hội trong tay, trở thành giai cấp thống trị, bóc lột, ngược lại những người bị chiếm đoạt tư liệu sản xuất, bị bần cùng hóa… trở thành giai cấp bị bóc lột, bị thống trị. Với sự phân biệt rạch ròi và rõ ràng như vậy, Hồ Chí Minh đã nhận rõ ai là bạn, ai là thù. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn đứng về phía giai cấp bị bóc lột, đấu tranh để bênh vực, và giải phóng họ thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, giai cấp bóc lột. Người từng nói: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi, tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam” [99, tr. 448].
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người xã hội còn được thể hiện trong mối quan hệ với nhân loại. Người cho rằng, con người dù thuộc giai cấp nào, dân tộc nào thì cũng đều giống nhau ở một điểm, đó là đều được hưởng các quyền về con người. Với ý thức của người cộng sản chân chính, thấm nhuần chủ nghĩa quốc tế vô sản, Người không chỉ thông cảm với những người dân mất nước, những người cùng khổ, những người bị mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa mà còn tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đã tước đi sinh mạng của bao người vô tội. Người cho rằng, người Pháp hay người Việt, dòng máu Pháp hay dòng máu Việt cũng đều trân trọng như nhau.
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người là một chỉnh thể thống nhất về mặt thể lực và tinh thần, tồn tại trong các mối quan hệ xã hội, gắn liền với hoạt động sản xuất, đấu tranh cách mạng và cải tạo xã hội.
2.2.2. Con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm con người là mục tiêu của sự phát triển xã hội thể hiện ở chỗ con người phải được giải phóng triệt để và được phát
triển toàn diện. Mục tiêu đó chỉ được thực hiện trên cơ sở cách mạng giải phóng dân tộc kết hợp với cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng con người theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Quan điểm con người là động lực chủ yếu của sự phát triển xã hội thể hiện ở chỗ con người tự giải phóng mình. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, tức con người được giải phóng và có khả năng tự giải phóng bản thân và đồng loại. Hai yếu tố này thống nhất biện chứng với nhau, không tách rời nhau. Tư tưởng con người là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội được thể hiện:
2.2.2.1. Con người là mục tiêu của sự phát triển xã hội
Con người – mục tiêu của sự phát triển xã hội trong di sản lý luận Hồ Chí Minh bao gồm:
Thứ nhất, đấu tranh giải phóng con người.
Tiếp nối truyền thống tư tưởng vì con người của dân tộc, kết hợp với những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về con người, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh chỉ có một “…ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [91, tr. 161]. Người là hiện thân của lý tưởng vì con người trong thời đại mới.
Đặt con người vào vị trí trung tâm, mục tiêu của sự phát triển xã hội, đó là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán trong di sản lý luận Hồ Chí Minh về con người. Đấu tranh cách mạng nhằm giải phóng con người là nội dung cơ bản đầu tiên, là tiền đề để phát triển con người.
Thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, kết hợp với lý luận thực tiễn phong phú của mình, đặc biệt được soi sáng bởi lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê