Mục tiêu của giáo dục Việt Nam được ghi rất rõ trong Khoản 1 Điều 27 Luật Giáo
dục 2005: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp HS phát triển toàn diện về đạo
đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị HS tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, mục tiêu giáo dục của nhà trường phổ thông được xác định rõ là đào tạo nên những con người phát triển toàn diện, có khả năng thích ứng nhanh, nhạy trước mọi yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Vì vậy vấn đề đặt ra là xã hội đang cần có một lực lượng thế hệ trẻ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, thực sự năng động, sáng tạo, tự chủ trong cuộc sống, trong công việc, ý thức công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, một trong những hoạt động giáo dục
quan trọng cho HS là giáo dục thẩm mỹ mà trọng tâm là giáo dục nghệ thuật phải được tiến hành đầy đủ và chu đáo ở hầu hết các cấp học trong trường phổ thông hiện nay.
Gần đây, ở Việt Nam, chúng ta khá quen thuộc với cụm từ “giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông”, một cụm từ hình thành và trở nên thông dụng nhờ sự cải cách giáo dục ở nước ta giai đoạn những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI tới nay. Lịch sử giáo dục âm nhạc cho HS phổ thông ở Việt Nam được tính từ sau 1945. Khi đó, lác đác một vài trường học ở các TP đã tổ chức dạy âm nhạc cho HS phổ thông, giáo viên là những người học âm nhạc trong các nhà thờ hoặc được đào tạo từ các trường của Pháp. Nhiều năm sau, âm nhạc vẫn được duy trì dạy học trong một số trường chủ yếu
ở các TP, nhưng chỉ được coi là một môn học tự chọn, nơi nào có giáo viên, có điều kiện thì thực hiện, còn lại rất nhiều HS phổ thông chưa từng được học âm nhạc. Cho đến năm 2002, âm nhạc mới là môn học chính thức, được triển khai đại trà trên phạm vi toàn quốc, dành cho HS từ lớp 1 đến lớp 9. Cho đến thời điểm hiện nay, cấp THPT vẫn chưa được triển khai môn âm nhạc vào chương trình giáo dục. Đó là một thiếu xót cần phải bổ sung, hoàn thiện ngay trong thời gian sắp tới nhằm góp phần quan trọng giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho lứa tuổi này.
Thêm vào đó, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, các nền văn hóa khác sẽ theo chân tràn vào nước ta. Việt Nam nói chung và Tp. HCM nói riêng đang đứng trước những cơ hội lớn để đổi mới nền văn hóa theo kịp với thời đại và tiến bộ xã hội, nhưng đó cũng là những thách thức lớn đối với nền văn hóa và cho mỗi thế hệ con người Việt Nam. Làm thế nào để không bị đồng hóa. Làm thế nào để phát triển nhưng đồng thời vẫn giữ được những giá trị tinh hoa của dân tộc. Đó là những thách thức đặt ra cho tất cả các cấp, các ngành, trong đó trực tiếp là với ngành văn hóa và giáo dục Việt Nam. Trong xu thế đó, từ nghị quyết TW5 – khóa VIII Đảng ta cũng đã
chỉ đạo rõ: “Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền
văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…” [13, 110].
Bản sắc văn hóa dân tộc chính là hồn cốt, là tinh hoa của mỗi dân tộc, kết tinh trong tâm hồn của mỗi con người. Do đó, bản sắc văn hóa dân tộc cũng là những di sản quý báu và là những tinh hoa của chung nhân loại. Trong “Thi nhân Việt Nam” khi
nói đến điều này, Hoài Thanh – Hoài Trân cũng đã chỉ rõ rằng: “Cứ đi sâu vào hồn
một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người”[45, 48]. Trong khi đó, âm nhạc là một bộ phận của văn hóa và không thể tách rời trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Do vậy, đối với giáo dục hiện nay, để xác định mục tiêu của một môn học có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa như môn âm nhạc. Chúng ta phải nắm vững mục tiêu giáo dục chung, đồng thời phải xem những chỉ đạo ở tầm chiến lược trên của Đảng như là “sợi chỉ đỏ” dẫn đường, xuyên suốt quá trình giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ hôm nay và tương lai của đất nước.
Hiểu được tầm quan trọng của công tác giáo dục âm nhạc trong nhà trường phổ thông, cũng như mục tiêu giáo dục và chỉ đạo của Đảng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành
công Hội thảo khoa học quốc gia về giáo dục âm nhạc, mỹ thuật và thể chất ở trường phổ thông Việt Nam trong hai ngày 21 và 22/12/2012, tại TP Hải Phòng. Hội thảo đã thống nhất về mục tiêu của giáo dục âm nhạc nhằm giúp HS có một số hiểu biết nhất định về âm nhạc, hình thành năng lực cảm thụ và có khả năng thực hiện một số hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi. Đồng thời Hội thảo cũng đã thống nhất một số định hướng cụ thể sau: Giữ ổn định những thành tựu mà giáo dục âm nhạc đã đạt được; Thực hiện giáo dục âm nhạc cho HS ở trường THPT; Xây dựng chương trình môn âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực của HS; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của phương pháp dạy học âm nhạc; Thực hiện dạy nhạc cụ trong môn âm nhạc; Tăng cường giáo dục âm nhạc mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; Tăng cường sử dụng di sản trong giáo dục âm nhạc.
Như vậy, trong thời gian sắp tới, môn âm nhạc sẽ được giảng dạy ở trường THPT như là môn học tự chọn. Nội dung của môn học trong trường THPT phải nhằm đạt được hai mục tiêu sau:
Một là cung cấp cho HS một lượng tri thức cơ bản về nghệ thuật âm nhạc, từ đó
khơi dậy niềm yêu thích, sự cảm nhận âm nhạc, xây dựng văn hóa thẩm mỹ nghệ thuật
âm nhạc, góp phần định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc tiên tiến cho bản thân các em HS. Trong bài viết “Giáo dục âm nhạc ở trường Phổ thông Việt Nam”, TS. Văn
Thị Minh Hương – giám đốc Nhạc viện Tp. HCM cũng đã khẳng định: “Mục đích của
chương trình giáo dục âm nhạc ở phổ thông nhằm đào tạo cho tương lai những thế hệ có tri thức khái quát về nghệ thuật âm nhạc, giúp các em biết cảm thụ âm nhạc, định hướng cho các em có một quan điểm nhận thức đúng đắn về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc. Từ đó có một nền tảng vững vàng để biết tôn trọng, có ý thức góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại.”[52, 112].
Hai là cung cấp cho HS một lượng kỹ năng thực hành âm nhạc cơ bản bước đầu, đáp ứng nhu cầu của những HS yêu thích và có năng khiếu âm nhạc, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập ở các trường đại học và chuyên nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, song song việc tiến hành các hoạt động cho HS THPT, bản thân các nhà giáo dục phải xác định giáo dục sự nhận thức, tình yêu đối với những giá trị mang tính bản sắc của nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống dân tộc là quan trọng và không thể tách rời đối với quá trình giáo dục âm nhạc của HS. Từ đó, các em sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc đã được
khẳng định và tồn tại qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Điều này lại càng cấp bách hơn trong thời đại ngày nay khi mà nhiều khảo sát của các cơ quan có trách nhiệm cũng như thực tế cuộc khảo sát mà tác giả đã tiến hành trong tháng 7, năm 2014 vừa qua, cho thấy là: Những giá trị văn hóa cổ truyền còn chưa được yêu thích và coi trọng, nhất là trong giới trẻ và một lực lượng lớn các em HS THPT của Tp.HCM.
Giới trẻ Việt Nam hôm nay phần nhiều không yêu thích do không hiểu được những giá trị đích thực của âm nhạc truyền thống dân tộc cũng như những tinh hoa âm nhạc hàn lâm của nhân loại. Do đó trong thời gian vừa qua, một lượng lớn công chúng trẻ đã chạy theo những giá trị ảo của dòng nhạc thị trường giàu màu sắc, mang nặng tính giải trí hơn là giá trị thực của một tác phẩm nghệ thuật cần phải có. Tư tưởng vọng ngoại, lai căng khiến cho thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ ngày càng giảm sút nghiêm trọng và có nhiều biểu hiện lệch lạc.
Để khắc phục vấn đề này, phải là công việc cần làm ngay và tốn rất nhiều công sức ở một tầm chiến lược mang tính lâu dài và toàn diện. Nhưng chắc chắn đây là công việc cần phải làm của toàn xã hội trên cả ba phương diện nhà trường (nòng cốt), gia đình và xã hội. Chúng ta phải tiến hành giáo dục âm nhạc đồng bộ trên cả ba phương diện trên thì quá trình giáo dục mới đạt được kết quả tốt nhất. Nhà trường cung cấp tri thức cơ bản làm nền tảng nhưng khi ra ngoài xã hội các em sẽ được trải nghiệm, kiểm chứng và thực hành. Nếu các hoạt động ngoài xã hội không phù hợp với những kiến thức đã được học, thì sẽ gây ra sự chệch choạc, mâu thuẫn, thậm chí khiến phản tác dụng. Cha mẹ cũng góp tiếng nói rất quan trọng trong quá trình định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cho các em nếu họ biết quan tâm đến tâm lý, sở thích và thiên hướng âm nhạc của con trẻ. Do đó, để công tác giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho HS THPT nói riêng và thế hệ trẻ nói chung phải là sự ra sức của toàn xã hội nhằm tạo cho các em một môi trường âm nhạc lành mạnh, tiến bộ.