Hiện nay, việc thẩm định dự án trong hoạt động tín dụng còn nhiều hạn chế, một số dự án không được thẩm định kỹ càng chính xác dẫn đến tình trạng ngân hàng cho vay không thu hồi được vốn, nợ quá hạn ngày càng nhiều. Ta chia những tồn tại trong qua trình thẩm định của ngân hàng thành ba nhóm như sau
1. Năng lực thẩm định
Năng lực thẩm định là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng của ngân hàng trong tham gia tư vấn đầu tư, chấp nhận những dự án tốt và từ chối ngay những ý tưởng đầu tư không khả thi, tiết kiệm chi phí cho bản thân, cho chủ đầu tư và cho cả nhà nước. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác thẩm định còn chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về dự án và kỹ năng thẩm định dự án, những hiểu biết về qui định của nhà nước có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, hiểu biết về ngành nghề, lĩnh vực mà dự án đầu tư vào còn rất hạn chế. Các ngân hàng chưa chú ý trang bị công nghệ kỹ thuật hiện đại cho công tác thẩm định, các tính toán còn đơn giản nhiều khi mang tính thủ công.Việc thẩm định thường được tiến hành ở mức độ cá nhân hoặc nhóm nhỏ dẫn đến hạn chế tính khách quan trong đánh giá quyết định.
Vấn đề đạo đức của cán bộ ngân hàng cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến năng lực thẩm định của ngân hàng. Trong rất nhiều trường hợp cán bộ ngân hàng trực tiếp tham gia vào các vụ lừa đảo, có nhiều khi cán bộ bị lừa mà không biết. Có thể lấy một ví dụ điển hình về tác hại của việc thẩm định tồi trong đầu tư tín dụng của ngân hàng là vụ Minh Phụng – EPCO đã xử vào năm 1999, đây thực sự là bài học lớn: Do năng lực thẩm định hạn chế, tư cách đạo đức không tốt mà cán bộ ngân hàng đã chủ động hoặc bị gài bẫy thông đồng với Tăng Minh Phụng và Liên Khui Thìn lập ra hàng loạt các công ty con để vay vốn ngân hàng (để đối phó với hạn mức tín dụng nhỏ hơn 10% vốn tự có và quĩ dự trữ); mượn pháp nhân của các công ty khác để lập hồ sơ vay vốn. Ngân hàng đã thông qua các phương án kinh doanh có hiệu quả cao, lãi lớn - mà thực tế nó chỉ có lãi trên giấy thôi. Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc và một số công ty khác trong vụ này tự ý bán tài sản đã thế chấp cho ngân hàng để lấy tiền mà ngân hàng không biết - là minh chứng rõ ràng cho sự quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra giám sát được tài sản thế chấp của ngân hàng. Năng lực thẩm định, quản lý vốn vay tỏ rõ sự yếu kém khi để cho công ty EPCO che giấu hoạt động thua lỗ hang mấy năm để vay vốn. Như vậy khó khăn lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay chính là năng lực thẩm định.
2.Hệ thống tin tài chính và phi tài chính
Một trong những trở ngại lớn của ngân hàng trong việc chủ động tài trợ cho các dự án cần ưu tiên phát triển, khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan không đúng định hướng là thiếu hẳn những thông tin cần thiết về thị trường, về định hướng phát triển của các ngành nghề, những dự báo về mức cầu hiện tại và trong tương lai. Hiện nay, vẫn chưa có một cơ quan nào có thể đưa ra một hệ thống các tiêu chuẩn cho phép đối với từng ngành nghề để làm cơ sở so sánh các chỉ tiêu hiệu quả và an toàn tài chính của dự án để có thể đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn.
Có thể thấy rõ rằng thông tin tài chính và phi tài chính của khách hàng thực sự rất cần đối với ngân hàng khi thực hiện thẩm định dự án. Tuy nhiên, thực tế một số doanh nghiệp quyết toán, duyệt quyết toán chậm, số liệu quyết toán chưa được kiểm toán tức là mức độ chính xác của các báo cáo tài chính là tương đối dẫn đến đánh giá của ngân hàng về năng lực của chủ đầu tư là khó khăn và có độ tin cậy thấp. Một số doanh nghiệp thường lên hai cân đối lỗ lãi riêng: để đối phó với cơ quan thuế thì trình cân đối lỗ để chịu thuế thấp, ngược lại trong trường hợp để có cơ sở vay vốn ngân hàng thì sử dụng cân đối lãi. Ngân hàng rất khó xác minh, đối chiếu tình hình công nợ của khách hàng.
Việc thu thập thông tin phi tài chính của khách hàng chưa được quan tâm đúng mức. Ngân hàng mới dựa chủ yếu vào các thông tin trên giấy tờ chứ chưa chịu khó tự thu thập thông tin bên ngoài qua các cuộc thăm nơi doanh nghiệp hoạt động, nơi diễn ra dự án. Nhiều khi thông tin đã có nhưng chọn lọc và xử lý không tốt nên rủi ro trong đầu tư tín dụng là không tránh khỏi.
3. Một số yếu tố khác
Hệ thống các văn bản pháp qui có liên quan đến đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện nên thường xuyên thay đổi, sửa chữa bổ sung và dẫn đến cán bộ tín dụng dẫn khó nắm bắt và áp dụng. Những biến động giá cả, vật tư hàng hoá trên thị trường tương đối mạnh trong khi ngân hàng nắm bắt thị trường chưa nhạy dẫn đến tình trạng thẩm định dự án không theo kịp với tình hình thực tế. Một số trường hợp tài sản thế chấp vượt quá năng lực thẩm định của ngân hàng. Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là tình trạng tài sản thế chấp không thể xử lý được sau khi ngân hàng thu về: nhà đất hoặc tài sản cố định thì khó bán nếu bán được thì giá rất thấp; giá trị thực tế của tài sản thế chấp nhỏ hơn nhiều so với giá đánh giá trong hồ sơ vay. Một số thiếu sót và sai phạm trong hồ sơ nhà đất mà ngân hàng thương gặp như: 40% hồ sơ thế chấp tài sản chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, chỉ có văn bản viết tay chuyển nhượng
cho nhau có UBND xã xác nhận; Hò sơ thế chấp không chính chủ, đồng sở hữu, không có giấy uỷ quyền của chính chủ hoặc hồ sơ không có nguồn gốc dẫn đến khó xác định thuế khi phát mại, các bản vẽ mô tả tài sản không có hoặc nếu có thì bị sửa chữa.
Cơ chế vận hành của nước ta hiện nay là UBND các cấp là cấp quản lý hành chính đồng thời quản lý cả về kinh tế, sản xuất kinh doanh. Nhà nước qui hoạch, xây dựng duyệt và chỉ đạo cho hoạt động của các doanh nghiệp lớn, các dự án đầu tư lớn, nếu ngân hàng thẩm định theo qui trình chậm trễ, thậm chí không đầu tư dự án đã được phê duyệt... là tạo thế đối lập với chính quyền ở một mức nào đấy đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương mà việc lý giải không dễ dàng. Hầu hết các dự án đến tay ngân hàng thì đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngân hàng muốn từ chối cũng phải xử lý thật mềm dẻo.
CHƯƠNG 3: KHUYẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP
Để có được hiệu quả đầu tư tín dụng cao tất nhiên là phải hạn chế và tránh mọi rủi ro, qua phân tích cho thấy được vai trò hết sức quan trọng của thẩm định. Vậy để nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng thì phải có kết quả thẩm định chính xác, khách quan. Muốn vậy thì thẩm định cần tiến hành bởi một nhóm tập thể để thông tin không bị “nhiễu”, không bị “khúc xạ” bởi những lăng kính mờ đục, không để cái “sảy nảy cái ung”- khi vỡ lở thì không thể hối tiếc; Việc phán quyết hợp đồng tín dụng nên thông qua hội đồng thẩm định, một tập thể bao gồm cán bộ lãnh đạo có thể biến hoá có thể nhìn nhận thông tin một cách sâu sắc hơn. Dưới đây là những khuyến nghị cụ thể hơn.