7. Cấu trúc khóa luận
1.3.9. Tính trừu tượng và cụ thể
Nghiên cứu các tín hiệu thẩm mĩ trên thực tế chính là nghiên cứu các biến thể của chúng. Như vậy có thể hiểu biến thể của tín hiệu thẩm mĩ là tín hiệu
thẩm mĩ trong các lần xuất hiện của nó, ở mỗi lần xuất hiện tín hiệu thẩm mĩ được biểu đạt bằng một hình thức cái biểu hiện - biến thể, mang một nội dung cái được biểu hiện - biến thể. Quan hệ hằng thể - biến thể giữa tín hiệu thẩm mĩ với mỗi lần xuất hiện của nó bao hàm cả quan hệ giữa cái biểu hiện - hằng thể với cái biểu hiện - biến thể, giữa cái được biểu hiện - hằng thể với cái được biểu hiện - biến thể, giữa tín hiệu thẩm mĩ với những biến thể do quan hệ do cảm xúc…
Biến thể của tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương gồm hai dạng:
*Biến thể từ vựng: Đó là những từ ngữ khác biệt về hình thức âm thanh với hằng thể nhưng cùng biểu hiện một ý nghĩa như hằng thể. Cụ thể hơn, đó là tập hợp những từ gần nghĩa hoặc cùng trường nghĩa có thể thay thế cho nhau. Đây là cơ sở cho sự lựa chọn của các nhà văn, nhà thơ. Biến thể từ vựng của tín hiệu “mắt” là: nhãn, mục, cửa sổ tâm hồn,…
(18) “Anh đây mục hạ vô nhân Nghe em xuân sắc mười phân não nùng.”
*Biến thể kết hợp: Cùng một tín hiệu nhưng có sự biến đổi ít nhiều do kết hợp với những tín hiệu khác nhau ở trước và sau nó. Trong ngôn ngữ đây là kết quả của tính hình tuyến; khi trở thành tín hiệu thẩm mĩ thì từ ngữ cũng biến đổi ít nhiều trong quan hệ với từ ngữ đi trước và đi sau. Chẳng hạn biến thể kết hợp của tín hiệu “mắt” là trạng thái của mắt: mắt đui, mắt sáng, mắt mù.
(19) “Thà đui mà giữ đạo nhà Còn hơn có mắt ông cha không thờ.”
Có thể nói mối quan hệ giữa hằng thể và biến thể là mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cái trừu tượng và cái cụ thể, giữa cái bất biến và cái khả biến, cái vô hình và cái biểu kiến, phải thấy được mối quan hệ hai mặt này thì mới đánh giá được giá trị của tín hiệu thẩm mĩ. Như vậy, hằng thể và biến thể của tín hiệu thẩm mĩ trong một tác phẩm văn chương có mối quan hệ hệ thống và làm nên chỉnh thể là tác phẩm.