Trong thời gian 10 đến 15 năm trở lại đây trong khu vực và trên thế giới đã có những biến đổi sâu sắc trong hoạt động quản lý chất lượng nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Việc hình thành Khu vực tự do thương mại (AFTA, EU, Bắc Mỹ…) đòi hỏi hàng hóa phải được lưu thông dễ dàng, nhưng đồng thời phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Việc phân chia 3 lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông trên thị trường là cần thiết để có cơ chế quản lý chất lượng thích hợp. Về quản lý kinh tế, các lĩnh vực này đều có tính chất kinh doanh thương mại. Về quản lý chất lượng và an toàn, tác động của khoa học và kỹ thuật, công nghệ đối với từng lĩnh vực có nhiều điểm khác nhau, các biện pháp quản lý chất lượng được áp dụng cũng khác nhau về cơ bản
• Quan điểm quản lý chất lượng tiên tiến hiện nay đã chuyển việc kiểm soát chất lượng từ thị trường về kiểm soát trong sản xuất là chính, với quan điểm triển khai quản lý ngay từ khu vực sáng tạo, hình thành và phát triển chất lượng của hàng hóa để kịp thời phòng ngừa sai lỗi, tránh ngay từ đầu các rủi ro có thể xảy đến với người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu tổn thất về kinh tế cho nhà sản xuất.
• Lĩnh vực thị trường là nơi tiếp nhận thụ động kết quả của sản xuất, là nơi diễn ra quan hệ mua bán, phát sinh xung đột và tranh chấp; các biện pháp quản lý nhà nước là các biện pháp khắc phục hậu quả và xử lý vi phạm.
• Lĩnh vực nhập khẩu có phần gắn với lĩnh vực sản xuất hơn là với lĩnh vực thị trường, vì người nhập khẩu đóng vai trò cung cấp hàng hóa ra thị trường giống như người sản xuất. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, cũng như Tổ chức thương mại thế giới WTO đều khuyến khích áp dụng hình thức kiểm tra hàng hóa nhập khẩu ngay từ nơi đi thông qua Hiệp định thừa nhận lẫn nhau giữa các bên (MRA) về kết quả đánh giá sự phù hợp. Khi đó hình thức này cũng đóng vai trò là công cụ phòng ngừa rủi ro tương tự như chứng nhận sản phẩm trong sản xuất.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm: Hiện nay việc tổ chức bộ máy Nhà nước còn đang trong quá trình hoàn thiện theo xu hướng thu gọn bộ máy cơ quan công quyền phù hợp với xu thế cải cách mạnh mẽ nền hành chính, hợp lý hóa sự phân công giữa các cơ quan công quyền hành pháp. Vì thế nên giao cho Chính phủ quy định về việc phân công cụ thể trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặc thù. Trong tương lai, khi tổ chức bộ máy nhà nước tương đối ổn định, sự phân công trách nhiệm giữa các cơ quan hành pháp tương đối hợp lý, cần “luật hóa” vấn đề tổ chức bằng một định chế pháp luật.
Việc thừa nhận lẫn nhau các kết quả kiểm tra chất lượng đã trở thành điều kiện để xóa bỏ dần việc kiểm tra hai lần ở nơi xuất và nơi nhập từ lâu đã gây ách tắc cho quá trình lưu thông hàng hóa. Tổ chưc thương mại thế giới (WTO) đã quy định các cơ chế và phương thức quản lý chất lượng trong các hiệp định liên quan đến hàng hóa và dịch vụ như Hiệp định về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (WTO/TBT),Hiệp định về vệ sinh và vệ sinh thực vật (WTO/SPS), Hiệp định về thương mại dịch vụ(WTO/GATS) … Những quy định trên của WTO được lấy làm căn cứ điều tiết trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và trong các hiệp định nhiều bên khác. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã kí hiệp định khung về các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau các kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cơ chế và phương thức quan trọng đó là mỗi bên tham gia các Hiệp định phải đảm bảo tổ chức việc kiểm tra và chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để đạt tới mục tiêu: “Một cơ chế quản
lý – Một tiêu chuẩn kỹ thuật – Một lần kiểm tra – Cấp một chứng chỉ - Được chấp nhận ở mọi nơi”.