0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (169 trang)

Sử dụng trong dân gian

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA HAI LOÀI KHỔ SÂM MỀM (BRUCEA MOLLIS WALL.EX KURZ) VÀ CƠM RƯỢU TRÁI HẸP (GLYCOSMIS STENOCARPA (DRAKE) GUILLAUM) Ở VIỆT NAM MAI HÙNG THANH TÙNG. (Trang 38 -39 )

Chi Glycosmis có nhiều loài đã được sử dụng rộng rãi từ lâu trong dân gian ở nhiều nước. Loài được biết đến nhiều nhất là G. pentaphylla. Người Ấn Độ hay dùng loài này làm thuốc trị ho, thấp khớp, thiếu máu, tiêu chảy, vàng da. Nước ép từ lá cây này dùng để chữa sốt, bệnh về gan và trị giun, nước sắc từ rễ dùng để chữa sưng mặt, cành nhỏ có sợi còn có tác dụng làm săn và dùng để chải răng [82], [83]. Ở Trung Quốc, nước sắc từ rễ và lá của G. pentaphylla được dùng để chữa ho, chữa thâm tím mình mẩy. Ở Malaysia người ta uống nước sắc từ rễ để chữa sưng mặt. Hoa cây này trộn với hạt tiêu chữa ngứa ngáy; vỏ thân được dùng với Datura làm độc cá. Ở Inđônexia, nước sắc rễ dùng để điều trị các bệnh về mật [84]. Loài G. arborrea (Roxb.) DC cũng là một cây thuốc phổ biến ở Ấn Độ với các tên như Ashshoura, Bon-nimbu, dùng để chữa sốt, đau gan và một số bệnh khác [85]. Ở Đài Loan, loài G. citrifolia (Willd.) Lindl. được sử dụng chữa ngứa ghẻ, mụn nhọt và sưng u [86]. Nước sắc từ lá của loài G. ovoidea Pierre dùng để điều trị đau nhức; nước sắc từ rễ và lá cây G. puberula Lindl. dùng chống nhiễm trùng sau khi đẻ; hỗn hợp gồm vỏ, thân, rễ và lá với hạt tiêu đen, gạo dính dùng để chống nôn [84].

Ở Việt Nam, một số loài trong chi Glycosmis đã được sử dụng từ lâu trong dân gian. Loài G. pentaphylla được sử dụng nhiều nhất với rễ dùng để chữa phong thấp, chân tay nhức mỏi, bán thân bất toại, tích huyết ở phụ nữ sau khi sinh, mụn nhọt, chốc lở, rắn cắn. Lá của loài này đem sao vàng, sắc đặc cho phụ nữ uống sau khi

sinh để kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon miệng [81]. Rễ và lá của loài Cơm rượu hoa nhỏ (G. parviflora) được dùng làm thuốc trị ho, cảm mạo, ăn không tiêu, đầy bụng, đau sán khi đòn ngã sưng ứ và nứt nẻ da [79]. Lá của loài G. citrifolia phối hợp với lá của cây Cơm rượu (G. pentaphylla) làm men tăng hiệu suất rượu. Rễ và lá của loài G. citrifolia này thường được dùng để trị ho, cảm lạnh, khó tiêu hóa, đau dạ dày, đau thóat vị. Ngoài ra đem giã tươi lá trộn với rượu còn được dùng để đắp trị đòn ngã tổn thương. Khi bị phát cước, tê cứng vì sương giá đồng bào dân tộc thường dùng lá của loài này nấu nước để rửa phần đau [87]. Nguyễn Nghĩa Thìn còn cho biết, đồng bào Dao vùng Ba Vì - Hà Nội còn sử dụng loài Glycosmis lanceolata chữa bệnh về răng, tai và loài G. cyanocarpa chữa chó cắn, rắn cắn [88].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU THÀNH PHẦN HÓA HỌC VÀ HOẠT TÍNH SINH HỌC CỦA HAI LOÀI KHỔ SÂM MỀM (BRUCEA MOLLIS WALL.EX KURZ) VÀ CƠM RƯỢU TRÁI HẸP (GLYCOSMIS STENOCARPA (DRAKE) GUILLAUM) Ở VIỆT NAM MAI HÙNG THANH TÙNG. (Trang 38 -39 )

×