III. Một số giải pháp:
1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nguồn vốn ODA.
1.1 Cải cách quản lý, nâng cao sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp bộ, ban, ngành.
Tăng cường cơ quan chỉ đạo quốc gia chỉ đạo thực hiện ODA. Như đã phân tích ở trên, việc triển khai ODA ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn phải chăng một phần là do chúng ta chưa có cơ quan chuyên trách mạnh về lĩnh vực này. Không phải chỉ dành cho một vài cơ quan hay tổ chức đặc quyền nào tham gia vào các dự án hay chương trình mà ODA mà nó phải là quyền lợi và nghĩa vụ của toàn dân. Phải làm sao để mọi vùng, mọi người trên đất nước ta đều được hưởng thành quả của sự hỗ trợ về tài chính mà cộng đồng quốc tế dành cho chúng ta. Nhưng muốn như vậy, phải có cơ quan chuyên trách mạnh và công khai đủ sức và đủ uy tín để đề xuất chủ trương, chính sách với Đảng, Nhà nước và hướng dẫn các tổ chức xã hội, các địa phương trong nước xây dựng và thực hiện các dự án vừa phù hợp với đường lối chiến lược của ta vừa phù hợp với mục tiêu ODA.
1.2 Hoàn thiện các văn bản pháp lý về ODA phù hợp với xu hướng quốc tế. Thứ nhất, phải xây dựng chính sách tổng thể về quản lý, giám sát vay và trả nợ nước ngoài được hoạch định trong mối tương quan chặt chẽ với các chính sách và mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở tầm vĩ mô và vi mô, việc quản lý vay và trả nợ nước ngoài phải tính đến các chỉ tiêu cơ bản về nợ nước ngoài như: khả năng hấp thụ vốn vay nước ngoài (tổng số nợ nước ngoài/ GDP), chỉ tiêu khả năng vay thêm từng năm,,chỉ tiêu khả năng hoàn trả nợ (tổng nghĩa vụ trả nợ/ thu nhập xuất khẩu).
Thứ hai, phải nhanh chóng hoàn chỉnh các chính sách, chế độ về vay và quản lý vay nợ nước ngoài nói chung và nguồn vốn ODA nói riêng.
Thứ ba, quản lý vay nợ cần xác định rõ trách nhiệm của người vay và người sử dụng vốn vay, chống ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời phải quản lý chất lượng các khoản vay ODA đặc biệt là khâu xây dựng dự án. Cụ thể:
- Ban hành các thông tư hướng dẫn thật cụ thể để thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài, đảm bảo trả nợ đúng hạn, không rơi vào chồng chất không có khả năng trả nợ.
- Ban hành quy chế chung cho vay lại các nguồn vốn vay nước ngoài, khuyến khích sự tham gia của các ngành, các địa phương, các cơ sở vào khai thác nguồn vốn ODA nhằm khắc phục tình trạng lộn xộn hiện nay trong xác định các điều kiện cho vay lại.