II. Thực trạng sử dụng vốn ODA ở Việt Nam giai đoạn 1993 đến nay.
2. Tình hình giải ngân vốn ODA giai đoạn 1993 đến nay.
2.1 Giai đoạn 1993-2006
Nguồn vốn ODA đã được giải ngân tính cho ngân sách Nhà nước (không bao gồm phần giải ngân cho các khoản chi tại nước tài trợ, chi cho chuyên gia...) trong giai đoạn từ năm 1993 đến hết năm 2006 ước đạt khoảng 15,9 tỷ USD, bằng 64,9% tổng giá trị các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết và bằng khoảng 55,0% tổng lượng ODA đã cam kết trong thời kỳ này.
Tỷ lệ giải ngân thấp này đồng hành với việc tiến độ giải ngân vốn ODA chậm, chỉ đáp ứng được 70 – 80% yêu cầu giải ngân bình quân một năm của thời kỳ kế hoạch.
Mức giải ngân ODA khác nhau giữa các nhà tài trợ và giữa các loại hình dự án. Các dự án hỗ trợ kỹ thuật thường có mức giải ngân cao (chủ yếu là chi cho chuyên gia, mua sắm thiết bị, máy móc và đào tạo). Các dự án đầu tư xây dựng thường giải ngân chậm (chi phí nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị như đền bù, di dân và tái định cư).
Tổng mức giải ngân năm 2006 đạt trên 1.785 triệu USD, cao hơn kế hoạch đề ra (1.750 triệu USD), trong đó vốn vay đạt khoảng 1.550 triệu USD, viện trợ không hoàn lại đạt khoảng 235 triệu USD. trong tổng giá trị giải ngân năm 2006, vốn vay của 5 ngân hàng phát triển (WB, ADB, JBIC, KFW và AFD) đạt trên 1.400 triệu USD, chiếm 78,5% tổng số vốn ODA giải ngân.
2.2. Giai đoạn 2006- đến nay:
Sau 17 năm VN tiếp nhận nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA đến nay, theo Bộ KHĐT, đã có trên 56 tỉ USD vốn ODA được các nhà tài trợ cam kết cho VN. Trong số này, đã có 42 tỉ USD được ký thông qua các chương trình, DA cụ thể và 26,223 tỉ USD đã được giải ngân. (chiếm khoảng 46,5% tổng vốn ODA cam kết và 62% tổng vốn ODA ký kết).
Giải ngân ODA năm 2008 về cơ bản có bước chuyển biến tích cực. Kế hoạch giải ngân (KHGN) vốn ODA năm 2008 được giao với tổng mức 1.900 triệu USD, trong đó vốn vay là 1.690 triệu USD và viện trợ không hoàn lại là 210 triệu USD. Và thực tế giải ngân ODA năm 2008 đã đạt mức 2.253 triệu USD, vượt KHGN năm 2008 khoảng 18%, trong đó vốn vay đạt 1.937 triệu USD và viện trợ không hoàn lại đạt 316 triệu USD. Trong khi đó, năm 2006 giải ngân đạt 1.785 triệu USD (kế hoạch là 1.750 triệu USD); năm 2007 đạt 2.176 triệu USD (kế hoạch là 1.900 triệu USD). Như vậy tính chung cả 3 năm giải ngân vốn ODA trong 3 năm qua đạt khoảng 6.213 triệu USD. Có thể thấy, mức giải ngân vốn ODA đã được cải thiện rõ rệt và có sự tăng lên mạnh mẽ qua 3 năm.
Trong 10 Bộ, ngành và 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong năm 2008 số lượng các dự án được xếp hạng từ trung bình trở lên (đối với cả dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật) chiếm tỷ lệ khá cao (từ 90%- 92%), số dự án đạt mức giải ngân từ 60% trở lên so với kế hoạch chiếm 73%. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đạt được những tiến bộ nhất định về giải ngân ODA. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn điện lực Việt Nam... là các đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất. Năm 2008, Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt 100% kế hoạch, có những dự án có mức giải ngân đặc biệt cao như Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam (375%), Dự án mạng lưới đường bộ - hợp phần bảo trì (WB) (134%), Dự án Tỉnh lộ (ADB4) (124%)...; năm 2008, các dự án ODA thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao là Thành phố Hồ Chí Minh với 8 dự án có mức giải ngân trên 80% so với kế hoạch, 2 dự án có mức giải ngân khoảng từ 40%-80% và có 4 dự án giải ngân dưới mức 40%; Hà Nội trong năm 2008 đạt kết quả khả quan, vượt 142% kế hoạch giao; Thành phố Đà Nẵng, trong năm 2008, 6 dự án có mức giải ngân trên 80% so với kế hoạch, 5 dự án có mức giải ngân trong khoảng từ 40%-80% và có 1 dự án giải ngân dưới mức 40%.
Đặc biệt năm 2009, kết quả giải ngân đã vượt dự kiến mức 1,9 tỷ USD (bao gồm 1,6 tỷ vốn ODA và 300 triệu USD viện trợ không hoàn lại) theo kế hoạch đặt ra trước đó. Giải ngân vốn ODA năm nay ước tính sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, trong đó vốn vay đạt 2,7 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại đạt 300 triệu USD.
Năm 2009, mức giải ngân ODA đã được cải thiện đáng kể đó là nhờ sự điều hành sát sao của Chính phủ, nỗ lực to lớn của các ngành, các cấp và các nhà tài trợ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn
ODA theo chủ trương kích cầu đầu tư của Chính phủ. Cụ thể là: Chương trình vay giảm nghèo từ Ngân hàng Thế giới (WB) và tài trợ không hoàn lại của một số nhà tài trợ khác, trị giá 350 triệu USD; Khoản vay khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế từ ADB, trị giá 500 triệu USD; Khoản vay kích thích kinh tế và tín dụng hỗ trợ giảm nghèo lần thứ 8 trị giá 54,9 tỷ Yên (tương đương 609 triệu USD) do Nhật Bản tài trợ… Đồng thời, công tác quản lý và thực hiện vốn ODA ở các Bộ, ngành và địa phương đã được cải thiện thông qua việc ban hành các quy chế nội bộ về vận động, thu hút và sử dụng vốn ODA tạo thuận lợi cho việc tinh giản quy trình, thủ tục và tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành hoặc đơn vị liên quan. Các cơ quan Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ như WB, ADB… trong việc kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, đặc biệt giữa Tổ công tác ODA của Chính phủ và Nhóm 6 Ngân hàng phát triển. Tổ công tác ODA của Chính phủ đã phát huy vai trò tích cực trong việc xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các chương trình và dự án ODA, đặc biệt các kiến nghị, giải pháp đưa ra trong chuyến công tác các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá.
Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan chủ quản, các tỉnh này vẫn chưa phát huy được tính chủ động trong việc đề xuất và lựa chọn những dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA, bộc lộ những hạn chế về năng lực chuyên môn và sự phối hợp kém hiệu quả giữa sở, ngành ở tất cả các khâu trong chu trình ODA (xây dựng, thẩm định, tổ chức, quản lý và thực hiện dự án). Bên cạnh đó, một số dự án thiết kế quá phức tạp với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương trong khi năng lực điều phối, quản lý và thực hiện của cơ quan chủ quản lại hạn chế ví dụ: Dự án phát triển công nghệ thông tin(WB), dự án an toàn giao thông đường bộ(WB), Dự án phát triển cấp nước đô thị…
Thứ hai, một số dự án có chất lượng thiết kế thấp do việc thiết kế dựa vào ý tưởng của nhà tài trợ và vai trò làm chủ chưa cao, việc tham vấn các đối tượng thụ hưởng trong quá trình xây dựng dự án để tranh thủ sự ủng hộ trong giai đoạn thực hiện dự án sau này chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ ba, năng lực nhà thầu/tư vấn không đáp ứng được yêu cầu công việc (ví dụ: tiến độ thực hiện một số dự án tại TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng do năng lực của nhà thầu bị hạn chế). Ngoài ra, đối với một số dự án tài trợ theo hình thức viện trợ có ràng buộc xẩy ra tình trạng nhà thầu là công ty của nước cung cấp viện trợ bị phá sản, do đó không thực hiện hợp đồng đã ký. Điển hình là Dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Mê Linh và Dự án Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP. Cà Mau đều do Italia tài trợ. Nhà thầu chính thi công các dự án này là Công ty Bebingg ApA(Italia) đã tuyên bố chính thức phá sản và không thể hoàn thành dự án. Thực tế này đặt ra vấn đề cho các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA, cơ quan chủ quản và chủ dự án phải tính tình huống này khi đàm phán, thoả thuận với nhà tài trợ khi ký kết hiệp định hoặc với nhà thầu khi ký hợp đồng.
Thứ tư, tác động của lạm phát trong các năm 2007, 2008 dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn ODA và vốn đối ứng. Cơ chế bố trí vốn đối ứng giữa trung ương và địa phương chưa phù hợp mặc dù trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Chính phủ luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA.