Môi trường học tập suy luận thống kê

Một phần của tài liệu Vai trò của biểu diễn bội trong nâng cao năng lực suy luận về tính không chắc chắn (Trang 77 - 82)

3.1. Xây dựng môi trường học tập suy luận thống kê

Một lớp học thống kê hiệu quả và tích cực có thể được xem như là một môi trường học tập để phát triển cho HS sự hiểu biết thống kê sâu sắc và có ý nghĩa, giúp các em phát triển khả năng tư duy và suy luận thống kê. Chúng tôi gọi loại hình lớp học này là "môi trường học tập suy luận thống kê". Bằng cách gọi đó là một môi trường học tập, chúng tôi nhấn mạnh rằng đó không chỉ là một cuốn sách giáo khoa, các hoạt động hoặc những nhiệm vụ mà chúng tôi cung cấp cho HS. Nó là sự kết hợp của các tài liệu, các hoạt động trong lớp học với văn hóa, sự thảo luận, công nghệ, phương pháp giảng dạy và đánh giá.

Mô hình này dựa trên sáu nguyên tắc của thiết kế dạy học được mô tả bởi Cobb & McClain (2004, [12]):

(1) Tập trung phát triển những ý tưởng thống kê trung tâm hơn là đưa ra các công cụ và các qui trình. Các ý tưởng thống kê trung tâm bao gồm:

- Dữ liệu: Hiểu về sự cần thiết của dữ liệu trong việc ra quyết định và đánh giá thông tin. Hiểu rằng các loại dữ liệu khác nhau, những phương pháp thu thập dữ liệu (thông qua khảo sát) và tạo ra dữ liệu (trong các thí nghiệm) tạo nên một sự khác biệt trong các loại kết luận có thể được rút ra. Biết được đặc điểm của những dữ liệu tốt và làm thế nào để tránh thiên lệch và sai lệch trong đo đạc. Hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng và sự phân biệt giữa lấy mẫu ngẫu nhiên và phân công ngẫu nhiên trong việc thu thập và tạo ra dữ liệu.

- Phân phối: Hiểu rằng một tập hợp các dữ liệu có thể được kiểm tra và khám phá như một thực thể hơn là một tập hợp các trường hợp riêng lẻ; một đồ thị của các dữ liệu (định lượng) có thể được tóm tắt về hình dạng, trung tâm và độ phân tán; các biểu diễn khác nhau của cùng một tập hợp dữ liệu có thể biểu lộ các khía cạnh khác nhau của sự phân phối; nghiên cứu sự phân phối một cách trực quan là một phần quan trọng và cần thiết của phân tích dữ liệu; và sự phân phối có thể được hình thành từ những tập hợp các giá trị dữ liệu riêng biệt hoặc từ các số đặc trưng như số trung bình. Phân phối cũng cho phép chúng ta đưa ra kết luận bằng cách so sánh một mẫu thống kê thu được với một phân phối của tất cả các mẫu thống kê có thể theo một lý thuyết hay giả thuyết cụ thể.

- Sự biến đổi: Hiểu rằng các dữ liệu đôi khi biến đổi theo những cách có thể dự đoán được. Nguồn gốc của sự biến đổi có thể được nhận ra và được sử dụng để giải thích sự biến đổi. Đôi khi sự biến đổi là do lấy mẫu ngẫu nhiên hay sai lệch trong đo đạc. Đôi khi là do các thuộc tính vốn có của những gì được đo. Một nhiệm vụ quan trọng của việc nghiên cứu dữ liệu là để xác định các dữ liệu được phân bố như thế nào trong một phân phối. Biết số đo tâm thường hữu ích khi giải thích các số đo của sự biến đổi và sự lựa chọn những số đo này phụ thuộc vào hình dáng và các đặc điểm khác của phân phối. Những sự biến thiên về số đo khác nhau sẽ cho biết những điều khác nhau về phân phối (ví dụ như độ lệch chuẩn làm nổi bật khoảng cách đặc trưng đến số trung bình, biên độ cho biết sự sai khác giữa giá trị tối thiểu và tối đa). - Trung tâm: Hiểu ý tưởng về trung tâm của một phân phối như là một “dấu hiệu trong một quá trình hỗn độn” (Konold, C., & Higgins, T., 2002, [23]), có thể được tóm tắt bằng một số đo thống kê (như số trung bình và trung vị). Hiệu quả nhất là giải thích một số đo trung tâm cùng với một số đo độ phân tán, những lựa chọn này thường được dựa trên hình dạng của phân phối.

- Các mô hình thống kê: Hiểu rằng các mô hình thống kê có thể hữu ích trong việc giải thích hay dự đoán về dữ liệu. Chúng ta thường so sánh các dữ liệu với một mô hình (ví dụ: mô hình phân phối chuẩn) và sau đó xem mức độ phù hợp giữa dữ liệu

với mô hình bằng cách xem xét các số dư hoặc độ lệch so với mô hình. Các mô hình cũng được sử dụng để mô phỏng dữ liệu nhằm tìm hiểu tính chất của các qui trình hay các khái niệm.

- Sự ngẫu nhiên: Hiểu rằng mỗi kết quả của sự kiện ngẫu nhiên là không thể đoán trước, tuy nhiên có thể dự đoán được các qui luật dài hạn. Chẳng hạn, ta không thể dự đoán nếu tung một con súc sắc cân đối sẽ là mặt hai chấm hoặc bất kỳ mặt nào khác, nhưng có thể dự đoán rằng qua nhiều lần tung khoảng 1/6 sẽ là mặt hai chấm. - Mẫu: Hiểu rằng có rất nhiều công tác thống kê liên quan đến việc lấy mẫu và sử dụng chúng để đưa ra những đánh giá hay quyết định về tổng thể. Cần xem xét các biến đổi trong một mẫu cũng như những biến đổi giữa các mẫu khi đưa ra kết luận. - Kết luận thống kê: Hiểu rằng các đánh giá hay các quyết định đưa ra được dựa trên các mẫu dữ liệu trong các nghiên cứu quan sát và thí nghiệm. Tính đúng đắn của các kết luận phụ thuộc vào sự thay đổi của dữ liệu, kích thước mẫu và sự phù hợp của các giả thiết cơ bản như các mẫu dữ liệu phải được chọn ngẫu nhiên và mẫu phải đủ lớn.

(2) Sử dụng các tập hợp dữ liệu tạo động cơ và dữ liệu thực tế để cuốn hút HS trong việc đưa ra và kiểm tra các phỏng đoán. Dữ liệu là “trái tim” của công tác thống kê và dữ liệu nên được tập trung cho việc học thống kê một cách tốt nhất. Trong quá trình học, HS cần xem xét các phương pháp thu thập và tạo ra dữ liệu, cách mà các phương pháp này ảnh hưởng đến chất lượng của dữ liệu cũng như các kiểu phân tích thích hợp. Các tập dữ liệu thú vị sẽ tạo động cơ thúc đẩy HS tham gia vào các hoạt động. Đặc biệt nên yêu cầu HS đưa ra các phỏng đoán về dữ liệu trước khi phân tích nó. Sử dụng các tập dữ liệu thực tạo sự quan tâm chú ý cho HS cũng là một cách tốt để khuyến khích các em tư duy về dữ liệu và các khái niệm thống kê có liên quan.

(3) Sử dụng các hoạt động trong lớp học để hỗ trợ sự phát triển khả năng suy luận của HS. Một phần quan trọng của môi trường học tập suy luận thống kê là việc sử dụng các hoạt động được thiết kế cẩn thận để thúc đẩy HS học tập thông qua hợp tác, tương tác, thảo luận, dữ liệu, và các vấn đề thú vị.

Có hai mô hình hoạt động chính trong lớp học suy luận thống kê. Đầu tiên, thu hút HS trong việc đưa ra các phỏng đoán về một vấn đề hay một tập dữ liệu. Phương pháp này liên quan đến việc thảo luận về các phỏng đoán của HS, thu thập hoặc tiếp cận các dữ liệu liên quan, sử dụng công nghệ để kiểm tra các phỏng đoán, thảo luận về kết quả, sau đó suy ngẫm về hành động và suy nghĩ của chính mình. Loại hoạt động thứ hai dựa trên việc học hợp tác. Hai hay nhiều HS được cho các câu hỏi để thảo luận hay một vấn đề để giải quyết. Khi sử dụng các hoạt động học hợp tác, điều quan trọng là HS làm việc cùng nhau như một nhóm.

(4) Tích hợp việc sử dụng các công cụ công nghệ thích hợp cho phép HS kiểm tra những phỏng đoán của mình, thăm dò và phân tích dữ liệu, từ đó phát triển khả năng suy luận thống kê. Chúng tôi xem công nghệ như là một phần thiết yếu của

môi trường học tập suy luận thống kê. Công nghệ nên được sử dụng để phân tích dữ liệu, cho phép HS tập trung vào việc giải thích các kết quả và kiểm tra các điều kiện hơn là những người thợ tính toán. Các công cụ công nghệ cũng cần được sử dụng để giúp HS hình dung các khái niệm và phát triển một sự hiểu biết về những ý tưởng trừu tượng qua những mô phỏng.

(5) Đẩy mạnh thuyết trình trong lớp học, bao gồm các lập luận thống kê và duy trì những trao đổi tập trung vào những ý tưởng thống kê quan trọng. Trong các lớp học thống kê hiện nay, việc sử dụng các hoạt động và công nghệ tạo nên một hình thức mới của thuyết trình trong lớp học. Các lập luận thống kê giải thích cách mà các dữ liệu được tổ chức nhằm thu được sự hiểu biết sâu sắc về hiện tượng được điều tra; HS được kích thích duy trì các trao đổi tập trung vào những ý tưởng thống kê trung tâm.

Có một số chú ý trong khi hướng dẫn HS tiến hành thuyết trình:

- Sử dụng các câu hỏi tốt khuyến khích HS nghiên cứu, suy nghĩ và không nhất thiết phải có một câu trả lời đúng.

- Yêu cầu HS giải thích việc suy luận và biện minh cho câu trả lời của của mình. Sau đó hỏi các HS khác có đồng ý hay không và tại sao.

- Khuyến khhích HS sử dụng các biểu diễn bội, đặc biệt là các biểu diễn biểu đồ, các số đặc trưng trong lập luận, suy luận, nhận xét về xu hướng của dữ liệu.

- Tạo một không khí lớp học mà HS cảm thấy thoải mái thể hiện quan điểm của mình, ngay cả khi các em chưa chắc chắn. Điều này có thể được thực hiện nếu GV khuyến khích HS phát biểu các phỏng đoán của mình, yêu cầu các HS khác bình luận về các phỏng đoán đó đồng thời cho phép HS kiểm tra một số trong những phỏng đoán này bằng cách sử dụng các công cụ và phần mềm hơn là nói với chúng đúng hay sai. Các câu hỏi bắt đầu với "Bạn nghĩ gì" hoặc "Điều gì sẽ xảy ra nếu" có thể dẫn đến các cuộc thảo luận trong lớp tốt. Ngoài ra, nếu HS đưa ra một câu trả lời sai, tốt nhất nên hỏi cả lớp "bạn nghĩ gì?" và cho các em cố gắng tìm ra lí do hơn là điều chỉnh HS.

(6) Sử dụng đánh giá để tìm hiểu những gì HS biết và theo dõi sự phát triển việc học thống kê của các em cũng như đánh giá các kế hoạch và sự tiến triển của việc dạy. Ngoài các câu hỏi vấn đáp, bài tập ở nhà và các bài kiểm tra, các đề tài thống kê của HS cũng là một hình thức đánh giá thực chất. Các hình thức đánh giá khác cũng được sử dụng để đánh giá hiểu biết thống kê của HS (ví dụ: phê bình một

đồ thị trong một tờ báo), đánh giá khả năng suy luận của các em hoặc cung cấp thông tin phản hồi đến GV.

HS sẽ chú trọng những gì được đánh giá. Vì vậy, các đánh giá cần phải được liên kết với mục tiêu học tập. Đánh giá cần tập trung vào việc hiểu các ý tưởng trung tâm và không chỉ về kĩ năng, qui trình hay các câu trả lời tính toán. Điều này nên được thực hiện với các đánh giá định hình được dùng trong quá trình học (như câu đố, các đề tài nhỏ hay quan sát và lắng nghe các HS trong lớp) cũng như với các đánh giá tổng kết. Đánh giá cần cung cấp những phản hồi hữu ích và kịp thời để chỉ dẫn việc học.

3.2. Những thay đổi chủ yếu giữa một lớp học thống kê "truyền thống" và một lớp học suy luận thống kê lớp học suy luận thống kê

Lớp học thống kê "truyền

thống" Lớp học suy luận thống kê

Trọng tâm Các kĩ năng và qui trình, nội

dung bao quát.

Các ý tưởng lớn, phát triển suy luận và tư duy thống kê.

Vai trò SGK

Sử dụng cho các ví dụ hoặc bài tập ở nhà và ôn tập để kiểm tra.

Đọc và ghi chú để chuẩn bị cho bài học.

Trung tâm GV làm trung tâm. HS làm trung tâm.

Vai trò của GV

Cung cấp kiến thức bằng cách nói và giải thích.

Tạo điều kiện phát triển kiến thức thông qua thảo luận và các hoạt động.

Vai trò của công nghệ

Để tính toán hoặc kiểm tra các câu trả lời, vẽ các đồ thị.

Để khám phá dữ liệu, minh họa cho khái niệm, tạo ra mô phỏng, kiểm tra các phỏng đoán và hợp tác.

Thảo luận

GV trả lời các câu hỏi.

GV đặt câu hỏi và hướng dẫn thảo luận. HS đưa ra các lập luận; trả lời các câu hỏi của HS khác; và được hỏi liệu có đồng ý hay không với các câu trả lời. Phản hồi của GV và các bạn trong lớp.

Dữ liệu Các tập dữ liệu nhỏ để minh họa và thực hành các qui trình.

Các tập dữ liệu phong phú, thực tế để thu hút HS vào tư duy, suy luận và đưa ra các phỏng đoán. Nhiều bộ dữ liệu được tạo ra bởi HS từ các cuộc khảo sát và thí nghiệm.

Đánh giá

Tập trung vào tính toán, các định nghĩa, các công thức, các câu trả lời ngắn và các bài kiểm tra nhiều lựa chọn.

Sử dụng nhiều phương pháp, đánh giá suy luận và tư duy. HS có thể được yêu cầu giải thích các suy luận và biện minh cho kết luận của mình.

Một phần của tài liệu Vai trò của biểu diễn bội trong nâng cao năng lực suy luận về tính không chắc chắn (Trang 77 - 82)