Giới thiệu những bài hát và trò chơi sinh hoạt nhóm nhỏ

Một phần của tài liệu Kỹ năng tổ chức sinh hoạt nhóm trong trường phổ thông (Trang 49 - 75)

II. Giới thiệu một số trò chơi dành cho nhóm nhỏ

2.Giới thiệu những bài hát và trò chơi sinh hoạt nhóm nhỏ

Ổn định – tập hợp

Vỗ tay theo nhịp 1-2, 1-2-3.

Quản trò (quản trò) hướng dẫn người chơi vỗ tay như sau: vỗ 2 nhịp, nhịp đầu vỗ 2 cái, ngưng một nhịp rồi vỗ tiếp nhịp sau 3 cái liền.

Lần vỗ đầu tập dượt, quản trò mời người chơi vừa vỗ vừa đếm số (1-2,1-2-3). Khi tiếng vỗ nhịp nhàng rồi không cần đếm số tiếp. Muốn sinh động quản trò điều khiển vỗ từ chậm đến nhanh dần.

Cách vỗ tay giống như cách vỗ trên nhưng khó hơn vì nhịp vỗ tay dài hơn: vỗ 3 nhịp,

nhịp đầu vỗ 3 cái, ngưng một nhịp rồi vỗ tiếp nhịp sau 5 cái liền.

Cách vỗ tay theo nhịp có thể sáng tạo nhiều cách rất hay như vỗ tay theo nhịp trống nghi thức...

Vỗ tay theo nhịp 2-3

Quản trò: đếm 1,2

Người chơi: vỗ tay liên tiếp 2 cái

Quản trò: đếm 1,2,3

Người chơi: vỗ tay liên tiếp 3 cái

Lưu ý:

- Giữa hai lần vỗ tay nghỉ một nhịp

- Quản trò cho vỗ từ chậm đến nhanh dần, sau đó cho vỗ thật dồn dập. Có thể vừa vỗ vừa đếm.

Vỗ tay theo nhịp 3-3-7

Giống vỗ tay theo nhịp 2-3 nhưng ở đây theo nhịp 3-3-7

Quản trò: Hô 1 ,2,3

Người chơi: Vỗ tay 3 cái

Quản trò: Hô 1 ,2,3

Người chơi: Vỗ tay 3 cái

Quản trò: Hô 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7

Người chơi: Vỗ tay 7 cái

Lưu ý:

- Vỗ tay 3 cái nghỉ một nhịp, 3 cái nữa nghỉ một nhịp sau đó vỗ tay 7 cái đều nhau.

- Quản trò hướng dẫn vỗ tay từ chậm đến nhanh

- Kết thúc có thể đọc một tiếng reo nào đó cho phù hợp.

Ví dụ: Gồ ghê hoặc hoan hô... Bài hát vỗ tay

Người chơi cùng hát tự do:

Tôi có hai bàn tay này, anh có hai bàn tay này. Vỗ lên anh (2 lần), vỗ cho đều (2 lần )

Tôi có hai bàn tay này, anh có hai bàn tay này. Vỗ cho kêu (2 lần), vỗ cho đều này anh em ơi.

Tang tính tang tình tang tình (2 lần), vỗ nhanh nhanh (2 lần). Vỗ đem nguồn vui về dân lành. Tang tính tang tình tang tình (2 lần), vỗ to lên (2 lần). Vỗ như giục lòng ta đi lên.

Này bạn vui

Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (vỗ tay). Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì vỗ đôi tay (vỗ tay). Này bạn vui mà muốn tỏ ra và lòng bạn nôn nao cho quanh đây biết rằng lòng bạn vui thì vỗ đôi tay (vỗ tay).

Liên khúc bài hát tập hợp vòng tròn.

(vừa hát, vừa đi, vừa chỉnh vòng tròn)

- Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn, đi sao đi cho đều đi cho khéo, để vòng tròn đừng méo đừng vuông.

Đi một vòng, đi thật nhanh, ta bước đi cho đều 1,2,3,4 - 4,3,2,1.

- Lui một vòng, lui thật nhanh, ta bước lui cho đều 1,2,3,4 - 4,3,2,1.

- Vô một vòng, vô thật nhanh, ta bước vô cho đều 1,2,3,4 - 4,3,2,1.

- Ra một vòng, ra thật nhanh, ta bước ra cho đều 1,2,3,4 - 4,3,2,1.

- Xoay một vòng, xoay thật nhanh, ta bước xoay cho đều 1,2,3,4 - 4,3,2,1.

- Cùng nắm tay nhau tạo nên một vòng thật tròn, nào ta cùng vui, cùng hát cùng múa, cùng ca.

Cùng nắm tay nhau tạo nên một vòng thật tròn, vòng tay thân ái giữ cho bền lâu.

- Nào về đây ta họp mặt cùng nhau. Cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi. Anh với tôi, ta cùng sống vui cho trọn ngày. Rồi mai này chúng ta lại gặp nhau.

- Nghe tiếng còi, cùng nhau kéo nhau đến đây mà hát xướng. Nghe tiếng còi cùng nhau kéo đến đây họp đoàn vui. Còn làm gì giờ này, mau về đây ca hát. Còn chần chờ gì nào, mau về đây hát ca.

Chào mời – Làm quen

Chào mừng

Người chơi: Ơi!

Quản trò: Tay trái đâu? (đưa tay trái ra phía trước)

Người chơi: Đây!

Quản trò: Tay phải đâu? (đưa tay phải ra phía trước)

Người chơi: Đây!

Tất cả: (Hát) Cất tiếng ca hoan hô, hoan hô (cùng vỗ tay)

Mừng quan khách chiếu cố, chiếu cố (hai tay ngửa đưa qua trái qua phải)

Ngàn con tim hân hoan reo vui (hai tay ôm vào ngực)

Hát muôn câu reo vang chúc mừng (cùng vỗ tay - nhanh dần)

Đón mừng khách

(Hát vỗ tay vui, nhanh, sôi nổi)

Cùng hát: Mừng anh, mừng anh mới tới, tới đây đến thăm chốn này.

Lòng em hân hoan vui say khi trông thấy anh cười thật tươi.

Ối ối trời trời, mặt anh giống như mặt trời.

Lòng em hân hoan vui thay khi trông thấy anh cười thật tươi.

Lưu ý: Có thể thay chỗ ''như mặt trời'' thành mặt con vật như: ''mèo, bò, cò...''

Làm quen

(Hát tự do, đội hình vòng tròn)

Cùng hát: ''Hôm qua đây chúng mình chưa quen biết

Mắt nhìn nhau sao cảm thấy ngại ngùng

Mà bây giờ mới có dịp làm quen

Bạn ở đâu xin cho biết số nhà”

Lưu ý động tác:

- Tất cả cùng hát và vỗ tay, quản trò múa mẫu

+ Câu 1: nhảy quanh vòng tròn, một tay chống nạnh, một tay chỉ về phía trước đến

+ Câu 2: hai ngón tay để vào hai đuôi mắt đồng thời nghiêng qua phải, nghiêng qua trái làm duyên.

+ Câu 3: Dừng trước người mình muốn làm quen và cười dễ thương.

+ Câu 4: Đưa hai tay về bên phải bên trái nắm tay người đó và hỏi thăm tên, tuổi, số nhà...

Người được mời sẽ tiếp tục trò chơi.

Nụ cười làm quen

(Hát tự do, đội hình vòng tròn)

Cùng hát:

''Một nụ cười làm quen, hai tay đều nhau bắt

Hai nụ cười làm quen, Chúng ta kết thân thôi mà.

Chúng ta kết thân thôi mà''.

Lưu ý động tác.

- Tất cả cùng hát và vỗ tay, quản trò múa mẫu

+ Câu 1: Nhảy quanh vòng tròn và đến ''một nụ... quen'' đưa ngón tay lên miệng và cười duyên.

+ Câu 2: Nhảy quanh vòng tròn và đến ''hai nụ... quen'' đưa hai ngón tay lên miệng và cười duyên.

+ Câu 3: Dừng lại trước người muốn làm quen cầm tay bạn đó dắt ra và cùng múa, cùng xoay quanh người một vòng.

Người được mời sẽ tiếp tục trò chơi

Hỏi tên

Hòn bi xanh trong đôi mắt anh. Hòn bi đen trong đôi mắt em. Dẫu biết rằng không quen thì lạ, dẫu biết rằng không lạ thì quen. Ngồi bên nhau chưa cho biết tên, gặp nhau đây mai sau khó quên. Dẫu biết rằng không quen thì lạ, dẫu biết rằng không lạ thì quen.

Hỏi tên

Có một người bạn mới, mới vừa vào nhóm chúng ta. Xin mời bạn ra đây, ta cùng kết tình thân.

Cho tôi hỏi bạn nhé: ''Nhà bạn ở mãi nơi đâu?''

Cho tôi hỏi bạn nhé: ''Bạn sinh sống nghề chi?''

Cho tôi hỏi bạn nhé: ''Bạn bao nhiêu cái xuân thì?''

Làm quen

Một cái cười làm quen. Hai tay đều giơ bắt.

Hai cái cười làm quen, chúng ta kết thân xóm làng.

Chào người bạn mới đến

Chào người bạn mới đến, góp thêm một niềm vui.

Chào nụ cười dễ mến, góp thêm cho cuộc đời. Đến đây vui, đến đây chơi, là vườn hoa muôn màu, muôn sắc. Đến đây vui, đến đây chơi là bài ca thắm thiết tình người.

Chào anh – chào chị

Tất cả: (Hát) Chào mừng anh, chào mừng chị đã đến nơi đây (vỗ tay)

Xin chào mừng bằng một câu hát hay (vỗ tay)

Xin chào mừng bằng nụ cười rất tươi (hai tay trên má)

Xin chào mừng, chào mừng (vẫy tay chào)

Bằng một tràng pháo tay (có thể thay đổi động tác khác)

1, 2, 3 - 1, 2,3 - 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 (vỗ tay nhịp 3-3-7)

Lưu ý: Có thể thay bằng nhiều động tác như:

- Bằng một tràng pháo chân (dậm chân)

- Bằng một tràng đấm lưng (đấm lưng người bên cạnh)

- Bằng một tràng lắc vai (lắc vai) và nhiều động tác vui khác nhưng phải đúng nhịp

3-3-7.

Xin mời anh

(Hát theo thể tự do, đội hình vòng tròn)

Cùng hát: Xin mời anh ra, mời anh ra cùng nắm tay với tôi, hát nào, múa nào. Cùng vui lên chúng ta ca nào. Chào anh!

Lưu ý động tác:

- Tất cả cùng hát và vỗ tay, quản trò múa mẫu đầu tiên: ''Hai tay chống nạnh, hai chân vừa đá vừa nhảy về phía trước. Đến khi ''chào anh'' thì chào theo kiểu nhà binh. Người nào được chào thì thay thế quản trò và trò chơi tiếp tục.''

- Có thể thay thế ''anh'' thành ''chị hoặc em...''

Quan sát kỹ Cách chơi:

Tất cả ngồi vòng tròn, người điều khiển chỉ định 2 người. Hai người này phải quan sát kỹ quần áo của nhau, rồi quay lưng nhau sửa đổi một vài chi tiết trên người mình. Khi nghe còi, 2 người quay lại quan sát để tìm ra những chỗ đổi thay trên người kia.

Nhắc và nói tên Cách chơi.

Người thứ nhất giới thiệu tên mình, người kế bên phải sẽ lập lại tên người thứ nhất và giới thiệu tên mình. Người thứ ba nhắc lại hai tên người trước rồi đến tên mình.

Trò chơi tiếp tục và ai quên hoặc lộn tên thì đứng lên ngồi xuống ba lần và chơi tiếp.

Khi cả vòng tròn đã tiếp tên nhau, chúng ta sẽ chuyển sang gọi tên

Động tác: Hai tay vỗ lên đùi, sao cho vỗ tay - bật tay phải và tiếp bật tay trái. Khi bật tay phải rồi tay trái, người thực hiện sẽ nói ''Dung gọi Phú''. Trò chơi tiếp tục, nếu đọc không đúng nhịp hay chậm thì bị phạt.

Khen tặng

Vui ghê

(Vừa hát vừa vỗ tay và cười)

Cùng hát: Vui vui quá, vui ghê vui, là ta vỗ tay ta hát.

Vui vui quá, vui ghê vui, là ta vỗ tay ta cười.

Ha ha ha... hê hê hê.... hi hi hi...

Vui là vui

(Vừa hát vừa vỗ tay)

Cùng hát: Vui là vui quá, chúng mình vui nhiều.

Vui là vui là vui, chúng mình vui nhiều.

Vui là vui, chúng mình quá vui.

Hay ghê

(Vừa hát vừa vỗ tay)

Cùng hát: Hay là hay quá, hay là hay ghê, hay không chỗ nào chê.

Vui là vui quá vui là vui ghê, vui không chê chỗ nào.

Khen

(Vừa hát vừa vỗ tay)

Hay quá! Hay quá là hay, xin thưởng cho tràng pháo tay.

Hay quá! Hay quá là hay, xin thưởng cho một nụ cười: ha ha ha.

Khen tặng

Quản trò mời tập thể hô to và đồng loạt các câu khen tặng sau:

''Hay, hay thiệt là hay

''Hay, hay úi chà hay”

''Hay quá, hay ghê, hay nhiều, hay dẩu”

Khi hô to đến các từ có gạch dưới thì nhấn mạnh và kéo dài làm cho băng reo sinh động hơn.

Cùng hát vui

Cùng quây quần

Cùng quây quần, ta vui vui vui. Ta hát với nhau chơi chơi chơi.

Rồi lên tiếng reo cười cười cười. Làm vui thú bao người người người.

Hai con thằn lằn con

Hai con thằn lằn con đùa nhau, cắn nhau đứt đuôi. Cha thằn lằn buồn thiu, gọi chúng đến mới mắng cho. Hai con thằn lằn con đuôi thì to nhưng đã cụt rồi. Ôi đớn đau quá trời, chúng khóc la tơi bời.

Có một người ở ô bên ni. Đó là người tôi chưa quen biết. Xin mời người qua ô bên tê, để từ đây nhớ thương hoài hoài.

Búp bê bằng bông

Búp bê bằng bông biết bay bay bay. Búp bê biết bò, biết bắt, biết bơi. Búp bê bằng bông bên bạn bươm bướm. Bươm bướm bềnh bồng bỏ bạn bay bay.

Bươm bướm bay, bươm bướm bay bỏ bạn, bỏ bè, bỏ búp bê. Bươm bướm bay, bươm bướm bay, búp bê buồn buồn, biền biệt bay bay.

Nhúc nhích

Một ngón tay nhúc nhích này. Một ngón tay nhúc nhích này. Một ngón tay nhúc

nhích, nhúc nhích cũng đủ cho ta vui rồi.

Trèo đèo

Anh em ta (dô ta). Hăng hái hò reo (dô ta). Vượt sông vượt núi (dô ta). Vượt bao nhiêu đèo (dô ta). Dô tà là hò dô ta dô ta.

Ta ca hát

Tang tang tang tình tang tính, ta ca hát vang lên. Hát lên cho đời tươi thắm, hát lên cho quên nhọc nhằn. Cùng nhau ta ca hát lên, cho át tiếng chim trong rừng, cho tiếng suối reo phải ngừng, cho rừng xanh đón chờ ta, la la lá

Nụ cười hồng

Nụ cười hồng ta trao nhau, như khúc hát cho bao lời thiết tha. Nụ cười hồng ta trao nhau, như ánh sáng muôn ngàn vì sao. Trên môi như hoa tươi nở từng ngày trong những yêu thương. Trên môi hoa xinh xinh, nụ cười hồng mãi mãi trao nhau.

Trò chơi chung (cho tất cả người chơi)

Gọi thuyền Cách chơi.

Mỗi người tìm cho mình những hàng hóa có phụ âm hay nguyên âm đầu trùng với tên mình.

Khi quản trò nói mình chở thuyền gì? Sau đó gọi tên một người bất kỳ trong tập thể, người được gọi lại thay thế quản trò nói mình chở thuyền gì?

Ví dụ: quản trò (tên Sơn) nói: ''Thuyền Sơn chở sọt. Thuyền Huệ chở gì?''

Người tên Huệ: ''Thuyền Huệ chở Hổ. Thuyền Quân chở gì?''

Chú ý: Nếu ai nói sai vần, lúng túng hoặc nói trùng ''hàng'' sẽ bị phạt.

Thương nhớ giận hờn

Cách chơi:

Nói tên kèm phụ âm đầu hoặc nguyên âm đầu giống tên của người được gọi.

ví dụ:

Quản trò xướng: Tôi thương, tôi thương

Người chơi: Thương ai, thương ai?

Quản trò: Thương (Thành Tong Teo)

Người tên Thành: Tôi nhớ, tôi nhớ?

Người chơi : Nhớ ai, nhớ ai

Người tên Thành: Nhớ (Hương Hoa Hồng)

Chú ý.

- Người được gọi sẽ thay thế quản trò để gọi tiếp người sau

- Không gọi lại người đã gọi mình

- Những từ đã nói rồi không nói lại

Tìm người

Người điều khiển: (Vỗ tay hai cái rồi nói)

''Tôi không''

Cử tọa: Chính bạn

Người điều khiển: (Lặp lại động tác vỗ tay):

Không phải tôi

Cử tọa: Vậy thì ai?

Người điều khiển: (Lặp lại động tác vỗ tay):

Chính bạn (Lan) là người đẹp nhất trong cuộc chơi này.

Người có tên là (Lan) sẽ thay người điều khiển tiếp tục làm lại từ đầu. Trò chơi tiếp tục nếu ai đọc không đúng nhịp hoặc chậm sẽ bị phạt.

Chú ý: Người điều khiển phải vỗ tay hai cái theo nhịp trước khi nói.

Người điều khiển có thể thay đổi cách nói: Xin được hoãn.

Cử tọa: Hoãn làm chi?

Người điều khiển: Hoãn để tìm

Cử tọa: Tìm cái chi?

Người điều khiển: Tìm người đẹp

Hát hỏi

(Hát nói theo thể tự do)

Người điều khiển: Vui hôm nay bạn (Hương) mang theo gì đây?

Người tên Hương: Tôi mang theo (hoa Hồng) xin anh em chớ cười.

Tất cả: Ôi hoa Hồng của bạn thật là hay hay hay.

Chú ý: - Vật dụng mang theo được mang cái tên có phụ âm đầu giống tên của người

được hỏi

Ví dụ: tên Hương thì mang theo hoa Hồng

tên Quân thì mang theo cái quần

- Có thể thay thế cụm từ ''hay hay hay'' bằng cụm từ khác.

Ví dụ: hôi hôi hôi, vui vui vui...

- Người được hỏi sau khi nói đúng sẽ thay thế người điều khiển

Ví dụ: sau khi nói đúng, Hương lại thay người điều khiển hỏi tiếp một bạn khác trong tập thể: ''Vui hôm nay bạn Quân mang theo gì đây?''

Người tên Quân: ''Tôi mang theo cái quần, xin anh em chớ cười''.

Tất cả: ''Ôi cái quần của bạn thật là hôi hôi hôi''.

Trò chơi tiếp tục cho đến khi ai đó mang đồ dùng có tên gọi mà phụ âm đầu không

trùng với phụ âm đầu của mình, bị phạt.

Đập muỗi

Quản trò: Muỗi đâu, muỗi đâu?

Quản trò: Muỗi bay, muỗi bay

Người chơi: Vo ve, vo ve

(Cùng hát và làm động tác giống quản trò)

Đêm khuya con muỗi vo ve cắn tay, cắn đùi rồi bay đi khoe

úi cha, úi chà, úi chà chà vo ve, úi chà ve vo ve. Úi chà.

Ơ hay con muỗi đen thui nó bay khắp nhà rồi bay đi mô?

Ơ hay, ơ hay... Đưa tay đánh bộp trúng cái phóc. Muỗi xẹp.

Quản trò: Muỗi đậu vào má người bên trái

Người chơi: Muỗi đậu vào má người bên trái (để tay phải vào má người bên trái)

Quản trò: Chết này!

Người chơi: Vừa nói theo vừa lấy tay trái đánh vào chỗ muỗi đậu và nói ''chết này''

Lưu ý: - Quản trò chọn chỗ muỗi đậu cho thích hợp từng đối tượng, chủ yếu là tạo

không khí vui vẻ.

Banh giao duyên

Cách chơi.

Các bạn ngồi vòng tròn, bạn cầm trái banh chuyền cho một bạn trong vòng và nói một tiếng ''đơn''. Ví dụ: tiếng ''trong'' thì bạn nhận banh phải đáp một tiếng ''kép'' của tiếng trước. Ví dụ: ''sạch''. Bạn nào nhận banh mà không nói được tiếng kép trong ba giây sẽ bị loại.

Trò chơi tập thể

Cách chơi.

Tập hợp vòng tròn, người quản trò bắt bài hát ''Ta hát to hát nhỏ, nhỏ, nhỏ''. Khi đến đoạn ''Ô ố o ồ'' ta vỗ tay thật to, ''a,á,a,à'' ta vỗ tay nhỏ, các đoạn khác ta không vỗ tay, hát nhanh dần đến thật nhanh.

Miệng vịt

Cách chơi:

Quản trò đứng giữa vòng tròn đi theo kiểu vịt. Mỗi bước chân chạm đất là mọi người sẽ kêu ''cạp'' thật đều.

Một phần của tài liệu Kỹ năng tổ chức sinh hoạt nhóm trong trường phổ thông (Trang 49 - 75)