Khi tranh chấp bắt đầu phát sinh, hầu hết các trường hợp, các bên tự nguyện và nhanh chóng liên hệ, gặp gỡ nhau để thương lượng. Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng
nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp với mục đích gìn giữ mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp và lâu dài giữa họ.Thương lượng có thể được tiến hành độc lập hoặc tiến hành cùng với quá trình tố tụng tại toà án hoặc trọng tài.
Pháp luật của các quốc gia thông thường đều quy định hình thức pháp lý của việc ghi nhận kết quả thương lượng là Biên bản. Nếu kết quả thương lượng không được một bên tự giác thực hiện, biên bản thương lượng sẽ được bên kia sử dụng như một chứng cứ quan trọng yêu cầu các cơ quan tài phán công nhận và cưỡng chế thi hành những thoả thuận đó.
4.2.2. Hoà giải giữa các bên
“Hoà giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính chất riêng tư, trong đó hoà giải viên là người thứ ba trung gian giúp các bên tranh chấp đạt được một sự thoả thuận” 6
Hoà giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh cháp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Phương pháp giải quyết tranh chấp bằng hoà giải có ưu điểm là bảo vệ bí mật kinh doanh, điều mà sẽ không thực hiện được khi tiến hành tố tụng tại toà theo quy tắc công khai, tranh tụng và theo các quy tắc về thu thập chứng cứ trong tố tụng tư pháp.
Hiệu lực pháp lý của hoà giải: Thoả thuận hoà giải không có tính chất bắt buộc nên trên thực tế, không có toà án nước nào lại ra lệnh đình chỉ vụ kiện chỉ vì một bên không thực hiện thoả thuận hoà giải. Hiệu lực cao nhất của thoả thuận giải quyết bằng hoà giải giống như một điều khoản hợp đồng có tính rằng buộc các bên, không có tính chất bắt buộc thi hành như phán quyết của trọng tài hay toà án.