các nhà hát trên địa bàn Hà Nội
Cả về mặt lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy không thể phủ nhận vai trò quan trọng của marketing đối với quá trình hoạt động, tồn tại và phát triển của các nhà hát. Vì những lý do khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc triển khai hoạt động marketing của các nhà hát trên địa bàn Hà Nội còn hạn chế, vì vậy, hiệu quả của nó đem lại mới chỉ dừng lại ở một số khía cạnh nhất định.
2.3.1. Đa dạng hoá tác phẩm, dịch vụ
Nghiên cứu thị trường, một công cụ marketing giúp các đơn vị nghệ thuật cải thiện tiến trình ra các quyết định marketing, trong đó có quyết định chiến lược về tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ.
Các khái niệm về marketing văn hoá nghệ thuật ở chương một của luận án cho thấy marketing văn hoá nghệ thuật khác với marketing thương mại ở chỗ xuất phát điểm của marketing văn hoá nghệ thuật không phải là thị trường mà là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Tuy vậy, để thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, bên cạnh việc tuân theo định hướng tác phẩm thì sự nhanh nhậy mang tính thị trường và định hướng của công chúng là điều không thể bỏ qua. Để vừa đảm bảo chất lượng nghệ thuật, vừa định hướng thẩm mỹ, thị hiếu và đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng, việc tiến hành nghiên cứu thị trường là một trong những giải pháp giúp đơn vị văn hoá nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.
Mặc dù các nhà hát trên địa bàn Hà Nội chưa thực hiện nghiên cứu thị trường một cách hệ thống, nhưng những thông tin ban đầu và việc quan sát, phân tích nhu cầu và đặc điểm của khán giả đã giúp một số nhà hát như Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam có những cơ sở nhất định cho việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng các vở diễn cũng như thử
nghiệm một số chương trình nghệ thuật mới, đa dạng hoá tác phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng, giúp đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thể nghiệm đưa điện ảnh vào vở diễn “Khi hoa nở trái mùa’’, vở diễn “Yêu là thoát tội” và thực hiện dự án dịch cải lương sang tiếng Anh để phục vụ khách du lịch được tốt hơn; vở “Hồn quê” của Nhà hát Múa rối Việt Nam có sự kết hợp nghệ thuật sắp đặt với nghệ thuật múa rối nước; Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thành lập đoàn múa rối nước Bông Sen kết hợp với đội ngũ diễn viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn nghệ thuật múa rối nước tại địa chỉ 79 Hàng Trống; Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn trích đoạn trên sân khấu nhỏ vào tối thứ sáu hàng tuần tại rạp Kim Mã và phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn chương trình tạp kỹ dịp tết thiếu nhi,... Việc đa dạng hoá tác phẩm, dịch vụ của các nhà hát chưa phải là hiện tượng phổ biến nhưng nó cần được phát huy để đi đến cái đích cuối cùng là có nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc phục vụ đông đảo công chúng.
2.3.2. Quảng bá các tác phẩm của nhà hát
Bốn công cụ cơ bản của marketing hỗn hợp bao gồm sản phẩm, giá cả, quảng bá và phân phối. Các công cụ này đều có vai trò hết sức quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của các đơn vị văn hoá nghệ thuật. Các nhà hát đều nhận thấy marketing đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các chương trình nghệ thuật của nhà hát đến với công chúng. Vì rằng, cho dù nhà hát có các vở diễn hay đến mấy nhưng không làm truyền thông thì làm sao công chúng biết để mua vé đi xem.
Ở mục 2.2.2.2. Xây dựng và thực hiện chiến lược truyền thông, quảng bá của các nhà hát trên địa bàn Hà Nội cho thấy thực trạng hoạt động truyền thông của các nhà hát còn hạn chế và ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, hoạt động marketing của các nhà hát, đặc biệt hoạt
động truyền thông của các nhà hát đang dần được đẩy mạnh thông qua nhiều công cụ như tờ rơi, pa nô, băng rôn, quyển chương trình, website, Facekook, tin nhắn, tổ chức họp báo, tổ chức sự kiện, cuốn guidebook, đăng báo, tạp chí... Đặc biệt website của các nhà hát ngày càng được đầu tư, hình ảnh đẹp, thông tin đầy đủ và cập nhật hơn, hấp dẫn hơn. Facebook của các nhà hát cũng ngày càng có nhiều người kết nối hơn. Các công cụ này đã giúp quảng bá các tác phẩm của nhà hát tới công chúng trong và ngoài nước. Trong thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ, e-marketing (marketing điện tử) là một xu hướng phát triển tất yếu và ngày càng trở nên phổ biến vì sự tiện dụng, chi phí thấp và khả năng lan toả của nó.
2.3.3. Phát triển khán giả
Không thể so sánh với cái thời “ngày xưa” khi mà công chúng xếp hàng mua vé xem kịch. Phần lớn các nhà hát hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng vắng khán giả đối với các chương trình biểu diễn bán vé. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân trong đó có tác phẩm, cơ sở vật chất, dịch vụ, giá vé, truyền thông... của các nhà hát chưa phù hợp với nhu cầu của công chúng. Nhưng không phải tất cả đều do lỗi của các nhà hát, một phần do nền kinh tế mở cửa, hội nhập, các sản phẩm giải trí tràn ngập, các chương trình truyền hình giải trí đang tấn công nghệ thuật sân khấu, một loại hình nghệ thuật cần có khán giả “trực tiếp”, tức là công chúng phải đến rạp xem, khán giả sân khấu không giống như các loại hình khác. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nghệ thuật sân khấu lại càng khó khăn hơn trong việc thu hút khán giả đến rạp.
Mặc dù khán giả của các nhà hát hiện nay không đông như cái thời “ngày xưa”, nhưng nếu không có marketing, không có những tác phẩm đỉnh cao, phù hợp với thị hiếu của công chúng, giá cả không hợp lý, không có quảng bá, không có các mô hình tổ chức biểu diễn và các kênh phân phối vé
phù hợp thì việc lôi kéo khán giả đến rạp là điều không khả thi. Vì vậy, có thể thấy, marketing chính là một trong những công cụ giúp các nhà hát xây dựng và phát triển đội ngũ khán giả. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và hội nhập ngày càng sâu rộng thì marketing lại càng đóng vai trò quan trọng.
Tổng hợp số liệu báo cáo của các nhà hát về khán giả trong ba năm (2010-2012) [PL1, tr.153-161], [PL2, tr.162-163] cho kết quả như sau:
TT Tên đơn vị Lƣợt ngƣời xem (ƣớc tính) Ghi chú Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
1 Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam 160.000 80.000 93.000 2 Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam 3.800 50.000 58.000 3 Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam 500.000 500.000 940.000 4 Nhà hát Chèo Việt Nam 110.000 105.000 110.000 5 Nhà hát Múa Rối Việt Nam 106.000 100.000 110.000 6 Nhà hát Tuồng Việt Nam 125.000 200.000 136.000 7 Nhà hát Múa rối Thăng Long 426.550 488.650 488.000 8 Nhà hát Cải lương Hà Nội 69.600 46.000 9 Nhà hát Kịch Hà Nội 25.000 36.500 69.000
Bảng 2.2. Số liệu khán giả của các nhà hát
Bảng số liệu này tổng hợp lượt người xem (ước tính) của tất cả các buổi biểu diễn kể cả bán vé và biểu diễn miễn phí tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của các nhà hát. Số liệu này cho
thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng không nhỏ và số lượt người xem (ước tính) nhìn chung có xu hướng tăng.
2.3.4. Tăng doanh số bán vé, hợp đồng biểu diễn
Kết quả báo cáo hoạt động hàng năm của các nhà hát trên địa bàn Hà Nội từ năm 2007 đến nay cho thấy doanh thu của các nhà hát ngày càng tăng. Kết quả này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của marketing trong việc tăng doanh thu cho các nhà hát.
Mặc dù chưa đồng bộ và chưa bài bản, việc triển khai các công cụ marketing hỗn hợp bao gồm cải tiến và nâng cao chất lượng tác phẩm, dịch vụ, đa dạng hoá tác phẩm, áp dụng các mức giá vé khác nhau, các kênh bán vé đa dạng, sử dụng nhiều công cụ quảng bá, đa dạng mô hình tổ chức biểu diễn,... tại các nhà hát đã giúp tăng số lượng khán giả, tăng doanh số từ bán vé, hợp đồng biểu diễn mặc dù mức tăng này chưa có đột biến. Cụ thể, báo cáo doanh thu của các nhà hát được tổng hợp như sau [PL1, tr.153-161], [PL2, tr.162-163]:
TT Tên đơn vị Doanh thu (đồng) Ghi chú
Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
1 Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam 14.500.000.000 14.500.000.000 9.500.000.000 2 Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam 340.000.000 342.840.000 4.650.600.000 Năm 2012 nguồn xã hội hoá và tài trợ là 4.267.600.000 3 Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam 5.000.000.000 5.000.000.000 5.400.000.000
TT Tên đơn vị Doanh thu (đồng) Ghi chú
Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012
4 Nhà hát Chèo
Việt Nam 1.347.000.000 1.640.000.000 1.750.000.000 5 Nhà hát Múa
Rối Việt Nam 7.000.000.000 5.416.936.000 7.000.000.000 6 Nhà hát Tuồng Việt Nam 3.300.000.000 2.480.000.000 1.947.000.000 7 Nhà hát Múa rối Thăng Long 20.000.000.000 27.000.000.000 35.000.000.000 8 Nhà hát Cải lương Hà Nội 1.592.360.000 1.814.101.000 1.877.356.000 9 Nhà hát Kịch Hà Nội 919.100.000 2.138.000.000 1.926.500.000
Bảng 2.3. Số liệu doanh thu của các nhà hát
2.3.5. Mở rộng hợp tác, thu hút tài trợ
Hoạt động marketing, đặc biệt việc đa dạng tác phẩm, sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng tác phẩm, dịch vụ và quảng bá thông qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau đã giúp các nhà hát ngày càng được nhiều công chúng trong và ngoài nước biết đến, đồng thời giúp các nhà hát mở rộng giao lưu, hợp tác với nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước trên nhiều phương diện như trao đổi nghệ sĩ, đào tạo, giao lưu, hợp tác biểu diễn... Nhiều nhà hát đã tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật trong nước và quốc tế, đạt nhiều giải thưởng. Hoạt động này không chỉ nâng cao hình ảnh và vị thế của các nhà hát mà còn giúp quảng bá văn hoá nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Song song với việc mở rộng giao lưu, hợp tác trong và ngoài nước, hoạt động marketing phát triển còn giúp các nhà hát mở rộng cơ hội thu hút tài trợ, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Trong thực tiễn, không chỉ các nhà hát đi tìm tài trợ mà các nhà tài trợ cũng cần phải tìm đến những đơn vị nghệ thuật có tác phẩm, dịch vụ tốt, có hoạt động quảng bá tốt, thu hút được đông đảo công chúng và giới truyền thông, có khả năng triển khai các hoạt động nghệ thuật, thông qua đó giúp các nhà tài trợ đạt được mục đích của mình. Như vậy, hoạt động marketing tốt sẽ là công cụ giúp các đơn vị văn hoá nghệ thuật đạt được nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó mở rộng quan hệ hợp tác và thu hút tài trợ là những mục tiêu quan trọng.