Để tạo thương hiệu cho cà phê Việt Nam, chúng ta cần thực hiện một hỗn hợp nhiều nỗ lực, nhưng, có một điều chắc chắn cần phải làm và cần phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận khi chúng ta xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam đó là việc chúng ta phải cung cấp các giá trị, các trải nghiệm mà thế giới đang cần chứ không phải là toàn bộ những gì chúng ta có (những giá trị của Việt Nam, từ Việt Nam chỉ là một phần trong tổng thể gói giá trị chúng ta đưa ra thế giới). Một số đặc tính sau cần phải tạo ra cho thương hiệu cà phê Việt Nam như: chất lượng tốt, thân thiện với môi trường theo định hướng phát triển bền vững, phối hợp văn hóa Việt Nam với các đặc điểm văn hóa tiêu
dùng thế giới, tôn vinh và cỗ vũ tinh thần sáng tạo, sử dụng các công nghệ và năng lượng sạch.
Cần phải tạo ra một “điểm đến”, một chiến lược xây dựng thương hiệu vùng lãnh thổ, chỉ dẫn địa lý cho cà phê Việt Nam. Trong thời gian qua, Trung Nguyên có đề xuất với Tỉnh ĐăkLăk chiến lược biến địa bàn Buôn Mê Thuột trở thành một điểm đến cho những người yêu thích và đam mê cà phê trên toàn thế giới, điểm đến đó được gọi là Thiên đường cà phê toàn cầu, hoặc Thủ phủ cà phê toàn cầu. Dự án này đã được Tỉnh ủng hộ, đưa vào nghị quyết để hành động; Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm, ủng hộ, và đã có các chỉ đạo cho việc tiếp tục nghiên cứu và xúc tiến thực hiện dự án. Nếu thành công, đây hẳn sẽ là một điển hình mẫu cho thế giới về mô hình phát triển bền vững, bảo tồn và phát triển sự đa dạng của văn hóa và các tộc người bản địa với dòng chảy của thời đại, với kinh tế tri thức, với công nghệ sinh học.