Các vật chất dinh dưỡng của thức ăn mà động vật nói chung và lợn nói riêng ăn vào, muốn được cơ thể sử dụng cho mục đích duy trì sự sống, sinh trưởng và phát triển, sinh sản trước tiên phải qua con đường tiêu hóa ở đó chúng được phân giải thành những chất đơn giản nhất và được hấp thu qua niêm mạc ruột, đi vào máu, cung cấp cho mô tế bào của các bộ phận trên cơ thể hoạt động, trong đó có cả quá trình đồng hóa và dị hóa.
Cơ quan tiêu hóa của lợn phát triển hơn các cơ quan khác theo tuổi một cách rõ rệt, khi còn ở trong bào thai bộ máy tiêu hóa đã hình thành đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện, dung tích còn bé và trong 2-3 tháng đầu cơ quan tiêu hóa của chúng phát triển nhanh chóng.
Hệ thống tiêu hóa của lợn gồm 4 bộ phận chính tham gia vào quá trình tiêu hóa cơ học và hóa học là: Miệng, dạ dày, ruột non, ruột già.
Ở miệng có sự tham gia của các men tiêu hóa hóa học có chứa trong nước bọt là men amylaza và men maltaza có tác dụng thủy phân tinh bột (gạo, ngô, bột củ, sắn, khoai) thành đường glucoza. Ngoài ra, nước bọt còn chứa dịch nhày muxin, các muối cacbonat, sulphat. Độ pH của nước bọt = 7,2. Trong nước bọt còn có chứa chất diệt khuẩn lyzozym ở các tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi tiết ra làm sạch và làm trung hòa các chất tránh gây độc hại cho cơ thể, tẩm ướt thức ăn. Sau đó thức ăn được chuyển xuống dạ dày và tiếp tục quá trình tiêu hóa.
Ở dạ dày tiết ra dịch vị, các men tiêu hóa. Khi thức ăn xuống tới dạ dày cơ trơn nhào trộn thức ăn cùng với các men tiêu hóa Protein của dạ dày. Dưới sự tác dụng của axitclohydric (HCl) men pepsin hoạt động. HCl làm trương nở Protein làm tăng bề mặt tiếp xúc với men pepsin diệt khuẩn và giữ độ Axit ở dạ dày pH = 1,5-2,5. Dịch tiêu hóa trong dạ dày lợn ở các giai đoạn là khác nhau. Theo A.V.K. Vasnhixya (1951) [21] cho biết: Lợn con ở 20 ngày tuổi lượng dịch vị phân tiết ra trong một ngày đêm là 150-300ml và lượng phân tiết dịch vị tăng theo lứa tuổi. Ở lợn bú sữa tiết dịch vi ban ngày là 31%, ban đêm là 69%. Ở lợn sau cai sữa 60-90 ngày tuổi dịch vị tiêu hóa chỉ tiết ra khi thức ăn vào đến dạ dày. Ở lợn trưởng thành dich vị tiết ra ban ngày tới 62%, ban đêm có 38%. Hàm lượng HCl tăng dần để đạt tới mức ổn định. Theo Trần
Văn Phùng và cộng sự (2004) [11] sự phân tiết HCl nhiều hay ít có ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa ở lợn. Khi lợn còn nhỏ HCl chủ yếu ở dạng liên kết, đến 60 ngày tuổi lượng HCl có khoảng 0,05-0,25%, lợn trưởng thành có từ 0,35- 0,40% so với tổng lượng liên kết. Theo Trương Lăng (2003) [7] số lượng và chất lượng thức ăn khác nhau làm tăng tính ngon miệng, dịch vị tiết ra nhiều, tiêu hóa cao. Thêm 3g pepsin và 500ml HCl 0,4% vào thức ăn cho lợn từ 3-4 tháng tuổi sẽ kích thích tiết dịch vị và làm tăng khả năng tiêu hóa. Thức ăn được tiêu hóa ở dạ dày, một phần lớn được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa.
Ruột non là đoạn giữa và là đoạn dài nhất của ống tiêu hóa, ở lợn ruột
non dài gấp 7-8 lần cơ thể, được chia làm 3 đoạn chính. Đoạn đầu là tá tràng có ống dẫn tụy wissung và ống dẫn mật choledoque đổ vào đoạn đầu của tá tràng tiếp theo là không tràng và đoạn cuối là hồi tràng. Thức ăn chuyển xuống ruột non được tiêu hóa triệt để nhất, tất cả các chất dinh dưỡng được tiêu hóa và hấp thu với tỷ lệ lớn nhất ở ruột non, nhờ tác động của các men dịch tụy, dịch ruột và dịch mật.
Dịch tụy do tuyến tụy tiết ra có pH = 7,8-8,4, thành phần 98% là nước
còn lại là vật chất khô. Dịch tụy có tất cả các men phân giải các chất dinh dưỡng, men phân giải các loại protit, cac axitnucreic, tinh bột, lipit để hấp thụ qua màng ruột vào máu.
Dịch mật do gan tiết ra nó được tích lũy ở túi mật và đổ vào ruột non ở
đoạn tá tràng qua ống dẫn choledoque. Dịch mật có pH = 6,7-7,1. Dịch mật trong ống mật loãng nước chiếm 98% còn lại là 2% vật chất khô, dịch mật ở túi mật đặc hơn với 90% là nước, 10% vật chất khô (là các axit mật và sắc tố mật). Dịch mật có tác dụng nhũ hóa mỡ, sắc tố mật tạo màu sắc tự nhiên của phân.
Dịch ruột do tuyến ruột tiết ra và thường trộn với thức ăn ở dạng tiêu hóa
dở dang thành các sản phẩm dưỡng chấp chứa trong ruột, độ pH = 8,2-8,7, co 98% là nước, 2% là vật chất khô có tác dụng tiêu hóa gluxit, protit, lipit.
Sự phân tiết dịch vị ở các giai đoạn tuổi là khác nhau. Theo A.V.K.
Vasnhixkya (1951) [21] lợn con 20-30 ngày tuổi lượng phân tiết dịch vị trong một ngày đêm là 150ml và sự phân tiết dịch vị tăng theo lứa tuổi, 3 tháng tuổi là 3,5 lít và từ 7 tháng tuổi trở lên là 10 lít/ngày đêm. Sự biến đổi khả năng
phân tiết dịch tụy trái với sự biến đổi dịch vị, trong thời kỳ thiếu HCl hoạt tính của dịch tụy rất cao để bù lại khả năng tiêu hóa kém của dạ dày.
Ở ruột non ngoài sự tiêu hóa nhờ các dịch trong xoang ruột. Theo Hoàn
Toàn Thắng, Cao Văn (2005) [7] tiêu hóa do dịch trong xoang ruột chỉ chiếm 20-50%, còn chủ yếu tiêu hóa ở mang chiếm 50-80%. Tiêu hóa ở màng được tiến hành nhờ cấu tạo của màng nhầy ruột non có lớp tế bào dung mao. Trên bề mặt của mỗi nhung mao có riềm bàn chải được tạo thành từ vô số các vi nhung mao, làm cho diện tích của ruột non tăng thêm 30 lần.
Phần cuối cùng của bộ máy tiêu hóa là ruột già dài khoảng 4-5m, bao
gồm manh tràng, kết tràng và trực tràng. Ở ruột già không tiết men tiêu hóa mà chỉ tiết dịch nhầy, ruột già có tiêu hóa một ít nhờ men thức ăn theo từ ruột non với tỷ lệ rất nhỏ như: Cellulose 14%, protein 12%. Ruột già chủ yếu là tiêu hóa chất xơ do vi sinh vật ở màng phân tạo ra các sản phẩm chính là axit lactic, có tác dụng ức chế vi khuẩn phát triển và vi khuẩn gây thối. Theo Lê Hồng Mận và Bùi Đức Lũng (2003) [10]. Trong điều kiện bình thường 1g chất chứa ruột già có từ 1- 10 tỷ vi sinh vật các loại. Lượng protein thô và gluxit (tinh bột, đường) bị các vi sinh vật lên men “thối” sinh hơi phân giải
thành những sản phẩm có mùi hôi thối độc như: Indol, phenol và các khí H2
S, CO2, H2 và một phần lớn được thải qua đường hậu môn,còn lại chúng
được hấp thu qua màng ruột già và gan, ở gan chúng được khử độc thành các hợp chất indical rồi thải qua đường nước tểu.