Vốn lưu động là một bộ phận tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Có thể thấy vốn lưu động chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số vốn kinh doanh của công ty. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn lưu động là một trong những nhân tố quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong năm qua, tình hình sử dụng vốn của công ty còn thiếu hiệu quả: Vốn tăng nhưng vòng quay vốn giảm, lãi tiền vay tăng mạnh làm cho doanh thu và lợi nhuận giảm sút.
Có thể thấy các khoản phải thu của công ty tăng lên, nguồn vốn của công ty bị chiếm dụng là giảm tốc độ luân chuyển vốn. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới công ty nên xem xét những biện pháp sau:
- Áp dụng hình thức thanh toán linh hoạt, tức là công ty tiến hành giao từng phần, mỗi lần cách nhau một khoảng thời gian nhất định và giao hàng tới đâu thu hồi vốn tới đó. Biện pháp này làm quay vòng vốn nhanh, giảm tối đa lượng vốn bị chiếm dụng.
- Công ty có chính sách ưu tiên cho khách hàng có khả năng thanh toán giá trị hợp dồng lớn và nhanh chóng. Như vậy sẽ nâng cao được khả năng thu hồi vốn, tăng vòng quay vốn.
Bên cạnh đó, công ty cũng nên tính toán các khoản phải trả sao cho hợp lý để giữ uy tín với bạn hàng, ngân hàng và tránh rủi ro. Công ty cần phải tận dụng những khoản tín dụng được hưởng như khoản phải trả nhà cung cấp, khoản khách hàng trả trước đồng thời cũng tính đến kế hoạch trả những khoản nợ ngắn hạn sao cho công ty có lợi nhất. Công ty có thể:
- Xem xét, lựa chọn phương thức thanh toán có lợi nhất, tránh tình trạng bị bạn hàng nước ngoài từ chối thanh toán hoặc kéo dài thanh toán tiền hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
- Vì công ty thường xuyên giao dịch qua ngân hàng ngoại thương Việt Nam – Vietcombank do vậy công ty nên chú trọng giao dịch thanh toán với những khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng Vietcombank để nhờ ngân hàng nơi nơi công ty mở tài khoản can thiệp khi có vướng mắc thanh toán. Bên cạnh đó luôn theo dõi sát sao, đốc thúc khách hàng thanh toán các khoản nợ đúng hạn để công ty đủ vốn thu mua hàng hóa kịp thời phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty, tránh tình trạng bị khách hàng chiếm dụng vốn.
3.2.1.2. Nghiên cứu thị trường, Xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý.
Trong cơ chế thị trường, bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào cũng phải gắn liền với nhu cầu thị trường. Sự tồn tại của doanh nghiệp luôn gắn liền với việc nắm chắc các nhu cầu đó với doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thì công tác nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước là cần thiết. Vì vậy, để
phù hợp với tình hình thực tế, việc thành lập phòng Marketing là rất thiết thực đối với sự phát triển lâu dài của công ty. Phòng này sẽ kết hợp với các phòng nhập khẩu để đưa ra những chiến lược nhập khẩu thích hợp hiệu quả nhất và phải đảm bảo được các chức năng:
- Nghiên cứu thị trường;
- Tham mưu cho lãnh đạo công ty và các phòng ban nghiệp vụ những vấn đề về thị trường;
- Tuyên truyền, quảng cáo để nâng cao uy tín của công ty.
Bên cạnh đó, công ty phải lập chiến lược kinh doanh hợp lý, cụ thể mới phát huy được khả năng của mình trong cơ chế thị trường; có hướng đi đúng đắn, hoạt động rõ mục tiêu là cơ sở cho việc đề ra những giải pháp hữu hiệu cho quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh của công ty.
3.2.1.3. Phấn đấu tiết kiệm chi phí
Để có thể nâng cao lợi nhuận thì tiết kiệm chi phí là việc làm vô cùng cần thiết. Việc hạ thấp chi phí kinh doanh luôn là một vấn đề trọng tâm hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Để góp phần hạ thấp chi phí kinh doanh thì việc quản lý chi phí phải được tiến hành kiểm tra thường xuyên hơn, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện kế hoạch chi phí kinh doanh, đặc biệt là đối với khoản mục chi phí chiếm tỷ trọng lớn. Công ty cũng cần phải phấn đấu hạ thấp chi phí dịch vụ mua ngoài, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, fax, internet… Đồng thời công ty cũng nên tổ chức tốt quá trình nhập khẩu, xuất khẩu và quản lý hợp lý để giảm tối đa các khoản chi phí không đáng có.
3.2.1.4. Chú trọng nâng cao chất lượng Than xuất khẩu
Than là mặt là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty, mang lại lợi nhuận cho công ty. Vì vậy nâng cao chất lượng Than xuất khẩu là một vấn đề mà công ty cần quan tâm. Than Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới do vậy muốn có được sự tín nhiệm của bạn hàng thì
công ty cần phải nâng cao được chất lượng than. Chính vì vậy công ty cần tăng cường công tác giám sát, đôn đốc đơn vị sản xuất quan tâm đến chất lượng Than. Mặt khác, công ty cũng nên chú ý than nhập khẩu từ các thị trường khác, tránh tham rẻ nhập khẩu than kém chất lượng. Coalimex được tập đoàn Than- khoáng sản ủy quyền giao dịch và ký hợp đồng xuất khẩu than với khách hàng ngoài nước. Do vậy, tập đoàn cũng nên kiểm soát chặt chẽ thị trường xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu, giá than xuất khẩu…Bên cạnh đó, công ty Coalimex cũng cần chú trọng:
- Tổ chức quản lý hoạt động xuất khẩu theo chác năng của các phòng xuất khẩu trong công ty. Chia các thị trường theo chức năng của từng phòng xuất nhập khẩu. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa các phòng ban để liên kết được các thị trường.
- Thường xuyên theo dõi thông tin kinh tế trong và ngoài nước để nắm được sự biến động của thị trường, giá cả để nắm bắt cơ hội kinh doanh cũng như tránh được rủi ro.
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ chế khoán trong kinh doanh xuất khẩu, tạo tinh thần trách nhiệm cho từng phòng ban cũng như từng cá nhân.
3.2.1.5. Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kinh doanh
Đội ngũ lao động là yếu tố quan trọng để công ty hoạt động tốt cũng như mở rộng và phát triển thị trường. Để có thể kinh doanh hiệu quả trên thị trường thế giới thì công ty cần có đội ngũ cán bộ kinh doanh giỏi chuyên môn, thạo nghiệp vụ, có khả năng tư duy linh hoạt và thông thạo ngoại ngữ. Để có một đội ngũ cán bộ công nhân viên đáp ứng yêu cầu thì công ty cần:
- Động viên, khuyến khích cán bộ theo học các khóa học bổ sung thêm kiến thức về nghiệp vụ kinh doanh thương mại quốc tế.
- Mở các khóa học ngắn hạn về nghiên cứu thị trường, marketing nhằm nâng cao kiến thức cũng như trình độ ngoại ngữ cho nhân viên.
Sau các khóa học công ty nên có những chính sách phân bổ nhiệm vụ, vị trí mới cho những cán bộ có thành tích tốt phù hợp với nhiệm vụ đã có. Đây cũng là động lực khuyến khích các cán bộ công nhân viên của công ty tích cực tham gia các khóa học trau dồi kiến thức cho bản than phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của công ty. Ngoài ra, công ty nên có chế độ ưu đãi đối với cán bộ lâu năm, những người đã có nhiều đóng góp và cống hiến cho công ty.
3.2.2. Kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan chức năng có liên quan
3.2.2.1. Kiến nghị với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam
Công ty cổ phần XNK Than- Vinacomin là một tổ chức tài chính độc lập, nhưng vẫn thuộc tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam. Để có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình, Công ty cũng rất cần có những hỗ trợ hợp lý, kịp thời hơn nữa từ phía Tập đoàn. Cụ thể là:
- Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong ngành. Tập đoàn cần có các biện pháp hỗ trợ về tài chính kịp thời khi doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn, cũng như những ưu đãi riêng khi là thành viên của Tập đoàn.
Liên kết các thành viên trong ngành, tạo điều kiện giúp các thành viên trong ngành hợp tác, hỗ trợ, và thúc đẩy nhau phát triển. Tạo nên một tập thể vừa có tính độc lập mà vẫn không mất đi sự đoàn kết chung.
- Hỗ trợ Công ty trong hoạt động quảng cáo, xúc tiến nhằm nâng cao uy tín của Tập đoàn nói chung và các doanh nghiệp thành viên nói riêng trong đó có Công ty cổ phần XNK Than- Vinacomin.
- Tăng cường củng cố và xây dựng mối quan hệ với các bộ ngành liên quan, các mối quan hệ trong và ngoài nước nhằm giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Tập đoàn phải kịp thời kiến nghị lên cơ quan Nhà nước về các chính sách nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Một điều không thể thiếu, đó là Tập đoàn cần có các chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh, đãi ngộ hợp lý, chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn.
3.2.2.2. Kiến nghị với Nhà nước
Bên cạnh những nỗ lực của công ty, Nhà nước cũng cần có những chính sách, biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần XNK Than- Vinacomin cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khác. Sau đây, em xin mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị đối với Nhà nước và các tổ chức khác như sau:
- Nhà nước cần khuyến khích hỗ trợ để phát triển các ngành công nghiệp trong nước. Với những ngành công nghiệp then chốt như ngành Than, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho việc nhập khẩu những máy móc vật tư, công nghệ cung cấp cho ngành. VD: hỗ trợ vốn, giảm thuế nhập khẩu…
- Cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản và thuận tiện, giảm tình trạng quan liêu, tham nhũng làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, gây mất thiện cảm với các đối tác nước ngoài.
- Các chính sách pháp luật phải rõ ràng, ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các thông lệ quốc tế, tránh tình trạng luật pháp chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong việc các doanh nghiệp thực thi pháp luật.
- Xây dựng các chính sách tiền tệ hợp lý, linh hoạt theo từng giai đoạn mà vẫn đảm bảo mục tiêu kinh tế chung. Cụ thể, các chính sách lãi suất, tỷ giá hối đoái, chính sách tín dụng phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp và công bằng với các thành phần kinh tế.
- Để hỗ trợ ngành thương mại quốc tế, Nhà nước cần phải có chiến lược xây dựng và phát triển ngành logistics cho tương xứng với nhu cầu phục vụ
trong và ngoài nước. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí thuê ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
- Hoàn thiện và phát triển hơn nữa cơ sở vật chất, nhất là hệ thống giao thông vận tải biển. Trong giai đoạn tới, Nhà nước ngoài việc nâng cấp, đầu tư chiều sâu, phát huy hết công suất, hiệu quả của các cảng hiện hữu, cần tập trung vào việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm, một số cảng nước sâu chuyên dụng xếp dỡ container, than quặng và dầu quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại. . . phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài.
Nhìn chung, Nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, lành mạnh, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cho mọi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng cường ngoại giao và hợp tác kinh tế cũng là một điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu như Vinacomin.
KẾT LUẬN
Lợi nhuận được coi là một trong những động lực kinh tế kích thích mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường luôn quan tâm đến lợi nhuận. Nó là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện tái sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống của người lao động trong doanh nghiệp.
Trên đây là tình hình thực hiện kế hoạch lợi nhuận đã và đang được áp dụng tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Than- Vinacomin. Bên cạnh những thuận lợi và thành tích đạt được, công ty vẫn gặp phải không ít khó khăn, tồn tại trong vấn đề tăng lợi nhuận đòi hỏi công ty phải không ngừng nỗ lực phấn đấu hơn nữa để đạt hiệu quả cao trong hoạt đông kinh doanh nhằm nâng cao lợi nhuận của mình. Làm thế nào để tăng lợi nhuận là vấn để quan trọng được các doanh nghiệp hết sức quan tâm nên trong quá trình thực tập em đã mạnh dạn nghiên cứu và đưa ra một số ý kiến đề xuất để công ty xem xét.
Với thời gian thực tập có hạn và bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm nên không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Kính mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ phía các thầy cô, các anh chị và những người quan tâm để luận văn thêm hoàn thiện.
Một lần nữa, em chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc đến TS. Nguyễn Thị Hà đã tận tình hướng dẫn em trong thời gian qua, chân thành cảm ơn các thầy cô giáo bộ môn, cảm ơn Ban lãnh đạo cùng các anh chị trong Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Than- Vinacomin đã giúp em hoàn thiện luận văn này.
Em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 5 năm 2013 Sinh viên thực hiện
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS.TS. Nguyễn Đình Kiệm và TS. Bạch Đức Hiển (2010), “Giáo trình Tài chính doanh nghiệp”, Nhà xuất bản Tài chính.
2. PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ và TS. Nghiêm Thị Hà (2010), “Giáo trình Phân tích tài chính doanh nghiệp”, Nhà xuất bản Tài chính.
3. Bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, thuyết minh báo cáo tài chính trong năm 2011, 2012 của Công ty cổ phần XNK Than- Vinacomin.
4. Bản cáo bạch năm 2012 của Công ty cổ phần XNK Than- Vinacomin 5. Các báo và tạp chí chuyên ngành: Thời báo kinh tế, Tạp chí tài chính.
6. Một số trang web: coalimex.vn, nangluongvietnam.vn, cophieu68.com, vneconomy.vn, ....