4.3.3.1. Biến chứng sớm:
Viêm nội nhãn sau mổ không gặp trong nghiên cứu của chúng tôi, đây là một biến chứng nặng nhất của phẫu thuật TTT. Theo các báo cáo của các tác giả trong và ngoài nước tỉ lệ biến chứng viêm nội nhãn sau mổ TTT khoảng 0,1%-0,3%.. Bệnh nhân trong nghiên cứu đều được dự phòng tra khánh sinh trước mổ để làm sạch cùng đồ kết mạc, nên đã tránh được biến chứng trầm trọng này.
Phản ứng viêm màng bồ đào sau mổ, chúng tôi cũng gặp 3 mắt (2,8%), đây là những viêm nhẹ, vô trùng thường gặp sau phẫu thuật TTT. Tất cả được điều trị bằng kháng sinh tại chỗ, chống viêm nhóm corticoid , chống dính... và khỏi hoàn toàn không để lại di chứng sau 1 tuần.
4.3.3.2.Biến chứng muộn:
* Bong võng mạc sau mổ trên mắt cận thị nặng:
Trong nghiên cứu này, chúng tôi không gặp một trường hợp bong võng mạc nào trong quá trình theo dõi 4 năm sau mổ. Tỷ lệ bong võng mạc trên mắt cận thị cao được mổ TTT cũng rất khác nhau theo các tác giả. Các nghiên cứu của Wang J, Gabric, Guell thời gian theo dõi từ 2 năm đến 4 năm cũng không gặp bong võng mạc sau mổ. Trong nghiên cứu của Frisch với 581 mắt, thời gian theo dõi 7 năm cũng chỉ gặp 2 mắt (0,34%) bong võng mạc. Ravalico nghiên cứu trên 388 mắt cận thị cao mổ đặt IOL điều chỉnh cận thị cũng chỉ gặp một trường hợp bong võng mạc (0,26%) sau 4 năm theo dõi. Tỷ lệ bong võng mạc cao nhất gặp trong nghiên cứu của
Chastang P ở Pháp năm 1998, nghiên cứu trên 33 mắt mổ TTT, có 2 mắt trên cùng một bệnh nhân bị bong võng mạc, chiếm tỷ lệ 6,1%. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tỷ lệ bong võng mạc sau mổ thường gặp từ 1%- 3%. Theo William L.J , tỷ lệ bong võng mạc tự nhiên (2,4%) cũng không thấp hơn tỷ lệ bong võng mạc sau mổ TTT của mắt cận thị nặng.
Cho đến nay nguy cơ BVM sau mổ TTT vẫn còn gây tranh cãi, chưa đi đến thống nhất hoàn toàn. Để so sánh tỷ lệ bong võng mạc ở mắt cận thị cao sau mổ TTT với các nghiên cứu trước, chúng tôi tìm thấy những kết quả rất khác nhau. Mét lý do khác có thể giải thích cho tỷ lệ BVM cao sau mổ TTT trên mắt cận thị nặng là mối liên quan của bong võng mạc với trục nhãn cầu. Ripandelli trong một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ BVM rất cao tới 8% trên nhóm bệnh nhân có trục nhãn cầu trên 33 mm, đa số bệnh nhân trong nhóm này không được đặt IOL do không có công suất phù hợp. Theo tác giả trục nhãn cầu cao làm võng mạc giãn mỏng quá nhiều gây ra tổn hại trên võng mạc chu biên mặc dù đã điều trị laser dự phòng. Mặt khác khi không đặt được IOL, làm thay đổi cấu trúc dịch kính, mất đi độ ổn định của dịch kính cũng là nguyên nhân gây ra co kéo dịch kính nhiều hơn gây co kéo võng mạc nhiều hơn và làm tăng nguy cơ BVM. Nghiên cứu trong thực tế không gặp biến chứng BVM nào sau 4 năm theo dõi đã khích lệ chúng tôi tiếp tục cân nhắc chỉ định lấy TTT còn trong, đặt IOL công suất thấp trong điều trị cận thị nặng, đặc biệt trên những bệnh nhân cận thị cao không có thói quen đeo kính từ nhỏ. Kết quả cho thấy, phẫu thuật Phaco có đặt IOL hậu phòng là an toàn, hiệu quả.
*Biến chứng đục bao sau và laser cắt bao sau:
Đục bao sau là một biến chứng thường gặp sau mổ TTT, với tỷ lệ tăng dần theo thời gian. Tuy đục bao sau TTT gặp nhiều nhưng xử trí tương đối đơn giản nhờ có máy laser YAG cắt bao sau bị đục. Ngày nay, tỷ lệ bệnh nhân điều trị laser bao sau giảm do kỹ thuật mổ có nhiều tiến bộ như: đánh bóng bao sau trước khi đặt IOL vào trong tói bao TTT, dịch nhày tốt cũng làm giảm tỷ lệ biến chứng này. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ đục bao sau tăng dần theo thời gian, đục bao sau chiếm 26% sau 1 năm, sau 2 năm có 27,3%, sau 3 năm là 29,4%, còn sau 4 năm có 35,5% số mắt đục bao sau. Như vậy, tỷ lệ đục bao sau khá ổn định sau 2 năm đến 3 năm. Ở thời điểm 4 năm, chúng tôi có những lý giải cho tỷ lệ đục bao sau còn cao như sau: lý do thứ nhất là giai đoạn đầu của nghiên cứu, chưa có TTT nhân tạo mềm công suất thấp nên phần lớn mắt dùng loại TTTNT cứng, kỹ thuật đánh bóng bao sau còn chưa được thực hiện tốt, không lấy được hết tế bào biểu mô bao sau và cả bao trước, do vậy làm tăng tỷ lệ đục bao sau của nhóm
này. Lý do thứ hai là những mẫu IOL cũ có bờ tròn đều hai mặt, vì vậy tế bào biểu mô của bao trước TTT di thực dễ dàng vào khoang dưới IOL và lắng đọng ở mặt trước bao sau TTT. Trong những năm gần đây các nhà sản suất IOL đã cải tiến rất nhiều chất liệu và hình dáng IOL nhằm hạn chế tỷ lệ đục bao sau, những loại IOL có bờ vuông áp vào bao sau tốt hơn, ngăn cản sự di thực tế bào biểu mô TTT vào mặt sau IOL, ngoài ra chất liệu Acrylic kị nước làm cho tế bào biểu mô khó bám vào bề mặt IOL hơn.