Giọng điệu trần thuật trong tập truyện “Chân trời cũ”:

Một phần của tài liệu 258569 (Trang 31 - 36)

CHƯƠNG III NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT

3.2.2.Giọng điệu trần thuật trong tập truyện “Chân trời cũ”:

Chân trời cũ là một tập tự truyện, kể về cuộc đời của chính nhà

văn Hồ Dzếnh. Ở tập truyện không chỉ có giọng điệu của người kể chuyện mà còn đan xen nhiều đoạn hội thoại của các nhân vật. Nhờ những đoạn đối thoại nhỏ này mà câu chuyện được kể thêm phần hấp dẫn, tạo cảm giác thân quen cho người đọc. Ngôn ngữ là biểu hiện của tính cách con người. Bởi vậy mà ngôn ngữ đối thoại trở thành phương tiện quan trọng để thể hiện những gương mặt tính cách khác nhau của các nhân vật đồng thời cho người đọc thấy rõ mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau: thân mật hay khoảng cách, ghét hay yêu quý,... Nếu người mẹ là một người độc miệng nhưng lại đầy lòng thương con thì cha lại là người có học vấn uyên bác, có chất tráng trí của một kẻ viễn xứ, chị dâu mang trong mình cái xót xa của một kẻ đi làm dâu nơi xa,...Cuộc đời và số phận chị Đỏ Đương được gói gọn trong câu hát:

Trăm năm đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ con đò khác xưa

Không chỉ dừng lại ở đó, những lời đối thoại của nhân vật phải chăng là một lời dự cảm cho số phận con người. Câu hát buồn của chị Đỏ Đương có phải đã nhuốm vào cái cuộc đời đau khổ và đơn độc của chị?

Ngôn ngữ giao tiếp của chị Yên cũng nhuốm màu sắc buồn bã như chính cái cuộc đời của chị vậy.

Bên cạnh đó là những mẩu độc thoại, độc thoại nội tâm của người kể chuyện – nhân vật tôi. Nhiều đoạn độc thoại dài của nhân vật như một niềm day dứt khôn nguổi cho những số phận bất hạnh. Nhờ sự đan xen phối hợp giữa độc thoại và đối thoại đã tạo nên sự độc đáo trong cách kể chuyện, vừa lột tả được nội tâm nhân vật, vừa gợi lên những gương mặt tính cách khác nhau trong tập truyện.

Đặc sắc trong Chân trời cũ là ngôn từ mang đậm chất thơ, chất trữ tình man mác buồn. Văn xuôi Hồ Dzếnh tuy đóng khung trong thể loại tự sự nhưng lại cứ vượt tràn sang khu vực của trữ tình. Sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình tạo lên một chất thơ nhẹ nhàng, tinh tế chảy sâu vào lòng người. Trong mạch trần thuật xuất hiện nhiều câu văn giàu cảm xúc, như suy tư, như trầm buồn, như lắng đọng những trăn trở thầm kín. Chất thơ xuất hiện trong nhiều tác phẩm, đặc biệt ở những đoạn nhà văn miêu tả cuộc sống làng quê thanh bình, yên ả. Trong truyện ngắn “Trong bóng rừng”, chất thơ miên man, thấm đấm kháp trang viết qua những ngôn từ nhẹ nhàng, giàu chất biểu cảm và gợi hình cao. “Chính nơi đây, trên đôi mắt trong và sáng của tôi, lần đầu tiên bóng rừng núi chạy qua, ánh sáng này phản chiếu lại và hai thứ này cùng nhịp nhàng trong tôi về thế sự buồn rầu và cảnh đời hùng tráng. Tôi thờ cái hương rừng mọi rợ, yêu say đắm mùa sim vừa chín đến và tự mê hoặc mình bằng cách mê tín những bùa phép của dân Muôn Mán xung quanh”. Lời văn nhẹ nhàng mà tinh tế, giàu sức gợi mà vẫn lắng sâu như tuôn trào, thấm đẫm vào lòng người. Không nhìn cuộc đời với con mắt tình ái như Nhất Linh, Khái Hưng, cũng không phải giọng văn sắc lạnh như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, giọng văn của Hồ Dzếnh cứ nhẹ nhàng thấm đẫm khắp trang viết. Đề cập đến những kiếp người đau thương như người mẹ lam lũ mà thương con, người chị mang

dòng máu Trung Hoa sang làm dâu xứ người hay người chị nuôi suốt đời cơ cực,... nhưng lại không khiến người đọc có cảm giác nặng nề, ngột ngạt. Về phương diện này, văn xuôi Hồ Dzếnh có nét gì gần gũi với Thạch Lam, Thanh Tịnh hơn. Những kiếp người cứ hiện ra trước mắt bằng một giọng kể ấm áp, chan chứa tình người. Những từ ngữ được sử dụng đều mang tính biểu cảm cao, lời ít mà ý nhiều. Sâu xa, chất thơ phải chăng được làm lên bởi sự trong sáng, ấm áp của lòng người, bằng một thứ ngôn từ gần gũi, thấm thía tình yêu thương.

Chất thơ đã tạo lên giọng điệu chính cho tập truyện Chân trời

cũ là giọng thủ thỉ, tâm tình. Cái chất giọng tâm tình cứ nhẩn nha mà khắc

khoải, mà lưu giữ trong tâm trí người đọc bao nhiêu cung bậc thiết tha, buồn, vui, yêu, ghét. Một đặc điểm nổi bật của tập truyện là hình thức tự truyện, bằng những chi tiết đời thường, những kỉ niệm ngày thơ ấu, mảnh kí ức xa xôi mang độ lùi của thời gian. Điều này khiến giọng văn tăng thêm vẻ trầm buồn, chìm đắm trong nỗi nhớ nhung, hoài niệm. Chân trời cũ có lẽ không phải là món quà của kẻ vội vã bởi đọc truyện, ta không thể đọc lướt đi bằng tốc độ mà cần đến cái điềm tĩnh của sự suy tư, nghĩa là chúng ta vừa cùng với trang viết đi theo chiều dọc, chiều dài,vừa phải lắng xuống độ sâu, hiểu đến tận cùng cái ý nghĩa sâu xa của nó.

Giọng điệu trần thuật chủ đạo trong tập truyện là chất giọng nhẹ nhàng, như tâm tình, như trò truyện cùng độc giả. Chính điều này đã mang đến sự gần gũi và thân mật, tính chân thực cho các câu chuyện được viết ra. Đôi lúc, người kể chuyện như phơi bày, giãi tỏ cùng người đọc những chân trời cảm xúc của mình bằng việc hướng ngòi bút vào việc trò truyện cùng độc giả. “Quê mẹ tôi ở Trung Bộ. Nhà người – tôi không làm thơ đâu, ở bên kia một dòng sông nhỏ, êm kín với hai bờ lau xanh”. Giọng điệu độc thoại cùng người đọc đem lại cảm giác gần gũi và đáng tin cậy hơn. Song có lúc, người kể chuyện lại như đang thủ thỉ cùng những người thân yêu

của mình “hỡi chị! Nếu số phận đã bắt chị vào làm dâu một gia đình cơ cực, làm vợ một người chồng không bằng người, làm một người lưu lạc, chị hãy nhận ở đây, trong dòng chữ này một lời an ủi, để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ vài phần”. Giọng văn này giống một lời nói chuyện, một lời an ủi, giãi bày hơn là một câu trần thuật. Dường như lúc này, nhân vật như chia làm hai cái tôi, một cái tôi mang chức năng kể chuyện và một cái tôi biểu hiện cảm xúc cá nhân trong vị trí một người máu thịt của gia đình. Bởi vậy mà cứ nhẹ nhàng, sâu lắng, mơn man trong tâm trí người đọc.

Không chỉ có giọng điệu tâm tình, giãi bày mà ở Chân trời cũ còn có rất nhiều đoạn được trần thuật bằng một chất giọng mang đậm tính triết lí. Những triết lí về cuộc đời được nêu lên một cách khái quát , bao hàm, vượt lên những thứ vụn vặn, tủn mủn của đời thường. Những câu nói mang tính triết lí chính là kết quả của quá trình suy tư, chiêm nghiệm lau dài trong tâm hồn tác giả. Song, những triết lí về cuộc đời không được viết lên một cách khô khan mà bao giờ cũng nhẹ nhàng, như khuyên nhủ, như trách móc, như tự vấn,... “Một tình thương mất đi, vừa khơi lũng xuống tháng ngày tôi sống”, “Tình yêu, nếu thực là tình yêu, thì không có quê hương, cố quận bởi nó lan tỏa từ một tấm lòng nghệ sĩ mênh mông, tự nó đã sẵn có sức hun nấu, và thấu suốt qua, bao trùm tất cả những gì đáng được thờ kính thiêng liêng”, “người ta yêu nhau chỉ để yêu nhau, lấy nhau là tham lam,ích kỉ”. Những câu triết lí quan tâm đến tình yêu,đến cách sống của con người, làm nổi bật lên cái thần thái của câu chuyện. Giọng điệu này có được là do sự trải nghiệm của nhà văn với cuộc đời.

Sự kết hợp hài hòa giữa chất giọng tâm tình và giọng triết lí tạo nên âm điệu chung cho tác phẩm là những nốt trầm buồn. Nhờ đó mà những cảm xúc miên man, nhẹ nhàng của nhà văn cứ thế lan tỏa khắp trang viết rồi chảy sâu vào trong lòng độc giả. Giọng điệu này cũng giúp chúng

ta nhận ra được cá tính sáng tạo của Hồ Dzếnh – một tâm hồn thâm trầm, kín đáo và hay suy tư, trăn trở về cuộc đời.

Trong Chân trời cũ âm vang lên một thứ nhạc luật, một tiết tấu khi tha thiết, lúc lại hùng hồn như muốn người đọc đi với một thứ ma lực khó lòng cưỡng nổi. Giọng văn êm ái, nhẹ nhàng, trầm buồn như những kiếp người sống cơ cực, mờ nhạt trong xã hội. Chính nhờ chất giọng ấy mà hình ảnh con người, thiên nhiên hiện lên đều nhuốm màu buồn bã, cô quạnh. Thiên nhiên hiện lên trong tập truyện không chỉ qua hình ảnh mà còn âm vang nhạc điệu. “Nắng tắt dần dần. Chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn ở Giang Tây, Hồ Bắc. Hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng?”. Câu văn như giéo gắt, như vang vọng từ một miền quá khứ vãng lai, như ngân dài từ vùng miền xa xôi nào đó. Thiên nhiên nhờ đó không còn là thiên nhiên của đời thường mà dường như cũng mang tâm trạng của con người. Giọng điệu trần thuật đóng vai trò rất lớn trong việc thể hiện ý đồ tư tưởng của nhà văn. Bởi vậy, đọc truyện, ta cảm được cái nhẹ nhàng, trong sáng mà trầm buồn, xa ngái của tập truyện.

Có thể thấy xuyên suốt toàn bộ tập truyện là một giọng kể thâm trầm, sâu lắng mà đậm chất triết lí, suy tư. Ngôn ngữ trong sáng và hàm súc, thể hiện được những cung bậc tâm trạng phức tạp của nhân vật tôi kể chuyện về cuộc đời, về những kỉ niệm ngày thơ ấu. Chất thơ được tạo nên bằng những hồi ức đẹp, được viết lên bởi thứ ngôn ngữ trong sáng, bình dị dù đôi khi cũng giọt dũa, tỉa tót. Nhưng nhìn chung, bằng nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật như vậy, Hồ Dzếnh đã mang đến cho người đọc những cảm xúc chân thật và lắng đọng về những câu chuyện được kể.

Một phần của tài liệu 258569 (Trang 31 - 36)