CHƯƠNG III NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT
3.1.2. Ngôn ngữ trần thuật trong tập “Chân trời cũ”:
Ngôn ngữ trong Chân trời cũ là một thứ ngôn ngữ trong sáng, uyên bác, chất chứa nhiều tâm tình của Hồ Dzếnh. Người kể chuyện đã sử dụng ngôn từ một cách tài hoa, tạo lên dòng chảy của cốt truyện, nhẹ nhàng mà độc đáo. Sức hấp dẫn mà ngôn từ mang lại trong tập truyện chính là cách dùng từ ngữ đa dạng, công phu. Nó vừa rành mạch, rạch ròi về mặt ngôn từ lại vừa gợi lên nhiều liên tưởng thú vị, nhiều ám ảnh cho người đọc. Cái đẹp ngữ pháp trong văn xuôi của Hồ Dzếnh nằm ở việc tạo lên những câu văn rạch ròi về mặt ngữ pháp mà đa tầng trong ý nghĩa biểu trưng. Bằng sự thương cảm sâu sắc, nỗi ám ảnh về một người đàn bà tha hương, làm dâu xứ người, nhà văn đã viết lên những câu chữ ngậm ngùi, xót xa tình người. “Tôi là người biết cảm sầu từ rất sớm, nên người đàn bà đã lìa quê hương ấy đã là cái để cho tôi khóc bằng thơ, đã làm hoen ố cả một buổi bình minh đáng lẽ là rất đẹp”. Hay “Sao lúc viết mấy dòng chữ này, tôi còn thấy như một niềm bối rối, gió bận bịu trong chùm tre, một đốm lửa lung lay châm loe vào bóng tối”. Sự kết hợp từ ngữ một cách hài hòa mà giản dị nhưng lại tạo lên những câu văn đa tầng ý nghĩa. Đó không chỉ là sự thương cảm của người kể chuyện với người chị dâu mà sâu xa hơn, nó còn là biểu hiện cho một tâm hồn đa cảm, một nỗi buồn thấm thía cho những kẻ tha hương.
Bên cạnh đó, để phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật, giãi bày những suy tư, trăn trở của mình, Hồ Dzếnh đã tạo lên nhiều câu văn miêu tả dài đan xen với trần thuật. Ở các đoạn văn này, tâm hồn con người được hiện lên rất rõ nét, trải rộng lên trang văn. Chân thực mà sâu sắc! Đặc biệt, ở các đoạn văn miêu tả này, các câu văn dài chiếm số lượng khá đáng kể. “Hỡi nước Việt Nam! Tôi nghiêng xuống lòng người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và tiếng nói của người, vì tôi đã thề yêu người trên một bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên mảnh đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công trạng của lịch sử tôi còn ghi cả những bóng người xưa mà tôi thương yêu, và trong những người này, chị Yên tôi là một”. Câu văn được mở rộng, kéo dài như một sự phô diễn cảm xúc – lòng yêu mến quê hương Việt Nam, yêu mến những người thân và đặc biệt là chị Yên. Sự lặp lại cấu trúc ngữ pháp của nhiều câu văn đã tạo lên những cung bậc cảm xúc trùng điệp “tôi yêu... tôi đã thề yêu...” Nhờ vậy mà tâm trạng nhân vật tôi hiện lên thật sinh động, để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc. Đằng sau những câu văn dài, đa tầng ý nghĩa, ta nhận ra chất tài hoa của Hồ Dzếnh trong việc sử dụng từ ngữ đài các, chuẩn mực.
Hồ Dzếnh là một người mang hai dòng máu của hai dân tộc. Có lẽ vậy mà ở nhà văn có sự pha trộn, hòa lẫn nhịp nhàng giữa chất Trung Hoa và cái hồn đất Việt. Điều này không chỉ thể hiện trong nội dung các sáng tác mà còn biểu hiện ở cách sử dụng từ ngữ của tác giả, tạo lên một thứ ngôn ngữ kể chuyện sang trọng, đài các mà vẫn rất thân quen. Trong đó từ thuần Việt và từ Hán Việt được kết hợp hài hòa, tạo nên cái không khí riêng cho tác phẩm, sự ấn tượng, độc đáo trong cách kể chuyện. Nếu từ thuần Việt được sử dụng đem lại hiệu quả trong việc tái hiện những khung cảnh bình dị, thân thương của quê hương, những kiếp người nhọc nhằn, vất vả và có khi cũng đầy khổ đau. “Chị Đỏ Đương đẹp, đẹp kín đáo”, “hàng
rào râm bụt che khuất căn nhà chị vẫn mùa mùa nở hoa, ngày ngày tươi tắn, “người ta yêu nhau chỉ để yêu nhau, lấy nhau là tham lam ích kỉ”... Những từ ngữ này mang đậm không khí bình dân dễ hiểu tạo nên không khí bình dị, gần gũi. Có lẽ bởi vậy mà đọc văn Hồ Dzếnh, ta như gặp lại con người mình, những cảm giác, tâm trạng yêu thương của nhà văn cũng chính là nỗi lòng chung của nhiều độc giả. Nếu từ thuần Việt mang đến sự gần gũi, dễ hiểu thì những từ Hán Việt lại đem đến sự đài các, sang trọng trong câu văn. Trong câu chữ đôi chỗ có sự gọt đẽo cầu kì tạo nên sự đăng đối, tô đậm thêm tính hình tượng và tính nhạc trong văn xuôi. Đặc biệt khi viết về mảnh ruột nơi Trung Hoa xa xôi kia, nhà văn đã khai thác tối đa hiệu quả của những từ ngữ mang nguồn gốc tiếng Hán để khắc họa tính cách nhân vật cũng như xây dựng một không gian truyện đậm chất cổ xưa. “Chú tôi, dưới ánh mắt anh tôi là một thi sĩ, một văn nhân. Chú thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh, và điều này mới thật lạ, nhưng đúng, chú thông thạo đủ các môn võ nữa”. “Tôi yêu vô cùng cái dải đất cần lao này, cái dải đất thoát ra ngoài được sự lừa lọc, phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ”. Ngôn ngữ trần thuật được trau chuốt, mài dũa mang đến cho câu văn sự long lanh, sang trọng, một thứ không khí đậm chất xưa cũ. Có lẽ bởi vậy mà đọc văn Hồ Dzếnh, người đọc có cảm giác thân quen, gần gũi với một nỗi niềm xưa cũ, như trở về với một chân trời đã cũ.