II. ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN THẾ CHẤP
2. Định giá bất động sản thế chấp
2.5. Quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia thế chấp
2.5.1. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay
• Quyền của khách hàng vay
- Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ bất động sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc bất động sản thế chấp, trong trường hợp khách hàng vay giữ bất động sản thế chấp.
- Yêu cầu ngân hàng giữ bất động sản, giấy tờ liên quan tới bất động sản bồi thường thiệt hại nếu bất động sản thế chấp, giấy tờ về bất động sản bị mất, hư hỏng.
- Yêu cầu bên thứ ba giữ tài sản bồi thường thiệt hại nếu bất động sản thế chấp bị hư hỏng.
- Nhận lại bất động sản, giấy tờ về bất động sản khi hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm, trong trường hợp ngân hàng hoặc bên thứ ba giữ.
• Nghĩa vụ của khách hàng vay
- Thông báo cho ngân hàng nhận bất động sản thế chấp về quyền của bên thứ ba (nếu có).
- Giao bất động sản thế chấp ( nếu các bên có thoả thuận); giao bản chính giấy tờ về bất động sản thế chấp cho ngân hàng.
- Thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. - Trường hợp khách hàng vay giữ bất động sản thế chấp thì không được bán, trừ trường hợp là nhà, công trình xây dựng để bán, để cho thuê thì khách hàng có thể bán, cho thuê nếu được ngân hàng chấp nhận bằng văn bản. Trong trường hợp này, khách hàng phải dùng yêu cầu đòi nợ, số tiền thu được từ việc bán bất động sản trả nợ cho ngân hàng.
- Không được trao đổi, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh bất động sản thế chấp.
- Không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất đã thế chấp và phải sử dụng đúng mục đích, không được huỷ hoại làm giảm giá trị của đất.
- Trong trường hợp khách hàng vay giữ bất động sản thế chấp thì phải bảo quản an toàn, áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả phải ngừng việc khai thác nếu thấy việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị bất động sản thế chấp. Trường hợp khách hàng vay giữ bất động sản thế chấp, nếu làm mất, hư hỏng thì phải sửa chữa, khôi phục giá trị, thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc trả nợ trước thời hạn cho ngân hàng.
- Trường hợp bất động sản thế chấp bị hư hỏng mà bất động sản đã được bảo hiểm thì khách hàng vay phải phối hợp với ngân hàng tiến hành các thủ tục cần thiết nhận tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm để trả nợ cho ngân hàng. Nếu khoản tiền nhận từ tổ chức bảo hiểm chưa đủ trả nợ, thì khách hàng vay phải bổ sung, thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc trả nợ trước thời hạn.
- Đối với bất động sản thế chấp hình thành từ vốn vay:
+ Phải giao cho ngân hàng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất mà bất động sản sẽ được hình thành khi ký kết hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay.
+ Thông báo cho ngân hàng về quá trình hình thành và tình trạng tài sản bảo đảm, tạo điều kiện để ngân hàng kiểm tra tài sản bảo đảm tiền vay.
+ Đối với tài sản bảo đảm tiền vay mà pháp luật quy định đăng ký quyền sở hữu thì trước khi đưa vào sử dụng phải đăng ký sở hữu tài sản và giao cho ngân hàng giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó.
+ Không được bán, chuyển nhượng, tặng cho, góp vốn liên doanh hoặc dùng tài sản hình thành từ vốn vay để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khác khi chưa trả hết nợ cho ngân hàng, trừ trường hợp được ngân hàng đồng ý cho bán để trả nợ cho chính khoản vay được bảo đảm.
• Quyền của ngân hàng
- Giữ giấy tờ về bất động sản thế chấp; giữ bất động sản thế chấp trong trường hợp các bên có thoả thuận.
- Yêu cầu khách hàng vay cung cấp thông tin về thực trạng bất động sản thế chấp trong trường hợp giữ bất động sản.
- Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ bất động sản thế chấp theo thoả thuận trong trường hợp giữ bất động sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc bất động sản thế chấp.
- Yêu cầu khách hàng vay hoặc bên thứ ba giữ bất động sản thế chấp phải ngừng sử dụng hoặc bổ sung bất động sản thế chấp hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác nếu bất động sản bị hư hỏng; Nếu khách hàng vay hoặc bên thứ ba không thực hiện được thì ngân hàng được thu nợ trước hạn.
- Xử lý bất động sản để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. - Đối với bất động sản hình thành từ vốn vay:
+ Yêu cầu khách hàng vay thông báo tiến độ hình thành và sự thay đổi của tài sản bảo đảm tiền vay.
+ Tiến hành kiểm tra và yêu cầu khách hàng vay cung cấp thông tin để kiểm tra, giám sát tài sản hình thành từ vốn vay.
+ Thu hồi nợ vay trước hạn, nếu phát hiện khách hàng vay không sử dụng vốn vay để hình thành tài sản như đã cam kết.
+ Xử lý tài sản hình thành từ vốn vay để thu hồi nợ khi khách hàng vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ.
• Nghĩa vụ của ngân hàng
- Bảo quản an toàn bất động sản thế chấp, giấy tờ về bất động sản thế chấp, trong trường hợp ngân hàng giữ.
- Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh hoặc dùng bất động sản thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, trong trường hợp ngân hàng giữ.
- Không được tiếp tục khai thác công dụng của bất động sản thế chấp nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị, giảm sút giá trị bất động sản trong trường hợp ngân hàng giữ.
- Bồi thường thiệt hại cho khách hàng vay nếu bị mất, hư hỏng bất động sản thế chấp và giấy tờ về bất động sản thế chấp trong trường hợp ngân hàng giữ.
- Trả lại bất động sản thế chấp, giấy tờ về bất động sản thế chấp cho khách hàng khi khách hàng hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm, trong trường hợp ngân hàng giữ.
- Đối với bất động sản hình thành từ vốn vay:
+ Thẩm định, kiểm tra để bảo đảm khách hàng vay và tài sản hình thành từ vốn vay dùng làm bảo đảm tiền vay đáp ứng được các điều kiện quy định.
+ Trả lại giấy tờ về tài sản khi chấm dứt biện pháp bảo đảm tiền vay băng tài sản hình thành từ vốn vay, nếu ngân hàng giữ.