Những nguyên nhân

Một phần của tài liệu hoạt động cho vay mua nhà, đất để ở tại ngân hàng đầu tư và phát triển bidv – chi nhánh tây sài gòn (Trang 48 - 52)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY MUA NHÀ, ĐẤT ĐỂ Ở ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG BIDV-

2.3.2.2. Những nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế như trên xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, vừa có nguyên nhân từ ngân hàng, vừa có nguyên nhân ngoài ngân hàng:

Nguyên nhân từ ngân hàng.

+ Thứ nhất, chi nhánh vẫn chưa chú trọng đến hoạt động marketing sản phẩm. Chi nhánh đã dời về địa bàn quận 11 mới đây, tạo nhiều thuận lợi hơn cho ngân hàng so với vị trí cũ. Vì địa bàn ở đây sầm uất và nhộn nhịp hơn. Song bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn: trong việc quản lý, sắp xếp lại nhân sự, phòng ban…Vì vậy, Chi nhánh vẫn chưa quan tâm nhiều đến hoạt động marketing về sản phẩm trên địa bàn hoạt động, do đó phần lớn khách hàng vẫn chưa biết đến các sản phẩm tại Chi nhánh. Thêm vào đó, BIDV chưa có chuyên viên về lĩnh vực marketing nhiều kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Vì vậy, việc quảng bá hình ảnh ngân hàng đến với người dân chưa rộng rãi.

+ Thứ hai, nguồn nhân lực còn thiếu.

Hiện nay, tuy đa phần các cán bộ của Chi nhánh đều được đào tạo vững vàng về kiến thức và chuyên môn nhưng không phải cán bộ ngân hàng nào cũng có khả năng tổng hợp và phân tích các thông tin khách hàng một cách khoa học và chính xác. Ngoài ra, đối với mảng tín dụng cá nhân, nhiều cán bộ không được đào tạo chuyên về lĩnh vực này nên có ảnh hưởng nhất định, song không nhiều. Bên cạnh đó, do công tác tuyển chọn khắc khe, kèm với chính sách cắt giảm nguồn lực từ Hội Sở dẫn đến việc cán bộ tín dụng còn khan hiếm.

+ Thứ ba, ngân hàng chưa có các bộ phận hỗ trợ tín dụng.

Hiện nay, ban lãnh đạo BIDV ở Hội sở chính chưa áp dụng mô hình có bộ phận hỗ trợ tín dụng. Một số các ngân hàng thương mại khác như ACB đã có bộ phận tín dụng riêng và tổ hỗ trợ tín dụng (về bộ phận pháp lý, chứng từ, tổ định giá chuyên nghiệp,..). Sự hỗ trợ này giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tìm kiếm khách hàng, đồng thời giúp cán bộ tín dụng có thời gian hơn trong việc tìm kiếm khách hàng.

BIDV chưa có tổ định giá độc lập: tại BIDV – Tây Sài Gòn, việc định giá tài sản đảm bảo do cán bộ đề xuất cho vay thực hiện. Cán bộ vẫn chưa được đào tạo bài bản về cách định giá. Đây là một hạn chế rất lớn, làm cho việc định giá mang nặng tính chủ quan của cán bộ định giá, một số trường hợp nâng cao giá trị tài sản để cho vay nhiều..

+ Thứ tư, các hình thức giải ngân đối với sản phẩm cho vay mua nhà tại ngân hàng chưa mang tính thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ.

Như đã có đề cập ở chương 2 về 3 hình thức giải ngân khá khác biệt của ngân hàng BIDV so với các ngân hàng khác. Đó là: Khách hàng dùng nguồn vốn tạm thời để thanh toán, ngân hàng phát hành cam kết thanh toán, giải ngân vào tài khoản phong toả của bên bán. Cả ba cách giải ngân này đều mang đến những bất lợi cho khách hàng ( bên đi vay, bên thứ 3..). Dẫn đến, nhiều khách hàng còn e ngại khi đến vay mua nhà tại ngân hàng.

+ Thứ năm, do công nghệ ngân hàng chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng.

Mặc dù, hầu hết các NHTM Việt Nam đều quan tâm và chú trọng đến công tác hiện đại hoá công nghệ ngân hàng nhưng việc ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình tác nghiệp của cán bộ tín dụng còn rất hạn chế. Các công nghệ chưa được ứng dụng một cách đồng bộ và hoàn thiện nhất là trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ và thông tin khách hàng còn chưa thuận tiện, gây khó khăn cho ngân hàng khi thực hiện đánh giá và phân tích khách hàng.

+ Thứ sáu, do quy trình tín dụng của Chi nhánh tuân theo quy trình chung của toàn hệ thống nên vẫn còn rườm rà và nhiều giấy tờ.

Khi có nhu cầu vay vốn khách hàng thường đến ngân hàng, gặp trực tiếp cán bộ tín dụng, thực hiện các thủ tục vay vốn theo đúng trình tự mà ngân hàng quy định. Tuy nhiên, khách hàng mất rất nhiều thời gian để có thể hoàn thiện hồ sơ theo đúng yêu cầu của ngân hàng. Như vậy, nếu quy trình, thủ tục cho vay đơn giản hơn, thuận tiện hơn, gây tốn ít thời gian hơn thì chắc chắn sẽ có nhiều khách hàng là cá nhân đến và sử dụng sản phẩm tín dụng của ngân hàng.

Nguyên nhân ngoài ngân hàng.

+ Thứ nhất, do khách hàng khó chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ.

Đây là vấn đề nan giải mà Ngân hàng gặp phải khi cấp tín dụng. Đối với đối tượng vay là CBCNV thì việc xác định thu nhập từ lương là dễ dàng thông qua bảng sao kê lương hàng tháng tại ngân hàng. Thông thường, ngoài lương khách hàng còn có các nguồn thu nhập khác nhưng rất khó có thể xác định chính xác. Đối với khách hàng vay không phải là CBCNV thì thu nhập chủ yếu là do bản thân họ chứng minh và cán bộ tín dụng thẩm định. Nếu việc chứng minh của họ là không rõ ràng hoặc không biết lựa chọn các bằng chứng thuyết phục đem đến ngân hàng thì nhu cầu vay của họ sẽ không được đáp ứng. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với các nhóm khách hàng này, là giảm hiệu quả hoạt động tín dụng và hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng.

+ Thứ hai, thiện chí trả nợ và khả năng trả nợ từ phía khách hàng.

− Đối với khách hàng cá nhân nguồn trả nợ của họ chủ yếu từ nguồn thu nhập. Do đó, nếu thu nhập không ổn định hoặc trường hợp khách hàng không còn khả năng trả nợ do công việc bị thay đổi, mất việc làm cũng gây rủi ro cho ngân hàng.

− Rủi ro đạo đức cũng có thể xảy ra từ phía khách hàng: sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trả nợ… Đặc biệt là dùng khoản vay của ngân hàng để cho vay với lãi suất cao hơn.

+ Thứ ba, môi trường cạnh tranh gay gắt.

Hiện nay, hầu hết các Ngân hàng đều có định hướng phát triển các sản phẩm tín dụng. Do đó, sự cạnh tranh giữa các Ngân hàng sẽ càng trở nên gay gắt là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, không những chịu sự cạnh tranh với các NHTM trong nước mà các Ngân hàng còn phải chịu sự cạnh tranh từ phía các NHTM nước ngoài. Do các NHTM nước ngoài hoạt động tại Việt Nam còn bị hạn chế trong các hoạt động Ngân hàng nên sự cạnh tranh còn chưa rõ nét. Trong thời gian tới, cùng với sự nới lỏng của cơ chế tín dụng, chắc chắn các NHTM Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thử thách vô cùng khó khăn hơn nữa, vì lĩnh vực này tuy còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng lại là lĩnh vực khá phổ biến và phát triển tại các nước trên thế giới.

+ Thứ 4, môi trường kinh tế không ổn định.

Tuỳ theo từng giai đoạn của chu kì kinh tế (phát triển, hưng thịnh hay suy thoái). Trong thời kì nền kinh tế phát triển mạnh, hoạt động kinh doanh thuận lợi thì những rủi ro vỡ nợ, không trả được nợ thấp hơn. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, sản xuất đình trệ, hàng tồn kho nhiều, làm ứ đọng vốn vì vậy dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng kém, rủi ro tín dụng gia tăng. Nhưng khi nền kinh tế phát triển quá nóng, ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt tiền tệ, lãi suất thị trường tăng trong khi doanh thu của người dân giảm một cách rõ rệt thì rủi ro tín dụng sẽ gia tăng.

Như vậy, hoạt động cho vay mua nhà là một hoạt động tiềm năng của các NHTM. Tuy nhiên, hoạt động này cũng chịu nhiều tác động từ các nhân tố chủ quan thuộc về bản thân ngân hàng và các yếu tố khách quan khác. Việc nghiên cứu tìm hiểu các hạn chế và nguyên nhân ở chương 2 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của hoạt động này trong tương lai. Đó là nền tảng để đưa ra các giải pháp thiết thực ở chương 3, giải quyết đúng trọng tâm, triệt để những mặt yếu kém đang còn tồn tại. Nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa về hoạt động cho vay mua nhà, đất ở tại Chi nhánh Tây Sài Gòn.

Một phần của tài liệu hoạt động cho vay mua nhà, đất để ở tại ngân hàng đầu tư và phát triển bidv – chi nhánh tây sài gòn (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(59 trang)
w