Bàn luận về tỷ số giới tính khi sinh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ số giới tính khi sinh tại xã thủy phù, thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 57)

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ số giới tính khi sinh tại xã Thủy Phù năm 2011 là 103,2 cao hơn so với năm 2010 là 97,2 [23] (bình thường tỷ số này là 105 và dao động trong khoảng 103-107) [31]. Như vậy tại xã Thủy Phù vẫn chưa có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Kết quả nghiên cứu của tôi thấp hơn kết quả nghiên cứu của Đoàn Sĩ Hoàng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (118.9) (p < 0,05) [6], thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Trọng Nghĩa tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa (115,2) [11] và cũng thấp hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ái Thùy Phương tại khoa sản Trung tâm y tế huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế (125.3) [12]. TSGTKS tại xã Thủy Phù là 103,2 thấp hơn so với TSGTKS của toàn tỉnh Thừa thiên Huế năm 2009 (110) [25] và kết quả này phù hợp với Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số - sức khỏe sinh sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020 là giảm tỷ số giới tính khi sinh đến năm 2015 xuống dưới 110 và dưới 108 vào năm 2020 [28].

Mặt khác, kết quả nghiên cứu của tôi cao hơn kết quả nghiên cứu của Hoàng Minh Thành tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (89) [18].

4.2. Bàn luận về các yếu tố ảnh hƣởng tới tỷ số giới tính khi sinh

Quan niệm “trọng nam, khinh nữ” xuất phát từ chế độ phong kiến, trải qua bao nhiêu năm. Mặc dù kinh tế - xã hội nước ta ngày một phát triển, văn minh tiến bộ hơn, song quan niệm trên vẫn còn tồn tại, ăn sâu vào tư tưởng của người dân đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc con trai được ưa thích hơn. Quan niệm từ xưa đến nay, chỉ có con trai mới có thể nối dõi tông đường, thờ

cúng tổ tiên, duy trì tài sản và tiếp tục sự nghiệp của gia đình. Tại một số vùng ở nước ta, đặc biệt là tại những nơi nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển, con trai là lao động chính trong gia đình.

Trong việc chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, con trai, con dâu cũng được coi như chỗ dựa chính vì mọi người quan niệm "dâu là con, rể là khách", con gái sau khi đi lấy chồng phải toàn tâm, toàn ý lo cho cha mẹ chồng nên không thể chăm sóc cha mẹ mình được.

Ngoài ra, đối với những cặp vợ chồng quyết tâm sinh hai con cho dù không có con trai thì sự tác động bên ngoài như sự tác động của cha mẹ, họ hàng, sự khích bác của những người có con trai cũng sẽ làm nhận thức, suy nghĩ, quyết tâm của họ lung lay, thay đổi. Có một số cặp vợ chồng tìm cách sinh con trai chỉ vì sự ưa thích của họ, cho "đủ nếp, đủ tẻ".

Từ kết quả điều tra tại xã Thủy Phù cho thấy, quan niệm phải có con trai vẫn còn tồn tại. Đối với những người không có con trai, trong các cuộc hội họp, cúng, giỗ, họ phải ngồi “mâm dưới”, điều này làm cho họ cảm thấy bị xúc phạm. Nhiều phụ nữ đẻ con trai không được cũng cảm thấy không bằng chị, bằng em, sợ bị chồng ruồng bỏ nên cố sinh cho được con trai.

Kết quả phỏng vấn cho thấy, trong số những đối tượng được hỏi mong muốn giới tính của con trước khi sinh, có 52,3% bà mẹ thích con trai; 18,1% bà mẹ thích con gái; 29,5% cho ý kiến con nào cũng được.

Trong số những người thích sinh con gái thì có đến 94,3% bà mẹ đã có con trai ở lần sinh trước và trong số những người cho ý kiến con nào cũng được thì có đến 73,7% bà mẹ sinh con lần đầu tiên (những bà mẹ này tuổi còn rất trẻ, từ 20 – 25 tuổi, và họ có cơ hội để sinh thêm). Như vậy có thể thấy, chỉ khi nào sinh được ít nhất một người con trai thì các cặp vợ chồng mới ngừng sinh.

Qua nghiên cứu có 100% bà mẹ biết giới tính thai nhi trước khi sinh và 100% bà mẹ biết nhờ vào siêu âm; 72,0% bà mẹ cho rằng chi phí siêu âm phù hợp với kinh tế gia đình; 99,5% bà mẹ nhận xét việc đi lại tiếp cận phòng khám, bệnh viện có dịch vụ siêu âm là thuận lợi, dễ dàng, 100% bà mẹ mô tả quá trình siêu âm nhẹ nhàng, nhanh chóng, không hề gây đau đớn, 20 bà mẹ được phỏng vấn sâu cho biết cán bộ y tế sẵn sàng thông báo giới tính thai nhi khi có yêu cầu.

Cùng với sự phát triển của mạng lưới y tế, dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thì sự phát triển kinh tế, đời sống vật chất của các gia đình đã giúp các bà mẹ mang thai ở vùng nông thôn tiếp cận được với dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính và chấp nhận chi phí của dịch vụ này. Như vậy, việc biết giới tính thai nhi sớm hết sức thuận lợi với các bà mẹ, điều này cũng đồng nghĩa với việc Quy định cấm chẩn đoán giới tính thai nhi chưa thực sự phát huy hiệu lực.

Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% các bà mẹ siêu âm để biết giới tính thai nhi ở tháng thứ 4, thứ 5 (kết quả này cũng phù hợp với Điều tra biến động dân số của Tổng cục Thống kê năm 2010 là 83% các bà mẹ siêu âm để biết giới tính thai nhi từ tuần thứ 15 – 28 của thai kỳ). Ở giai đoạn này thai nhi đã phát triển khá lớn và các bà mẹ đều hiểu rằng việc nạo phá thai sẽ rất nguy hiểm. Khi được phỏng vấn, 100% bà mẹ cho rằng phá thai là mất đạo đức và tối kị.

Như vậy khi siêu âm, các bà mẹ chỉ muốn xác định sức khỏe và giới tính của con chứ không hề có ý định phá bỏ thai nhi nếu giới tính thai nhi không như mong muốn.

Trong số các đối tượng được điều tra, có 30,1% bà mẹ là nông dân; 39,9% bà mẹ là công nhân; 9,8% bà mẹ làm nghề buôn bán, chỉ có 6,7% bà mẹ là cán bộ công nhân viên chức. Chính vì tính chất công việc phải lao động

cả ngày cùng với trình độ học vấn còn thấp (THCS là chủ yếu 50,8%) nên những người làm nghề nông, công nhân, buôn bán khó có thời gian và cơ hội tiếp cận phương tiện truyền thông, tìm hiểu sách báo, trao đổi kinh nghiệm về các biện pháp giúp sinh con theo ý muốn, một số ít tìm đến tử vi, bói toán.

Đối với những bà mẹ là cán bộ công nhân viên chức thì ngược lại, khi được phỏng vấn, 100% bà mẹ trả lời rằng họ không chỉ biết mà còn chủ động tìm kiếm các biện pháp giúp sinh con theo ý muốn ví dụ như: ăn mặn, tính ngày giao hợp, thực hiện chế độ ăn kiêng, xem bói. Có thể thấy rằng, mặc dù có trình độ học vấn cao, song những bà mẹ này vẫn thực hiện những hành vi rất phản khoa học bởi vì trên thực tế, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh các biện pháp trên có thể giúp sinh con theo ý muốn. Hiện nay, các tài liệu về các biện pháp này vẫn lưu hành rộng rãi trên thị trường, bất chấp luật cấm của Nhà nước.

Một thực trạng đáng lo ngại là, tỷ lệ bà mẹ sinh con thứ ba trở lên tại xã Thủy Phù rất cao 20,2% (vượt chỉ tiêu của Thị xã giao cho là 18,5%), và con số này phản ánh thực tế tại thời điểm điều tra, rất có thể số bà mẹ sinh con thứ ba trở lên sẽ còn gia tăng hơn nữa, vì có đến 82,4% bà mẹ khi tham gia phỏng vấn trả lời sẽ sinh thêm nếu giới tính thai nhi lần sinh này không như mong muốn.

20 bà mẹ tham gia phỏng vấn sâu cho biết, họ thích có ít nhất một đứa con trai nhưng không phải bằng cách sinh đẻ nhiều đến khi nào có mới thôi, nếu đã có hai con gái rồi họ vẫn vui vẻ ngừng sinh con. Lý do chính tác động tới họ là ý thích của chồng và sự góp ý của gia đình chồng, người thân, bạn bè, hàng xóm.

20 bà mẹ tham gia phỏng vấn sâu cho biết họ đã nghĩ đến những khó khăn về kinh tế khi sinh con thứ ba trở lên, nhưng vì chồng và gia đình chồng họ vẫn quyết định sinh và tự an ủi “trời sinh voi, sinh cỏ”.

18 bà mẹ tham gia phỏng vấn sâu cho biết, kinh tế của họ chỉ ở mức trung bình, khi sinh thêm con thì phải dàn trải kinh phí. Chính vì vậy, chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của các con là cho ăn uống, học hành, ngoài ra những nhu cầu như vui chơi, giải trí, du lịch, học tập các môn năng khiếu không được tiếp cận, thỏa mãn.

Vấn đề ăn uống của các con cũng không đảm bảo dinh dưỡng vì phải lo cho đứa mới sinh. Việc vay mượn để trang trải chi phí gia đình là thường xuyên và hai vợ chồng phải làm tăng giờ mới đủ chi tiêu hàng tháng.

Từ kết quả phỏng vấn sâu cho thấy các bà mẹ và những đứa con của họ thực sự là nạn nhân của quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, họ không có quyền quyết định trong việc sinh con và hoàn toàn lệ thuộc vào người chồng.

Những đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình đông anh em vô tình bị cướp mất cuộc sống đầy đủ, chất lượng mà lẽ ra chúng được hưởng.

Người chồng đóng vai trò là nguyên nhân của vấn đề, cuối cùng cũng sẽ trở thành nạn nhân khi gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai họ.

Gia đình chồng, người thân, bạn bè xung quanh, những người này không thể làm gì nhiều để có thể giúp đỡ các bà mẹ về kinh tế, mà ngược lại lời nói và sự tác động của họ còn là yếu tố quan trọng góp phần làm cho kinh tế gia đình các bà mẹ khó khăn hơn.

Vấn đề ở đây là tại sao ở xã Thủy Phù quan niệm “trọng nam, khinh nữ” và sự ưa thích con trai cao như vậy nhưng lại chưa có sự mất cân bằng giới tính khi sinh?

Khi so sánh với các nghiên cứu của Đoàn Sĩ Hoàng và Nguyễn Trọng Nghĩa, nhận thấy rằng nghiên cứu của tôi đều có những nét tương đồng về một số yếu tố ảnh hưởng đến giới tính khi sinh như: cách biết giới tính thai nhi của các bà mẹ, mong muốn giới tính thai nhi của các bà mẹ. Điểm khác biệt trong nghiên cứu của chúng tôi là các bà mẹ không hề nạo phá thai khi

giới tính thai nhi không như mong muốn. Họ cho rằng, nạo phá thai là mất đạo đức và là điều tối kị. Quan niệm này có thể xuất phát từ việc 60,1% bà mẹ theo tôn giáo Phật giáo, 36,8% bà mẹ thờ cúng ông bà tổ tiên. Đối với những người theo tôn giáo này, thai nhi là một sinh linh bé nhỏ có linh hồn, cho dù nó đã thành hình hay chưa. Phá bỏ thai nhi là đụng chạm đến vấn đề tâm linh thiêng liêng, là một tội ác. Đây là một đặc điểm điển hình tiên tiến và nhân bản của người dân xã Thủy Phù, cần được giữ gìn và phát huy tối đa trong công tác DS – KHHGĐ.

Như vậy, có thể nói tại xã Thủy Phù chưa có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh là do các cặp vợ chồng không có hành vi lựa chọn giới tính khi sinh.

4.3. Bàn luận về hậu quả xã hội

Tỷ lệ sinh con thứ ba tại xã Thủy Phù (20,2%) đang có chiều hướng gia tăng, ngoài những yếu tố nêu trên còn phải kể đến công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Tỷ lệ các bà mẹ biết về Pháp lệnh dân số chỉ có 51,8%, đồng thời tỷ lệ bà mẹ nhớ và hiểu đầy đủ những nội dung liên quan đến vấn đề sinh đẻ lại rất thấp (27,0%), còn lại 73,0% bà mẹ chỉ nhớ rằng, nội dung Pháp lệnh là cấm sinh con thứ ba, sự hiểu biết không đầy đủ này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của Pháp lệnh. Bên cạnh đó, chưa có một chế tài thật sự có hiệu quả đối với những người không làm việc trong cơ quan nhà nước.

Tại mỗi thôn chỉ có những quy định do thôn đặt ra là đối với những người sinh con thứ ba thì bị phạt 300.000 đồng. Đây là một số tiền quá ít và thực tế cũng không có ai chịu nộp phạt nên biện pháp này hoàn toàn không có tác dụng. Bên cạnh đó, tại xã đã có một số chính sách khuyến khích các thôn đăng ký mô hình không sinh con thứ ba (5 năm không có gia đình nào trong thôn sinh con thứ ba) thì thôn sẽ được cấp một công trình phúc lợi trị giá 50 triệu đồng, nhưng chưa có thôn nào thực hiện được.

Những vấn đề tồn tại trên đòi hỏi phải có những biện pháp thiết thực hơn nữa để chính sách DS - KHHGĐ thực sự đến được với người dân và phát huy tác dụng.

Đối với những gia đình sinh từ ba con trở lên, kinh tế gia đình thực sự khó khăn, cuộc sống không thể phát triển được, trẻ em không được học hành, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng dẫn đến bệnh tật, đói nghèo, thất nghiệp, tăng gánh nặng cho xã hội. Trong tương lai gần, hậu quả này trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động nói riêng và chất lượng cuộc sống nói chung của thế hệ trẻ.

Hiện nay tại xã Thủy Phù, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức sinh học bình thường (103,2). Tuy nhiên trong tương lai khi việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi và các dịch vụ nạo phá thai dễ dàng, an toàn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có thể sẽ lựa chọn biện pháp phá thai để thực hiện quy mô gia đình ít con mà vẫn có con trai như mong muốn. Và như vậy tỷ số giới tính khi sinh không phải là vấn đề lớn trong thời điểm này nhưng nó có thể trở thành vấn nạn trong vài thập kỷ tới.

4.4. Bàn luận về các giải pháp

Tại xã Thủy Phù, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được chính quyền xã và các cấp lãnh đạo quan tâm và đầu tư.

Ban Dân số xã (trưởng Trạm y tế là phó ban) đi tuyên truyền, vận động từng nhà, phối hợp với Phòng Tư pháp của xã tuyên truyền về Pháp lệnh dân số trong các buổi họp thôn.

Câu lạc bộ mất cân bằng giới tính được thành lập với sự tham gia của Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh.

Tại mỗi thôn có từ một đến hai cộng tác viên dân số có năng lực và nhiệt tình, hỗ trợ cán bộ xã trong việc tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Tuy nhiên do kinh phí đầu tư cho các hoạt động còn hạn hẹp nên không thể duy trì các hoạt động thường xuyên và liên tục. Bên cạnh đó, do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã tồn tại lâu đời cùng với trình độ học vấn của người dân còn thấp nên việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn (tỷ lệ bà mẹ sinh con thứ ba trở lên khá cao 20,2%).

Muốn thay đổi hành vi và nhận thức của người dân cần có thời gian, lòng nhiệt tình, kiên trì của những người làm công tác DS – KHHGĐ và sự hỗ trợ của toàn xã hội.

Nhà nước cần có những chính sách và biện pháp tích cực hơn nữa, đầu tư kinh phí để giúp cho công tác DS – KHHGĐ tại xã Thủy Phù và các địa phương trong cả nước hoạt động có hiệu quả.

KẾT LUẬN

1. Một số đặc trƣng cá nhân của các bà mẹ

- 43,6% bà mẹ thuộc nhóm tuổi từ 25 - 29. Nhóm tuổi dưới 20 chiếm tỷ lệ thấp 0,5%.

- Trình độ học vấn của các bà mẹ chủ yếu là trung học cơ sở chiếm tỷ lệ 50,8%, mù chữ chiếm tỷ lệ thấp 0,5%.

- Nghề nghiệp của các bà mẹ chủ yếu là công nhân (39,9%) và nông dân (30,1%).

- 100% bà mẹ là người Kinh.

- Tôn giáo của các bà mẹ chủ yếu là Phật giáo (60,1%), thờ cúng ông bà tổ tiên chiếm tỷ lệ 36,8 %.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thực trạng và xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến tỷ số giới tính khi sinh tại xã thủy phù, thị xã hương thủy, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(57 trang)