Tổng quan tỷ lệ sâu răng của nhóm nghiên cứu

Một phần của tài liệu thực trạng bệnh sâu răng, viêm lợi của trẻ em mắc bệnh tim mạch ở bệnh viện nhi trung ương (Trang 42 - 43)

18. Sai số và cách khắc phục

4.2.1.Tổng quan tỷ lệ sâu răng của nhóm nghiên cứu

Theo phân loại mức độ sâu răng của tổ chức y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sâu răng trên 80% được đánh giá ở mức cao, từ 50% đến 80% là mức trung bình và dưới 50% là mức thấp, thì tỷ lệ sâu răng trong nghiên cứu của chúng tôi thuộc mức cao là 85,71% (Bảng 3.3). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu của Rai (Ấn Độ, 2009) tiến hành trên trẻ mắc bệnh tim từ 1 đến 16 tuổi là 42% [22]. Có sự khác biệt này có thể do lứa tuổi nghiên cứu của Rai rộng hơn, trong đó bao gồm những lứa tuổi mà trẻ có tỷ lệ sâu răng thấp, đồng thời tình trạng sâu răng cơ bản có lẽ tốt hơn trong khi tỷ lệ sâu răng của trẻ em bình thường ở Việt Nam vốn đã thuộc mức cao.

Trong nghiên cứu, tỷ lệ sâu răng sữa là 83,33%, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở nhóm răng vĩnh viễn là 29,41%. Đa phần trẻ trong nghiên cứu này đều còn răng sữa (96/98), đồng thời gia đình và trẻ còn ít quan tâm tới vệ sinh răng miệng nên tỷ lệ sâu răng sữa của nhóm trẻ này thuộc mức cao. Thói quen vệ sinh này vẫn tiếp diễn ở lứa tuổi lớn hơn nên tỷ lệ sâu răng của các lứa tuổi này không có xu hướng giảm mà vẫn duy trì ở mức cao là 85,71% ở cả ba nhóm tuổi (Bảng 3.4). Tuy nhiên, do số lượng răng vĩnh viễn chưa nhiều và thời gian tồn tại trên cung hàm còn ngắn nên tỷ lệ sâu răng vĩnh viễn vẫn đang tạm thời ở mức thấp. Vì vậy, vai trò giáo dục và tuyên truyền về sức khỏe răng miệng ngay trong giai đoạn này là rất cần thiết để hi vọng rằng trong những lứa tuổi lớn hơn tình trạng răng miệng ở những trẻ em này được cải thiện.

Tỷ lệ sâu răng lại không có sự khác biệt đáng kể nào ở hai giới và hai nhóm bệnh. Trẻ em nam có phần hiếu động và ít quan tâm tới chăm sóc vệ sinh răng miệng hàng ngày hơn trẻ em nữ, điều này có vẻ là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sâu răng của nam là 87,5%, cao hơn tỷ lệ này ở nữ là 84% (Bảng 3.3).

Tương tự ở nhóm bệnh, bảng 3.6 đã cho thấy tỷ lệ trẻ có bệnh tim mắc phải sâu răng là 87,5% cao hơn không nhiều so với 85,56% của nhóm trẻ có bệnh tim bẩm sinh. Kết quả này có thể được giải thích do những trẻ có bệnh tim bẩm sinh đã sớm được chẩn đoán bệnh do những biểu hiện bệnh từ rất sớm của trẻ, qua đó đã được nhận những lời khuyên và dặn dò của các bác sĩ về nguy cơ bệnh răng miệng với bệnh tim này. Vì vậy, ít nhiều thì những gia đình và trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cũng có những hiểu biết nhất định về vệ sinh răng miệng nên tỷ lệ sâu răng của những trẻ này có xu hướng thấp hơn ở những trẻ có bệnh tim mắc phải. Bên cạnh đó, do số lượng trẻ có bệnh tim mắc phải trong nghiên cứu của chúng tôi còn ít nên có lẽ kết quả này phản ánh có phần chưa thực sự chính xác.

Sự khác nhau về tỷ lệ sâu răng giữa trẻ bình thường và các trẻ có các khuyết tật bẩm sinh hay mắc phải là do những yếu tố thuận lợi cho sâu răng, ngoài những bất thường về răng miệng có thể gặp phải như số lượng, cấu trúc, hình thể răng thì ở những trẻ mắc khuyết tật này còn gặp khó khăn về tình trạng sức khỏe toàn thân, chi phối rất lớn các mối quan tâm chăm sóc từ bệnh toàn thân cụ thể là bệnh tim mạch và khả năng nhân thức về vệ sinh răng miệng của bản thân và gia đình.Ở những trẻ và gia đình có trẻ mắc bệnh tim mạch thường có một tâm lý rằng trẻ sinh ra có một khuyết tật trong người, thường yếu hơn và cần được nuông chiều hơn những trẻ bình thường nên gia đình thường không quá khắt khe luyện tập cho con có một thói quen vệ sinh răng miệng, làm theo những ý muốn của trẻ mà thường trẻ không ý thức được tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng. Bên cạnh đó, trong nghiên cứu này, có 81,63% các đối tượng là trẻ ở nông thôn và cha mẹ có nghề nghiệp là làm ruộng và các nghề tự do khác. Do đó, sự hiểu biết, khả năng tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng còn hạn chế.

Một phần của tài liệu thực trạng bệnh sâu răng, viêm lợi của trẻ em mắc bệnh tim mạch ở bệnh viện nhi trung ương (Trang 42 - 43)