Biện pháp thứ nhất là cải tạo hệ thống canh tác
Giải pháp căn bản là phát triển chè theo giống chè phù hợp với độ cao so với mặt biển hay cũng gọi là giải pháp khu vực hóa giống. Bên cạnh đó xác định tỷ lệ tương thích của cơ cấu giống đối với từng vùng, tiểu vùng và các vườn chè phù hợp với công nghệ chế biến. thực hiện thâm canh cao độ để thu hoạch chè đúng tiêu chuẩn Việt Nam. Khuyến khích các hệ thống canh tác theo hướng sinh học, hữu cơ, sử dụng hợp lý thuốc bảo vệ thực vật theo các chuẩn mực quốc gia và quốc tế hiện hành.
Thứ hai là phát triển khu công nghiệp chế biến của tổng công ty
Vấn đề sống còn là tiêu chuẩn hóa nhà xưởng, thiết bị, vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm theo hướng hiện đại, tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Thực hiện sản xuất theo hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn HACCP ISO. Phát triển các loại công nghệ truyền thống Việt Nam chất lượng cao để chế biến chè đặc sản có giá trị gia tăng, có thế mạnh riêng về bí quyết công nghệ thuần dược để nâng cao sức cạnh tranh, các loại chè ướp hoa tươi, các loại chè thảo dược bổ dưỡng, chè thuốc, chè xanh các loại cũng là thế mạnh của tổng công ty. Việc phát triển công nghiệp chế biến phải gắn chặt với việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu trong một quy hoạch tổng thể chặt chẽ, để hạn chế, tiến tới xóa bỏ những sự phát triển quá nóng của các cơ sở chế biến như một thứ qui luật cứ khoảng 10-15 năm lại lặp lại.
Giải pháp thứ 3 là lựa chọn thị trường xuất khẩu và hoạt động thương mại
Giải pháp căn bản là nâng cao chất lượng để cải thiện mặt bằng giá đơn vị
(hiện giá chè Việt Nam mới chỉ đạt 50-70% mức giá bình quân quốc tế). xác định các thị trường trọng điểm quy mô lớn và lâu dài để tạo lợi thế cạnh tranh riêng. Trong thương mại chè , giải pháp cơ bản là thành lập trung tâm đấu giá chè quốc tế ( trong khuôn khổ hoạt động tài trợ của cơ quan phát triển Pháp đã được Chính phủ cho phép triển khai bước đầu từ năm 2007 mà đối tác là Hiệp hội chè Việt Nam). Hoạt động đấu giá là hoạt động phổ dụng trong thương mại chè quốc tế hiện nay.
Giải pháp thứ tư là phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ
Giải pháp cơ bản đối với khoa học công nghệ là tập trung nghiên cứu và triển khai những đề tài và dự án liên quan đến: phát triển giống mới (chất lượng cao và năng suất phù hợp); sinh hóa chế biến liên quan đến chất lượng chè thành phẩm; bảo vệ thực vật( khâu yếu hiện nay); quy hoạch diện tích, phân bổ vùng nguyên liệu và hệ thống chế biến tương thích; khoa học quản lý; hệ thống sản xuất hợp lý và hệ thống marketing cần hoàn thiện.
Về phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo cán bộ đầu ngành; công nhân kỹ thuật; ngoại ngữ; quản lý. Yếu tố kỹ thuật, đào tạo chuyên gia chuyên sâu như kỹ sư, kỹ sư trưởng quan trọng hơn là đào tạo các bậc sau đại học được quan niệm hiện nay như Tiến sĩ, Thạc sĩ.
Tăng cường hoạt động thông tin đã có truyền thống tương đối tốt và đặc biệt là hoạt động chuyển giao công nghệ đến tay người lao động và hộ gia đình.