Thứ nhất, huyện Lâm Thao được tái lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 thực hiện những chức năng nhiệm vụ được quy định trong luật tổ chức HĐND và UBND các cấp,
Thứ hai, theo luật NSNN hiện hành, ngân sách cấp huyện là một cấp ngân sách hoàn chỉnh với nguồn thu và nhiệm vụ chi được quy định cụ thể để đảm bảo hoàn thành chức năng nhiệm vụ của cấp huyện. Tuy nhiên do luật ngân sách cũng đã quy định đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách thì Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương, còn HĐND tỉnh thì quyết định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện (quận, huyện, thị xã) và ngân sách xã. Do đó có thể thấy rằng quy mô ngân sách, khả năng tự cân đối của ngân sách huyện hoàn toàn phụ thuộc vào việc phân cấp nguồn thu, phân cấp nhiệm vụ chi của tỉnh đối với huyện cũng như tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa ngân sách tỉnh và ngân sách Huyện, thị xã, quận. Hay có thể nói ngân sách huyện có tự cân đối chủ
động trong điều hành được hay không phần lớn phụ thuộc vào ý chí của HĐND, UBND tỉnh.
Thứ ba, do không phải là cấp có thể hình thành các chính sách, chế độ về thu, chi ngân sách nên nội dung thu, chi của NS Huyện do tỉnh (cụ thể là HĐND & UBND tỉnh) quyết định, do đó trong thực tiễn hay phát sinh mâu thuẫn giữa yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương cũng như những nhiệm vụ chi được giao với cân đối ngân sách đã được ổn định (với thời gian từ 3-5 năm theo luật ngân sách quy định). Điều này đặt ra yêu cầu là các cơ quan hoạch định chính sách, xây dựng chính sách chế độ thu, chi ngân sách, tham mưu việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ điều tiết cho ngân sách cấp Huyện phải xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ để tham mưu cơ quan có thẩm quyền của tỉnh quyết định, tránh yếu tố cảm tính, thiếu cơ sở khoa học. Đồng thời phân cấp phải trên quan điểm tăng quyền chủ động của ngân sách huyện cũng như xã, thị trấn để tạo điều kiện cho huyện và xã, thị trấn hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.
Thứ tư, cũng vì những đặc điểm trên có thể thấy quy mô ngân sách huyện thường không ổn định qua các giai đoạn. Đối với nguồn thu của ngân sách huyện thường chủ yếu là các khoản thu về thuế, phí, lệ phí, thu sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất và thu khác, trong đó thu từ thuế và phí, lệ phí là nguồn thu quan trọng chiếm tỷ trọng từ 70-80% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên trong thực tế cũng thấy rằng khoản thu thuế được giao chủ yếu là các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực ngoài quốc doanh, đây là khoản thu rất khó thực hiện, quy mô số thu không lớn nhưng chi phí phải bỏ ra cho công tác thu không nhỏ và đây cũng là địa chỉ của những sai phạm trong việc chấp hành luật thuế như gian lận thương mại, trốn thuế, mua bán hóa đơn… Còn đối với chi ngân sách thường thì xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa nhiệm vụ chi được giao và nguồn để trang trải nhiệm vụ chi (thể hiện qua công tác giao dự toán hàng năm), đôi khi tạo ra cảm giác không bình đẳng, có sự ấn định chưa hợp lý từ cấp tỉnh.