Điều kiện khí hậu có ảnh hưởng lớn đến một số ngành, đặc biệt là những ngành liên quan đến nông - lâm – ngư nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình đầu tư kinh doanh sản xuất của các hộ gia đình – thành viên của QTDND. Mà địa bàn hoạt động chủ yếu của QTDND là ở khu vực nông thôn. Vì thế, hoạt động tín dụng của hệ thống QTDND thường xuyên chịu rủi ro do môi trường tự nhiên gây ra, làm ảnh hưởng xấu đến phát triển hoạt động tín dụng.
Tóm lại,những nhân tố trên ảnh hưởng ở các mức khác nhau đến phát triển hoạt động tín dụng. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết rõ các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng và biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt sự ảnh hưởng của các nhân tố này trong điều kiện cụ thể sẽ có tác dụng hữu ích cho sự phát triển của hoạt động tín dụng.
1.4. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hoạt động tín dụng và bài học đối với ViệtNam: Nam:
1.4.1. Hệ thống quỹ tín dụng Desjardins, Québec – Canada
Quỹ tín dụng đầu tiên của Canada ra đời vào ngày 06/12/1900 tại Thị trấn Lévis (Québec, Canada). Với hơn 100 năm hình thành và phát triển, các QTD Desjardins đã đạt đến trình độ phát triển rất cao với quy mô hoạt động và trang thiết bị hiện đại không hề thua kém các NHTM. Các thành viên có thể thực hiện các giao dịch với QTD Desjardins thông qua mạng internet 24/24h.
Về phương diện cung cấp sản phẩm, dịch vụ có thể chia quá trình phát triển của hệ thống QTD Desjardins thành 04 giai đoạn như sau:
Từ năm 1900 - 1944: Cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và tín dụng cơ bản; Từ năm 1944 - 1963: Bổ sung các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tai nạn.
Từ năm 1963 - 1975: Bổ sung các dịch vụ ủy thác, quỹ tương hỗ, tín dụng nông nghiệp, đầu tư và hoạt động “liên quỹ”;
Từ năm 1975 - nay: Phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tự động (thẻ rút tiền tự động ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng), chứng khoán, giao dịch qua internet, dịch vụ tư vấn, kinh doanh quốc tế.
Tuy vậy, nhưng so với các NHTM thì các QTD Desjardins có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn lực phân tán, năng lực tài chính hạn chế và kỹ năng hoạt động không đồng đều. Trong khi đó, việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh đã mở ra cơ hội kinh doanh cho các QTD Desjardins. Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các QTD Desjardins khó có thể chiếm lĩnh thị trường này nếu không có các giải pháp phù hợp. Trong bối cảnh đó, nhằm tối đa hóa khả năng hợp tác kinh doanh giữa các QTD, việc ra đời các trung tâm tài chính doanh nghiệp (CFE) là một nhu cầu tất yếu. Mục đích hoạt động của CFE là nhằm cải thiện hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực, khả năng kinh doanh tiếp thị, quản lý rủi ro, khả năng sinh lời và tạo nên sự khác biệt cho hệ thống QTD Desjardins đối với loại hình tổ chức tín dụng khác.
Sau khi được thành lập, CFE đã xây dựng cơ chế quản lý khách hàng đặc thù của hệ thống QTD Desjardins: các món “cho vay doanh nghiệp” của QTD khi phát sinh được ghi vào “Tài khoản doanh nghiệp vừa và nhỏ” của CFE. Hoạt động cho vay của CFE có thể nhân danh một QTD hoặc một nhóm QTD cùng phối hợp đồng tài trợ tùy theo quy mô của món vay và khả năng tài chính của QTD. Khi có khách hàng mới, CFE phân cho một QTD thành viên tham gia quản lý trên cơ sở căn cứ vào việc xác định trụ sở của khách hàng đóng trên địa bàn hoạt động của QTD đó.
Hàng năm, CFE xây dựng kế hoạch tiếp cận các đối tượng khách hàng tiềm năng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có giao dịch với CFE. Việc quản lý khách hàng có thể được phân chia theo khu vực hoạt động (thành thị - nông thôn) hoặc lĩnh vực hoạt động (kinh doanh thương mại, nông nghiệp…).
1.4.2. Ngân hàng hợp tác của Đức:
Nguồn gốc của các NH HTX địa phương có thể bắt nguồn từ hội vay nợ lẫn nhau được Herman Schulze-Delitzsch thành lập vào năm 1850. Giống như tất cả các hội vay nợ lẫn nhau được thành lập sau đó, hiệp hội đầu tiên này đã thấy được mục đích trong việc cung cấp các yêu cầu đặc biệt của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Về truyền thống, các NH HTX địa phương được giao việc cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành nông nghiệp, công nghiệp và thương mại. Với chiều hướng phát triển của nền kinh tế Đức ở thị trường nước ngoài sau chiến tranh thế giới lần hai, các khoản vay ngắn và trung hạn lúc đầu chiếm vị trí quan trọng trong ngành tài chính công ty, thì ngày nay các khoản vay dài hạn lại trở nên quan trọng hơn. Việc kinh doanh cho vay của họ tập trung vào khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ: 50% các khoản cho vay đã được cung cấp cho các công việc kinh doanh vừa và nhỏ trong nông nghiệp, trồng rừng, sản xuất, xây dựng, thương mại, nghề thủ công và các dịch vụ khác. Cùng với việc kinh doanh tín dụng, tiền gửi và quá trình giao dịch thanh toán và các giao dịch chứng khoán, các NH HTX địa phương còn cung cấp một loạt các dịch vụ khác như dàn xếp các khoản vay thế chấp, các hợp đồng cho vay nhà ở và bảo hiểm cũng như các hình thức đặc biệt của đầu tư tài chính. Dịch vụ tư vấn khách hàng của NH trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh được hệ thống vi tính kỹ sảo hỗ trợ. Việc kinh doanh tiền gửi với các tổ chức phi NH càng được quan tâm, thì thị phận của hệ thống HTX thậm chí càng mạnh hơn trong khu vực cho vay khách hàng, thể hiện ở chỗ thị phần đã lên tới 25,2%; vào cuối năm 1950 thị phần này mới chỉ gần 13,1%.
Quá trình phát triển thành công mô hình QTD Desjardins – Canada và Ngân hàng hợp tác của Đức đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào hệ thống QTDND ở Việt Nam là:
Thứ nhất, QTDND phải thực sự là một tổ chức kinh tế hợp tác do các thành viên tự nguyện thành lập, nhằm mục tiêu hỗ trợ các thành viên được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện để giúp họ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống.
Thứ hai, việc hình thành QTDND phải xuất phát từ chính nhu cầu của thành viên (tự nguyện) và QTDND chỉ có thể ra đời ở những nơi có môi trường kinh tế hàng hoá phát triển, vì chỉ có ở những nơi đó mới có nguồn vốn nhàn rỗi để huy động và có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Khi không xuất phát từ nhu cầu này thì các QTDND không còn cơ sở kinh tế để tồn tại và phát triển.
Thứ ba, tạo cơ chế ưu đãi về tín dụng: Chính phủ cần có những cơ chế ưu đãi về tín dụng nông nghiệp nhằm giúp cho các hộ nông dân hấp thụ được nguồn vốn này tạo điều kiện giúp họ phát triển kinh tế nông thôn và tự cải thiện đời sống. Nhưng tránh không được ưu đãi vay với lãi suất quá thấp. Vì như vậy, sẽ phá vỡ qui luật thị trường về giá trị hàng hóa dễ tạo tâm lý ỷ lại tạo ra các tác dụng ngược.
Thứ tư, gắn lợi ích của QTDND cơ sở với lợi ích của các thành viên. QTDND cơ sở có lợi thế là hoạt động trên địa bàn, gần gũi với nhân dân, hiểu về phong tục tập quán sản xuất của người dân nên việc tiếp cận nhân dân có lợi thế hơn so với các TCTD khác. Trên cơ sở những lợi thế có được, QTDND cơ sở cần đưa ra những hoạt động cụ thể nhằm phát triển hoạt động tín dụng như: tìm hiểu và tiếp cận những hộ dân có tiềm năng về vốn; cho vay đúng đối tượng; vận động đi đôi với việc tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn có hiệu quả thậm chí có thể xuống tận hộ gia đình tư vấn và giúp đỡ thành viên làm kinh tế. Ngoài ra, QTDND cơ sở có thể tham gia những hoạt động cộng đồng nhằm tạo uy tín và niềm tin với bà con như: đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, chăm lo đến đời sống của các thành viên của quỹ…
Thứ năm, đưa ra những chính sách phát triển hoạt động tín dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương như: mức lãi suất thỏa thuận; thủ tục nhanh, gọn, đơn giản và cơ chế trả nợ “mềm”. Mức lãi suất mà QTDND cơ sở đưa ra nên phù hợp đối với từng loại khách hàng để vừa đảm bảo được việc thu hút khách hàng, vừa đảm bảo lợi nhuận cho QTDND. Còn cơ chế trả nợ “mềm” nghĩa là: nếu khách hàng (thành viên) vay vốn gặp khó khăn tài chính tạm thời do nguyên nhân khách quan dẫn đến nợ bị quá hạn nhưng vẫn còn khả năng và ý chí trả nợ, QTDND có thể áp dụng chính sách hỗ trợ như cho vay thêm, gia hạn nợ,… đồng thời phải tăng cường tư vấn cho khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả để sớm có khả năng trả nợ cho QTDND.
Thứ sáu, quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả: Để phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, các nhà quản lý hoạt động QTDND thường sử dụng một số biện pháp sau: phân tán rủi ro dưới hình thức đa dạng hóa loại hình khách hàng, đa dạng hóa loại hình cho vay, đồng tài trợ cho vay…Nghiên cứu, phân tích, nhận định đánh giá khách hàng trong suốt quá trình từ nghiên cứu hồ sơ giải quyết cho vay, quyết định cho vay và kiểm tra sau khi cho vay nhằm phát hiện trước các dấu hiệu rủi ro để có biện pháp chủ động xử lý kịp thời; nghiên cứu áp dụng các hình thức đảm bảo tín dụng (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh…) chắc chắn để dễ dàng xử lý khi rủi ro xảy ra; Tổ chức thu thập, xử lý thông tin về rủi ro tín dụng đối với khách hàng; chủ động xử lý đối với các khoản vay có vấn đề như: nhắc nhở, đôn đốc khách hàng có biểu hiện chậm trả nợ, tuyên bố đến hạn đối với những khoản nợ có dấu hiệu rủi ro, áp dụng các chế tài xử lý hình thức bảo đảm tín dụng, đưa ra xử lý trước pháp luật, trích lập và xử lý dự phòng rủi ro theo quy định.
Thứ bảy, hoàn thiện tổ chức liên kết phát triển hệ thống: Trong đó, tổ chức liên kết phát triển hệ thống thực hiện các nhiệm vụ:
- Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên ;
- Kiểm toán cho các QTDND thành viên giúp cho các QTDND phát hiện và khắc phục những tồn tại yếu kém; đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý giám sát hoạt động của các QTDND một cách chặt chẽ, có hiệu quả;.
- Thành lập và quản lý Quỹ an toàn hệ thống QTDND để hỗ trợ các QTDND vượt qua những khó khăn về tình hình tài chính, đảm bảo sự an toàn hoạt động của từng QTDND cũng như đối với toàn hệ thống;