1. Khái quát về đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian qua(1988 - quý I/2006) (1988 - quý I/2006)
Năm 1987, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên và bắt đầu thực hiện các chính sách đổi mới. Sau gần 20 năm thực hiện, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/12/2005, cả nước có khoảng 7000 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký vào khoảng 62,7 tỷ USD. Trong đó, trừ các dự án đã hết hạn hợp đồng hoặc giải thể trước thời hạn, cả nước có 5918 dự án còn hiệu lực(∗) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 50,5 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện từ 1988 đến hết năm 2005 là gần 27 tỷ USD (chỉ tính đối với các dự án còn hiệu lực).
Như vậy, tính bình quân mỗi năm có khoảng trên 400 dự án được cấp giấy phép đầu tư, với mức vốn đăng ký mới đạt trên 3,6 tỷ USD. Tuy nhiên, có thể thấy cường độ thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian qua không đều. Từ năm 1988 đến 1990 chỉ có 214 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,58 tỷ USD. Đến giai đoạn 1991 – 1995, đây được coi là thời kỳ bùng nổ của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số dự án mới được cấp phép lên đến 1397 dự án, với tổng vốn đăng ký 8,6 tỷ USD, tổng vốn thực hiện 7,15 tỷ USD. Thời kỳ 1996 – 2000. mặc dù chịu nhiều tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, song tổng vốn đầu tư nước ngoài đưa vào được thực hiện gấp 1,5 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Từ năm 2001 đến nay, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đang từng bước được phục hồi, và dự kiến sẽ có xu hướng ngày càng tăng.
FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng và có xu hướng ngày càng tăng, chiếm khoảng 67,3% tổng số dự án trong cả nước, và 60,7% vốn đăng ký. Các tỷ lệ tương ứng trong khu vực dịch vụ là 19,7 % và 31,9%; trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp là 13% và 7,4%.
Tuy nhiên, FDI phân bố không đồng đều giữa các vùng lãnh thổ. Các thành phố lớn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thuộc các vùng kinh tế trọng điểm vẫn là những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Đứng đầu là thành phố Hồ Chí Minh với tổng số dự án đầu tư là 1834 dự án, chiếm 31% số dự án trong cả nước, và vốn đăng ký đạt khoảng 12,2 tỷ USD (chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cả nước). Tiếp theo là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, … Khả năng thu hút FDI của khu vực miền Nam mạnh hơn, chỉ tính riêng 4 tỉnh là thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, và Bà Rịa – Vũng Tàu đã chiếm tới 62,6% tổng số dự án đầu tư, tương ứng với 56,4% tổng vốn đăng ký. Còn khu vực miền Bắc thu hút được ít hơn, và chủ yếu tập trung vào các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Về đối tác đầu tư, tính đến cuối năm 2005, có 73 nước có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, các nước Châu Á vẫn là những đối tác đầu tư chính vào Việt Nam. Các nước Châu Á chiếm trên 75% tổng số dự án và khoảng 65% tổng vốn đăng ký. Các nước Châu Âu chỉ chiếm gần 10% số dự án và khoảng 19% vốn đăng ký. Hoa Kỳ chiếm 4,39% số dự án và 2,88 vốn đăng ký. Còn lại là các nước khác.
Về hình thức đầu tư, hình thức doanh nghiệp liên doanh có tỷ trọng lớn nhất, tuy chỉ chiếm 22,24% số dự án, nhưng chiếm tới 41,32% vốn thực hiện. Trong thời gian gần đây, hình thức 100% vốn nước ngoài có xu hướng ngày càng gia tăng. Từ năm 1988 đến nay, cả nước có khoảng 4404 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài, và chiếm 36,6% vốn thực hiện. Số dự án và vốn còn lại thuộc hình thức hợp đồng hợp tác liên doanh và B.O.T.
Trong 3 tháng đầu năm 2006, mặc dù chịu nhiều tác động của các yếu tố bất lợi, nhưng nhìn chung các chỉ tiêu của khu vực đầu tư nước ngoài đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2006, trong cả nước có 215 dự án mới được cấp giấy phép đầu tư, với vốn đăng ký khoảng 1,63 tỷ USD. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, và thành phố
Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục dẫn đầu trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Mặc dù tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã được phục hồi, nhưng theo đánh giá chung, xu hướng này chưa thực sự vững chắc, và chưa ổn định qua các năm. Kết quả thu hút FDI chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu huy động vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Thực trạng này đang đòi hỏi phải tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, năng lực quản lý và cạnh tranh thu hút FDI của nước ta.