2. Xu hướng cải cách 1 Tài chính công
2.2.1. Phát triển các trung tâm tài chính quốc tế
Trung tâm tài chính là nơi tập trung mạng lưới hoạt động của các định chế tài chính và thị trường tài chính trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Việc phát triển các trung tâm tài chính quốc tế sẽ hỗ trợ ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại cải tiến cách thức hoạt động của mình trước quy luật chung của thị trường. Trên cơ sở đó, các nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn sẽ được cải thiện chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm tài chính hiện đại được cung cấp sẽ phong phú hơn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, FII, ODA và các nguồn vốn vãng lai khác hỗ trợ phát triển nền kinh tế trong nước.
Để phát triển các trung tâm tài chính quốc tế, xu hướng điều chỉnh của thị trường tài chính Việt Nam sắp tới sẽ là:
• Tăng số lượng các ngân hàng nước ngoài hiện diện trên thị trường tài chính
Sự bùng nổ thành lập ngân hàng mới: chỉ tính từ nửa cuối năm 2006, ngân hàng nhà nước liên tục nhận được hồ sơ xin thành lập mới ngân hàng với con số thống kê đến hết tháng 11/2007 là 20 bộ và con số này tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2008 và giảm dần do chính sách siết chặt quản lý của chính phủ (do đón đầu cơ hội khi gia nhập WTO). Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, sức ép cạnh tranh đến từ các ngân hàng nước ngoài đang ngày càng gia tăng. Tính đến nay, có trên 45 chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, Việt Nam cần xem xét việc mở rộng khả năng tham gia của các ngân hàng nước ngoài trong thị trường liên ngân hàng, các nghiệp vụ thị trường mở để tạo sự kênh vốn đa dạng cho thị trường tiền tệ Việt Nam.
• Xúc tiến phát triển thị trường chứng khoán để thị trường này chuyển tải có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và tạo tính thanh khoản cao của các chứng khoán.
Thực hiện bước cải cách trên cũng đồng nghĩa với việc cải cách, thúc đẩy thị trường vốn Việt Nam phát triển. Do đó thị trường tài chính Việt Nam cần:
- Phát triển thị trường chứng khoán phải dựa trên chuẩn mực chung của thị trường và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tích cực hội nhập với thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Để thực hiện được những mục tiêu trên, cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế mà cơ bản là hoàn thiện Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn.
- Phát triển hệ thống nhà đầu tư trong và ngoài nước: khuyến khích các định chế đầu tư chuyên nghiệp (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…) tham gia đầu tư trên thị trường. Thực hiện lộ trình mở cửa đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam theo lộ trình đã cam kết; đa dạng hóa các loại quỹ đầu tư, tạo điều kiện cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tiết kiệm bưu điện… tham gia đầu tư trên thị trường vốn; từng bước phát triển các quỹ hưu trí tư nhân để thu hút các vốn dân cư tham gia đầu tư; khuyến khích việc thành lập các quỹ đầu tư ở nước ngoài đầu tư dài hạn vào thị trường Việt Nam.
- Phát triển quy mô, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng việc phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn trên thị trường. Đồng thời, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các phương thức phát hành trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên thị trường vốn; phát triển các loại trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp, trái phiếu công trình để đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia; phát triển các loại chứng khoán phái sinh như quyền chọn mua, quyền chọn bán chứng khoán; hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, các sản phẩm liên kết (chứng khoán - bảo hiểm, chứng khoán - tín dụng, tiết kiệm - chứng khoán).
• Phát triển thị trường ngoại hối
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường ngoại hối phát triển mạnh và kèm với đó chính sách ngoại hối đóng vai trò rất quan trọng, làm sao để vừa tranh thủ được các nguồn vốn quốc tế, thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, kiều hối, nhưng lại phải đảm bảo được chủ quyền của đồng Việt Nam, thực hiện được mục tiêu của chính sách tiền tệ. Trong thời gian qua, chính sách ngoại hối đã có những thay đổi quan trọng, một số quy định đã thông thoáng hơn, mở ra nhiều nghiệp vụ mới, đặc biệt là các nghiệp vụ phái sinh ngoại hối.
Ngân hàng nhà nước thời gian qua đã có các biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề tỷ giá như: tăng mạnh tỷ giá liên ngân hàng, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi USD từ 7% xuống còn 4%, quy định lãi suất tiền gửi bằng USD tối đa của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng chỉ ở mức 1%. Ngoài ra, nguồn cung USD cũng tương đối dồi dào nhờ nguồn kiều hối chảy về mạnh.
Để khắc phục những hạn chế của thị trường ngoại hối, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy thị trường ngoại hối phát triển như:
- Đối với nguồn cung ngoại tệ khan hiếm, cần xem xét 2 giải pháp: thứ nhất là cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu ngoại tệ để huy động ngoại tệ trôi nổi trong nền kinh tế và ngoại tệ được coi là thừa của ngân hàng thương mại; thứ hai là tạo cơ chế mua đứt bán đoạn thay cho tín dụng ngoại tệ nhằm nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp, ngân hàng và tính thị trường trong quan hệ ngoại hối.
- Bình ổn thị trường ngoại hối: việc tỷ giá ổn định không chỉ có tác động tích cực do một phần vốn đầu tư USD trước đây có thể chuyển vào thị trường chứng khoán để “đánh sóng” mà nó còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách tỷ giá luôn là một yếu tố vĩ mô quan trọng để nhà nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi họ có ý định đầu tư vào Việt Nam.
• Đa dạng các định chế tài chính
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tới hơn 95% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng này hiện chưa được đáp ứng, hoặc chưa được đáp ứng đủ nhu cầu về các dịch vụ tài chính. Vì vậy, việc đa dạng hóa các định chế tài chính nhằm giải quyết những hạn chế trên, thông qua việc giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ và những kênh cung cấp mới; cải tiến hoạt động của những tổ chức tài chính sao cho các nguồn vốn và các dịch vụ trở nên dễ tiếp cận và rẻ hơn. Thị trường tài chính Việt Nam hiện nay tồn tại các định chế tài chính như: định chế tài chính về ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bảo hiểm.