Kết quả phân tích mô hình Ecopath ở vùng nghiên cứu cho thấy tổng sinh khối của các nhóm chức năng khai thác (cá ăn mồi sống, cá nổi nhỏ, cá thu, cá tạp, tôm, cua, mực, cá sống tầng đáy và cá ăn đáy) là 3,99 tấn.km-², giá trị này thấp hơn sinh khối của các nhóm chức năng được khai thác ở vùng duyên hải của Sri Lanka: 5,1 tấn.km-2 (Haputhantri et al., 2007); của vịnh Thái Lan: 4,5 tấn.km-2 (Christensen, 1999); của vùng cửa sông Châu Giang Trung Quốc: 7,16 tấn.km-2 (Duan et al., 2009); và vùng biển Bohai của Trung Quốc: 4,4 tấn.km-2 (Ling et al., 2000).
Giá trị hiệu suất dinh dưỡng (EE) tương đối cao (>0,5) cho tất cả các nhóm loài được khai thác. Các giá trị máy tính tự động ước tính của thực vật phù du, động vật phù du và các nhóm khác rất thấp, có nghĩa là khả năng sử dụng thức ăn nghèo nàn của các bậc dinh dưỡng thấp hơn trong toàn hệ sinh thái. Nhóm loài chức năng được khai thác triệt để bởi các hoạt động nghề cá cũng bị ăn thịt. Theo Christensen và Pauly (1993), giá trị EE gần bằng 1 chứng tỏ rằng nhóm chức năng này bị vật ăn mồi sử dụng làm thức ăn càng triệt để hoặc bị khai thác.
Hiệu suất chuyển hóa dinh dưỡng (EE) là tỷ lệ sản lượng của nhóm i được sử dụng trong hệ sinh thái (sử dụng cho việc tích lũy sinh khối, di cư,...), giá trị hệ số EE được dùng để ước tính tổng lượng chết do khai thác hoặc lượng bị sử dụng làm vật mồi. Hiệu số 1-EE được xem như tổng lượng chết do các nguyên nhân khác.
Tổng hiệu suất chuyển đổi thức ăn- GE (ước lượng như P/Q) của các nhóm loài chức năng khai thác (cá ăn mồi sống, cá nổi nhỏ, cá thu, cá tạp, tôm, cua, mực, cá sống tầng đáy và cá ăn đáy) ở vùng ven biển Sóc Trăng-Bạc Liêu là 0,0016. So sánh với kết quả nghiên cứu về tổng
hiệu suất chuyển đổi thức ăn của các nhóm loài khai thác ở một số vùng sinh thái ven biển khác cho thấy giá trị GE ở vùng nghiên cứu Sóc Trăng-Bạc Liêu (GE=0,0016) thấp hơn ở vịnh San Miguel- Philippines (GE=0,0160) (Bundy và Pauly, 2001) và cao hơn ở vùng biển Tây Châu Phi (GE<0,0010) (Palomares et al., 2003).
Các nhóm loài chức năng phân bố theo 4 bậc dinh dưỡng như sau: nhóm thực vật phù du, mãnh vụn hữu cơ và tảo đáy thuộc bậc dinh dưỡng thứ I; các nhóm động vật phù du, mực, tôm, cua, cá ăn đáy, cá nổi nhỏ và nhóm sinh vật đáy khác thuộc bậc dinh dưỡng thứ II. Các nhóm cá tạp, cá sống tầng đáy và cá thu thuộc bậc dinh dưỡng thứ III; nhóm cá ăn mồi sống thuộc bậc dinh dưỡng thứ IV. Các nhóm loài thuộc bậc dinh dưỡng thứ II và thứ III đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng (có thể là vật mồi hay là mắt xích khai thác).
Kết quả phân tích ảnh hưởng tổng hợp của các mắt xích thuộc chuỗi thức ăn trong mô hình Ecopath ở vùng nghiên cứu được trình bày ở Hình 4.55cho thấy khả năng ảnh hưởng của mỗi nhóm loài chức năng với nhau: thực vật phù du bị tác động lớn nhất bởi chính nó (nở hoa), trong khi nhóm động vật phù du thì bị tác động bởi chính nó, thực vật phù du, mãnh vụn hữu cơ. Nhóm cá ăn mồi sống bị tác động bởi chính nó, cá thu và cá ăn đáy. Cá thu bị tác động bởi chính nó và cá nổi nhỏ. Cá ăn đáy bị tác động bởi cua. Cá sống tầng đáy bị tác động bởi chính nó, cá tạp, mực và sinh vật đáy khác. Cá nổi nhỏ bị tác động bởi chính nó và cá thu. Cá tạp bị ảnh hưởng bởi chính nó, cá ăn đáy. Tôm bị ảnh hưởng bởi cá ăn mồi sống, cá ăn đáy, cá sống tầng đáy, tôm, cua và mực. Nhóm ngư cụ lưới rê/lưới vây tác động lớn đến cá thu và cá nổi nhỏ, động vật phù du trong khi lưới kéo thì tác động trực tiếp đến cá ăn mồi sống, cá ăn đáy, cá sống tầng đáy, cá tạp, tôm, cua, mực và tảo đáy. Giữa nhóm ngư cụ lưới rê/lưới vây (đánh bắt tầng mặt) và lưới kéo (đánh bắt tầng đáy) có tác động tiêu cực với chính nó là do sự cạnh tranh để giành địa điểm khai thác (cùng loại ngư cụ) tại ngư trường dẫn đến hậu quả là xung đột ngư trường.