Một là: Do chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, với các đặc điểm mới: kinh tế nhiều thành phần sở hữu, phân phối theo nguyên tắc thị trường… Nền kinh tế với nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế nhiều thành phần và sản xuất hàng hóa thì sự phân hóa giàu nghèo là một hiện tượng khách quan, có thể chấp nhận được vì cơ chế này tạo động lực cho mọi người làm việc, cống hiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, nguyên nhân trực tiếp của sự chênh lệch về thu nhập, sự phân hóa giàu nghèo là từ quan hệ phân phối thu nhập. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh và thông qua quỹ phúc lợi xã hội” (Văn kiện đại hội Đảng lần thứ IX). Điều đó có nghĩa là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, để thực hiện nguyên tắc phân phối công bằng vẫn phải thừa nhận sự tồn tại như một tất yếu kinh tế của sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập và mức sống, chấp nhận sự chênh lệch trong thu nhập do năng suất và hiệu quả lao động, chấp nhận sự phân hóa giàu nghèo trong giới hạn cho phép.
Hai là: Bắt nguồn từ quy luật phát triển không đều giữa các vùng do phương thức sản xuất, nền văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống, điều kiện địa lý khác nhau. Vùng có điều kiện kinh tế xã hội tự nhiên thuận lợi phát triển nhanh, năng suất lao động cao, hấp dẫn thu hút các nguồn vốn đầu tư thì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ dẫn đến kết quả thu nhập của dân cư cao hơn so với những vùng khó khăn, kém phát triển hơn; trong khi đó khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giữa các vùng là không như nhau nên sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng càng lớn, các vùng chậm phát triển có nguy cơ tụt hậu.
Ba là: Mô hình tăng trưởng và cơ chế phân bổ nguồn lực là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp mạnh nhất và lâu dài đến việc tạo lập công bằng xã hội. Trong những năm qua, Việt Nam tuyên bố theo đuổi mô hình tăng trưởng “thị trường- hướng về xuất khẩu”. Tuy nhiên, mô hình được triển khai trên thực tế lại lệch sang xu hướng “thị trường- thay thế nhập khẩu”. Gắn với mô hình đó là định hướng ưu tiên phân bổ nguồn lực: cho các ngành và dự án dùng nhiều vốn và ít tạo việc làm mới; cho các vùng có khả năng tăng trưởng cao (vùng trọng điểm); và cho các doanh nghiệp nhà nước. Định hướng đầu tư này phản ánh cách tư duy chính sách vẫn theo kiểu áp đặt, dựa mạnh vào sự lựa chọn nhà nước hơn là theo các tín hiệu và nguyên tắc thị trường. Cơ chế để thực hiện định hướng phân bổ nguồn lực như vậy chưa dựa trên
một sự phân công chức năng hợp lý giữa Nhà nước và thị trường. Lợi ích của tăng trưởng không được phân bổ một cách rộng rãi cho các tầng lớp dân cư và gây ra tình trạng bất bình đẳng.
Bốn là: Quá trình công nhiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng, thiếu quy hoạch và chính sách điều tiết chưa hợp lý đã dẫn đến sự tăng trưởng quá nóng và phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Tình trạng bất bình đẳng và phân hoá giàu- nghèo có phần gia tăng trong thời gian qua ở nước ta phản ánh một xu hướng tất yếu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quá trình công nghiệp hoá kéo theo việc ứng dụng công nghệ mới và cách thức trong tổ chức sản xuất, chỉ những người lao động được đào tạo và có tay nghề mới đáp ứng những công việc phức tạp và trong thời gian qua số lượng lao động có chất lượng chưa nhiều, từ đó gây ra tình trạng thất nghiệp cho những lao động có trình độ thấp. Do có việc làm mới, số người này có thu nhập cao hơn nhiều so với số động lao động giản đơn và vì thế sự bất bình đẳng tăng lên. Đồng thời quá trình đô thị hóa đã gây nên tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị tìm vệc làm tạo nên bất ổn định về phân bố dân số, phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn.
Năm là: Do quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Nền kinh tế mở đã có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, tạo ra những lợi thế và phát triển cho một số vùng, một số ngành và một bộ phận lớn dân cư, nhưng do nền kinh tế nước ta mở cửa ồ ạt, nguồn vốn nước ngoài đầu tư không đồng đều giữa các vùng, các ngành đã tạo ra sự chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, giữa các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, giữa lao động có kỹ năng và lao động có tay nghề thấp; từ đó tạo nên bất bình đẳng nghiêm trọng.
Sáu là: Do có một nhóm người giàu lên nhanh chóng nhờ đặc quyền tiếp cận với các nguồn lực phát triển hoặc bằng những hành vi phạm pháp như tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế,… trong khi một bộ phận dân cư khác lại nghèo đi do không có cơ hội làm giàu, nhà nghèo lại đông con,… tạo ra sự bất bình đẳng gia tăng. Cơ chế xin- cho, bao cấp, bảo hộ nhà nước, cộng thêm vào đó là môi trường kinh doanh không bình đẳng, cơ hội phát triển của tư nhân bị hạn chế, hình thành các nhóm lợi ích mạnh, làm méo mó quy hoạch và định hướng phát triển. Tình trạng ngân sách đầu tư vào các công trình quốc gia, các dự án đầu tư công bị bớt xén nghiêm trọng. Các nguồn trợ cấp, bảo trợ xã hội, ủng hộ người nghèo, các dân tộc thiểu số đều chia phần cho các lãnh đạo còn những người nghèo chỉ nhận được một phần nhỏ….
PHẦN III