Tác động đến xây dựng, trang trí nhà cửa

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng người h mông ở sapa, lào cai (Trang 54 - 59)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ TÁC ĐỘNG CỦA DU LỊCH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA - XÃ HỘI Ở SA PA, LÀO CAI

2.2. Tác động của du lịch đến đời sống văn hóa-xã hội của người H’Mông ở Sa Pa, Lào Cai

2.2.1. Tác động đến xây dựng, trang trí nhà cửa

Về kiến trúc truyền thống, nhà ở của người Mông là nhà trệt. Để chống gió, khí hậu lạnh, sương muối vùng cao, nhà của họ thường là thấp, vững chắc, kín đáo. Nhà phổ biến dựng trên các triền núi, phía trước có suối phía sau là núi che chở, xung quanh có thể trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

Quy mô nhà thường có ba gian, hoặc ba gian hai chái. Cửa chính mở ở gian giữa, cửa phụ mở ở gian hai bên hoặc đầu hồi nhà. Xung quanh nhà thưng ván, vách nứa hoặc trình tường, mái lợp ván xẻ hay cỏ tranh, tùy từng nơi. Nhà giàu thường làm khá rộng, cột gỗ kê đá tảng đẽo hình đèn lồng hay quả bí, vừa tạo sự vững chắc, không sụt lún, nghiêng lệch, vừa không bị mủn, mọt do ẩm ướt.

Gian giữa là nơi thờ tổ tiên và để dụng cụ sản xuất. Tùy từng dòng họ mà bếp lò và buồng chủ nhà được đặt bên trái (như họ Thào, Giàng, Vàng...) hay bên phải (như họ Mùa, Lý, Lù...), nhưng bao giờ buồng chủ nhà cũng phải đặt cạnh "cột ma"-cột giữa của vì kèo thứ hai ngăn gian đầu hồi bên phải hoặc bên trái gian giữa. Hai gian bên, một bên là bếp lò và buồng ngủ, một bên là bếp khách, giường khách và có thể thêm một buồng ngủ, nếu gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống. Phía trên là gác xép, nơi cất trữ lương thực.

Một số gia đình còn làm kho lương thực bên ngoài nhà.

Cửa chính của ngôi nhà thường được treo một tấm vải đỏ hình chữ nhật, hoặc các tờ giấy bản với ý nghĩa cầu phúc. Một số nhà còn treo thêm ở trước cửa một chén nước nguồn tinh khiết bọc vải đỏ được múc vào ngày mồng một tết Nguyên đán. Chén nước này sẽ thay mới vào dịp tết năm sau với ý nghĩa cầu mong bình yên, mát lành, phúc lộc đến nhà đầy đặn như chén nước ấy. Phía trước nhà là chuồng trâu, ngựa, lợn, gà, tổ ong nuôi và có kho để lương thực. Ở những địa hình tương đối bằng phẳng, đồng bào còn trồng rau sau nhà và dựng hàng rào phía trước.

Nhà thường được cất vào mùa khô (từ tháng 11, 12 đến tháng 3, 4 năm sau). Để thử xem nơi đất định dựng nhà có lành không, người Mông thường đào ba hố sâu khoảng 40 cm ở ba vị trí: nơi định đặt bàn thờ tổ tiên (ma nhà), nơi sẽ để bếp lò, nơi sẽ làm bếp khách, rồi cho vào mỗi hố ba hạt gạo hoặc ngô. Hạt thứ nhất tượng trưng cho con người, hạt thứ hai tượng trưng cho gia

súc, hạt thứ ba tượng trưng cho cây trồng (một số dòng họ còn cắm thêm một cây nhỏ chính giữa ba hạt gạo (hoặc ngô), sau đó úp bếp lên để qua đêm (có người để qua ba đêm). Sáng hôm sau mở ra, nếu những hạt này không bị thay đổi vị trí, không bị mốc, không bị kiến tha thì được coi là nơi đất tốt, có thể ở được. Nếu hạt gạo di chuyển ra xa thì đất xấu; nếu bị mất một hạt là đất rất xấu, không thể ở được. Công việc này do chủ nhà thực hiện. Đối với những gia đình cầu toàn hơn, họ mời thầy cúng về làm lễ để xem đất.

Hướng nhà thường là hướng Đông, theo quan niệm để làm ăn tốt. Ngày và giờ dựng nhà phụ thuộc vào tuổi của chủ nhân. Đồng bào thông thường dựng nhà vào những ngày chẵn, kiêng dựng nhà vào ngày lẻ. Giờ dựng nhà thường vào lúc 4 giờ hoặc 6 giờ. Có những gia đình còn mổ gà xem chân để chọn ngày, giờ dựng nhà.

Sau khi san nền, chọn hướng đi cho cửa chính và căn nền vuông vức họ đào hố chôn cột con và dựng xà ngang, làm thành khung nhà. Khi dựng nhà, khâu quan trọng nhất là dựng “cột ma”. Trước khi dựng cột, chủ nhà mổ lợn, gà để cúng cột ma. Theo quan niệm của đồng bào, việc san nền, dựng cột thường phải chọn ngày, giờ tốt. Làm nhà xong thì làm lễ cúng "ma nhà"

"cột ma". Chủ nhà phải là người đầu tiên đích thân nhóm lửa vào các bếp để khai mở cho cuộc sống ở ngôi nhà mới.

Nhà ở của người Mông xây dựng khá kiên cố, tường có thể được trình bằng đất dày hoặc ghép các tấm ván xẻ từ gỗ quý chắc chắn. Khuôn viên mỗi gia đình đều được bao bọc bằng tường đá hoặc bằng hàng rào tre và gỗ. Cả hai cách làm như trên là một đặc điểm trong truyền thống của người Mông nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ người, gia súc và của cải nếu có sự tấn công bằng vũ lực từ bên ngoài.

Ngày nay, với tác động của du lịch, kiến trúc nhà ở của người H’Mông đã có sự thay đổi. Trước hết là về vật liệu xây dựng, ngôi nhà truyền thống

của người H’Mông trước kia thường được lợp bằng gỗ Pơ mu, một loại vật liệu khá bền và chắc, được liên kết bằng các sợi dây chằng buộc khá chặt.Mái ván lợp bằng gỗ Pơ mu thường có tuổi thọ trung bình đến 70 năm. Ngày nay, du khách đổ xô đến Sa Pa, ngoài mục đích vãn cảnh, họ còn mang theo nạn chặt phá rừng. Gỗ Pơ mu bị khai thác hết, bà con đành phải dùng bờ lô xi măng để lợp mái. Ngoài ra, nhiều người Kinh chuyển đến các làng bản nơi đây sinh sống để buôn bán cho du khách, bà con dân tộc cũng bị ảnh hưởng và học theo cách xây nhà, cách dùng vật liệu xây dựng của người miền xuôi. Cách bài trí nhà cửa của đồng bào cũng đã khác trước. Đặc biệt, các làng bản càng gần thị trấn, mức độ thay đổi về kiến trúc nhà của càng nhiều. Qua quan sát và điều tra ở hai xã San Sả Hồ và Lao Chải, trong các bản có hoạt động du lịch, một số nhà ở đã bị thay đổi về vật liệu xây dựng, không còn đơn thuần dùng gỗ, mà xen lẫn với xi măng.

Cách bố trí nhà cửa cũng khác trước, thay vì ba gian hai trái, các ngôi nhà của người H’Mông bây giờ nhiều nhà cũng xây theo kiểu người Kinh, tức là chia ra các phòng, hoặc một gian và kê giường hai bên.

Đặc điểm về kiến trúc nhà cửa của người H’Mông là một trong những đặc điểm thu hút khách du lịch khi đến Sa Pa. Theo kết quả điều tra tháng 12/2014, có 50/100 người được hỏi cho biết họ rất quan tâm đến việc xây dựng và trang trí nhà cửa của người H’Mông.

Theo bảng 2.4, bản Cát Cát (thuộc xã San Sả Hồ) có 110 hộ gia đình người H’Mông (chiếm, trong đó có 107/110 nhà vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ, 101/110 nhà lợp ván Pơ mu. Bản Cát Cát là bản du lịch gần thị trấn nhất, và lượng khách du lịch đến tham quan nhiều nhất. Phần lớn các hộ gia đình trong bản đều sử dụng gỗ để làm nhà (97,3%), nhưng số nhà lợp ngói xi

măng cũng đã chiếm đến 8,2 %. Như vậy, kiến trúc của các ngôi nhà trong bản chủ yếu bị thay đổi về vật liệu lợp mái, tuy tỷ lệ không lớn.

Nhằm phục vụ du lịch, cơ quan chuyên trách đã dựng riêng một ngôi nhà truyền thống của người H’Mông ở đầu bản cho du khách tham quan. Đó là một ngôi nhà trình tường lợp gỗ Pơ mu, ba gian hai chái.

Tuy nhiên, có một vài hộ gia đình ở cuối bản kinh doanh nhà nghỉ theo hình thức homestay, họ không xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người H’Mông mà xây theo kiểu nhà người Kinh, để phục vụ cho khách du lịch với đầy đủ tiện nghi.

Cũng theo điều tra, bản Sín Chải (xã San Sả Hồ) có 240 hộ gia đình, trong đó có 236/238 hộ vẫn xây nhà chủ yếu bằng gỗ, 235/238 hộ lợp mái bằng gỗ Pơ mu. Về vị trí, bản Sín Chải xa trung tâm hơn bản Cát Cát, ít khách du lịch ghé thăm hơn (chủ yếu là Tây ba lô), do đó ít thay đổi về kiến trúc hơn. Đa số các hộ gia đình làm nhà bằng gỗ (99,2%), mái nhà hầu hết đều lợp bằng gỗ Pơ mu (98,7%). Qua quan sát thực địa và số liệu điều tra, có thể thấy, hầu hết các ngôi nhà trong bản đều đã giữ được kiến trúc truyền thống, từ vật liệu xây dựng cho tới phong cách trang trí, cảnh quan quanh nhà. Bản Sín Chải có nhiều chuồng nuôi gia súc quanh nhà và vườn cây hơn bản Cát Cát.

Ngoài các bản của xã San Sả Hồ, các bản của xã Lao Chải cũng chịu ảnh hưởng của du lịch về mặt kiến trúc, thậm chí chịu ảnh hưởng nhiều hơn. Lý do là các bản này vừa có khách du lịch đến, đường làng bằng phẳng, hầu như được bê tông hóa, điều kiện ăn ở tốt hơn phía xã San Sả Hồ nên có nhiều người Kinh đến các bản này sinh sống để làm du lịch. Do đó, đời sống của bà con cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn, và kiến trúc nhà ở cũng giống nhà người Kinh hơn.

Qua điều tra tổng hợp, bản Lý Lao Chải (xã Lao Chải) có 165 hộ gia đình người H’Mông (sống xen kẽ với 10 hộ gia đình người Kinh) chịu ảnh hưởng nhiều nhất về kiến trúc nhà cửa. Đã có khá nhiều ngôi nhà ở đây sử

dụng vật liệu bê tông và xi măng để xây nhà hơn so với các bản của xã San Sả Hồ: 11/165 (6,7 %), các hộ lợp mái ngói xi măng cũng nhiều hơn các bản Cát Cát và Sín Chải: 25/165 (15,2 %).

Tương tự, bản Hàng Lao Chải (xã Lao Chải) có 10/145 hộ gia đình dùng vật liệu khác ngoài gỗ, chiếm tỷ lệ 6,9 %, 16/145 hộ lợp mái ngói, chiếm tỷ lệ 11,0 %.

Như vậy, qua số liệu điều tra và quan sát ở các bản, ta thấy hoạt động du lịch đã ít nhiều ảnh hưởng về mặt kiến trúc của các làng bản của người H’Mông ở Sa Pa.

Ngoài điều tra cư dân địa phương, tác giả còn tiến hành điều tra ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Trong số 50 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, có 35 doanh nghiệp cho rằng du lịch ít tác động đến kiến trúc nhà cửa của người H’Mông ở Sa Pa, có 10 doanh nghiệp cho rằng tác động nhiều và 5 doanh nghiệp cho rằng không tác động.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng người h mông ở sapa, lào cai (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)