Tác động đến văn hóa-nghệ thuật

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng người h mông ở sapa, lào cai (Trang 73 - 77)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ TÁC ĐỘNG CỦA DU LỊCH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA - XÃ HỘI Ở SA PA, LÀO CAI

2.2. Tác động của du lịch đến đời sống văn hóa-xã hội của người H’Mông ở Sa Pa, Lào Cai

2.2.5. Tác động đến văn hóa-nghệ thuật

Người Mông có kho tàng văn học dân gian phong phú với các thể loại như: truyện thần thoại, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, dân ca, sử thi (Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát mồ côi Tiếng hát tình yêu, Tiếng hát Cưới hỏi,

Tiếng hát cúng ma...), ca dao, tục ngữ, thành ngữ... phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và cuộc sống lao động, tranh đấu của dân tộc Mông.

Qua một số truyện, nhất là qua bài “chỉ đường'' (Chúa kê) có thể hiểu được ít nhiều nhận thức về vũ trụ, thế giới quan và nhân sinh quan, nguồn gốc dân tộc của người Mông. Theo quan niệm thì mặt đất, bầu trời, mặt trăng, các vì sao, con người, muông thú, cây cỏ đều do những đại diện của trời sáng tạo và điều chỉnh.

Hai anh em họ Hồ là tổ tiên của người Mông, người Dao và loài người nói chung. Con người chết không sống lại được nhưng có thể đầu thai thành người hay sinh vật khác... Ở vùng cao, việc sản xuất để mưu sinh luôn luôn đặt ra những khó khăn phải vượt qua. Bên cạnh những anh hùng văn hóa, truyện dân gian Mông thường đề cập đến những con người làm lụng siêng năng, khỏe mạnh, biết đoàn kết với những người tài ba, khắc phục thiên tai đem lại hạnh phúc cho con người. Nhiều truyện dân gian cũng chỉ ra những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, qua đó thấy rõ người Mông là cư dân đã biết làm nghề nông từ rất lâu đời.

Các truyện dân gian còn phản ánh những mặt xấu của xã hội, sự khổ đau của những đứa trẻ mồ côi, cách đối xử nghiệt ngã giữa chị dâu với em chồng, những mụ dì ghẻ độc ác, những tên quan tàn bạo đồng thời đề cao những người thông minh, tài giỏi xuất thân từ nhà nông; những mối tình duyên đẹp, những người chiến thắng bạo tàn bênh vực chính nghĩa... .

Những truyện giải thích về hiện tượng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Mông cũng nhiều (làm ma, cúng mụ, phụ nữ không được lên sàn gác, cúng cột cái, múa khèn...) được đồng bào nhớ như những điều chỉ dẫn trong sinh hoạt gia đình và cuộc sống nói chung.

Trong văn học dân gian của người Mông, dân ca chiếm vị trí đáng kể.

Dân ca có nhiều loại: cúng ma, tình yêu, cưới hỏi, làm dâu, mồ côi; trong mỗi

loại lại có những đề tài nhỏ. Nhiều bài dân ca mang nội dung tư tưởng tốt, cách diễn tả tế nhị, kín đáo được lấy từ thông hình ảnh gần gũi trong đời sống hàng ngày. Đặc điểm chung của những bài dân ca là không chỉ hát bằng lời mà còn có thể giãi bày bằng tiếng khèn, tiếng đàn môi, kèn lá... Các nhạc cụ này gắn bó chặt chẽ với dân ca. Nghe điệu kèn lá, đàn môi... người ta có thể hiểu được nội dung truyền cảm của người sử dụng nhạc cụ. Trong dân ca không chỉ có những bài ngắn mà đã có những sử thi nổi tiếng như "Tiếng hát làm dâu'', được nhiều dân tộc biết đến. Mỗi người Mông ít nhiều đều biết dân ca cũng như nhiều nam nữ thanh niên biết gảy đàn môi, thổi kèn lá rất điêu luyện.

Nhạc cụ của người Mông khá độc đáo, có khèn, sáo và những nhạc cụ như kèn lá, đàn môi tuy giản dị nhưng lại phát ra những âm thanh kỳ bí, hấp dẫn. Khèn được sử dụng trong đám tang và một số nghi lễ trong gia đình.

Những lúc đi đường hay thời khắc nghỉ ngơi trong đêm, dưới ánh trăng sau một ngày làm lụng mệt nhọc, các chàng trai hay cất lên những điệu khèn da diết. Đàn môi, kèn lá cũng là phương tiện trao đổi tâm tình của nam - nữ thanh niên. Trong những đêm khuya vắng mà tâm tình qua âm nhạc lại có sức lôi cuốn mạnh hơn cả bất kỳ một tiếng nói nào. Khác với khèn bè, tiếng vang vọng trên cả một vùng núi non rộng lớn, kèn lá, đàn môi chỉ tạo nên những âm thanh thầm thì cho người trong cuộc.

Hiện nay, để phục vụ du lịch, một số bản của người H’Mông ở Sa Pa đã có những đội văn nghệ phục vụ du khách trong và ngoài nước. Ví dụ như bản Cát Cát, một bản ở khá gần thị trấn và là một trong những địa điểm đón tiếp nhiều du khách nhất ở Sa Pa. Trong bản hiện nay đã có một đội văn nghệ chuyên nghiệp phục vụ du khách, tái hiện các điệu múa dân tộc. Đội văn nghệ bản Mông Cát Cát có đến 10 diễn viên, phục vụ du khách vào các ngày trong tuần, trừ chiều thứ ba, mỗi ngày biểu diễn sáu ca: ca 1 từ 9h đến 9h30, ca 2 từ

10h đến 10h30, ca 3 từ 11h đến 11h30, ca 4 từ 14h đến 14h30, ca 5 từ 15h đến 15h30 và ca 6 từ 16h đến 16h30.

Ngoài biểu diễn trong bản, các diễn viên H’Mông còn biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tại quảng trường trung tâm trước nhà thờ vào ngày thứ 6 và thứ 7 hàng tuần.

Văn hóa-nghệ thuật cũng là một trong những đặc điểm thu hút khách du lịch khi đến Sa Pa. Kết quả điều tra cho thấy có 75/100 khách được hỏi quan tâm đến vấn đề này.

Kết quả điều tra cư dân địa phương (bảng 2.12) cho thấy một số đặc điểm sau đây:

+ Về mục đích, có 183/200 người (chiếm 91,5 %) cho rằng việc tiến hành các hoạt động văn hóa-nghệ thuật là để phục vụ du lịch; còn lại có 17/200 người (chiếm 8,5 %) cho rằng mục đích chính nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Quan niệm về vấn đề này không mấy khác biệt giữa các bản du lịch phát triển và các bản du lịch kém phát triển. Bản Cát Cát có 48/50 người (chiếm 96 %) cho rằng các hoạt động văn hóa-nghệ thuật của tộc người họ nhằm phục vụ cho du lịch, tương tự ở bản Sín Chải có 44/50 người (chiếm 88 %), bản Lý Lao Chải có 46/50 người (chiếm 92 %) và bản Hàng Lao Chải có 45/50 người (chiếm 90 %) có cùng quan điểm. Như vậy, hầu hết người dân có cùng suy nghĩ là các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ là để phục vụ cho khách du lịch, họ không để ý đến một mục đích khác của các hoạt động nghệ thuật là nhằm góp phần phát huy và bảo tồn văn hóa dân tộc.

+ Khi được phỏng vấn về mức độ ảnh hưởng của du lịch đến văn hóa- nghệ thuật, phần lớn những người được phỏng vấn cho rằng du lịch giúp cho bản sắc văn hóa-dân tộc được tăng thêm. Các con số thống kê ở bảng 2.5 đã chỉ ra điều này: 157/200 người (chiếm 78,5 %) cho rằng du lịch làm tăng cường bản sắc dân tộc, 31/200 người (15,5 %) cho rằng du lịch làm giảm bản

sắc và 12/200 người (6%)cho rằng du lịch không tác động đến văn hóa-nghệ thuật dân tộc. Trong đó bản Sín Chải có ít người đồng ý với quan điểm du lịch làm tăng cường bản sắc hơn các bản còn lại: 31/50 người (chiếm 62 %).

Khi điều tra các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, có 32/50 doanh nghiệp cho rằng hoạt động du lịch tác động khá nhiều đến văn hóa-nghệ thuật của người H’Mông, còn lại cho rằng ít tác động.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng người h mông ở sapa, lào cai (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)