HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2001-2005
Trong 5 năm 2001-2005 mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xảy ra dịch SARS và dịch cúm gia cầm, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao ngoài dự kiến, thời tiết có năm không thuận lợi... nhưng kinh tế Thủ đô vẫn đạt được nhiều thành tựu, mức tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong 5 năm tăng bình quân 11,12%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 5 năm trước (10,72%) và vượt mục tiêu do HĐND đề ra là 10,0-11,0%, đóng góp khoảng 8% GDP cả nước. Các ngành kinh tế đều tăng trưởng khá, trong đó GTGT ngành công nghiệp tăng 13,2%/năm, ngành dịch vụ tăng 10,3%/năm, ngành nông nghiệp tăng 2,6%/năm.
Sự phát triển của các ngành, các thành phần kinh tế cùng quy mô chung của kinh tế Thủ đô phần nào cho thấy quy mô nguồn thu NSNN trên địa bàn thành phố là tương đối lớn.
1. Kinh tế Thủ đô chia theo ngành kinh tế
Cơ cấu ngành kinh tế có chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số lĩnh vực và sản phẩm có chuyển biến góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố, tạo nguồn thu cho NSNN. Đến cuối năm 2005 dự kiến ngành công nghiệp chiếm 40,5% GDP của Thành phố, dịch vụ chiếm 57,5%, nông nghiệp chiếm 2%.
- Lĩnh vực dịch vụ
Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Công tác xúc tiến thương mại được Thành phố quan tâm chỉ đạo. Đến cuối năm 2005 Hà Nội đã có Văn phòng đại diện tại Thụy Sỹ, Nhật Bản, Mỹ và Nam Phi. Mô hình tổ chức quản lý chợ chuyển sang hình thức công ty cổ phần, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. Trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 11 Trung tâm thương mại, 51 siêu thị hoạt động. Hình thành một số
Trung tâm thương mại lớn kết hợp siêu thị, văn phòng cho thuê; Tràng Tiền, Đại Hà, tháp Hà Nội, Vincom... Một số trung tâm bán buôn, bán lẻ qui mô lớn đã được xây dựng và đi vào hoạt động: Metro, Bourbon.
Tính bình quân 5 năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường dự kiến là 81.350 tỷ đồng/năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ là 31.330 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 14%/năm. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn dự kiến tăng 12,43%/năm, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 22%/năm. Cơ cấu hàng xuất khẩu có chuyển biến: tỷ trọng hàng nông sản giảm từ 31,8% năm 2000 xuống còn 23,3% năm 2005; hàng điện tử tăng tương ứng từ 6,5% lên 16,8%. Kim ngạch nhập khẩu tăng 19%/năm, trong đó nhập khẩu địa phương tăng 31%/năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN tiếp tục được mở rộng; thị trường mới châu Phi được khai thác; thị trường truyền thống Nga và SNG từng bước được khôi phục.
Du lịch phát triển khá tốt với nhiều loại hình. Đến nay các doanh nghiệp Hà Nội đang khai thác khoảng trên 300 tour nội địa và 30 tuyến quốc tế. Hệ thống cơ sở vật chất khách sạn của Hà Nội đứng đầu cả nước với 7 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 22 khách sạn 3 sao, 124 khách sạn từ 2 sao trở xuống. Giai đoạn 2001-2005, công suất sử dụng buồng của hệ thống khách sạn ước đạt trong bình trên 70%. Một số khu vui chơi giải trí được triển khai xây dựng; dự án Công viên nước Hồ Tây, Công viên Thanh Nhàn giai đoạn 1, khu du lịch sinh thái - văn hóa Sóc Sơn, khu di tích Cổ Loa, khu du lịch Cầu Đôi, khu du lịch Mễ Trì. Năm 2005 lượng khách du lịch đạt trên 5000 nghìn lượt, trong đó du lịch quốc tế đến Hà Nội là 1.100 nghìn người, tăng khoảng 2 lần so với năm 2000. Trong 5 năm khách du lịch quốc tế tăng bình quân 15,7%/năm, khách du lịch nội địa tăng 11%/năm, tổng doanh thu du lịch tăng 15%/năm.
Các ngành dịch vụ khác như bưu chính viễn thông, ngân hàng tài chính, phát triển khá tốt. Thị trường bưu chính viễn thông có 6 nhà cung cấp dịch vụ: Mobiphone, Vinaphone, S-phone, Viettel, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội, VP Telecom (Công ty thông tin viễn thông điện lực). Hoạt động ngân hàng chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2005 trên địa bàn Hà Nội có trên 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng hoạt động; trong 5 năm 2001-2005 tổng
nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng Hà Nội tăng trung bình 23,6%/năm, năm 2004 đạt 173.646 tỷ đồng; tốc độ tăng dư nợ 23,9%/năm, năm 2005 đạt 93.710 tỷ đồng. Các loại dịch vụ bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn, chăm sóc sức khỏe... có những tiến bộ cơ bản so với thời kỳ trước. Dịch vụ đô thị đã có bước phát triển khá với sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế trong vận tải hành khách, vệ sinh môi trường, phát triển nhà ở, góp phần hình thành, phát triển đô thị hiện đại.
- Lĩnh vực công nghiệp
Trong 5 năm qua, Thành phố đã hình thành 6 cụm công nghiệp (Vĩnh Tuy, Phú Thị, Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng; đang hoàn thiện các cụm Phú Thị, Ngọc Hồi, Hapro, Ninh Hiệp). Giải quyết cho 130 doanh nghiệp vào thuê đất, trong đó có 80 DN được di dời từ nội đô. Thực hiện Quyết định 86/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2005 thành phố đã đổi mới tổ chức các DNNN, cổ phần hoá 112 doanh nghiệp, sáp nhập 36 DN, giải thể 4 DN, phá sản 3 DN, giao 2 DN cho tập thể người lao động, chuyển 29 DNNN thành công ty TNHH một thành viên, lập 4 tổng công ty (Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty vận tải, Tổng công ty thương mại), chuyển 2 DNNN thành Công ty mẹ con.
Sản xuất công nghiệp Thủ đô giữ tốc độ tăng trưởng cao so với dịch vụ và nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp mở rộng bình quân giai đoạn 2001-2005 13,4%/năm, giá trị sản xuất là 18,7%. Cơ cấu sản phẩm chuyển dịch, ngoài những sản phẩm công nghiệp truyền thống được củng cố, xuất hiện một số mặt hàng mới, như máy in phun Canon, công nghiệp phần mềm... Tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, xây dựng tăng, các ngành khai thác mỏ, sản xuất, phân phối điện nước giảm. Năm nhóm ngành công nghiệp chủ lực có tốc độ tăng trưởng trung bình 19,7%/năm. Một số sản phẩm đã nâng cao sức cạnh tranh, đứng vững ở thị trường trong nước và không ngừng tăng xuất khẩu, như máy in phun, hàng điện tử.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được quan tâm khôi phục và phát triển. Thời gian qua Thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng qui hoạch phát triển nghề và làng nghề, đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm
làng nghề sản xuất tập trung tại Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh... Hiện nay Hà Nội có 83 làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chiếm 10,8% so với tổng số làng ở ngoài thành. Phát triển nghề và làng nghề đã góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn ngoại thành Hà Nội.
- Về lĩnh vực nông nghiệp
Mặc dù có nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, dịch cúm gia cầm diễn ra đầu năm 2004, 2005, giá phân bón tăng cao, đất nông nghiệp giảm mạnh, giá trị xản xuất ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 2,4%/năm. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 58,2% năm 2001 xuống còn 53,2% năm 2005; tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng tương ứng từ 33,9% lên 38,2%, ngành thủy sản tăng từ 4,8% lên 5,4%. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp tăng trung bình 5,04%/năm, năm 2005 đạt 56,2% triệu đồng/ha tính theo giá thực tế. Năng suất lao động nông nghiệp tăng trung bình 10,0%/năm; năm 2005 đạt 7,5% triệu đồng (giá thực tế).
Các mô hình sản xuất - kinh doanh mới theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái bước đầu phát triển. Hình thành mội số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có tỷ trọng hàng hóa lớn như: vùng hoa Tây Tựu (Từ Liêm), vùng trồng rau sạch Văn Đức, Đặng Xá, Đông Dư (Gia Lâm), Vân Nội (Đông Anh), Lĩnh Nam (Thanh Trì), vùng cây ăn quả Phú Diễn, Minh Khai (Từ Liêm). Chăn nuôi cũng xuất hiện mô hình chăn nuôi tập trung: chăn nuôi bò sữa ở Gia Lâm, Đông Anh; nuôi trồng thủy sản ở Đông Mỹ (Thanh Trì).
2. Kinh tế Thủ đô chia theo thành phần kinh tế
Các thành phần kinh tế đều được Thành phố khuyến khích phát triển. Khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu GDP Thành phố; năm 2005 tỷ trọng trong GDP Thành phố là 59,2% GDP (cuối năm 2005). Các doanh nghiệp Nhà nước trung ương có tốc độ tăng trưởng khá: 5 năm 2001-2005 khu vực kinh tế Nhà nước trung ương có mức tăng trưởng 10,3%/năm, cao hơn các doanh nghiệp Nhà nước địa phương (9,97%/năm). Để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thành phố đã đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN, gắn việc sắp xếp với việc thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và chức
năng sản xuất kinh doanh của một số Sở, Ngành; thành lập một số Tổng công ty của Thành phố.
Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đã có bước phát triển đáng kể. Trong 5 năm số DN ngoài nhà nước mới thành lập là 31700 DN với số vốn đăng ký 68000 tỷ đồng: vốn trung bình đăng ký mỗi doanh nghiệp năm 2004 gấp 2,8 lần năm 2000. Các doanh nghiệp đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có những lĩnh vực trước đây chỉ do DNNN đảm nhận. Nhiều loại hình doanh nghiệp mới được hình thành và phát triển khá hiệu quả: công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50%, hợp tác xã dịch vụ, môi trường, doanh nghiệp nông nghiệp... Khu vực này góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, đóng góp trên 20% GDP, 4,4% thu ngân sách, trên 10% kim ngạch xuất khẩu và thu hút khoảng 60% lao động đang việc làm ở Hà Nội (trong đó kinh tế cá thể, hội gia đình thu hút 44%). Đây là khu vực năng động, sức tăng trưởng mạnh, là nhân tố quan trọng thúc đẩy cạnh tranh trong nền kinh tế.
- Công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài được Thành phố tích cực triển khai; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn, công nghệ có tốc độ tăng trưởng khá: 5 năm 2001-2005 tốc độ tăng GDP khu vực này đạt 12,7%/năm. Giai đoạn 2001- 2005 tổng vốn FDI đăng ký đạt 1947 triệu USD, vốn thực hiện đạt 1335 USD. Các doanh nghiệp tập trung trong các ngành sử dụng công nghệ cao, trong đó công nghiệp chiếm 42%, dịch vụ chiếm 41,5%. Số dự án hoạt động có lãi 154 dự án, chiếm 73% số dự án FDI hoạt động trên địa bàn. Năm 2005, tỷ trọng đóng góp của khu vực có FDI trong GDP thành phố bằng 16,9%, thu ngân sách khoảng 16,3%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 18%, giải quyết việc làm mới 10%. Ngoài ra, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghệ theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao trình độ quản lý, tay nghề của người lao động.
Bảng 1: Tổng sản phẩm nội địa Hà Nội chia theo thành phần kinh tế (giá so sánh)
2001 2002 2003 2004 2005
GDP 21999,5 24280 27472 30652,6 34073,5
Kinh tế Nhà nước 13463.7 14713.7 16496.9 18311.9 20171.5
Trong đó: Trung ương 11747.7 13062.6 14516.2 16123.3 17786.4 Địa phương 1715.9 1651.0 1980.7 2188.6 2385.1 Kinh tế ngoài NN 4465.9 5171.6 5961.4 6636.3 7428.0 KT có VĐT nước ngoài 3365.9 3496.3 4107.1 4711.3 5383.6
Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hà Nội
Bảng 2: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa Hà Nội chia theo thành phần kinh tế (giá so sánh)
Đơn vị: % 2001 2002 2003 2004 2005 GDP 10.02 12.04 11.10 11.12 11.30 DNNN 14.92 9.28 12.12 11.00 10.16 Trong đó: DNNN TƯ 15.87 11.19 11.13 11.07 10.31 DNNN DP 8.83 -3.78 19.97 10.49 8.98 DN ngoài nhà nước 9.69 15.80 15.27 11.32 11.93 DN có VĐT nước ngoài -0.21 3.87 17.47 14.71 14.27
Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hà Nội
Với những kết quả trên, mặc dù hiện chỉ chiếm 3,7% về dân số và 0,3% về diện tích lãnh thổ, Hà Nội đóng góp khoảng 8% vào GDP cả nước, 10,1% giá trị sản xuất công nghiệp, 8,3% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 10,8% vốn đầu tư xã hội. Sự phát triển của kinh tế thành phố những năm qua là điều kiện thuận lợi, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách (đóng góp tới 14,5% vào thu ngân sách quốc gia).