Căn cứ đề xuất giải pháp

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NỢ ĐỌNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, TRƯỜNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.PDF (Trang 61 - 66)

Chương 3 PHÂN TÍCH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH

3.3.2 Căn cứ đề xuất giải pháp

3.3.2.1 Dựa vào dữ liệu khảo sát và kết quả mô hình kinh tế lượng của luận văn Trong chương 3, tác giả đã trình bày kết quả nghiên cứu, cụ thể giả thuyết đặt ra có 6 nhân tố tác động đến nợ đọng, trốn đóng BHXH gồm: Nội dung chính sách (BX1); cơ chế xử lý nợ đọng, trốn đóng BHXH (BX2); mục đích sử dụng tiền đóng BHXH (BX3); tình hình của đơn vị (BX4); nhận thức về chính sách BHXH (BX5);

chất lượng dịch vụ của cơ quan BHXH (BX6).

Bằng việc thiết lập bảng câu hỏi, điều chỉnh nhiều lần, tiến hành khảo sát chính thức, sau đó làm sạch dữ liệu và phân tích SPSS với mô hình định lượng EFA và RA cho ra kết quả sau cùng có 5 nhân tố tác động nhất định đến nợ đọng và trốn đóng BHXH, đó là: cơ chế xử lý nợ đọng, trốn đóng BHXH (BX2); mục đích sử dụng tiền đóng BHXH (BX3); tình hình của đơn vị (BX4); nhận thức về chính sách BHXH (BX5); chất lượng dịch vụ của cơ quan BHXH (BX6) với mức ý nghĩa Sig = 0 đáng tin cậy. Từ kết quả nghiên cứu hàm ý nhiều vấn đề về hướng giải quyết nợ đọng, trốn đóng BHXH cho các nhà xây dựng và thực hiện chính sách BHXH.

Có thể thấy rằng, để giảm thiểu tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH các nhà xây dựng chính sách phải chú ý đến 5 nhân tố vừa mới kiểm định qua mô hình, nghĩa là cần có biện pháp cải thiện đồng bộ hoặc lần lượt 5 khía cạnh đã tính toán và kiểm định được.

3.3.2.2 Dựa vào bài học kinh nghiệm rút ra ở chương 1

Trong nghiên cứu chương 1 phần 1.7, có thể rút ra một số lưu ý trong việc tổ chức, quản lý thu BHXH:

- Kinh nghiệm của Đức là xây dựng hệ thống giám sát NSDLĐ. Hằng năm kiểm tra tính tuân thủ của các vụ việc. Mỗi khu vực giám sát có cơ cấu tổ chức đầy đủ, đồng bộ. Văn phòng giám sát được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, máy tính nối mạng toàn hệ thống.

Xử lý nợ chia thành hai trường hợp: trường hợp không cố ý sẽ yêu cầu nộp các khoản quá tháng, trường hợp cố ý sẽ yêu cầu nộp khoản quá hạn + 1% lãi suất mỗi tháng.

Các trường hợp giả mạo hồ sơ, gian lận, lao động bất hợp pháp và những trường hợp chủ ý phạm tội sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan công tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Biện pháp thu, đốc thu của Hàn Quốc:

Các biện pháp đốc thu mà cơ quan BHXH Hàn Quốc đã thực hiện là: gọi điện, gặp trực tiếp sau đó gửi thư thúc giục đơn vị nợ BHXH. Thời gian được tính từ ngày công văn nhắc nhở tới các đơn vị sử dụng lao động đến hạn cuối cùng đóng BHXH được ghi trong công văn. Tập trung thu vào các doanh nghiệp có số tiền nợ nhiều và thời gian nợ kéo dài. Trong trường hợp quá thời hạn quy định cơ quan BHXH sẽ lên danh sách các đơn vị tiến hành truy vấn tài sản trên toàn quốc như bất động sản, phương tiện đi lại, nhà xưởng máy móc,… với sự trợ giúp của các cơ quan liên quan như bộ đất đai, giao thông.

Mở các khóa đào tạo nhằm nâng cao nghiệp vụ của các cán bộ phụ trách nợ đọng BHXH từ đó cho phép các cán bộ BHXH làm thế nào để xử lý vụ việc hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể.

Với các phương pháp như trên số nợ của Hàn Quốc đã giảm liên tiếp trong 4 năm từ 686 triệu USD (năm 2006) xuống 498 triệu USD (năm 2009).

3.3.3 Ni dung các gii pháp nhm gim thiu tình trng n đọng, trn đóng BHXH

3.3.3.1 Giải pháp về cơ chế xử lý nợ đọng, trốn đóng BHXH

- Mục tiêu thực hiện giải pháp: cơ chế xử lý nợ đọng, trốn đóng BHXH phải đủ mạnh để răn đe các doanh nghiệp. Khi cơ chế xử lý đủ mạnh doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc giữa số tiền có được do nợ, trốn đóng BHXH với số tiền nộp phạt, các biện pháp xử lý và uy tín doanh nghiệp bị mất.

- Biện pháp thực hiện:

+ Lãi suất chậm đóng BHXH phải cao hơn nhiều lần mức lãi suất ngân hàng.

Thêm vào đó phải tăng mức xử phạt vi phạm việc nợ đọng, trốn đóng BHXH. Các biện pháp xử lý bổ sung phải tăng mạnh, như: tịch thu giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc vĩnh viễn, tiến hành truy vấn tài sản,…

+ Xem xét coi hành vi nợ đọng, trốn đóng BHXH của cá nhân NSDLĐ là hành vi vi phạm hình sự nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng, dựa trên các căn cứ như: số tiền BHXH không đóng, thời gian không đóng BHXH, số lần bị nhắc nhở, số lần bị xử phạt hành chính do vi phạm việc đóng BHXH.

3.3.3.2 Giải pháp về sử dụng tiền đóng BHXH vào mục đích khác

- Mục tiêu thực hiện giải pháp: sử dụng tiền đóng BHXH đúng mục đích, đó là đóng BHXH cho NLĐ phải chuyển về tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH đúng thời gian và đủ số tiền. Đảm bảo quyền lợi cho NLĐ trong quá trình làm việc.

Tiền đóng BHXH cho NLĐ bao gồm khoản trích từ tiền lương, tiền công của NLĐ và khoản do NSDLĐ đóng không được sử dụng vào mục đích khác như: không được trả trực tiếp vào lương cho NLĐ, không được sử dụng để làm vốn kinh doanh, không được sử dụng để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Biện pháp thực hiện:

+ Tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng, trốn đóng để NSDLĐ không còn sử dụng tiền đóng BHXH cho NLĐ vào các mục đích khác.

+ Tuyên truyền cho NSDLĐ và NLĐ nhận thức đúng chính sách BHXH, coi việc đóng BHXH là một trách nhiệm cần phải thực hiện. Bên cạnh đó NLĐ cũng cần hiểu rõ vai trò của BHXH đối với chính họ để họ biết đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình, không đồng tình, thỏa thuận với NSDLĐ để trả tiền đóng BHXH trực tiếp và tiền lương, tiền công.

3.3.3.3 Giải pháp về nâng cao chất lượng dịch vụ cơ quan BHXH

- Mục tiêu thực hiện giải pháp: cơ quan BHXH phải chuyển đổi từ phong cách làm việc hành chính, cứng nhắc, thụ động sang phong cách phục vụ. Vì xét về bản chất BHXH là dịch vụ do nhà nước thực hiện. Nếu chất lượng dịch vụ tốt: mọi quy trình thủ tục đăng ký tham gia và hưởng BHXH nhanh, gọn, chính xác và khoa học;

minh bạch về thông tin liên quan đến BHXH; năng lực, phong cách phục vụ tốt thì sẽ thu hút nhiều NSDLĐ, NLĐ tham gia.

- Biện pháp thực hiện:

+ Cơ quan BHXH đơn giản quy trình thủ tục tham gia và hưởng BHXH, như:

NSDLĐ và NLĐ có thể đăng ký thông tin tham gia qua mạng.

+ Minh bạch thông tin về chế độ BHXH, thông tin về quá trình tham gia BHXH cho NLĐ và NLSDLĐ. Ví dụ như khi NLĐ cần biết thông tin về quá trình tham gia BHXH của mình có thể truy cập ngay lập tức về quá trình tham gia BHXH của mình và biết được hiện nay đơn vị SDLĐ có nợ BHXH không. Thực tế hiện nay, có những trường hợp khi NLĐ nghỉ việc hoặc do bị ốm đau, thai sản hay nghỉ hưu,… cần hưởng chế độ mà không được giải quyết mới biết rằng NSDLĐ đang nợ hoặc trốn đóng BHXH. Vậy minh bạch thông tin về quá trình tham gia BHXH cho NLĐ là điều cần thiết để NLĐ có thể bảo vệ quyền lợi của mình, giảm thiểu tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH.

+ Cơ quan BHXH cần nâng cao năng lực và phong cách phục vụ của cơ quan BHXH. Tiếp nhận hồ sơ tham gia, hưởng BHXH đúng, đủ và giải quyết nhanh nhất theo thời hạn quy định; đảm bảo cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin khi người tham gia cần; thủ tục, hồ sơ đơn giản, dễ hiểu; nâng cao trách nhiệm, tình thần, thái độ phục vụ của cán bộ BHXH;…

3.3.3.4 Giải pháp về nâng cao nhận thức về chính sách BHXH cho NSDLĐ và NLĐ - Mục tiêu thực hiện giải pháp: những biện pháp xử lý cứng rắn có thể không có tác dụng nếu như bản thân NSDLĐ và NLĐ không thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH. Vì vậy, làm cho NSDLĐ và NLĐ nhận thức đúng đắn về chính sách BHXH rằng tham gia đóng BHXH cho NLĐ là trách nhiệm cần phải thực hiện một cách tự nguyện. NLĐ thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH, họ sẽ đứng ra bảo vệ quyền tham gia BHXH của mình.

- Biện pháp thực hiện:

+ Tuyên truyền pháp luật về BHXH cho NSDLĐ và NLĐ bằng các hình thức như: phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH thông qua các phương tiện truyền

thông hiện đại như báo chí, phát thanh, truyền hình, website,…; tổ chức các buổi hội thảo; hướng dẫn, tư vấn qua điện thoại, trả lời văn bản, qua thư điện tử,…; tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng; tổ chức thi tìm hiểu BHXH;…

3.3.3.5 Giải pháp về giải quyết tình thế của đơn vị

- Mục tiêu thực hiện giải pháp: tìm ra biện pháp để một mặt tạo điều kiện cho đơn vị khắc phục tình hình khó khăn của đơn vị, một mặt vẫn tạo sự duy trì tham gia BHXH cho NLĐ trong đơn vị.

- Biện pháp thực hiện:

+ Những DN gặp khó khăn thực sự (có chứng minh) có thể cho nợ.

+ Những DN này sẽ phải cam kết đóng và gia hạn thời gian đóng.

+ Nếu DN cố tình trốn đóng, không cam kết đóng trả thời gian NLĐ đã làm việc có thể bị tăng mức phạt và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.3.3.6 Giải pháp về nội dung chính sách

- Mục tiêu giải pháp: sửa đổi một số nội dung chính sách theo hướng có lợi cho người tham gia BHXH. Nhằm thu hút NLĐ và NSDLĐ tham gia vào hệ thống BHXH và gắn bó lâu dài với chính sách này.

- Biện pháp thực hiện:

Tổ chức Công đoàn, đại diện NSDLĐ kiến nghị sửa đổi những nội dung như:

+ Không tiếp tục tăng mức đóng BHXH, chia sẻ mức đóng giữa NSDLĐ và NLĐ, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí đóng BHXH lên NSDLĐ như hiện nay. Ví dụ, có thể tỷ lệ đóng giữa NLĐ và NSDLĐ là 40% và 60% hoặc 50% và 50%.

+ Tăng mức hưởng, mức trợ cấp cho người tham gia. Ví dụ, nghỉ do ốm đau được hưởng trợ cấp trên 75% so với mức tiền lương khi đi làm.

+ Có nhiều loại trợ cấp hơn, nhiều chế độ hơn cho người hưởng. Ví dụ, trợ cấp gia đình khó khăn, là loại trợ cấp trong Công ước số 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO khuyến nghị các nước nên thực hiện.

Để tăng mức trợ cấp, có nhiều loại trợ cấp hơn cho người tham gia mà không tăng mức đóng thì cần có nguồn tài chính khác. Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay, có 05 nguồn hình thành quỹ trong đó nguồn hình thành có thể tăng thêm là

nguồn tiền từ các hoạt động đầu tư. Vậy, cần phải tăng cường mạnh mẽ các hoạt động đầu tư, mở rộng thêm nhiều hình thức đầu tư hơn hiện nay, cần quan tâm nhiều đến nguyên tắc hiệu quả đầu tư.

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NỢ ĐỌNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, TRƯỜNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.PDF (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)