Tư tưởng Phật giáo

Một phần của tài liệu Tư tưởng nho phật đạo trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 28 - 36)

Chương 2. SỰ THỂ HIỆN TƯ TƯỞNG NHO - PHẬT - ĐẠO TRONG

2.2. Tư tưởng Phật giáo

Văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều hệ tư tưởng:

Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Ở những thời kì khác nhau, những tác giả khác nhau, những tư tưởng này có thể ảnh hưởng ở mức độ đậm nhạt khác nhau.

Nếu như dòng văn học nhà chùa chiếm ưu thế số một trong giai đoạn đầu của lịch sử sáng tác trung đại (thế kỉ X- XIV) thì nó lại mờ nhạt dần ở những giai đoạn tiếp theo (thế kỉ XV, XVI, XVII), để rồi khi xã hội suy tàn, người ta lại tìm về cửa Thiền như một nơi trú ngụ cho phần hồn đang bị hoang mang đổ vỡ. Nguyễn Gia Thiều đã tìm về nẻo đường Phật giáo trong cảm quan tuyệt vọng về cõi đời này. Cảm quan ấy đã chi phối vào sáng tác của ông mà đặc biệt là Cung oán ngâm khúc.

25

Quê hương nhà thơ Nguyễn Gia Thiều ở thôn Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc thuộc một trong những trung tâm Phật giáo từ ngàn năm xưa. Vốn nổi danh với cái tên Luy Lâu, về sau nó trở thành đình tổ của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Một điều đáng lưu ý là không khí thời đại đã tác động đến đời sống tâm linh của Ôn Như Hầu. Bản thân ông sinh ra và lớn lên vào giai đoạn suy tàn của cuộc hôn phối chính trị vua Lê - chúa Trịnh, sau đó là vua Lê - Tây Sơn cuối cùng là sự khẳng định của vương triều Tây Sơn. Rõ ràng trong hoàn cảnh xã hội bạo loạn,việc tìm đúng con đường đi của người nho sĩ sẽ vận dụng mọi nguồn sáng tư tưởng để dung hòa với nhau và mong sự dung hòa tư tưởng ấy.

Sống trong giai đoạn các tư trào tư tưởng đan xen, nghệ sĩ Nguyễn Gia Thiều không thể lựa chọn một lời hòa giải cho đời sống tâm linh theo đúng cung cách của mình. Trong sự vận động nhiều chiều ấy, một nguồn tư tưởng hấp dẫn và đồng cảm sâu sắc nơi ông chính là Phật giáo. Xét toàn bộ tác phẩm Cung oán ngâm khúc ta sẽ thấy tư tưởng Phật giáo biểu hiện cụ thể qua các từ ngữ, thuật ngữ phản ánh qua các quan niệm đời sống của nhà Phật.

Trước hết ta dễ dàng nhận thấy tư tưởng Phật giáo được biểu hiện ở quan niệm “đời là bể khổ” trong Cung oán ngâm khúc. Nhà Phật nói: “Mọi sự sống đều đau khổ. Đau khổ vì ý muốn sống. Mà đã sống là phải sinh thành và hưởng thụ. Sinh thành là liên tục trải qua nhiều lần hóa thân từ kiếp này đến kiếp khác, do ý muốn hưởng thụ càng tăng thì đau khổ càng chồng chất qua các lần hóa thân. Ý muốn ấy càng giảm thì đau khổ càng giảm qua các lần hóa thân. Nhân quả ấy là quy luật mà ý muốn sống là động cơ. Vậy muốn thoát hẳn quy luật ấy để khỏi hẳn đau khổ chỉ có một cách là tiêu diệt ý muốn sống và nhập vào cõi hư vô. Hư vô mới là chân lí, là trường tồn, là niềm vui, là tĩnh lại. Còn cuộc đời là giả dối, là tạm bợ, là đau khổ là cõi vô thường. Với giọng văn thâm trầm, Ôn Như Hầu đã giải thích về nhân sinh, vũ trụ, ông cho rằng cuộc đời là một bể khổ mê tân, con người từ khi có mặt trên cõi đời này đã là khổ.

26

Thảo nào khi mới chôn nhau Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế Ai bày trò bãi bể nương dâu

Đây chính là quan niệm “sinh là khổ”, một trong bát khổ của Khổ đế mà Đức Phật đã nói trong Tứ Đế. Khổ là chân lí đầu tiên trong Tứ Đế, nó nói lên sự thống khổ của chúng sinh và “sinh là khổ” là điều đầu tiên mà Đức Phật nhắc đến. Khi mới sinh ra con người đã là khổ và nỗi khổ đó được báo trước nên tiếng kêu đầu tiên lại là tiếng khóc. Tại sao không phải tiếng cười mà là tiếng khóc vì tiếng khóc báo hiệu sự có mặt trên cõi đời này của con người mà sinh là nỗi khổ đầu tiên phải gánh chịu. Cùng quan điểm đó Nguyễn Công Trứ cũng có câu:

Thoắt sinh ra thì đã khóc chóe Trần có vui sao chẳng cười khì

Đức Phật cũng nói “nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển” và con người chỉ là cánh bèo trôi nổi dập dền trên bể khổ ấy.

Nghĩ thân phù thế mà đau Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê

Chỉ trong hai câu thơ mà có tới ba thuật ngữ là khái niệm triết học của Phật giáo “phù thế”, “bể khổ”, “bến mê”. “Bể khổ” từ Hán Việt có nghĩa là khổ ải. Đức Phật ví nỗi khổ của chúng sinh mênh mông như biển cả. “Bến mê” được tạo bởi chữ mê tân, nhà Phật nói sự ngờ vực nơi tam giới và lục đạo gọi là mê tân, thuyền lạc đường phải nhờ sự từ bi của Phật mới đưa sự thuyền vào bến. Cuộc đời con người cũng như con thuyền vậy không thể định hướng đi cho chính mình mà chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan. Ôn Như Hầu ví cuộc đời con như bọt bèo để dòng nước cuốn đi vào bền bờ vô định.

Đau đớn hơn cả khi con người không tìm ra được những gì mà mình muốn nên cứ phải dằn vặt trong bể khổ đau thương.

27

Sóng thuyền cửa bể nhấp nhô

Chiếc thuyền bào ảnh thấp tho mặt duềnh

Bào ảnh là cái bọt của bóng, tác giả muốn nói những sự vật trên đời đều không được lâu bền chỉ là tạm, là vô thường. Dù biết là tạm bợ hay giả dối nhưng khi đứng trên phương diện pháp tướng của nhà Phật mà nói cái mà con người đối diện với đau khổ, cơ cực của cuộc đời là có thật. Cái đau khổ đó không những người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc muốn thoát ra mà cả Nguyễn Gia Thiều cũng muốn phá tan cái bức bách ấy. Chính sự cay nghiệt của tạo hóa đã phần nào giết chết con người.

Tạo hóa đành hanh quá ngán Chết đuối ngồi trên cạn mà chơi

Sự chà đạp con người của xã hội phong kiến cùng với sự khắt khe của tạo hóa đã làm cho con người tái tê cõi lòng.

Đâu chỉ có “sanh là khổ” mà trong suốt cuộc từ trẻ đến già con người luôn đối diện với những khó khăn, những sợ hãi về cuộc sống, những cảnh lầm than, tang tóc:

Trắng răng đến thuở bạc đầu

Tử, sinh, kính, cụ làm nau mấy lần Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc Lớp cùng thông như đúc buồng gan

Đường đời với những chồng chất đắng cay với nỗi đau bệnh tật đã hành hạ thể xác lẫn tinh thần, tác giả khái quát bể khổ cuộc đời bằng những câu thơ giàu hình ảnh, bóng bẩy và có sức gợi sâu xa. Sự thống khổ của bệnh tật cứ đeo bám con người hàng ngày, hàng giờ:

Bệnh trần đòi đọa tâm can Lửa cơ đốt ruột dao hàn cắt da

Với hình ảnh của lửa, Nguyễn Gia Thiều đã dựa vào tư tưởng của kinh pháp hoa để nói về nỗi khổ của chúng sanh khi bị thiêu đốt trong nhà lửa của

28

tam giới “Tam giới bất an, do như hỏa trạch”. Ở đây, ông miêu tả sự bức bách trong tác phẩm này hàm ý nói lên nỗi khổ tâm của tác giả khi sống trong xã hội phong kiến đầy những điều “chướng tai gai mắt”. Nỗi đau khổ in thành hình thành vệt trên thân thể con người: lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da. Thật thấm thía nỗi đau nhân tình thế thái! Có lẽ ám ảnh nhất vẫn là câu hỏi về lẽ sinh tử của kiếp người. Bao nhiêu nước mắt thảm sầu, bao nhiêu thịt nát thương phơi diễn ra trong xã hội phong kiến đen tối. Thời đại Ôn Như Hầu khiến cho người ta phải băn khoăn về sự sống - chết và ôm một mối hoài nghi tuyệt vọng. Dưới ngòi bút luôn quằn quại, phấp phỏng của tác giả, xã hội mà ông đang sống giống như một đường hầm không có ánh sáng. Con người không chờ đợi bất cứ điều gì ở xã hội đó, bởi sẽ không có gì tươi đẹp đến với họ cả. Chính sự ngao ngán đó làm cho con người thêm mệt mỏi. Khi mùi đời chỉ toàn hương vị đắng cay thì còn gì đâu để bám víu:

Mùi tục lụy dường kia cay đắng Vui chi mà đeo đẳng trần duyên

Sống trong cuộc đời, Nguyễn Gia Thiều chứng kiến cảnh va chạm của công việc, của các mối quan hệ xã hội, gia đình dòng tộc bị sứt mẻ. Hoàn cảnh ấy đã tác động sâu sắc vào thế giới quan của nhà thơ.

Ngẫm nhân sự cứ gì ra thế Sợi xích thằng chi để vướng chân

Vắt tay nằm nghĩ cơ trần

Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa duyên

Sợi xích thằng là sợi dây đỏ hay dây tơ hồng. Điển tích này xuất phát từ tích của Vi Cố đời Đường ở Tống Đô, đêm đi chơi mát gặp một ông già xem sách ở dưới trăng bên cạnh có khay đựng tơ đỏ (xích thằng). Vi Cố hỏi đó là vật gì, ông lão đáp rằng: quyển sổ này ghi chép tên tuổi, đãy đựng sợi tơ đỏ để buộc duyên phận vợ chồng người. Ông lão không có tên, ông xem sách dưới

29

trăng nên gọi là Nguyệt lão. Chính sợi dây tơ hồng của Nguyệt lão đã cột chân người cung nữ làm cho nàng vướng chân không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đến nỗi nàng muốn có giọt nước cành dương của Bồ Tát Quan Âm làm nguội ái dục trong lòng để nàng được thanh thản. Câu thơ mượn hình ảnh nước dương bởi chữ Dương chi tịnh thủy, giọt nước nơi cành liễu. Phải nói rằng nguyên nhân đau khổ của người cung nữ bắt nguồn từ chữ

“ái”, chính nó làm nên biết bao phiền muộn bức bách. Một trong những nỗi khổ của Phật giáo là yêu nhau mà không đến được với nhau (thụ biệt ly) và nỗi khổ ấy đã đeo bám người cung nữ trong suốt cuộc đời. Người cung nữ tự nguyện canh giữ hoặc bị giam cầm trong chốn ái ân cũ và chỉ biết mòn mỏi ngóng trông người đàn ông quay lại. Điều này, ta còn bắt gặp trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn hay Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Xuyên suốt Chinh phụ ngâm là hình ảnh người chinh phụ mòn mỏi, héo úa vì mong ngóng người chồng nơi phương xa

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu, Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Hai câu thơ cho thấy nỗi nhớ người chồng nơi phương xa của người chinh phụ bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Nỗi nhớ ấy được cụ thể hóa bằng hình ảnh đường lên bằng trời. Từ láy “thăm thẳm” không dùng chỉ độ sâu mà nó diễn tả cả một bầu trời thương nhớ, nỗi nhớ bao trùm cả không gian. Thúy Kiều trong Truyện Kiều cũng thốt lên rằng

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Nỗi lòng Thúy Kiều vẫn còn ngổn ngang những tâm sự, vẫn còn trăm nghìn điều muốn nói với chàng, vẫn không kể xiết muôn vàn ái ân giữa chàng và nàng. Nàng gọi Kim Trọng là “tình quân”, nàng xót xa cho duyên phận ngắn ngủi của mình, nàng tự coi mình là người phụ bạc. Phải chăng một lần

30

nữa Nguyễn Du đã thể hiện đúng quy luật tâm lí của con người “sầu đong càng lắc càng đầy” duyên tình dẫu có cố tình vứt bỏ nhưng vẫn còn vương vấn tơ lòng là như vậy. Như vậy ta thấy cả ba người phụ nữ đều vướng vào chữ “ái” và họ đều đau khổ khi suốt đời đi tìm hạnh phúc.

Triết lí hư vô trong Cung oán ngâm khúc “cuộc đời là bể khổ” đã in đậm trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều, tác giả cảm thương cho thân phận con người đặc biệt là người cung nữ. Ông đã tiếp thu chân lí khổ đế của Đức Phật. Ngoài ra ta còn thấy xuất hiện trong khúc ngâm là quan điểm về nghiệp báo, tiền định, luân hồi. Nguyễn Gia Thiều cho rằng đời là tạm bợ nên phải ung dung tự tại để sống nhiều khi còn muốn tu hành thoát tục. Những điều này được thể hiện trong thơ ông nhưng chưa đạt đến sự giải thoát. Ông muốn thoát ra khỏi chế độ phong kiến đã khinh thường và áp bức con người đến mức nghẹt thở cũng như người cung nữ muốn phá tan cung cấm đã giam hãm mình bấy lâu nay mà không được. Điều này cho thấy làm người thật khó không phải muốn gì cũng được. Đó phải chăng do sự sắp đặt của tiền định mà con người không thể can dự vào:

Vẻ chi ăn uống sự thường Cũng còn tiền định khá thương lọ là

Những việc nhỏ như ăn uống mà còn do tạo hóa sắp đặt huống chi việc liên quan đến vận mệnh con người. Con người không thể cưỡng lại mà đành cam chịu số phận khắc nghiệt đã được tạo hóa định trước. Đó là tâm trạng bế tắc của Nguyễn Gia Thiều hay sự bế tắc của xã hội phong kiến thế kỉ XVIII.

Xã hội bế tắc là do con người hay do tiền định, một câu hỏi không có giải đáp. Theo ý của Ôn Như Hầu thì “tiền định” có nghĩa là nghiệp. Đây là một quan điểm của đạo Phật. Do nhân của tiền kiếp của người cung nữ đã gieo cho nên ngày nay phải gánh quả báo, phải chịu tất cả đau khổ. Do nghiệp của thân, khẩu, ý tạo tác mà ngày nay người cung nữ khó có thể thoát được dù có

31

muốn tháo hay không. Chính cái nghiệp này đã trói buộc cuộc sống con người nên nếu con người có vùng vẫy cũng không thể thoát nên đành chấp nhận.

Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng nói:

Đã mang lấy nghiệp vào thân Cũng đừng trách Trời gần Trời xa

Cuộc đời con người như đã được định sẵn từ trước nên con người chỉ biết chấp nhận mà thôi. Số phận người cung nữ cũng vậy dù có muốn phá tan nơi cung cấm thì nàng vẫn phải chấp nhận thực tại đau thương, phũ phàng.

Chịu ảnh hưởng chủ yếu của Phật giáo nên tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều nhuốm âm hưởng bi quan. Trong tác phẩm, Nguyễn Gia Thiều không kể lể dài dòng, không tả cảnh, tả người tỉ mỉ. Ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, những cảm xúc băn khoăn đau đớn thành hình tượng nghệ thuật. Mỗi hình tượng chất chứa bao bão táp trong cuộc đời thực. Đi từ cuộc đời và kiếp người, Nguyễn Gia Thiều suy rộng ra muôn vật muôn loài.

Không chỉ là sự thê thảm của một người , một lớp người mà là của mỗi người, không chỉ là thế mà là của muôn vật. Tất cả đều ê chề đớn đau, đều hư vô.

Hình mộc thạch vàng kim ố cổ Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong Tiêu điều nhân sự đã xong Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ Quán phong thu ủ rũ tà huy Phong trần đến cả sơn khê Tan thương đến cả hoa kia cỏ này.

Cách quan niệm về nhân thế của Nguyễn Gia Thiều đậm màu sắc tan thương, ảm đạm, nó khác xa cái nhìn ung dung, tự tại, lạc quan của văn học Thiền tông thời Lí - Trần. Chính thời đại đã đem lại cho văn chương màu sắc

32

đổi thay. Với tác giả Lí - Trần, Phật giáo là phương tiện biểu đạt sự thanh thản trong tâm hồn: “Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi” (Vạn Hạnh), là phương tiện thể hiện cái nhìn tích cực về cuộc đời “cuộc đời không phải sớm nở tối tàn, mà là tàn rồi lại nở, diệt rồi lại sinh”. Còn với Nguyễn Gia Thiều, Phật giáo là con đường giúp người ta lẩn tránh bể khổ. Nó cũng củng cố cho con người tư tưởng bi quan, tin vào lời phán xét của Thích Ca và cũng lại muốn mượn cảnh bụt để giải thoát tâm hồn.

Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật Mổi thất tình quyết dứt cho xong

Như vậy ta bắt gặp sự cắt nghĩa phức tạp của nhà thơ về cuộc đời. Chưa bao giờ quan niệm về cuộc đời, về con người lại bị đẩy đến mức cực đoạn như trong Cung oán ngâm khúc.

Cả tác phẩm nhuốm màu bi quan, chán chường song vẫn nổi lên tinh thần nhân đạo. Ôn Như Hầu thấy mình cũng như người cung nữ, đều là nạn nhân của chế độ phong kiến nên ông cảm thông và chia sẻ sâu sắc với họ. Vì vậy tác phẩm vẫn toát lên tinh thần nhân đạo, làm lay động trái tim người đọc.

Tóm lại tư tưởng đạo Phật thấm đẫm trong tác phẩm Cung oán ngâm khúc, nó thể hiện những suy nghĩ của Nguyễn Gia Thiều về cuộc đời và về ngoại vật, là một quan niệm về vũ trụ và nhân sinh bế tắc. Tác phẩm của ông không chỉ đượm nỗi buồn man mác mà cái chính là sự phẫn uất trước thực tế.

Nguyễn Gia Thiều vượt ra ngoài ý thức tôn quân nhà nho để lên tiếng đề cao điều đáng quý là sự trung thực của ngòi bút. Là một nghệ sĩ ông không lẩn tránh trước hiện thực, không che đậy những cái đáng nguyền rủa. Vì vậy, Cung oán ngâm khúc vẫn cho ta ý niệm về sự sụp đổ của thời đại bấy giờ.

Một phần của tài liệu Tư tưởng nho phật đạo trong cung oán ngâm khúc của nguyễn gia thiều (Trang 28 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(50 trang)