Di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Quản lý khai thác di sản văn hóa quan họ bắc ninh trong hoạt động du lịch (Trang 117 - 132)

Phần II. Quản lý khai thác di sản văn hóa Quan họ trong hoạt động du lịch

2. Di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, loại hình dân ca Quan họ có đến 213 giọng khác nhau với hơn 400 bài ca. Khác với nhiều sinh hoạt dân ca trong vùng Bắc Bộ mang yếu tố đóng kín, Quan họ Bắc Ninh đã tiếp thu nghệ thuật của chèo, chầu văn, ca trù. Theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, dân ca Quan họ Bắc Ninh thuộc hình thức: nghệ thuật trình diễn.

Xuất phát từ môi trường lao động, chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa;

người dân vùng Bắc Ninh đã sáng tạo ra giá trị văn hóa của chính mình, đó là dân ca Quan họ Bắc Ninh, và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cho đến ngày nay, nó tồn tại trong 49 làng Quan họ gốc và vẫn ảnh hưởng đến những làng xung quanh tạo nên một không gian văn hóa Quan họ. Do đó, mỗi khi nói đến dân ca Quan họ thì người ta biết ngay đó là dân ca vùng đất nào.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh tồn tại trong một môi trường văn hóa với những tập quán xã hội riêng. Đó là tục kết chạ giữa các làng Quan họ. Trong 44 làng Quan họ cổ của tỉnh Bắc Ninh đã có 33 cặp kết chạ, chiếm gần 80%

trong tổng số các làng Quan họ. Hai làng hoặc nhiều làng kết nghĩa với nhau gọi là “kết chạ”. Từ tục kết chạ, trong các bọn quan họ xuất hiện tục kết bạn Quan họ. “Bọn Quan họ” là tên được đặt ra để chỉ tổ chức cơ sở của Quan họ.

Tổ chức Quan họ ở cơ sở bao giờ, ở đâu cũng phải là một tập thể cùng giới tính, nghĩa là gồm toàn nam hoặc gồm toàn nữ, người đứng đầu bọn Quan họ nam là ông trùm và người đứng đầu bọn Quan họ nữ là bà trùm. Ông trùm, bà

trùm Quan họ chính là các liền anh, liền chị đã lớn tuổi, không trực tiếp đi hát Quan họ nữa, đứng ra tập hợp lực lượng để thành lập bọn Quan họ. Một số nơi còn gọi là anh cả, chị cả. Những người trực tiếp tham gia ca hát, sinh hoạt văn hóa Quan họ thì được gọi là các liền anh, liền chị Quan họ. Một bọn Quan họ chỉ và chỉ được có 5 liền anh (bọn Quan họ nam) và 5 liền chị (bọn Quan họ nữ). Các liền anh, liền chị đều được phân định thành tên phiếm chỉ theo thứ tự số lượng: anh Hai, anh Ba… anh Sáu và chị Hai, chị Ba… chị Sáu.

Về địa điểm sinh hoạt văn hóa Quan họ, ngoài đình, đền, sân chùa…thì

“nhà chứa” cũng là nơi thường xuyên hội họp, tập luyện, “ngủ bọn” của bọn Quan họ và lớp đàn em học hát. “Bọn Quan họ” thường rủ nhau ngủ bọn ở nhà ông (bà) trùm để học câu, luyện giọng, luyện cho hợp giọng nhau để cùng đi hát. Ngoài ra, nhà chứa dùng làm nơi đón tiếp Quan họ bạn, mời cơm Quan họ bạn, tổ chức hát canh giữa bọn Quan họ sở tại và bọn Quan họ kết nghĩa với mình trong dịp lễ hội mùa xuân của làng. Mỗi bọn Quan họ đều có nhà chứa riêng của mình.

Về tục kết bạn Quan họ: các bọn Quan họ ở các làng Quan họ kết nghĩa với nhau gọi là kết bạn Quan họ. Việc kết bạn Quan họ thực hiện theo nguyên tắc “âm dương tương cầu”, nghĩa là bọn Quan họ nam kết bạn với bọn Quan họ nữ và nguyên tắc “làng đối làng”, có nghĩa là bọn Quan họ nam của làng này kết bạn với bọn Quan họ nữ của làng kia. Các bọn Quan họ cùng một làng không bao giờ kết bạn với nhau.

Hiện nay, sinh hoạt văn hóa Quan họ tồn tại ở rất nhiều làng quê Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 49 làng Quan họ gốc (44 làng ở Bắc Ninh và 5 làng ở Bắc Giang). Có 3 tiêu chí xác định làng Quan họ gốc:

- Làng phải có ít nhất một bọn Quan họ nam và một bọn Quan họ nữ.

- Các bọn Quan họ của làng phải kết bạn với các bọn Quan họ của làng khác theo nguyên tắc bọn Quan họ nam kết bạn với bọn Quan họ nữ.

- Hai tiêu chí trên phải tồn tại tối thiểu là ba đời.

Cho đến nay, dân ca Quan họ vẫn tồn tại ở làng quê Bắc Ninh. Hàng năm, đến hẹn lại lên, mỗi khi vào mùa lễ hội, câu hát Quan họ lại vang lên khắp thôn xóm. Lời ca Quan họ là những câu hát trữ tình, bay bổng, cuốn hút lòng người. Cùng với câu hát là những sinh hoạt văn hóa khác, thể hiện rõ bản sắc văn hóa vùng Kinh Bắc xưa. Chính với những ý nghĩa đó, Quan họ Bắc Ninh được coi là di sản văn hóa phi vật thể, có ý nghĩa quan trọng và đã được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

3.Ca từ Quan họ Bắc Ninh

Nghệ nhân quan họ Tạ Thị Hình (Bồ Sơn) cho biết: Lời của một bài ca Quan họ có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca; lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi (như: í hi, ư hư, a ha...).

Còn ông Nguyễn Văn Vĩ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Bồ Sơn cho hay: Từ xa xưa người dân Bồ Sơn vốn yêu ca hát. Trai, gái ai cũng thuộc đôi ba lời Quan họ làm vốn ứng xử. Mỗi một câu, một chữ Quan họ là lời ăn tiếng nói được kết tinh từ sự trải nghiệm của người xưa trong cách đối nhân xử thế, lịch thiệp và tao nhã của người Quan họ.

Nội dung của các bài ca Quan họ vô cùng phong phú. Như chúng ta đã biết, Quan họ là sản phẩm sáng tạo của người dân lao động. Do đó, nội dung dân ca Quan họ sẽ phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của chính người dân lao động. Tuy nhiên, việc thể hiện tình cảm trong ca từ Quan họ cũng hết sức ý nhị, nhẹ nhàng. Người Quan họ thường dùng thiên nhiên để ướm hỏi, bày tỏ tình cảm hoặc dùng thiên nhiên để giận hờn oán trách. Thiên nhiên được đưa vào dân ca thường là hình ảnh của khóm trúc, cây tre, ao cá, cây đa, cái quán, thuyền nan, con đò...

Có thể nói, phần lớn những bài dân ca Việt Nam là những bài ca trữ tình, những bài ca để thổ lộ tình cảm yêu thương. Trong dân ca Quan họ chủ yếu nhằm mục đích tình cảm lứa đôi, rất ít nội dung nói về lao động, hoặc có

chăng thì cuối cùng cũng là nhằm thông qua lao động để nói lên tình cảm đôi lứa. Tuy nhiên, trong văn hóa Quan họ, có một quy định nghiêm ngặt là các bọn Quan họ kết nghĩa thì không bao giờ được lấy nhau. Cũng chính vì không thể yêu nhau, lấy nhau nên mối quan hệ của các bọn Quan họ đã trở thành một mối quan hệ keo sơn. Mọi tình cảm của người Quan họ được dồn nén trong câu hát. Vì vậy, khi ca câu Quan họ, người hát thể hiện được cảm xúc làm cho lời ca, giai điệu càng trữ tình, mượt mà đến độ “say đắm lòng người”

như có ý kiến nhận xét.

Những bài ca Quan họ cũng là những lời tâm tình, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ bạn bè. Họ chơi với nhau, kết nghĩa với nhau bằng cái ân, cái nghĩa, bằng sự chân thành, nhiệt tình. Bởi thế, mới có câu: “Dẫu rằng lở núi Tản Viên Cạn sông Tô Lịch chẳng quên nghĩa người” hay “Hôm nay sum họp trúc mai. Tình chung một khắc nghĩa dài trăm năm” hoặc: “Nghĩa người em bắc lên cân. Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”.

4.Phong tục trong giao du hát Quan họ

Qua người dân làng Diềm cho biết về lề lối ca hát Quan họ thường mang tính thống nhất cao trong toàn vùng Quan họ. Nhưng, trong giao du gắn liền với ca hát Quan họ, tuy về đại thể thì gần gũi nhau, nhưng giữa các làng cũng có những nét khác nhau. Sau đây là một số nét phong tục có nhiều làng tuân thủ.

*Tục kết bạn

Tục kết bạn trong Quan họ có những chi tiết khác nhau giữa các làng, nhưng cũng có những nét chung. Có nơi, cùng một thời gian, nhóm Quan họ này kết bạn với 2, 3 nhóm Quan họ khác và sự kết bạn ấy có khi chỉ kéo dài vài, ba năm: Thị Cầu, làng Yên, Ngang Nội v.v... rồi lại kết với nhóm khác.

Có nơi, 2 nhóm nam nữ Quan họ đã kết bạn với nhau rồi thì không kết bạn với nhóm thứ ba và có tục lệ không bao giờ lấy nhau, giữ đường đi lối lại trọn đời: Bồ Sơn - Y Na. Có nơi, như Diềm và Bịu, 2 nhóm đã kết bạn thì không

kết bạn với nhóm thứ ba, không những thế, cả bên nam, bên nữ, mỗi bên còn gây dựng một nhóm em bé Quan họ để dẫn dắt họ lại kết bạn với nhau, cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, hàng trăm năm, tạo nên một tình bạn truyền đời. Những nhóm Quan họ này thường có tục không lấy nhau thành vợ chồng.

Có nơi chỉ có Quan họ nam như Thị Cầu, Ngang Nội, Sen Hồ... nên chỉ mời và kết bạn với Quan họ nữ ở nơi khác. Có nơi có cả Quan Họ nam và Quan họ nữ, khi đi tìm bạn để kết ở làng khác, thường rủ nhau một nhóm nam và một nhóm nữ làng này đến kết bạn với một nhóm nữ và một nhóm nam làng kia, tạo nên tình bạn tay tư hoặc còn gọi là bộ bốn.

Tuy có những điểm khác nhau trong tục kết bạn, nhưng nhìn chung, có những điểm giống nhau:

- Đã là Quan họ kết bạn thì phải khác giới, khác làng, đều là anh, là chị, là em của nhau, rất ít khi Quan họ đã kết bạn lấy nhau thành vợ chồng.

- Dù giữ tình bạn kết trong một số năm, hoặc trọn đời, hoặc truyền đời thì các Quan họ vẫn cư xử thân thiết, quý trọng, giữ đường đi lối lại thăm hỏi khi vui buồn đến trọn đời.

- Khi đi hội hè hoặc đi ca hát ở đâu, các Quan họ kết bạn thường hẹn rủ nhau cùng đi. Mỗi khi làng có hội lệ, hoặc những việc vui mừng Quan họ kết bạn cũng thường mời nhau đến nhà ca hát.

- Cũng có sự đùm bọc lẫn nhau về vật chất những khi một ai đó trong nhóm Quan họ kết bạn gặp hoạn nạn, khó khăn.

- Trong giao tiếp thường giữ gìn phong độ lịch sự; từ ngôn ngữ, cử chỉ, khi đứng, khi ngồi, từ chén nước, miếng trầu, mâm cơm thết bạn… đều biểu lộ sự tôn trọng, quý mến lẫn nhau. Không có sự suồng sã, thô lỗ trong giao tiếp Quan họ.

* Tục rủ bọn

Muốn đi hát Quan họ phải có bọn: bọn nam hoặc bọn nữ. Từ bọn xưa có lẽ không mang nhiều nghĩa xấu như hiện nay.

Có nơi do các anh nhớn Quan họ, chị nhớn Quan họ đứng ra rủ bạn cho các em bé Quan họ. Nhưng cũng có nhiều nơi do lòng yêu thích ca hát Quan họ, còn gọi là chơi Quan họ, những chàng trai, cô gái 15, 16, 17 tuổi tự rủ nhau thành bọn rồi tìm đến một vài anh nhớn, chị nhớn hoặc vài cụ Quan họ để học ca hát, rồi nhờ các bậc đi trước đưa đường, chỉ lối, bắc cầu cho tìm nơi kết bạn…

Mỗi bọn Quan họ thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên từ chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm hoặc anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, có đôi làng có đến anh Sáu, chị Sáu. Nếu số người đông đến 7, 8 người thì có thể đặt thêm:

anh Ba (bé), chị Tư (bé) v.v… mà không đặt anh Bẩy, chị Tám v.v… Không có chị Cả, anh Cả trong bọn Quan họ.

Khi ra hội hoặc giao tiếp giữa các Quan họ, thường gọi nhau bằng tên anh Hai, chị Ba… hoặc liền anh Quan họ, liền chị Quan Họ mà không gọi tên thật. Vùng Quan họ, xưa, trong khẩu ngữ, người ta không nói đàn ông, đàn bà để phân biệt nam nữ mà nói: liền ông, liền bà.

Trong một bọn Quan họ, tuy có chia ra anh Hai, Ba, Tư, Năm… nhưng họ sống bình đẳng, đùm bọc, thương yêu, gắn bó cùng nhau. Cả ngày lao động, nhưng đêm đến, họ thường rủ nhau ngủ bọn ở nhà một anh nhớn, một chị nhớn nào đấy để học câu, luyện giọng. Trước tiên là học đủ lối, đủ câu;

luyện giọng sao cho mẫm, cho nền, cho vang, cho ngọt, cho nẩy, cho rền. Sau đó là tập nói năng, lề lối ứng xử, giao tiếp, rồi mới tiến đến chỗ đi hát hội, kết bạn, hát canh, hát thi. Cao hơn nữa là biết đặt câu (sáng tác lời thơ làm lời bài ca), bẻ giọng (phổ nhạc cho thơ) và ứng đối kịp thời. Những bọn Quan họ này thường là bạn trọn đời cả trong ca hát và ở đời thường. Họ phải ghép và luyện sao cho từng đôi một thật hợp giọng nhau, để đi ca hát. Thường mỗi đôi hát một số bài, lần lượt thay nhau cho trọn canh hát. Có những đôi nam, đôi nữ nổi tiếng đủ lối, đủ câu, giọng vang như chuông… trong giới Quan họ trong những thời điểm khác nhau, ở những thế hệ khác nhau.

5.Giao tiếp trong sinh hoạt văn hoá Quan họ

Theo NSƯT. Nguyễn Quý Tráng – Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh cho biết: Nề nếp Quan họ đòi hỏi mọi người khi đã đến với Quan họ đều phải lịch sự, trang nhã từ trang phục, cử chỉ, ngôn ngữ, khi ăn, nói, lúc đứng ngồi… cho đến miếng trầu, chén nước. Cho nên giao tiếp trong ca hát Quan họ là một mảng giá trị đẹp trong văn hóa lối sống, văn hóa giao tiếp của một thời.

- Mời và tiếp khách Quan họ.

Một nhóm Quan họ này muốn mời một nhóm Quan họ đến nhà mình ca hát một canh thì cũng phải biết mời theo lề lối. Sau khi đã hẹn trước ngày sẽ sang mời, nhóm đi mời thường đi ít nhất là hai người mang theo một cơi trầu đến làng Quan họ của bạn. Khi đến nơi, bên chủ thường đã tụ họp đủ cả nhóm Quan họ ở nhà hẹn nào đấy để đón. Trước nhóm Quan họ và có cả thày, mẹ của anh Hai, hoặc chị Ba (căn nhà đã hẹn), những người mời phải đặt cơi trầu lên bàn rồi trang trọng nói:… “Năm mới, tháng xuân, chị em chúng em (hoặc anh em chúng em) sang đây, trước là thăm thày, thăm mẹ, chúc thày, chúc mẹ sống lâu, giàu bền, sau là thăm anh Hai, anh Ba, anh Tư, anh Năm, đương (đông) Quan họ liền anh, chúc đương Quan họ liền anh năm mới thêm tài, thêm lộc, sau nữa là ngỏ lời xin phép thày mẹ, mời anh Hai, anh Ba, anh Tư…

đương Quan họ liền anh, đến ngày X, tháng Y, đến vui hội cùng làng em, cùng chúng em ca vui một canh cho vui dân, vui hội, cho chị em chúng em học đòi đôi lối, đôi câu…”. Thường là Quan họ bạn nhận lời, làm cơm thết bạn và thế nào tối hôm đó cũng “ca dăm câu” để mừng cuộc hội ngộ, sau đó, bên được mời lại ân cần tiễn đưa bên đi mời một đoạn đường dài khỏi làng mình mới trở lại.

Sau khi biết bạn nhận lời, bên đi mời về tấp nập sửa soạn: luyện tập ca hát, lo xếp đặt, trang hoàng căn nhà sẽ là nơi gặp gỡ ca hát, lo đóng góp tiền nong mua sắm thức ăn, thức uống, lo người nấu nướng khéo léo, v.v…

Đúng hẹn khách đến, bên chủ phải ra tận đầu làng đón khách đưa về điểm sẽ hát. Với nét mặt hồ hởi, hân hoan thái độ ân cần niềm nở, chủ lấy thau, khăn mặt, mời khách đi rửa mặt, chân tay rồi đón khách vào nhà.

Trong nhà đón khách đã kê, xếp bàn, ghế, giường phản sạch sẽ, gọn gàng với đông đảo các bậc cha mẹ, bạn bè cùng mừng vui đón khách.

Mời khách uống nước, xơi trầu, chuyện trò thăm hỏi thật thân tình thắm thiết. Nước uống mời Quan họ, nhiều nơi pha trà ướp hương sen, hoặc hương sói, hương ngâu, hương nhài, hương bưởi.

Miếng trầu cũng phải bổ miếng cau, lạng miếng vỏ sao cho mịn đường dao. Cau chọn loại vừa đến hạt - lá trầu tìm cho được lá trầu ngon vừa cay, vừa thơm. Vỏ ngon nhất vẫn là loại vỏ sen, mềm, mịn, dày cùi, vị chát ngọt.

Nếu trời lạnh, trong miếng trầu têm cánh phượng có cài thêm chút quế hoặc chút hồi cho thêm thơm, thêm nồng, thêm đượm. Có nơi nhuộm vôi trắng thành vôi hồng.

Sau khi mời trầu, nước, Quan họ bắt đầu vào canh hát.

Đến chừng nửa đêm, Quan họ chủ thường mời Quan họ khách ăn tiệc mặn, hoặc tiệc ngọt, hoặc cả hai.

- Tiệc mặn Quan họ.

Tuỳ theo từng làng, cũng có những nét riêng. Nhưng nhìn chung, cỗ mời Quan họ ăn thường là cỗ to, bày ba dàn trên mâm khi mới bưng lên.

Những món ăn thường là những món trong cỗ ngày hội, ngày khao: các loại giò (giò nạc, giò mỡ, giò thủ, giò hoa…), măng, miến, mọc, bóng… Cỗ to nhưng quan trọng nhất vẫn là lời chào cao hơn mâm cỗ. Các Quan họ chủ chia nhau ân cần mời mọc Quan họ khách: “Năm, năm mới, tháng, tháng xuân, mỗi năm có một lần vui hội… Thôi thì, bây giờ canh đã quá khuya, anh em chúng em xin mời chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm… Quan họ uống chén rượu mừng xuân, mừng hội, vui bầu, vui bạn… rồi sau đây lại ca xướng cho tàn canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày… đấy ạ”.

Một phần của tài liệu Quản lý khai thác di sản văn hóa quan họ bắc ninh trong hoạt động du lịch (Trang 117 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)