CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC THÔNG QUA DẠY HỌC KIẾN TẠO
1.2. Dạy học kiến tạo
1.2.2. Hai loại kiến tạo trong dạy học
Xuất phát từ bản chất của kiến tạo trong dạy học, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có Paul Ernest đã phân chia kiến tạo trong dạy học thành hai loại như sau:
Kiến tạo cơ bản
Trong cách phân chia này, kiến tạo cơ bản là một quan điểm nhận thức, nhấn mạnh tới cách thức cá nhân xây dựng tri thức cho bản thân trong quá trình học tập. Quá trình kiến tạo tri thức là một quá trình vận động, phát triển và tiến hóa chứ không phải là một quá trình tĩnh lại, đứng im.
Kiến tạo cơ bản đề cao vai trò chủ động và tích cực của mỗi cá nhân trong quá trình nhận thức và cách thức cá nhân xây dựng tri thức cho bản thân. Kiến tạo cơ bản quan tâm đến sự chuyển hóa bên trong của cá nhân trong quá trình nhận thức, đồng thời coi trọng những kinh nghiệm của người học trong quá trình người học hình thành thế giới quan khoa học cho bản thân. Kiến tạo cơ bản coi trọng thế giới kinh nghiệm của
người học trong quá trình người học hình thành thế giới quan khoa học cho mình. Sự nhấn mạnh tới kiến tạo cơ bản trong dạy học là sự nhấn mạnh tới vai trò chủ động của người học. Sự chủ động của mỗi cá nhân trong quá trình học thể hiện rõ ràng giả thuyết
“Nhận thức là quá trình người học thích nghi với môi trường, thông qua các hoạt động đồng hóa và điều ứng các tri thức và kinh nghiệm sẵn có của mình sao cho thích ứng”.
Trong quá trình này chủ thể nhận thức suy nghĩ để loại bỏ những quan niệm cũ không phù hợp nữa và chọn lọc những tri thức mới, phù hợp với thế giới quan. Tri thức mới được hình thành bao gồm cả quá trình loại bỏ, kế thừa và phát triển các quan niệm sẵn có của người học. Trong khi đó, sự cô lập về tổ chức nhận thức của người học thể hiện ở chỗ: kiến tạo cơ bản chỉ tập ttrung quan tâm đến vai trò của chủ thể trong quá trình nhận thức mà không thấy được vai trò và những tác động của những yếu tố xã hội khác đối với quá trình nhận thức.
Tóm lại, từ những phân tích trên ta thấy kiến tạo cơ bản khẳng định vai trò chủ động của người học trong quá trình nhận thức. Người học tự xây dựng nên tri thức cho bản thân mình trong quá trình học tập, do vậy, họ trở thành người sở hữu tri thức đó. Về điều này, Ellerton và Clemente đã khẳng định “…Điểm mạnh quan trọng nhất của kiến tạo cơ bản trong giáo dục là con đường tự tìm kiến thức để tạo nên “quyền sở hữu” hoàn toàn xác đáng cho người học. Tuy nhiên, khi coi trọng quá mức vai trò của các cá nhân trong quá trình nhận thức cũng chính là đặt HS vào tình trạng cô lập, làm mất đi sự xung đột mang tính xã hội trong nhận thức. Do vậy, kiến thức được kiến tạo thiếu đi tính xã hội. Biểu hiện là kết quả của kiến tạo cơ bản thường dẫn đến những quan niệm khác nhau của các cá nhân về cùng một sự kiện, thậm chí trong cùng một hoàn cảnh như nhau nhưng mỗi người tự kiến tạo tri thức cho bản thân mình là không giống nhau. Trong số đó, có cái phù hợp, có cái chưa phù hợp, thậm chí có cái hoàn toàn sai trái với tri thức khoa học. Những kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, những quan niệm sai trái và chưa phù hợp với tri thức khoa học thường tồn tại vững chắc và trở thành chướng ngại trên con đường tổ chức nhận thức cho học sinh trong dạy học. Mặt yếu này của kiến tạo cơ bản sẽ được khắc phục bở kiến tạo xã hội.
Kiến tạo xã hội
Theo Nor Joharudden Mohd nor, kiến tạo xã hội là quan điểm nhấn mạnh đến vai trò của các yếu tố văn hóa và cac điều kiện xã hội và sự tác động của các yếu tố đó đến sự hình thành kiến thức. Quan điểm này được xây dựng trên các tư tưởng cơ bản sau:
- Tri thức được cá nhân tạo ra nên phải xứng đáng với các yêu cầu của tự nhiên và thực trạng xã hội đặt ra.
- Người học đạt được các tri thức mới bởi quá trình nhận thức:
Dự báo -> Kiểm nghiệm -> Thất bại -> Thích nghi -> Tri thức mới.
Kiến tạo xã hội xem xét cá nhân trong mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực xã hội. Nhân cách của chủ thể được hình thành thông qua sự tương tác của họ với những người khác. Kiến tạo xã hội cũng nhìn nhận chủ thể nhận thức trong mối quan hệ sống động với môi trường xã hội. Kiến tạo xã hội không nhấn mạnh một cách cô lập tiềm ẩn là con người trong sự đối thoại. Tư duy được xem như một phần của hoạt động mang tính xã hội của các cá nhân.
Quan điểm kiến tạo trong dạy học đồng thời cũng nhấn mạnh những luận điểm sau:
- Nhân loại cùng nhau khám phá thế giới và xây dựng nên kho tàng tri thức. Những tri thức khách quan đều manh tính xã hội.
- Tri thức là sản phẩm của con người và được kiến tạo cả về mặt xã hội và văn hóa.
Mỗi cá nhân làm cho nó có ý nghĩa thông qua sự tương tác với người khác và với môi trường mà họ đang sống.
- Nền tảng của tri thức là ngôn ngữ với những quy ước, quy tắc và ngôn ngữ mang tính xã hội.
- Những quá trình mang tính xã hội giữa các cá nhân dẫn tới các tri thức chủ quan của mỗi cá nhân, những tri thức chủ quan đó sau khi được xã hội thức nhận thì trở thành tri thức khách quan.
- Việc học được kiến tạo một cách tích cực dựa trên việc đưa ra vấn đề, giải quyết vấn đề, sự khám phá mang ý nghĩa cộng tác.
Tóm lại, có thể thấy rằng các nhà kiến tạo xã hội xem xét việc học là một quá trình xã hội. Học tập không chỉ là một quá trình chỉ diễn ra trong đầu óc con người, không phải là sự phát triển thụ động về các hành vi của con người, mà được hình thành bởi những tác động bên ngoài. Việc học chỉ có ý nghĩa khi các cá nhân bị thu hút vào các hoạt động mang tính xã hội. Dễ thấy ưu điểm của kiến tạo xã hội là nhấn mạnh vai trò của các yếu tố xã hội trong quá trình kiến tạo tri thức, bởi vì trong quá trình kiến tạo tri thức nếu xung đột mang tính cá nhân chỉ có ý nghĩa quan trọng trong một số giai đoạn thì sự xung đột giữa các cá nhân mới là động lực quan trọng trong quá trình phát triển trí tuệ người học.
Vì vậy nếu quá thiên về kiến tạo xã hội thì vai trò của chủ thể trong quá trình nhận thức không được thể hiện một cách rõ nét.
Ta nhận thấy rằng, cả kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội đều mang những ưu nhược điểm nhất định. Trong khi kiến tạo cơ bản đề cao vai trò của cá nhân thì kiến tạo xã hội đề cao vai trò của những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của người học. Chính vì vậy, để tổ chức hoạt động dạy học có hiệu quả, người giáo viên phải biết tạo ra những môi trường học tập thuận lợi, sao cho nhờ những kinh nghiệm cùng với những kiến thức, kỹ năng đã có, người học có thể mở rộng và thiết kế lại sự hiểu biết, kiến thức và kỹ năng của bản thân. Đồng thời, không thể coi nhẹ vai trò của người giáo viên và các bạn đồng môn. Người học sẽ quan sát giáo viên trong hành động, tư duy và tìm cách tiếp cận nó như là một mô hình mẫu. Mỗi cá nhân HS cần được tạo môi trường, điều kiện để trao đổi tương tác với các bạn trong lớp (kiến tạo xã hội). Thông qua đó, những kinh nghiệm cũ và kiến thức mới sẽ được kết hợp và định hướng vào sự hiểu biết của bản thân. Mô hình do GV đưa ra sẽ không được chủ thể tiếp nhận hoàn toàn mà được điều chỉnh cho phù hợp với sự hiểu biết của bản thân HS.