Kết quả sau 30 ngày điều trị, cả 2 nhóm đều có tỷ lệ phục hồi liệt rõ rệt so với trước điều trị, nhưng tỷ lệ độ 1 và độ 2 ở nhóm NC (84,44%) cao hơn so với nhóm ĐC (66,66%). Tỷ lệ đạt mức khá và tốt là 93,33% tương đương với kết quả của Nguyễn Bá Anh (94,5%), thấp hơn so với kết quả của Vương Thị Kim Chi (97,82%).
Sự tiến triển độ liệt của thang điểm Barthel ở 3 thời điểm N0, N15, N30 của mỗi nhóm có ý nghĩa thống kê (p<0,01). Số BN đạt loại A của nhóm NC là 51,11% cao hơn rõ rệt so với nhóm ĐC là 17,78% (p<0,05). Số điểm trung bình theo thang điểm Barthel mà nhóm NC cải thiện được sau điều trị so với trước điều trị là 34,22 ± 11,28 cao rõ rệt hơn so với nhóm ĐC là 23,44 ± 12,29 (p<0,01). Kết quả này cao hơn so với NC của Nguyễn Văn Vụ trước và sau điều trị chỉ số Barthel tăng được 23,33 ± 13,92.
Nhóm NC tỷ lệ BN có dịch chuyển độ liệt Orgogozo là 93,33% cao hơn so với nhóm ĐC là 84,44%. Tỷ lệ BN đạt loại A của nhóm ĐC là 13,33% thấp hơn so với nhóm NC là 28,89%. Kết quả cải thiện điểm trung bình Orgogozo sau điều trị của nhóm NC (74,44 ± 9,84) cao hơn rõ rệt so với nhóm ĐC (66,78 ± 12,58). Kết quả này cũng tương đương với kết quả của Trương Mậu Sơn (69,8 ± 20,4); của Mai Thị Dương (79,8 ± 15,6) và thấp hơn kết quả của Vương Thị Kim Chi (95,68 ± 4,3).
Kết quả trên được lý giải theo lý luận của YHCT như sau: bán thân bất toại là do khí hư huyết ứ gây nên, nguyên tắc điều trị phục hồi sau trúng phong là kết hợp biện chứng luận trị với các phương pháp hoạt huyết hoá ứ, thông kinh lạc, ích khí. Trong bài thuốc TMSLH, có sinh hoàng kỳ làm chủ dược được dùng với liều cao để bổ nguyên khí ở tỳ vị, khí hành thì huyết hành, vệ khí hành ở biểu giúp huyết lưu hành thông lợi là điều cốt yếu của phương thuốc này. Đan sâm liều cao để hoạt huyết hóa ứ làm thần. Xuyên khung, ngưu tất, địa long cùng đan sâm để hoạt huyết hóa ứ,
thông lạc. Câu đằng để thanh nhiệt, bình can tức phong, trấn kinh, trị chứng can phong nội động gây trúng phong, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, tăng huyết áp do can dương cang thịnh, câu đằng kết hợp với địa long để trị liệt nửa người. Uất kim để thanh can, hành huyết. Phục linh để kiện tỳ, lợi niệu, thẩm thấp, an thần. Trần bì để hành khí, táo thấp, giúp các vị thuốc hoạt huyết phát huy tác dụng; phối hợp với phục linh để trừ đàm; có tính ôn nên hạn chế bớt tính hàn của địa long; điều vị kích thích tiêu hóa. Các vị thuốc này đóng vai trò làm tá và sứ. Khí huyết lưu thông, cân cơ được nuôi dưỡng đầy đủ, điều chỉnh được sự rối loạn của các tạng phủ thì phần cơ thể bị bệnh sẽ dần hồi phục.
Trong NC này, bên cạnh việc dùng thuốc TMSLH, BN còn được kết hợp XBBH để tăng khả năng phục hồi, có tác dụng hồi phục dinh dưỡng nhu mô, chuyển hóa, điều hòa trương lực cơ, chống teo cơ, cứng khớp. Xoa bóp thông qua tác động lên da, cơ, gân, khớp, huyệt và kinh lạc nên có thể đuổi ngoại tà, điều hòa được dinh vệ, thông kinh lạc và điều hòa chức năng các tạng phủ.
Liên hệ với các nghiên cứu tác dụng các vị thuốc theo dược lý học hiện đại
cho thấy: Hoàng kỳ làm giãn mạch não, làm tăng cường lưu thông máu lên não. Địa long có tác dụng với hệ thần kinh trung ương, chống co giật. Dịch chiết ethanol toàn phần của đan sâm có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, có thể dùng điều trị bệnh Alzheimer.Danshensu, một hoạt chất trong đan sâm có khả năng vượt qua hàng rào máu - não nên được sử dụng để điều trị các bệnh mạch máu não. Khi dùng riêng biệt thì nồng độ danshensu ở các cơ quan giảm dần từ thận, tim, gan, não nhưng khi dùng kết hợp với nghệ thì nồng độ chất này thay đổi cao nhất ở thận rồi đến não, gan và cuối cùng thấp nhất ở tim. Như vậy, nghệ có thể làm tăng nồng độ của danshensu trong não và nên dùng phối hợp hai vị thuốc này trong điều trị khi cần tăng nồng độ danshensu ở não đặc biệt là các bệnh lý của não. Củ nghệ là một gia vị của Ấn Độ và được dùng làm thuốc với tác dụng chống oxy - hóa, chống viêm và có tiềm năng bảo vệ thần kinh. Dịch chiết nước nghệ có tác dụng dự phòng và điều trị Alzheimer. Curcumin trong thành phần của nghệ có tác dụng phòng ngừa quá trình lão hóa não và các rối loạn do thoái hóa thần kinh. Polypeptid chiết xuất từ nước sắc ngưu tất có tác dụng bảo vệ thần kinh, thúc đẩy tái sinh mô và phục hồi chức năng của dây thần kinh hông bị tổn thương gần tương đương với methylcobalamin (65mg/kg). Điều này cho thấy polypeptid có thể là một chất có tiềm năng trong việc tái sinh dây thần
kinh ngoại vi. Trong thành phần của ngưu tất có các chất chống oxy - hóa, thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa tổn thương của tế bào thần kinh, làm cải thiện trí nhớ. Nước sắc xuyên khung có tác dụng kéo dài giấc ngủ của chuột khi dùng kèm với barbiturat đối kháng với cafein. Xuyên khung có tác dụng phòng ngừa và điều trị thiếu máu cục bộ não trên thỏ, ức chế kết tập tiểu cầu trong ống nghiệm và điều chỉnh sự mất cân bằng tỷ lệ thromboxan A2 – prostaglandin I2 trong máu. Acid ferulic trong xuyên khung làm giảm diện tích vùng nhồi máu não. Chất Tetramethylpyrazine (TMP) – một hoạt chất trong xuyên khung có tác dụng bảo vệ thần kinh và ức chế chết tế bào theo chương trình thông qua tác dụng chống oxy - hóa trên mô hình gây thiếu máu cục bộ và tưới máu lại tủy sống thỏ thực nghiệm, tác dụng bảo vệ não khi thiếu máu cục bộ và tưới máu trở lại theo cơ chế gián tiếp dọn gốc tự do và ức chế hoạt hóa bạch cầu trung tính, bảo vệ não thông qua cơ chế chống viêm.