Kết cấu câu đề nghị bằng từ cứ

Một phần của tài liệu Các biểu đạt ngôn ngữ của hành vi trì hoãn trong tiếng anh và tiếng việt luận văn ths ngôn ngữ học 60 22 01 pdf (Trang 78 - 84)

CHƯƠNG 3: CÁC BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ CỦA HÀNH VI TRÌ HOÃN

3.2.2. Kết cấu câu đề nghị bằng từ cứ

Đó là những kiểu kết cấu có từ “cứ” biểu đạt hành vi trì hoãn hành vi nhằm kéo dài thời gian thực hiện hành động. Các kết cấu này thường xuất hiện dưới dạng các câu đề nghị mang tính trì hoãn. Kết cấu này thường có dạng:

- Cứ để + Câu đề nghị.

Ví dụ sau:

Hiền chộp lấy cơ hội ấy ngay. Nó thừa biết có đưa tiền cho Câm, Câm cũng không chịu lấy. Vậy là nó được…Nó hếch mặt lên, mắt quắc quáo như một con chó thấy miếng thịt và cái tay người chủ đang rử rử.

- Thật nhé ? Mợ trả tiền thật nhé.

- Trả người ta năm, sáu xu ăn quà.

- Thì đưa đây. Con chạy ra chỗ ông ấy ngồi đưa cho ông ấy.

- Mày biết ông ấy ngồi ở đâu ? - Con biết. Ở cột đèn ngoài kia.

- Đi đâu mà vội ! Cứ để đến lúc ông ấy về.

Hiền nũng nịu :

- Không ! Mợ cứ đưa con bây giờ. Con với ông ấy đang muốn ăn ngào bạt nạng.

[Người hàng xóm, Nam Cao]

Khi mẹ Hiền trì hoãn việc Hiền đưa trả cho ông Câm tiền bằng phát ngôn: Đi đâu mà vội ! Cứ để đến lúc ông ấy về, đề nghị cho hành vi trì hoãn đó là để đến lúc ông ấy về, người nói - Sp1 - muốn trì hoãn hành của Sp2 đến thời điểm mà mình đề nghị, trong phát ngôn này là đến lúc ông ấy về. Kết cấu này có kiểu câu như câu đề nghị nhưng nhằm biểu đạt ý trì hoãn.

Hay trong ví dụ sau:

Cụ Bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm ; người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười :

- Cái anh này nói mới hay ! Ai làm gì mà anh phải chết ? Đời người chứ có phải con ngóe đâu ? Lại say rồi phải không ?

Rồi đổi giọng, cụ thân mật :

- Về bao giờ thế ? Sao không vào tôi chơi ? Đi vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn :

- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn :

- Khổ quá ! Giá có tôi ở nhà có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng Lý Cường nóng tính không nghĩ trước, nghĩ sau.

Ai,chứ anh với nó còn có họ cơ đấy.

[Chí Phèo, Nam Cao]

Cụ Bá thật khôn ngoan khi đề nghị Chí Phèo : Cứ vào đây uống nước đã, để trì hoãn hành vi cứ nằm ăn vạ của Chí Phèo, rồi sau đó để cho đề nghị của mình có tính thuyết phục, cụ thêm : Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau.

Bằng kết cấu câu đề nghị có từ cứ, diễn đạt hành vi trì hoãn dưới góc độ đề nghị để thương lượng, trì hoãn hành vi sắp xảy ra, khi phát ngôn cứ làm gì đấy đi đã, đã có ý trì hoãn hành vi sắp xảy ra.

Trong ví dụ sau :

Thôi thì bây giờ mọi sự ông đã thương cho cháu cả rồi, hôm nay tiện được ngày, tôi cũng biện cơi trầu đến kêu với ông để ông cho cháu được lễ các cụ - trước là lễ gia tiên – sau là lễ bác nhà ta, sau nữa ông lại cho cháu lễ sống ông, (chẳng có tiền bạc gạo lợn, hay mâm cao cổ đầy thì cũng phải lấy đầu làm lễ gọi là chút lòng thành của con, cháu các cụ) – rồi xin phép ông để chúng tôi đưa cháu về nhà làm ăn.

Đáp lại bao nhiêu lời bóng bảy, xa xôi ấy, ông bố vợ chỉ trả lời gọn thỏn lỏn một câu :

- Vâng. Mời bà cứ ngồi chơi thư thả xơi nước, xơi trầu đã.

Rồi ông lại cất cao giọng bảo con :

- Hễ được nước thì bắc lên đây, con nhé ?

[Một đám cưới, Nam Cao]

Ông thông gia trong một đám cưới của Nam Cao, đã trì hoãn việc đón dâu của nhà gái bằng hành vi trì hoãn Mời bà cứ ngồi chơi thư thả xơi nước, xơi trầu đã

Bắt đầu kết cấu bằng từ mời, trong phát ngôn mời mọc, song diễn đạt hành vi trì hoãn, mời làm gì đó trước khi thực hiện hành động mà người nghe muốn người nói thực hiện tại thời điểm phát ngôn.

Hay trong ví dụ sau : Người con đã trì hoãn hành vi phải về nhà cùng mẹ để nghỉ hè bằng một câu đề nghị có tính chất trì hoãn như sau:

Mẹ tôi tin ngay. Người chỉ bảo:

- Nghỉ những ba tháng kia mà?...hãy nghỉ ngơi một vài tuần rồi lại học thì cũng được chứ sao? Chả lẽ đi quanh năm, đến lúc được nghỉ cũng không về thăm cửa, thăm nhà một tý? Không muốn ở nhà lâu thì cũng về chơi dăm, ba ngày.

Biết rằng từ chối không xong, tôi bèn tìm cách đánh lừa:

- Vâng, thế thì cũng được. Nhưng hôm nay con còn phải lại nhà ông giáo soạn sách cho ông ấy, nhân tiện mượn vài quyển về để học.

Vậy mẹ cứ về đi, độ mai hay ngày kia con về.

Còn nói làm sao được? Mẹ tôi định mang quần áo tôi về trước, nhưng tôi bảo: không định ở nhà lâu thì không cần đem quần áo.

[Truyện tình, Nam Cao]

Trong phát ngôn : Vậy mẹ cứ về đi, độ mai hay ngày kia con về, lại thấy xuất hiện yếu tố chỉ thời gian, các yếu tố chỉ thời gian này mang tính hứa hẹn cho việc thực hiện hành vi trì hoãn. Trong các phát ngôn trì hoãn thường xuất hiện các yếu tố thời gian như là một cơ sở cho việc trì hoãn hành vi nào đó sẽ ngưng hoặc hứa hẹn tiếp tục cho việc thực hiện hành vi đã trì hoãn đó.

Nếu không có yếu tố chỉ thời gian thì hành vi chỉ hoãn sẽ khó được chấp nhận. Nó như điều kiện để làm cho hành vi này có hiệu lực.

Hay khi được anh cu Thiêm rủ đi chơi, nhân vật tôi trong Thôi, đi về … của Nam Cao đã rất sốt ruột hỏi đi đâu vậy bác, để trì hoãn câu trả lời cho câu hỏi đó, anh cu Thiêm đã phát ngôn : Thì chú cứ đi, rồi sẽ biết.

Việc dùng kết cấu câu đề nghị có từ cứ đã làm cho hành vi trì hoãn có hiệu lực và được chấp nhận dù là miễn cưỡng nhưng người nghe cũng khó mà từ chối, đặt người nghe vào thế phải chấp nhận hành vi trì hoãn mà người nói đã đưa ra. Từ cứ làm cho phát ngôn có tính chất mệnh lệnh nhưng nghe không gay gắt trong ngữ điệu. Cứ cũng như là một lời đề nghị mang tính chất thương lượng cho hành vi nào đó thôi.

Thêm một ví dụ cho kết cấu này :

- Về chỗ của em trong Ðại Nội đi, dù nghỉ việc mấy tháng rồi, ông bảo vệ già vẫn chưa quên em đâu, có anh đi kèm ông sẽ cằn nhằn nhưng chỉ cần ít tiền lót tay là xong. Nào, mình qua bên kia sông nghe anh!

Thật hay đùa? ánh mắt nàng trong suốt đến không đọc được ý nghĩa khác thường nào vẩn lên trong ấy. Luân lập lờ:

- Gấp gì, trời còn đẹp lắm mà, cứ thả bộ như em vẫn thích, cứ nép sát vào anh cho đỡ lạnh.

Họ chầm chậm bưới dưới bóng râm những hàng cây. Ðêm quạnh vắng, cả thế giới cơ hồ im ngủ, chỉ còn mỗi hai người thức, kéo lê những chiếc bóng qua mặt đất hoang vu…

[Mưa bụi, Mường Mán]

Trong phát ngôn trì hoãn của ví dụ này, chúng tôi còn đề cập đến tính lập lờ của người phát ngôn. Xét đến chiến lược giao tiếp việc người nói đưa ra các lí do để lập lờ đòi hỏi phải chọn lựa, và hành vi trì hoãn chính là sự lựa chọn thích hợp cho việc đưa ra các lập luận lập lờ. Không muốn thực hiện lời đề nghị của người nói, người nghe đã đưa ra hành vi trì hoãn nhằm kéo dài thời gian thực hiện hành vi mà người nói đề nghị. Đây cũng là một chiến lược thể hiện sự lịch sự trong phát ngôn, đây chính là sự lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, nếu từ chối thẳng lời đề nghị của ai đó thì là cuộc thoại chấm dứt hay đấy không thực hiện được chiến lược lịch sự của mình. Người nghe đã dùng hành vi trì hoãn, cụ thể : Gấp gì, trời còn đẹp lắm mà, cứ thả bộ như em vẫn thích, cứ nép sát vào anh cho đỡ lạnh.

Trong thực tế giao tiếp, lắm khi chúng ta gặp các phát ngôn câu đề nghị bằng từ cứ mang tính chất trì hoãn như đã nói trên, song chúng có dạng tỉnh lược. Ví dụ như : Khi Độ nói với hai người bạn của anh : ..Tôi biết lắm…Nhưng lại đằng này đã, về làm gì vội ? Chúng mình làm cốc bia…

Khi nói nhưng lại đằng này đã, nếu cho từ cứ vào sẽ có dạng là : Nhưng cứ lại đằng này đã, về làm gì vội ? Điều này chứng minh rằng trong giao tiếp các kết cấu câu có thể xuất hiện ở dưới dạng cấu trúc đầy đủ cũng có thể để phục vụ cho nhu cầu giao tiếp người ta có thể tĩnh lược một số yếu tố nào đó trong câu mà xét trong điều kiện giao tiếp lúc đấy là không cần thiết. Nhưng chúng tôi cũng nhận ra rằng nếu kết cấu có từ cứ thì mức độ đề nghị của phát

ngôn mạnh hơn còn khi bỏ đi nó nghiêng về ý nghĩa câu đề nghị mang tính thăm dò hơn là câu đề nghị mang tính chất trì hoãn. Cũng khẳng định thêm là, khi nghiên cứu hành vi trì hoãn, chúng tôi nhận thấy đây là hành vi ngôn ngữ không được mong đợi nên tần suất xuất hiện của hành vi này trong phát ngôn không nhiều, xét về cấu trúc câu cũng không xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, khi nghiên cứu các kết cấu câu của hành vi trì hoãn, rất dễ nhầm lẫn với các kết cấu câu khác, vì ban đầu khi đề cấp đến và nghiên cứu để gọi tên kết cấu câu đề nghị bằng từ cứ mang tính chất trì hoãn chúng tôi cũng rất phân vân, sợ rằng sẽ gây khó hiểu cho người đọc, song đây là hành vi ngôn ngữ có sự đan xen với các hành vi ngôn ngữ khác, chúng thường xuốt hiện dưới các dạng hành vi ngôn ngữ chúng ta dễ nhận biết và gọi tên, ở đây chỉ xét ở góc độ ý nghĩa của hành vi ngôn ngữ đó mà thôi.

Một phần của tài liệu Các biểu đạt ngôn ngữ của hành vi trì hoãn trong tiếng anh và tiếng việt luận văn ths ngôn ngữ học 60 22 01 pdf (Trang 78 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)