Giọng điệu thương cảm trữ tình

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn võ thị hảo (LV00937) (Trang 61 - 76)

Chương 2 GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN VÕ THỊ HẢO

2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Võ Thị Hảo

2.2.2. Giọng điệu thương cảm trữ tình

Khuynh hướng trữ tình là một dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long… và gần đây là những cây bút như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bảng… kế thừa và phát triển chất trữ tình từ những cây bút đàn anh, các cây bút nữ thời đương đại như: Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Hảo… đã làm nên một chất giọng trữ tình giàu màu sắc nữ tính trên văn đàn. Chính nhờ chất giọng này mà truyện ngắn của các nhà văn nữ mang đậm chất thơ và có chiều sâu cảm xúc.

Truyện ngắn của Võ Thị Hảo có một gam màu rất riêng, nhẹ nhàng mà thấm thía. Truyện của chị ít có tình huống gay cấn, nhưng lại có khả năng lắng đọng, hút hồn người đọc bởi sự phong phú của thế giới nội tâm, những khám phá đặc sắc ở mọi “ngõ nhỏ” trong tâm hồn nhân vật. Đặc điểm đặc sắc nhất trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo chính là sự da diết của tình đời, tình người bởi nó được chắt lọc, thăng hoa từ tâm hồn rất thật của một phụ nữ đa cảm.

Xã hội hiện đại diễn ra quá trình xâm lấn ồ ạt của lối sống mới, tư duy mới làm đảo lộn hàng loạt quan niệm về giá trị đạo đức. Nhưng dù văn học có là phiên bản thứ hai sóng đôi cùng xã hội nhuốc nhem thì nhiệm vụ của loại hình nghệ thuật ngôn từ vẫn phải kiếm tìm hạt ngọc ẩn dấu bên trong tâm hồn người, di dưỡng nhân cách, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và con

người ngày một hoàn thiện hơn. Với thiên chức đó, truyện ngắn Võ Thị Hảo cố gắng đi sâu vào từng ngõ ngách, khám phá số phận con người, chắt lọc và nâng niu những điều tốt đẹp vẫn âm thầm tồn tại giữa dòng đời ô trọc.

Nếu so sánh truyện ngắn của các nhà văn nữ đương đại ta thấy ở họ có rất nhiều giọng điệu khác nhau, tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn người đọc.

Nhưng dù có cùng chung một giọng điệu thì ở mỗi nhà văn lại có cá tính sáng tạo của riêng mình, mang đậm hồn văn của mỗi người nghệ sĩ. Trong truyện ngắn của Y Ban, người ta thấy nỗi bật là giọng trữ tình đằm thắm, nhẹ nhàng, tâm tình, lãng đãng buồn nhưng lại da diết tình đời, tình người. Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, thì giọng điệu này cũng rất nổi bật nhưng mang đậm ngôn ngữ sông nước miền Tây.

Còn trên những trang viết, qua giọng thương cảm trữ tình Võ Thị Hảo luôn chỉ cho người đọc thấy những góc khuất trong đời sống xô bồ. Cái đói, cái rét cả nỗi cô đơn sẽ có thể vượt qua nếu con người tìm được sự cảm thương nơi đồng loại. Hai con người đáng thương như “hai cái cây bị đánh bật hết rễ” trong truyện Người gánh nước thuê đã “biết tựa vào nhau để đỡ đần”, họ tìm được hơi ấm tình người trong những ngày tháng cuối cùng “ở trọ” trần gian.

Giọng thương cảm trữ tình thể hiện rất rõ khi nhà văn miêu tả cuộc sống của những người phụ nữ bất hạnh trong Trận gió màu xanh rêu. Họ sống không biết ngày mai sẽ ra sao, tương lai đối với những người đàn bà có bàn tay “to xù và sần sùi như tay đàn ông” [19, tr.19] không có gì khác với những ngày buồn thảm mà họ đang sống. Nhưng cái làng Đẽo, “làng Goá” ấy vẫn sẽ tồn tại, sẽ là nơi gắn bó của những người đàn bà bất hạnh không còn chốn nương thân. Cuộc sống nơi đây thiếu vắng đàn ông và “không biết đến điện đóm, ti vi, nhà hàng, đặc sản” [19, tr.23] không có trường lớp chữ nghĩa.

Chính điều đó đã biến những người phụ nữ trở nên lầm lũi, hàng ngày còng

lưng đẽo đá và mong chờ một ngày giỗ chồng chung cho cả làng. Nhưng ai đến đây cũng có cơm để ăn, có áo để mặc, có người để “khóc góp”, “giỗ chung” cho vơi bớt nỗi nhọc nhằn đau khổ. Có bao nhiêu người chết trận và có bao nhiêu làng Đẽo mà ở đó có những người đàn bà với đôi tay nổi bật vì nó to xù và sần sùi như tay đàn ông, cùng nhau chít khăn trắng, đầu đội mâm cỗ kéo nhau tới bệ đá trước tượng đài ở chân núi để làm giỗ chung. Chiến tranh thực sự đã mang đến nỗi đau và sự mất mát quá lớn không gì có thể bù đắp được cho con người, chiến tranh toả ánh hào quang là thế, nhưng phải trả với giá quá đắt ở cuộc sống của những người thiếu phụ chờ chồng. Nỗi đau không dễ gì mất đi, nhưng dám nhìn thẳng vào mặt trái của triến tranh cũng là một cách thể hiện, một thái độ thẳng thắn tiếng nói của chính giới mình, để biết trân trọng hơn những chiến công, để thấy được ý nghĩa của cuộc sống hoà bình. Mặc dù chiến tranh đã qua đi, nhưng đằng sau cái vẻ bình yên của cuộc sống hiện tại, lại có không biết bao người đang bị giày vò trong những mất mát không gì có thể bù đắp nổi, nó đã để lại vết sẹo hằn sâu nơi trái tim những người phụ nữ, để rồi mỗi khi nhắc tới, họ lại dường như không thể chịu nổi bởi sự gợi lại vết thương lòng mà họ đã cố đào sâu, chôn chặt.

Hoặc như trong câu chuyện kể về sự bất hạnh như cô hàng xóm mù xinh đẹp. Làn môi đồng trinh thấm đẫm giọng thương cảm trữ tình khi nhà văn kể về cuộc đời của một cô gái bị mù bẩm sinh cả hai mắt. Chính Hằng cảm nhận rất sâu sắc nỗi đau, sự bất hạnh là một kẻ tật nguyền khi “một đứa con gái đã hai mươi chín tuổi mà mỗi khi ra đường mẹ vẫn phải dắt. Ăn cơm, cô gái hai mươi chín tuổi ấy còn đưa nhầm thức ăn vào mũi. Và đã hai mươi chín tuổi rồi mà chưa hề biết đến một nụ hôn!”. [17, tr.88]. Số phận ngang trái và cũng là bi kịch đối với Hằng đó là tạo hoá ban cho cô quyền được làm người, thế nhưng từ những việc đơn giản nhất như việc ăn, mặc, Hằng còn không chủ động làm được thì những điều thiêng liêng như tình yêu đôi lứa

làm sao cô có thể kiếm tìm được cho mình. Chỉ có những trái tim nhân hậu, biết đồng cảm với nỗi đau của kẻ khác mới có “một cảm giác mới lạ xâm chiếm tâm hồn”, “cảm giác không thanh thản” trước nỗi đau của người khác.

Cuộc đời có quá nhiều cám dỗ, quá nhiều thú vui hoan lạc, người ta mải mê hưởng thụ cho mình chứ mấy ai có đủ can đảm “dám cúi xuống bên một người tàn tật và mang đi trên đôi cánh tay hữu hạn của mình tình yêu cũng như nỗi đau của một kiếp khác?” [17, tr.95]. Điều kỳ diệu xảy ra trong câu chuyện không dừng lại ở tấm lòng trắc ẩn của chàng trai khi giúp cô gái mù loà lấy lại niềm tin vào cuộc sống mà còn là sức cảm hoá diệu kỳ của cô gái mù, “khi đặt chiếc hôn lên môi người con gái mù loà ấy, cậu có cảm giác hoàn toàn thoát ly nhục thể (...) và khi cô gái lả đi trong tay cậu, cậu bỗng có cảm giác muốn đem lồng ngực rộng của mình ra che chở cho nàng (...). Cậu thầm cảm ơn cô, bởi vì trên làn môi ấy, chính làn môi đồng trinh nhạt màu ấy cậu đã được nếm trải cái hôn của chúa ban cho loài người” [17, tr.101]. Viết về những mong ước kì lạ của Hằng cũng chính là cách Võ Thị Hảo bày tỏ niềm cảm thương vô hạn đối với cô gái, ở đó có sự chia sẻ và sự thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau của cô.

Giọng điệu thương cảm trữ tình là giọng chủ đạo khi nhà văn viết về những con người không may mắn trong cuộc đời. Cũng như Hằng, Tâm trong truyện Máu của lá, là một người bất hạnh và mang nỗi đau của một kẻ tật nguyền ngay từ khi mới sinh ra đã không được lành lặn, toàn vẹn về dung mạo, dáng hình. Tâm là “Cô gái nhỏ xíu chỉ cao khoảng hơn một mét. Ngực lép, đôi mắt tròn mở rưng rưng. Làn môi trên hằn một vết sẹo trắng kéo miệng hơi xếch về bên trái. Có lẽ đó là vết sẹo vá môi… môi dưới mọng đỏ hơi lõm giữa như một lúm đồng tiền nhỏ xíu thoảng qua, chia thành đôi cánh hoa nũng nịu… Dáng đi khập khiễng của cô khiến người ta nghĩ đến con chim sâu đang nhẩy chon von trên đường, mỏ cắp một cành lá lệch người” [19, tr.132 - 133].

Cô cho rằng “tạo hoá đã say rượu” khi nặn ra mình nên cô luôn mặc cảm, luôn có cảm giác mình là người thừa, mỗi khi có khách đến nhà, Tâm luôn tìm cớ lánh mặt. Hồi mười bốn tuổi cô suýt uống cạn bát nước lá trúc đào, bởi đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy toàn thân mình hiện mồn một trong tấm gương bố mới mua về. Trớ trêu thay, trời đã sinh ra Tâm một kẻ tật nguyền, lại còn thổi vào cái vỏ tật nguyền đó một lương tri. Thế nên cô cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau, nỗi bất hạnh của cuộc đời mình. Thế nhưng ở đây người đọc lại biết đến những con người quên mình vì hạnh phúc của người khác, những con người không thanh thản nhắm mắt khi chưa hoàn thành tâm nguyện với người ở lại. Tuân, người anh trai có cô em gái tật nguyền, trong giờ phút hấp hối không nói về mình, chỉ kể về cô em gái với ánh mắt cầu khẩn nhờ cậy người bạn thay mình đóng vai chàng trai ẩn danh viết thư tình cho cô em gái - những bức thư kéo dài sự sống. Và Huân, người bạn đã được trao gửi nhiệm vụ thiêng liêng, khi biết mình sắp chết cũng cố công tìm người thay thế. “Tìm người có đủ lòng tốt để kéo dài một công việc khá kỳ quặc, nhẫn nại, thêu dệt những cuộc tình thơ mộng không để cho mình”. Công việc hơi trái tự nhiên và khó tin kia lại là điều có thật ngay trong cuộc sống nặng

“mùi tục luỵ”, phố phường đặc ngầu tiếng chửi thề văng tục. Những bức thư ba người đàn ông thay nhau viết như Chiếc lá cuối cùng có sức mạnh cứu vớt một tâm hồn đa cảm đang hoang mang chống chếnh về lẽ sống. Chiếc lá cuối cùng ấy còn đem lại cho người đọc niềm tin vào những điều thánh thiện trong cuộc đời này. Trong những mảnh đời tật nguyền tội nghiệp ấy, Võ Thị Hảo luôn tìm thấy những khát khao mãnh liệt mà đau thương của họ. Những khát khao nhỏ nhoi, tầm thường, thậm chí kì dị cũng không dành cho họ, chỉ có nỗi thương xót vô hạn của nhà văn trong mỗi lời kể về cuộc đời họ.

Đọc truyện ngắn của Võ Thị Hảo thấy chị dành khá nhiều trang viết về chủ đề chiến tranh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hiện thực thảm khốc

của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí dân tộc. Vẫn còn những mảng hiện thực của chiến tranh chưa được khám phá hết, chưa được vén màn sự thật do chịu ảnh hưởng của tư duy sử thi một thời chỉ quen nói đến thành công chiến thắng mà quên nhắc đến mất mát đắng cay. “Một đất nước năm mươi năm không ngớt tiếng súng thì không khí chiến tranh in đậm trên gương mặt văn học là lẽ đương nhiên” (Xuân Thiều). Độ lùi về thời gian quả thực vẫn chưa thể nào hàn gắn những ám ảnh ăn sâu vào tiềm thức của chị. Nhà văn cảm thấu rõ rệt nỗi đau còn đeo đuổi bám riết và hành hạ những người tưởng như may mắn thoát chết trở về sau cuộc chiến. Họ tiếp bị dày vò về thể xác, giày xéo về tinh thần, chơi vơi giữa dòng xoáy định mệnh. Bằng giọng điệu thương cảm, không ít truyện ngắn của chị đã thẳng thắn đề cập một phương diện luôn hiện hữu trong bất kỳ một cuộc chiến nào, đó là sự khốc liệt và tàn nhẫn.

Nếu gương mặt chiến tranh trong Người sót lại của Rừng Cười mang nụ cười méo mó man dại thì ở Hồn trinh nữ đó là khuôn mặt không biết cười, ánh mắt lạnh lùng như thép. Hạnh phúc trên đời này đều giống nhau còn nỗi đau thì có muôn hình vạn trạng. Người trinh nữ sinh ra trong gia đình có hai kiếp chờ chồng, đến lượt nàng cũng lại mòn mỏi ngóng trông… Mười bảy năm chờ đợi tưởng rằng đã đến được hạnh phúc vậy mà trong đêm tân hôn

“nàng như ngửi thấy mùi tanh lợm của máu và trên mặt nàng như vừa có làn hơi lạnh toát của những oan hồn vừa lướt qua” [17, tr.80]. Có lẽ câu chuyện sẽ là cổ tích có hậu nếu như chiến tranh không trả về một người chồng không biết cười, lạnh lùng, chỉ quen chém giết. Hạnh phúc không thành hiện thực, người chồng bỏ đi biệt xứ. Có thể anh đã tìm đến vua đòi đền tội, cũng có thể anh đã bị vua giết bằng chiêu thức anh thường làm khi vâng mệnh và rất có thể anh lại lao vào cuộc chém giết mới. Cuộc đời thật không thể lường hết.

Chỉ còn người trinh nữ âm thầm sống như cái bóng. Nàng đã mất đi quyền được hưởng hạnh phúc, quyền được làm vợ làm mẹ. Mãi mãi nàng vẫn là một

trinh nữ để khi chết đi biến thành “một loài cây thấp loà xoà màu xanh bàng bạc và nở những nụ hoa tròn tròn màu tím buồn man mác” [17, tr.85]. Dù vậy vẫn luôn lo sợ “người ta sẽ lại gửi đến cho em đôi bàn tay đầy máu và khuôn mặt người yêu xưa không biết cười” [17, tr.86]. Như vậy, có thể thấy bi kịch trong và sau chiến tranh đối với người phụ nữ ở sáng tác của Võ Thị Hảo đã trở thành một vết hằn sâu. Thấu hiểu được tâm trạng và nỗi lòng của những người phụ nữ phải gánh chịu những đau thương mất mát quá lớn ấy, nhà văn không chỉ hướng ngòi bút vào việc lên án chiến tranh mà còn thể hiện sự cảm thông sẻ chia và đó là tiếng nói tri âm của người đồng giới.

“Chiến tranh có thể là trò đùa nhưng mất mát là cái có thật. Cuộc đời có thể là tấn tuồng nhưng đau khổ không bao giờ là màn kịch cả” (Chu Lai - Ăn mày dĩ vãng). Ra khỏi cuộc chiến thân phận mỗi người đều bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng không ai giống ai nhưng đều tìm gặp ở trạng thái cô đơn không thể hoà nhập với cuộc sống. Người lính trong Dây neo trần gian trở về trong nỗi ám ảnh thường trực về cái chết. Tiểu đội của anh đã từng tắm mình trong màn sương chất độc hoá học để rồi “Mười hai người còn năm vào năm 1976, rồi còn bốn vào năm 1989, đến 1991 còn ba, 1992 còn hai. Và bây giờ đến lượt anh” [19, tr.72]. Cái chết như truy đuổi đến cùng bởi sợi dây neo anh với trần gian đang dần “đứt bay loã toã”. Anh sống tựa như một bóng ma.

Nhưng dù sao anh vẫn còn một điểm tựa tinh thần, một sợi dây ràng buộc kéo giữ anh vào cuộc đời.

Còn người lính trong truyện ngắn Biển cứu rỗi không được như anh.

Trở về sau chiến tranh niềm tin của anh hoàn toàn bị đổ vỡ. Bởi chờ đợi anh không phải là nàng Tô Thị thuở trước, trong căn nhà tối om nghèo nàn là ba đứa trẻ lít nhít gương mặt hoàn toàn khác nhau. Đứa con gái ruột mười lăm tuổi “nụ cười chưa hết hơi sữa nhưng đã mang hơi hướng đổi chác” [19, tr.40]. Anh chua chát nhận ra quy luật khắc nghiệt “Ra thế! Ngôi nhà bên

đường chiến tranh. Động mạch của chiến tranh… Số phận không dành cho anh người đàn bà bạc tóc chờ chồng. Những đứa trẻ khác bố. Những cuộc giao hoan vội vã thoảng mùi chết chóc trước khi đi vào họng tử thần. Thù lao sang nhất có lẽ là những phong lương khô và vài bộ quần áo Tô Châu” [19, tr.40]. Ngày trở về đáng ra là hạnh phúc nhưng lại là ngày ra đi. Ngày đầu tiên sau chiến tranh anh đã bị hất trả lại, bị tước mất con đường trở về cuộc sống bình thường. Thời hậu chiến với những mảnh vỡ, rạn nứt của niềm tin đẩy chúng ta vào trạng thái bất ổn, nghi ngại trước vô vàn điều có thể xảy đến vượt quá sức tưởng tượng của con người. Người đọc thấy lúc này giọng điệu trần thuật đầy chia sẻ, cảm thông với người lính của nhà văn.

Có giọng người trần thuật đầy chia sẻ, cảm thông trong: Trận gió màu xanh rêu, Gió hoang, Vầng trăng mồ côi... Có niềm thương xót đến tê dại, đớn đau khi chứng kiến sự hủy hoại ghê rợn của chiến tranh đối với tuổi xuân của những cô gái ở khu rừng Trường Sơn hoang lạnh trong Người sót lại của rừng cười. Từ sâu thẳm của miền nội tâm nhân vật, nhà văn đã phát hiện ra những bí ẩn của hiện thực chiến tranh. Nó đã cướp đi tuổi trẻ, vẻ đẹp thanh xuân của những cô gái nơi chiến trường: “Một kho quân nhu và bốn cô gái náu mình dưới những tán lá cây rừng Trường Sơn. Bốn cô gái trẻ măng nhưng mái tóc chỉ còn là một dúm xơ xác” [19, tr.87]. Không chỉ tàn phai sắc đẹp và tuổi trẻ, chiến tranh còn dồn đẩy con người vào hoàn cảnh khốn cùng đến mức điên loạn. Các cô gái bị lãng quên trong bom đạn vì thiếu vắng đàn ông nên mắc phải căn bệnh cười quái ác. Một hôm ba người lính đến kho lĩnh quân trang bỗng chùn chân vì tiếng cười man dại. “Gần đến chòi canh kho, bỗng “soạt” rồi “huỵch” - hình như có con vượn trắng vừa nhảy từ chòi canh xuống và lẩn vào đám lá. Ba người tản ra một người chui vào bụi đuổi theo con vượn. Anh ta đang ngơ ngác nhìn ngược nhìn xuôi thì “phốc” một đôi tay từ đâu đã ghì chặt lấy cổ và sau gáy anh vang lên tiếng cười man dại lúc nãy”

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn võ thị hảo (LV00937) (Trang 61 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)