Chương 3 NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN VÕ THỊ HẢO
3.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Võ Thị Hảo
Ngôn ngữ là chất liệu cơ bản của văn học. Ngôn ngữ văn học bao giờ cũng mang tính nghệ thuật cao bởi nó có nguồn gốc từ ngôn ngữ nhân dân được nhà văn chọn lọc, gia công gọt rũa với ý thức làm cho ngôn ngữ mang giá trị văn chương. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn đều lựa chọn sử dụng ngôn ngữ để xây dựng nên tác phẩm của mình. Vì vậy mỗi nhà văn thường có một phong cách ngôn ngữ riêng. Chính ngôn ngữ là một trong những yếu tố đặc trưng thể hiện cá tính, phong cách, tài năng của nhà văn.
Với sứ mệnh cao cả của một nhà văn, Võ Thị Hảo cũng như bao cây bút nữ khác đổ dồn tâm huyết vào chất liệu ngôn từ. Cái sắc sảo, tinh tế
nhưng chi tiết tỉ mỉ trong cách dùng từ đúng như bản chất của họ đã làm ấm lòng người đọc trước cái lạnh giá của cuộc đời. Như con tằm rút ruột nhả tơ, Võ Thị Hảo lặng lẽ nếm trải “lá dâu” của đời mà trả lại cho đời những sợi tơ óng ả - ấy là chất dung dị, đời thường nhưng sâu sắc và thấm thía được nhà văn ký thác qua từng lời văn, câu chữ.
3.2.1. Ngôn ngữ nhân vật
Lời văn của một tác phẩm văn học thường được cấu tạo bởi hai thành phần: ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả. Ngôn ngữ nhân vật tồn tại dưới hai hình thức: đối thoại và độc thoại.
3.2.1.1. Ngôn ngữ đối thoại
Để biểu đạt nội dung tác phẩm, các nhà văn thường sử dụng hình thức đối thoại, vì lẽ “Đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp”. Tùy cách xử lý của từng nhà văn mà đối thoại được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, hoặc theo hình thức phân vai, hoặc được nhấn mạnh nhờ những chỉ dẫn của người kể nhằm giản lược hoạt động giao tiếp. Cũng có trường hợp, người kể biến lời thoại của nhân vật thành lời của bản thân. Đấy chính là tính chất nhiều giọng của văn xuôi thời kỳ đổi mới. Văn học hậu hiện đại xác lập một sự biến đổi lớn về ngôn ngữ đối thoại so với giai đoạn trước. Lớp ngôn từ hoa mỹ, chau chuốt, nặng tính triết luận bị lấn át bởi thứ ngôn ngữ đời thường dân dã, thậm chí suồng sã và thô mộc. Dù không được gia công đẽo gọt nhiều nhưng lớp ngôn ngữ này mới tương xứng với mỹ cảm của con người hôm nay.
Trong truyện ngắn của Võ Thị Hảo tỷ lệ lời văn đối thoại không chiếm số lượng lớn so với lời độc thoại nội tâm. Với quan niệm con người mang tính lưỡng trị chính - tà; thiện - ác luôn tồn tại trong nhau nên nhân vật trong tác phẩm của chị cũng không phân tuyến mạnh mẽ rạch ròi. Do đó, các cuộc đối thoại diễn ra không quá gay gắt, dữ dội; các vấn đề đối chất cũng không quá
cấp thiết, nóng bỏng nhưng luôn đạt được đích đến là nhận chân, thức tỉnh về cuộc sống hiện tại.
Thiên tính nữ từ nhà văn lan truyền khiến lời nói của nhân vật nhẹ nhàng, mềm mại tinh tế, xen vào đó là cảm xúc sẻ chia hay giận hờn, oán trách. Các nhân vật khi nhập cuộc đối thoại gọi nhau bằng các đại từ thân thuộc, gần gũi, chứa chan tình cảm: chàng - nàng, anh - em, mẹ - con, cháu Lớn cồ - Dì bé bỏng… Hoặc nếu có xưng hô mày - tao thì chỉ có ở những kẻ mang sẵn lòng hận thù, căm giận. Số này không nhiều trong truyện của Võ Thị Hảo. Tuy không có những lời “khẩu chiến tóe lửa” như truyện của Nguyễn Huy Thiệp, ngôn ngữ đối thoại của truyện Võ Thị Hảo vẫn cho thấy các góc cạnh phức tạp của cuộc sống đương đại. Không cổ súy cho xu thế hủy diệt ngôn ngữ như kịch phi lý, Võ Thị Hảo để cho nhân vật của mình ăn nói rất chỉn chu trong từng cách dùng từ, lối diễn đạt. Tính chất mềm mại trong đối thoại ngay cả khi xung đột trong quan điểm hệ hình tư tưởng khiến khoảng cách đối thoại dường như không còn tồn tại khi các nhân vật nói chuyện với nhau.
Khát của muôn đời minh chứng rất rõ cho điều ấy. Đây có thể xem là tác phẩm thành công xuất sắc trong nghệ thuật xây dựng lời thoại giữa các nhân vật. Toàn bộ câu chuyện được triển khai không phải bằng cách xây dựng tình huống hay xử lý tình huống mà hoàn toàn được dẫn dắt bởi cuộc chuyện trò giữa linh hồn cây chanh H’Điêu và Trời. Vị thế đối thoại chẳng còn chút ý nghĩa nào dù hai nhân vật có thân phận khác biệt nhau: một bên là người bình thường được hóa kiếp, một bên là đấng siêu nhiên đầy quyền uy. Hóa thân thành một chàng trai phàm trần để nếm trải mùi vị của tình yêu, Trời đã nhận được vô khối hiểu biết từ người con gái đã “giác ngộ” trong thế giới tình yêu.
Đặt chân xuống hạ giới, Trời ngây ngô như một đứa trẻ, ngỡ ngàng trước thực tế không như mộng ước và lại càng vụng dại trước bài học tình yêu. Mỗi lần
hỏi là mỗi lần Trời như bừng tỉnh về giá trị thực ở đời. Quyền uy, sức mạnh của Trời có vẻ dư thừa, bất lực trước những sự thật đau lòng đang mặc nhiên tồn tại ở dương gian. Nhưng đó mới là bản chất thực dù phức tạp của cuộc sống mà không phải cứ có phép thuật là giải quyết dễ dàng:
- Chàng hỏi tại sao em biến thành cây chanh ư? Bởi vì trong đời, em chưa từng được hưởng hạnh phúc. Trái còn xanh có bao giờ ngọt? Hạnh phúc chưa kịp dừng cánh trên đầu em đã vụt bay qua! Vì sao ư? Bởi vì em là H’Điêu chứ không phải là một người khác. Vị chua của trái chanh H’Điêu làm cho những kẻ tầm thường nhăn nhó - những kẻ chỉ muốn nhận về mình tất cả những ngọt bùi của thế gian này. Và bởi vì nếu tất cả mọi trái cây đều ngọt, hỏi cuộc đời này còn hấp dẫn chàng nữa chăng? Vì sao nữa ư? Giữa mùa khô suối cạn, rừng chói chang một màu lá đỏ, nếu không có cây chanh H’Điêu liệu giờ này chàng có còn không? Trước chàng, em đã cứu bao kẻ khác. Bao cô gái bị lỡ làng, phụ bạc đã lần đến bên em, hái chanh ăn cho đã cơn khát, rồi úp mặt xuống chân em mà khóc. Em đã bao lần oằn mình đau đớn khi cảm thấy cái thai vô tội đang thúc trong bụng các cô gái đó đợi ngày ra đời, trong khi mẹ chúng chỉ muốn kết liễu cuộc đời mình. Trái cây em đã làm nỗi đau trong tim họ dịu lại. Và sau rồi ai đã ăn trái chanh H’Điêu, người đó sẽ biết quên mình, và vì vậy người đó sẽ biết yêu! [17, tr.111].
Trời vội vàng ngăn lại:
- Ồ, không nên, không nên yêu theo kiểu H’Điêu. Nàng đã bị bất hạnh đến
thế, sao còn tạo ra những H’Điêu khác làm gì? Chốn phàm trần này chưa đủ máu và nước mắt sao? [17, tr.111].
Mắt người đẹp long lanh. Nàng sôi nổi nói:
- Cứ cho là như vậy! Nhưng thử hỏi thế gian này không còn ai biết mình, không còn ai si mê, không còn tìm đâu ra một kẻ biết yêu; đàn ông và
đàn bà chỉ đến với nhau, vì xác thịt, ở trong ngực mọi người chỉ là những trái tim băng giá, chẳng còn những H’Điêu không quản cái chết đi tìm người yêu, thì liệu có đáng còn thế giới này chăng? Thế giới nhi nhúc con cháu Y Nhớt!
Thật đáng sợ! [17, tr.111 - 112 - 113].
Lối đối đáp, cách lập luận quá chặt chẽ, kín đáo của H’Điêu thực khiến Trời thấm thía mãi. Những thang bậc giá trị ở đời đã có dấu hiệu lung lay không bền vững. Đâu là chân trị đích thực của cuộc sống, đâu là Tội ác và Trừng Phạt… tất cả cần được nhìn nhận và xem xét lại, tuyệt nhiên không thể đánh giá giản đơn, dễ dãi.
Chiến tranh đã gây nên cái “kết” buồn cho muôn vàn số phận. Từ sự hủy diệt của chiến tranh, có người đã nằm lại nơi rừng thiêng thâm u, có người trở về nhưng thiếu hụt một phần cơ thể, cũng có người bước ra khỏi chiến trường khi tâm hồn đã bị đâm toạc, rách nát. Những số phận con người trong thời chiến – thời bình, trong mối quan hệ tình người – tình yêu đều được
“Người sót lại của rừng cười” ghi lại rất chân thực, chi tiết, từ đó cất lên những thông điệp về số phận con người trong guồng quay của xã hội. Nhưng thành công của Người sót lại của Rừng cười ở chỗ đã đưa được bi kịch của Thảo đến điểm đỉnh của nó. Trong khi các cô gái khác bộc lộ, Thảo đè nén, cất giấu tình cảm của mình. Hơn nữa, cô luôn tỏ ra đạo đức, một thứ đạo đức thái quá, bệnh hoạn. Chỉ xem cô phản ứng trước cái nhìn của Thành “lướt qua thân hình gầy gò trong bộ quân phục lạc lõng, qua làn môi nhợt nhạt, mái tóc xơ xác của cô” [19, tr.98], đủ thấy ở cô có nhiều mặc cảm - mặc cảm tự ti của một người đàn bà đã mất đi sắc đẹp và tuổi trẻ, mặc cảm tự tôn của kẻ đã tham gia chiến đấu, đã hy sinh: “Thảo cảm thấy như vừa có cơn sóng lạnh buốt tràn qua ngực” [19, tr.99]. Thoắt chốc, mắt cô đong đầy nước tủi hờn. Cô nhìn sâu vào đáy mắt Thành:
- Anh không nghĩ rằng em sẽ như thế này, phải không?
- Anh không quan tâm đến hình thức. Chỉ cần em trở về.
- Không đúng. Em biết mình. Hôm nay, anh thật lòng mừng vì em đã trở về, nhưng ngày mai, anh sẽ thấy rằng yêu một người như em là hy sinh quá lớn.
- Đừng nói thế em. Anh đã chờ em ròng rã mấy năm!
- Đúng thế, nhưng giờ đây em giải thoát cho anh khỏi lòng chung thủy của anh”.
Việc Thảo không yêu Thành nữa, nhưng muốn “hy sinh” cho anh, là một hành động “cao thượng” của người con gái đã chịu nhiều hy sinh. Qua những mất mát của Thảo, người đọc thấm thía nỗi kinh hoàng của chiến tranh.
Dưới ngòi bút của Võ Thị Hảo, chiến tranh giết chết những người lính trẻ, nhưng khủng khiếp hơn, nó phá huỷ thân thể người nữ, tượng trưng của nguồn sống và tương lai loài người. Tác phẩm của Võ Thị Hảo tràn ngập những cơ thể phụ nữ trần truồng, thương tật, “chết trong những tư thế rất khác nhau. Một lưỡi lê cay cú đã đâm nát một bên ngực”, thậm chí vô sinh, bẩn thỉu, điên dại.
Ngoài ra nhà văn còn tái hiện các góc cạnh của đời sống tâm linh bằng cuộc đối thoại giữa con người với các linh hồn đã khuất. Ở Vườn yêu cô gái hồn nhiên lần đầu tiên rời khỏi vườn nhà để nhón gót vào vườn yêu đã gặp lại linh hồn người dì họ. Cuộc gặp gỡ giống như cuộc đối thoại thế hệ về tình yêu. Vườn yêu trong mắt thế hệ trước đầy cạm bẫy và tội lỗi, đầy những ma yêu chờ chực còn với cô bé vườn yêu luôn đầy mật ngọt hấp dẫn. Khi nhận ra Vườn yêu không phải lúc nào cũng tràn đầy hương thơm mơ mộng, cô vội vã trở về khu vườn nhà quen thuộc không dám mạo hiểm phiêu lưu lần nữa. Linh hồn dì Bản - người con gái dại dột chạy theo người đàn ông có vợ để chịu cái chết đau đớn, đã gợi cho cô bé lối thoát mà cái thế hệ trước không phải ai cũng dám. “Dì mỉm cười và tay giơ ra một ống tiêm to cỡ tiêm lợn. ống tiêm
đựng một thứ nước màu xanh cỏ úa… Muốn khỏi khổ hãy tiêm vào người một liều máu lạnh này. Và sẽ không còn kẻ nào làm cho các con khổ được”
[17, tr.13]. Nhưng khi cô ngoan ngoãn chìa tay, nhắm mắt chờ đợi thì thuốc tràn khỏi ống. Máu không chịu hoà huyết này!
Nắm bắt được tâm lí của người thiếu nữ lần đầu nhón gót vào tình yêu Võ Thị Hảo đã để cho nhân vật được đối thoại với các thế hệ trước để hiểu được bản chất của tình yêu. Chỉ qua hình thức đối thoại tâm linh này những băn khoăn trăn trở của cô gái mới được bày tỏ chân thành.
Chứng kiến những đổ vỡ niềm tin ở Vườn yêu và ở những thế hệ phụ nữ trong gia đình cô gái đã nhận ra rằng không thể lẩn tránh được tình yêu, phải chấp nhận tình yêu như nó vốn có, vừa ngọt ngào vừa đắng chát… Đây là một góc nhìn mới mẻ mà nhà văn đưa đến cho bạn đọc để làm phong phú hơn quan niệm về hiện thực tâm linh con người.
Câu chuyện trong Lãnh cung lại mở ra bằng không gian tối đen đặc quánh trong con mắt nhìn của Ngạn La. Nền nhà bỗng hoác ra thành miệng một hầm mộ, ở dưới đáy là đàn chuột dữ dằn cạnh ngổn ngang những bộ xương vừa bị gặm hết thịt da. Đó là bẩy mươi bẩy bộ xương của Hoàng Thái Hậu họ Dương và cung nữ đã bị Linh Nhân Ỷ Lan ám hại vì tranh giành quyền lực ngôi báu cho mình. Từ dưới nền đá xám lạnh Ỷ Lan cũng chỉ còn là bộ xương đang bị đàn chuột cắn xé đau buốt. Cuộc đối thoại giữa Dương Thái Hậu và Ỷ Lan giống như cuộc đối chất của lương tri.
- Ỷ Lan ngươi có biết đau không? [16, tr.91].
Linh Nhân Ỷ Lan cắn môi bật máu. Bà hất đầu kiêu hãnh làm cho chiếc mũ miện long lanh trong ánh sáng lạnh của hầm mộ:
- Tất nhiên là ta đau… Hoàng hậu họ Dương…! [16, tr.91].
Dương Thái hậu không đổi giọng:
- Da thịt con người mà… Ỷ Lan. Nhưng ngươi chỉ mới bị chuột cắn mười năm nay. Còn ta với bảy mươi sáu thị nữ thì đã trải qua năm mươi tư năm dưới hầm mộ. Năm mươi tư năm bị chuột cắn là bao nhiêu đời người…
hả Ỷ Lan? [16, tr. 92].
Linh Nhân cúi đầu im lặng. Những tia sáng rực rỡ của những viên ngọc dạ quang trên mũ miện cũng thoắt mờ đi. Dương Thái hậu cười nhạt:
- Ta đã làm nên tội gì hả cô gái hái dâu đất Kinh Bắc kia? Phải chăng tội của ta chỉ là đã tin ngươi và yêu thương Càn Đức con trai ngươi như con đẻ của ta? Ngươi đã nói những gì và làm những gì trong cái ngày đẫm máu đó? Nghiệt phụ? [16, tr.92].
Giọng Linh Nhân run rẩy, như chìm dưới nước:
- … Phải… Ngày ấy… ta đã nói cùng Càn Đức khi ta nhìn thấy cái mũ miện Thái hậu lấp lánh trên đầu ngươi… Con trai ơi, mẹ già khó nhọc mới có ngày nay mà bây giờ phú quí người khác được hưởng thế thì con để mẹ già vào đâu! [16, tr.92].
Dương Thái hậu ngắt lời:
- Từ một con bé hái dâu, ngươi đã một bước lên ngôi Nguyên phi cận kề bên đức Thánh Tông. Rồi khi Hoàng đế băng thì ngươi đã được tôn lên làm Hoàng Thái phi. Phú quí của ngươi cao chót vót, ân sủng của vua đã từ ngươi mà tưới đẫm cả dòng họ xứ quê mùa… Vậy mà lòng khao khát phú quí của ngươi còn chưa thoả ư…? [16, tr.93].
- Không. Với ta như thế chưa đủ. Ta muốn duy ngã độc tôn trong thiên hạ. Ta đã khiến đức Thánh Tông phải mê đắm nể trọng, nhất nhất theo lời. Ta muốn sai khiến được người duy nhất nắm giữ thiên hạ trong tay. Ta phải sai khiến được con trai ta. Không gì thích thú bằng khi thấy chỉ với một ngón tay út của bàn tay ta, cả giang san rùng rùng chuyển động. Ta phải buông rèm để
nghe chính sự. Ta đã làm được rất nhiều cho đất nước này. Ta là người đàn bà duy nhất mà sử sách phải lưu truyền mãi mãi … [16, tr.93].
Dương Thái hậu thét lớn:
- Câm ngay! Nghiệt phụ! Ta biết tham vọng khôn cùng của ngươi.
Ngươi quả là người đàn bà có trí tuệ và quyền biến có một không hai. Ta chưa bao giờ ngăn trở ngươi. Khi biết tính mệnh của mình bị lâm nguy, ta đã hạ mình van xin ngươi rằng ta xin khước từ ngôi Hoàng Thái hậu. Để mẹ con ngươi được an hưởng ngôi báu, ta xin vào chùa đi tu ăn chay niệm Phật, không bao giờ tưởng đến triều chính vàng lụa. Vậy mà ngươi vẫn không buông tha… [16, tr.93 - 94].
- Phải… Đức Thánh Tông hoàng đế băng ở điện Hội Tiên ngày Canh Dần tháng Giêng năm Thần Vũ thứ 4… Hoàng Thái tử Càn Đức con ta lên ngôi trước linh cữu khi mới bẩy tuổi. Bà không có công sinh ra hoàng đế mà được tôn là Hoàng Thái hậu, lại còn được buông rèm nghe chính sự. Còn ta, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau lại chỉ chịu phận Hoàng Thái phi thôi sao? Không. Ta muốn ta phải là ngôi thứ nhất! Vả lại, nếu không phải ta mà là bà buông rèm nghe chính sự, sự thịnh vượng của quốc gia này có được như ngày nay chăng? Kẻ ngáng đường ta, dù chỉ là vô tình, kẻ đó phải chết!
[16, tr.94].
Hoàng Thái hậu họ Dương cất lên một hồi cười khanh khách lạnh người:
- Chao ôi! Trời đất quỷ thần hãy nghe! Chỉ để cho một người đàn bà máu mê quyền lực, bước lên ngôi Hoàng Thái hậu mà đến nỗi phải nhúng ngập tay vào máu đến vậy ư? [16, tr.95].
Qua cuộc đối thoại hình ảnh oai phong quyền uy của bậc mẫu nghi thiên hạ giờ đây chỉ là thân xác khô tàn đang co rúm vì sợ hãi. Oan hồn của Thái hậu họ Dương và bảy sáu cung nữ bị Ỷ Lan bức tử đã phơi bày bản chất